Mới đây, cư dân mạng hàn Quốc đã có cuộc bình chọn nhanh các bộ phim điện ảnh nước ngoài có hiệu ứng hình ảnh đẹp mắt. Cùng nhìn ngắm những hình ảnh đẹp đến ngỡ ngàng của 5 tác phẩm điện ảnh nhận được nhiều bình chọn nhất.
1. The Fall (2006)
Phim kể về tình bạn giữa hai bệnh nhân tại một bệnh viện ở Los Angeles vào những năm 1920. Alexandria, một cô bé 5 tuổi bị ngã gãy tay và Roy, một diễn viên đóng thế gặp tai nạn trên phim trường. Trong thời gian nằm viện, Roy đã kể cho Alexandria nghe câu chuyện phiêu lưu kỳ ảo của năm người anh hùng lên đường tiêu diệt lãnh chúa độc ác.
Mọi khung hình trong phim đều gây ấn tượng mạnh về độ duy mỹ của vị đạo diễn người Mỹ gốc Ấn Độ Tarsem Singh. Ông cố tình dùng hình ảnh nhân vật nhỏ bé tương phản với đại cảnh hùng vĩ để tạo sự ấn tượng. Màu sắc trong phim là những gam màu đậm và sắc nét. Bộ phim ra mắt năm 2006 và đã nhận được nhiều giải thưởng cũng như đề cử cho kỹ thuật quay phim tốt nhất.
2. Marie Antoinette (2006)
Bộ phim Marie Antoinette dựa trên tác phẩm Marie Antoinette: The Journey của nữ sử gia Antonia Fraser. Phim kể về cuộc đời của Marie Antoinette, công chúa Áo, bị gả cho hoàng đế Pháp Louis XVI từ năm 14 tuổi. Cuộc sống giả tạo trong hoàng cung Pháp đã biến Antoinette từ một cô gái đáng yêu trở thành một người phụ nữ xấu xa.
Bộ phim cổ trang có sự tham gia của Kirsten Dunst gây ấn tượng vì thời trang cầu kỳ phong cách Rococo. Đây là phong cách thời trang lấy pastel làm tông màu chủ đạo cùng họa tiết hoa lá uốn lượn. Nhờ những chi tiết này mà mọi góc máy của bộ phim Marie Antoinette đều trở nên vô cùng rực rỡ và xa hoa.
>>> Xem thêm: THỜI TRANG THẾ KỶ XVIII: ROCOCO VÀ MARIE ANTOINETTE
3. Life of Pi (2012)
Life of Pi được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của nhà văn Yann Martel. Phim kể về cuộc phiêu lưu của cậu bé Piscine Militor Patel hay còn gọi là Pi. Câu chuyện bắt đầu khi con tàu chở gia đình cậu cùng những con vật trong sở thú bị nhấn chìm bởi một cơn bão. Cuối cùng, chỉ còn Pi và chú hổ Richard sống sót và trụ lại được. Một mình giữa đại dương, Pi phải tìm cách để làm bạn và sinh tồn cùng người bạn hoang dã này.
Đạo diễn Lý An đã rất xuất sắc trong việc tạo nên một cuộc “cách mạng hình ảnh”. Không gian 3D trong Life of Pi thậm chí được đánh giá vượt mặt cả bom tấn Avatar. Chú hổ Richard Parker được tạo nên từ công nghệ kỹ thuật số CGI tiên tiến. Bên cạnh đó, một bể tạo sóng lớn đã được xây dựng dành riêng cho bộ phim. Chiếc bể đặc biệt này có thể chứa 7 triệu lít nước và sử dụng máy tạo sóng khổng lồ nhằm mô phỏng hình ảnh đại dương như thật.
Bộ phim thu về nhiều giải thưởng tại lễ trao giải Oscar lần thứ 85. Trong đó có giải thưởng cho Đạo diễn xuất sắc nhất và Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất,…
4. The Great Gatsby (2013)
Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết bất hủ cùng tên của nhà văn F. Scott Fitzgerald. The Great Gatsby đưa người xem trở về với nước Mỹ hoa lệ và phù phiếm những năm 1920. Nội dung phim hé lộ câu chuyện về quá khứ bí ẩn của Gatsby do tài tử Leonardo DiCaprio thủ vai. Cùng tình yêu sâu đậm của anh dành cho Daisy Buchanan (Carey Mulligan đóng), một tiểu thư anh từng quen tại Louisville. Thế nhưng, cô lại kết hôn với một triệu phú khác. Thông qua cầu nối là Nick Carraway, Gatsby dần tìm cách giành lại Daisy về phía mình.
Có tới 7 công ty cùng tham gia vào việc dựng kỹ xảo cho The Great Gatsby, theo Chris Godfrey – giám sát kỹ xảo hình ảnh của bộ phim chia sẻ. Ông cũng cho biết, phần lớn các cảnh quay của phim đều được thực hiện với chiếc phông xanh “thần kỳ”.
Bên cạnh đó, đoàn làm phim The Great Gatsby còn được tôn vinh ở hạng mục Thiết kế trang phục đẹp nhất tại Lễ trao giải Oscars năm 2014. Leonardo DiCapri diện 40 bộ suit từ Brooks Brothers’ Gatsby, bộ sưu tập dành riêng cho bộ phim của thương hiệu Brooks Brothers. Những bộ cánh lộng lẫy của nhân vật Daisy thì được thiết kế bởi Miuccia Prada. Và những trang sức phong cách Art Deco đến từ thương hiệu Tiffany & Co.
5. The Grand Budapest Hotel (2014)
Từng khung hình của bộ phim hài The Grand Budapest Hotel đẹp hệt như một bức tranh. Bộ phim lấy bối cảnh tại một quốc gia Đông Âu hư cấu có tên là Cộng hòa Zubrowka vào khoảng thập niên 1930. Tính cách các nhân vật trong phim được xây dựng rõ ràng, riêng biệt. Mạch phim theo kết cấu chương hồi mạch lạc và luôn rộn rã tiếng cười.
Hình ảnh trong The Grand Budapest Hotel ngập tràn những khung hình với màu sắc rực rỡ mà không hề loè loẹt. Ống kính của vị đạo diễn tài năng Wes Anderson luôn được đặt ở trạng thái cố định với trục đối xứng ở vị trí trung tâm.
>>> Xem thêm: KHÁCH SẠN WALDORF ASTORIA: LẠC VÀO THẾ GIỚI DECO CỦA ĐẠI GIA GATSBY
Harper’s Bazaar Việt Nam