Có lẽ không phải ai trong chúng ta cũng nhận thức được rằng dù là ai, mình cũng đang đại diện cho một thương hiệu nhất định. Đó có thể là bản thân chúng ta hay doanh nghiệp ta đang công tác và cao hơn là của một tập thể, một quốc gia. Một doanh nghiệp chỉ có thể phát triển và thành công khi mỗi cá nhân ý thức được vai trò đại diện của mình và có lối hành xử phản ánh tiêu chí của doanh nghiệp đó.
Một cá nhân chỉ có thể thành công khi hiểu được mình phải luôn phát triển và thể hiện bản thân cùng với tiêu chí của công ty. Vào một doanh nghiệp, nhìn thái độ và cách hành xử của nhân viên, bạn có thể đánh giá được tiêu chí phát triển của doanh nghiệp đó và phần nào cả tính cách của người chủ. Nhân viên có lịch sự, hiểu biết và tận tâm hay không là do có được dặn dò, huấn luyện tốt hay không.
Và người ta có được huấn luyện tốt hay không lại bắt nguồn từ việc người chủ có thực sự để ý, quan tâm đến cảm nhận của khách hàng hay không. Nếu thực sự quan tâm, họ mới để ý nhắc nhở và huấn luyện nhân viên theo đường lối đó.
Hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân
Hẳn bạn còn nhớ câu chuyện của John Galliano khi còn là Giám đốc sáng tạo của nhà Dior. Trong một lần say xỉn ông đã vạ miệng xúc phạm người Do Thái, và kết quả là bị hãng Dior sa thải. Nếu khi đó ông vẫn tiếp tục làm hoàng tử cưng của Dior, người ta thể nào cũng rút ngay ra kết luận: Ban giám đốc điều hành Dior hoàn toàn không quan tâm gì cả, ngoài lợi nhuận. Phân biệt chủng tộc là vấn đề cực kỳ nóng bỏng của nhân loại mà họ cũng chẳng để tâm.
Cũng theo logic đó, làm việc cho một công ty thời trang, bạn không thể ăn mặc xuề xòa. Là giáo sư, bạn không thể có hành vi và lời nói thiếu văn minh và chuẩn mực. Mỗi hành động của bạn đại diện cho tổ chức bạn đang thuộc về. Bạn đâu còn là bạn không ràng buộc, không vướng víu của thời còn đuổi bướm hái hoa nữa.
Khi cá nhân đại diện cho một quốc gia
Đó là trong tầm ảnh hưởng vừa phải. Còn tầm quốc tế? Bạn có bao giờ nghĩ rằng đôi khi mình mang trọng trách nặng nề trên vai, là gánh vác danh dự của cả dân tộc?
Tôi từng được nghe một bạn trẻ kể chuyện rằng trong chuyến roadtrip ở Mông Cổ, tám người trên xe mang đến năm quốc tịch. Không ai bảo ai, trên đường, họ tự khắc “gồng mình” chứng minh lòng tự hào dân tộc qua tính cách, tài vặt. Họ đều tự biết chỉ cần mình làm chệch đi một chút thì trong mắt cả đám còn lại, dân tộc mình bị nhìn sai, nhìn lệch mãi mãi.
Thật vậy, sau chuyến đi, họ không còn nhớ tên nhau, chỉ thỉnh thoảng nhắc lại về ông bà Đức khó tính hay gã người Anh hài hước, cậu người Mỹ buông tuồng… Chính là như thế. Bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia, ta không còn là chị A., anh B. nào đó được định vị rõ ràng với tất cả những chi tiết hoa hòe hoa sói chói lói chung quanh nữa. Người ta gọi ta là “cô người Việt Nam”, “anh người Việt Nam” và tất cả hành xử của chúng ta bấy giờ sẽ được đánh đồng với hành xử của một dân tộc. Và tệ hơn, người ta sẽ quy kết thành tính cách của một dân tộc.
Đôi khi không biết làm sao để gỡ bỏ được cái cười khẩy trên môi những anh bạn người nước ngoài khi có một cô váy áo xinh đẹp chen lên giành taxi, giành mua nước ở trong rạp phim hay lối vào thang máy trong mall… Họ chỉ là một, là một số nhưng rốt cuộc, tội nghiệp cho danh dự của một tầng lớp trí thức trẻ Việt vẫn bị quy kết là “thiếu văn hóa, không biết xếp hàng”.
Đám đông có quyền lực tuyệt đối với danh tiếng của một thương hiệu. Mà trong việc xây dựng một thương hiệu, còn gì quan trọng hơn danh tiếng và hình ảnh? Khi bước ra xã hội với trách nhiệm dù nhiều hay ít trên vai, bạn cũng phải vẫy tay chào cái thời thích gì nói nấy, thích gì làm nấy vô tư lự mà ý thức rằng mình đang đại diện cho một thương hiệu nào đó. Bạn đã sẵn sàng để đối mặt với đám đông chưa?
10 CÁCH XÂY DỰNG HÌNH ẢNH CÁ NHÂN
1. Lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ vừa phải ở hội thảo, event… hay những nơi tôn nghiêm. Không nói chuyện riêng khi đang nghe người khác thuyết trình. Không cắt ngang lời nói của người đối diện.
2. Trong các cuộc họp có sự tham dự của đối tác nước ngoài, tránh xì xầm, to nhỏ bằng tiếng Việt. Dù bạn có nói xấu họ hay không, họ vẫn có thể có cảm giác bạn thiếu tôn trọng và nói những điều không tốt về họ.
3. Tắt điện thoại khi vào tham dự cuộc họp, buổi hòa nhạc, rạp chiếu phim…, những nơi cần giữ im lặng.
4. Không xả rác bừa bãi hoặc lớn tiếng ở nơi công cộng. Cần ưu tiên người già, trẻ em và phụ nữ có thai.
5. Luôn đúng giờ.
6. Không phân biệt giai cấp, phỉ báng hay dùng quyền lực đối với những người xung quanh.
7. Tôn trọng những ý kiến đối lập với mình dù không đồng ý. Bạn có chủ kiến của mình nhưng không nên xem thường ý kiến của người khác.
8. Nên giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình.
9. Luôn ăn mặc chỉnh tề, lịch sự thể hiện sự tôn trọng đối với bản thân và với người mình giao tiếp.
10. Luôn cảm ơn những gì người khác làm cho mình dù là việc nhỏ và phải biết xin lỗi nếu làm sai.
Bài: Trương Quân – Ảnh: Reuters
Harper’s Bazaar Việt Nam