Lịch sử biểu tượng báo gấm Cartier: Quả ngọt của mối tình Louis Cartier

Sở hữu món trang sức mang hình tượng chú báo gấm của Cartier đồng nghĩa với việc khẳng định đẳng cấp quý tộc. Nhưng bạn có biết, đây lại là một thiết kế đến từ mối tình lãng mạn của ông Louis Cartier?

Rất nhiều các thương hiệu xa xỉ gắn liền với một loài linh vật. Đối với Cartier, biểu tượng dễ nhận diện của nhà mốt chính là chú báo gấm. Biểu tượng này chính thức xuất hiện trên các tác phẩm của thương hiệu từ cuối năm 1930, đầu 1940. Tuy nhiên, mối dây liên kết giữa chú báo gấm và Cartier có lịch sử thâm niên hơn như vậy nhiều.

Nhưng liệu Cartier chỉ chọn báo gấm vì nó…đẹp dũng mãnh, hay vì còn một ý nghĩa thâm sâu hơn? Hãy cùng Harper’s Bazaar lội ngược dòng thời gian để tìm hiểu vì sao chú báo gấm lại đóng một vai trò quan trọng như vậy đối với Cartier.

Giới thượng lưu mê mẩn họa tiết da báo

Show thời trang lông thú năm 1960. Ảnh: Getty Images

Từ thế kỷ 16 và 17, loài báo bắt đầu được giới thượng lưu Tây phương để mắt tới. Bộ lông tuyệt đẹp, lốm đốm tự nhiên, cực kỳ được săn đón để làm áo choàng lông. Nhưng vì chúng hiếm gặp, lại khó săn bắt, nên cái giá của những áo choàng lông báo luôn cực cao.

Tình trạng này kéo dài đến suốt đầu thế kỷ 20. Lúc này, họa tiết báo đốm được ưa chuộng không chỉ trong thời trang, mà còn trong thiết kế nội thất.

Một thiết kế nội thất của Elise de Wolfe cho Villa Trianon ở Pháp. Gối da báo được bà tận dụng. Ảnh: Pinterest

Năm 1907, nhà thiết kế nội thất Elise de Wolfe được mời trang trí khuôn viên Colony Club, một địa điểm giải trí của cánh phụ nữ nhà giàu New York. Bà chọn phong cách Art Deco và những họa tiết da báo để làm điểm nhấn chính. Decor xa hoa của Colony Club đã làm dấy lên cơn sốt báo đốm trong thời trang, trang sức, và thiết kế nội thất.

Loài thú tượng trưng cho vẻ đẹp nữ tính cao quý

Nhà sưu tầm đồng hồ và lịch sử gia George Cramer kể lại: “Trong đầu thế kỷ 20, hình ảnh báo gấm gắn liền với vẻ đẹp nữ tính. Báo đốm như một biểu tượng vinh danh những người phụ nữ cao quý nhất.” Vì vậy mà hình tượng loài động vật quý hiếm được phái nữ giàu sang ưa chuộng.

Cartier đã bắt kịp xu hướng này rất nhanh chóng. Năm 1914, thương hiệu nhờ danh họa người Pháp George Barbier vẽ một bức tranh, dùng làm môtíp thiệp mời cho một buổi triển lãm nữ trang của mình. Bức tranh với tên gọi La Dame à la Panthère tuy mô tả chú báo đen, nhưng vẫn gây hấp dẫn khách mời của Cartier.

Mẫu thiệp mời dùng trong các quảng cáo của Cartier. Họa sỹ Georges Barbier vẽ người phụ nữ thanh lịch mặc đầm suôn Poiret và chú báo đen nằm phục dưới chân.

Trước sự ủng hộ tích cực của khách hàng, Cartier bắt đầu mang họa tiết báo đốm lên các sản phẩm của mình. Nhưng mới chỉ là họa tiết da báo thôi. Lúc này, chú báo gấm vẫn chưa xuất hiện trên thiết kế của Cartier.

1914: Đồng hồ đeo tay với dây và mặt trang trí họa tiết đốm của loài báo. Mặt tròn bằng chất liệu bạch kim. Đính kim cương cắt dáng hoa hồng và đá mã não.

La Panthère de Cartier bắt nguồn từ một câu chuyện tình

Việc chạy theo xu hướng chưa đủ để đưa báo gấm thành một biểu tượng của Cartier. Mà biểu tượng này lại bắt nguồn từ một điều gì đó nên thơ hơn, lãng mạn hơn: Mối tình giữa Louis Cartier (cháu trai nhà sáng lập Louis-François Cartier) và Jeanne Toussaint.

Jeanne Toussaint vốn là một nhà thiết kế túi xách và phụ kiện tại Cartier. Bà tham gia êkíp thiết kế của Cartier năm 1913. Vẻ đẹp, trí thông minh, tài năng thiết kế và ý chí của bà đã quyến rũ Louis Cartier. Ông gọi bà là “La Panthère” (nàng báo) theo loài vật cao sang này.

Năm 1917, Louis Cartier chính thức theo đuổi và cặp kè Jeanne Toussaint. Ông tặng cho bà một chiếc hộp bằng đá onyx đen có hình một chú báo đốm uyển chuyển. Và hai người đi du lịch cùng nhau đến châu Phi. Tương truyền, khi nhìn thấy chú báo trên thảo nguyên, Jeanne Toussaint đã thốt lên:

“Ngọc lục bảo, onyx, kim cương, ôi trâm cài áo!”

Bàn tay phụ nữ tạo nên la Panthère de Cartier

Chân dung bà Jeanne Tousaint

Jeanne Toussaint có nhiều ý tưởng độc đáo cho hình ảnh loài báo gấm này. Bà muốn mang hình ảnh 3D của chú báo lên trang sức, chứ không chỉ nghệ thuật hóa nó với lối chơi màu siêu phẳng của phong cách Art Deco của thập niên 1920. Và bà đã làm được điều này khi nhà thiết kế Peter Lemarchand tham gia êkíp Cartier năm 1927. Kỹ thuật chế tác của ông đã giúp tạo nên những mẫu trang sức sống động như thật. Đây là tiền thân của dòng Panthère de Cartier bây giờ.

Với những quyết tâm của mình, không ngạc nhiên khi Jeanne Toussaint được bổ nhiệm làm Giám đốc sáng tạo mảng nữ trang cao cấp của thương hiệu năm 1933. Như vậy, bà trở thành là người phụ nữ đầu tiên dẫn đầu một tập thể sáng tạo của một nhãn hàng trang sức danh giá toàn cầu. Điều này gây ngạc nhiên lớn trong xã hội phương Tây lúc bấy giờ. Bởi ở thời điểm này, người ta không đánh giá cao năng lực của phụ nữ. Phụ nữ Pháp thậm chí còn không được tham gia bầu cử!

Jeanne Toussaint trở thành biểu tượng của tuýp phụ nữ muốn thoát khỏi lề thói phong kiến và đòi hỏi nữ quyền. Bà thích đội khăn turban, đeo hàng chuỗi ngọc trai. Thậm chí mặc bộ pajama ngủ khi đến tham dự những buổi dạ tiệc.

Vì sao chú báo gấm của Cartier được đón nhận?

Hai chiếc trâm cài áo thuộc sở hữu của nữ công tước Windsor.
Trái: Trâm cài áo được thiết kế riêng năm 1948. Điểm nhấn là viên ngọc lục bảo cắt tròn cabochon.
Phải: Trâm cài áo do nữ công tước mua lại năm 1949. Thiết kế cẩn kim cương, sapphire và có điểm nhấn là viên sapphire cắt bo tròn.

Phiên bản thật sự tạo nên tiếng vang cho dòng nữ trang La Panthère de Cartier ra mắt năm 1948. Đây là lần đầu tiên thương hiệu chế tác được một chú báo 3D y như thật.

Vốn, đây là mẫu cài áo được ngài Công tước Windsor đặt làm riêng cho vợ mình, nữ công tước Windsor Wallis Simpson. Chú báo nằm kiêu hãnh trên viên ngọc lục bảo cắt kiểu cabochon nặng đến 116.74 carat. Thân báo vẽ họa tiết như thật bằng màu tráng men. Đôi mắt báo lấp lánh vì được khảm hai viên ngọc lục bảo.

Những thiết kế trang sức sống động như thật này ngay lập tức tạo tiếng vang cho dòng La Panthère de Cartier. Một phần vì thông điệp hàm ý đòi bình quyền của phụ nữ. Một phần khác vì “báo gấm tượng trưng cho tự do, pha trộn hoàn hảo giữa sự thanh lịch, hoang dại và mạo hiểm”, theo lời nhận xét của giám đốc hình ảnh hãng Cartier ngày nay – ông Pierre Rainero.

Lịch sử hơn 100 năm vang dội của La Panthère de Cartier

Nữ công tước Windsor sở hữu rất nhiều mẫu trang sức báo gấm của Cartier được thiết kế riêng cho bản thân. Ảnh: Town and Country

Qua nhiều năm tháng, rất nhiều ngôi sao và giới quý tộc đã trở thành fan của dòng nữ trang báo gấm của Cartier. Nữ bá tước Windsor Wallis Simpson, nữ diễn viên Barbara Hutton, siêu sao ca nhạc Sarah Brightman, hay công chúa Nina Aga Khan đều sở hữu một phiên bản Panthère de Cartier đáng giá.

Và năm 2014, Cartier ăn mừng kỷ niệm 100 năm ngày ra đời thiết kế kinh điển này. Thương hiệu Pháp đã tổ chức một buổi triển lãm hoành tráng tại điện Grand Palais ở Paris. Buổi triển lãm bao gồm 56 mẫu vòng, nhẫn, hoa tai và lắc tay đẹp xuất sắc mang môtíp chú báo gấm.

Bây giờ, hình ảnh chú báo gấm Cartier không chỉ bị giới hạn trong dòng trang sức. Chú báo còn chễm chệ trên những mẫu đồng hồ cao cấp, thậm chí gây cảm hứng tạo nên một dòng nước hoa riêng.

>>> Xem thêm: ĐỒNG HỒ PANTHÈRE DE CARTIER PHIÊN BẢN GIỚI HẠN VỪA CÓ MẶT Ở VIỆT NAM

500 giờ tạo nên một sản phẩm hoàn hảo

Trước khi lên bản phác thảo trang sức, các nhà chế tác của Cartier mất nhiều tháng chỉ để nghiên cứu đá quý.

Mỗi người chọn ra mẫu đá mà mình ưng ý nhất từ bên thu mua, rồi quyết định dùng nó để làm cài áo, vòng hay nhẫn. Tính chất của mỗi loại đá sẽ quyết định hình tượng chú báo. Ví dụ như đá thạch anh tím sẽ phù hợp để làm các mẫu chú báo con hơn ngọc lục bảo.

Bước tiếp theo, bộ phận thiết kế lên bản thiết kế vẽ tay.

Đầu tiên là vẽ phác thảo bằng chì. Sau đó tô màu tay bằng màu bột. Rồi đưa vào kho lưu trữ đặt tại cửa hàng chính ở Paris. Mẫu thiết kế được gửi đến tay ban kiểm duyệt mẫu vẽ bao gồm giám đốc hình ảnh Rainero, giám đốc xưởng sáng tạo Jacqueline và chủ tịch – giám đốc điều hành tập đoàn Cartier quốc tế Benard Fornas.

Bản vẽ được chọn sẽ được chuyển tới bộ phận chế tác.

edi_cartier_N8503400_Panthere-earr

Hoa tai kim cương, mắt báo đính ngọc lục bảo

Bộ phận này gồm các nhà chế tác, thợ cắt đá và chuyên viên kỹ thuật thực hiện. Họ đúc mẫu món trang sức bằng sáp xanh nhằm giúp kỹ thuật viên dễ dàng mường tượng ra các góc cạnh 3D. Tiếp theo, chúng sẽ được lên khuôn bằng platinum với kích thước thật.

Với một mẫu vòng, các nhà chế tác mất 500 giờ sử dụng kềm, búa, dao nhọn, đèn pin để mài giũa sao cho lỗ hổng vừa khít với mẫu đá quý sẽ lắp trên chiếc vòng. Cuối cùng là công đoạn lắp thêm đá, làm khóa cài. Trung bình một chiếc vòng sẽ mất sáu tháng cho mọi khâu từ lúc bắt đầu đến khi ra thành phẩm. Vòng cổ thì mất khoảng một năm.

La Panthère luôn được sản xuất có giới hạn.

Một chiếc trâm cài áo cẩn kim cương, đá sapphire và emerald. Điểm nhấn là viên sapphire xanh cắt cabochon có ngôi sao 6 cánh. Đây là một trong những chiếc trâm cài áo đặc sắc nhất Cartier từng thiết kế. Giá trị ước tính từ 125,000 đến 175,000 đô-la Mỹ theo viện đấu giá Sotheby’s.

Cartier không lên kế hoạch cho số lượng sản phẩm xuất xưởng mỗi năm, mà chỉ đến khi một món trang sức được bán đi thì vật phẩm tiếp theo mới được chuẩn bị ra lò. Điều đó bảo đảm cho từng món trang sức đến tay các khách hàng phải được hoàn thành chỉn chu nhất với chất lượng vượt trội.

Tất nhiên, số lượng người sở hữu những món trang sức tinh tế này chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi giá thành rất cao tương ứng với giá trị món đồ. Điều đó càng khẳng định đẳng cấp và gu thời trang sành điệu của chủ nhân món trang sức mang hình tượng báo gấm.

>>> Xem thêm: PANTHÈRE DE CARTIER: KHI CHẾ TÁC ĐỒNG HỒ ĐỈNH CAO KẾT HỢP TRANG SỨC

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm