Tôi theo chân A Long, anh bạn hồi đại học ở Nam Ninh, đến một nhà hàng xây theo kiểu cổ nằm khiêm tốn phía cuối phố Hậu Hải, Bắc Kinh, Trung Quốc, để thưởng thức một món ăn theo cậu ta là “vô cùng đặc biệt”. Ngồi một lúc, cô phục vụ mặc áo dài Thượng Hải màu đỏ xinh xắn đặt trước mặt mỗi người một thố sứ màu trắng, hoa văn chạm trổ tinh xảo. Cô nhẹ nhàng mở nắp thố, một làn khói trắng bay lên, hương thơm nức mũi. Thấy tôi cứ hít hà, A Long cười: “Đây là món Phật nhảy tường, mời tiểu thư thưởng thức!”.
Nguồn gốc Phật nhảy tường
Theo cậu ta, có rất nhiều sự tích về nguồn gốc Phật nhảy tường được thêu dệt. Chuyện kể rằng có một viên quan huyện Phúc Châu đã mở tiệc thết đãi vị quan phủ Phúc Kiến tên Chu Liên tại gia. Ấn tượng với món canh Phúc Thọ Toàn do vợ quan huyện đích thân xuống bếp, Chu Liên liền gọi đầu bếp riêng của phủ là Trịnh Xuân Phát đến học cách nấu. Ban đầu, món canh gồm thịt gà, vịt, dê, bao tử heo, trứng chim bồ câu và hơn mười loại hải sản cùng rượu Triệu Hưng nổi tiếng. Họ Trịnh học xong liền cải tiến, thêm nhiều hải sản quý để canh có vị thanh và bổ dưỡng hơn.
Sau đó, Trịnh Xuân Phát rời phủ, mở một quán ăn lấy tên Tụ Xuân Viên với món ăn chính là Phúc Thọ Toàn, nức tiếng gần xa. Từng giọt canh được ví như từng giọt tinh hoa của trời đất và biển, thêm vị cay nồng của rượu khiến thực khách cảm thấy lâng lâng như người say.
Một văn nhân quá hâm mộ món ăn này đã đề hai câu thơ: “Đàn khởi huân hương phiêu tứ lân, Phật vấn khí thiền khiêu tường lai” (tạm dịch: Mùi thơm tỏa ra tứ phía, Phật ngửi thấy phải nhảy qua tường), từ đó dẫn đến cái tên Phật nhảy tường.
Nguyên liệu quý hiếm
Nguyên liệu của món ăn vương giả này rất phong phú, gồm có 18 loại cao lương mỹ vị như bào ngư, vi cá, hải sâm, cồi sò điệp khô, chân dê… và các loại gia vị như tiêu, măng khô, quế, cải thảo hoặc cải thìa. 18 loại nguyên liệu được chia ra chế biến khác nhau, sau đó lần lượt để vào trong bình rượu Thiệu Hưng bằng sành, đổ nước dùng và rượu Thiệu Hưng vào nấu.
Đợi khi tất cả quyện vào nhau, dùng lá sen bọc kín nắp bình và để lên bếp lửa riu riu. Hầm như vậy khoảng năm đến sáu giờ, Phật nhảy tường mới thực sự tuyệt hảo.
Tôi múc từng thìa canh, thưởng thức thật chậm rãi. Kỳ lạ thay, cứ nhắm mắt lại, mỗi ngụm canh lại cho tôi các cảm giác khác nhau. Lúc thì thấy mình như ở ngoài biển, nhấm nháp vị mằn mặn trong gió và sóng. Lúc thì thấy thật ấm áp trong vòng tay sum vầy của gia đình. Có lẽ đó chính là ý nghĩa đặc biệt nhất tôi cảm nhận được khi thưởng thức món canh này.
A Long định gọi thêm nữa nhưng tôi bảo thôi. Tôi muốn giữ lại cảm giác thèm thuồng, tiếc nuối như thế này để hương vị tuyệt vời của Phật nhảy tường luôn quanh quẩn đâu đây.
Tại Việt Nam, bạn có thể thưởng thức món Phật Nhảy Tường tại: Nhà hàng Yu Chu, InterContinental Asiana Saigon Hotel |
Bài: Bella Tôn – Thực hiện: InterContinental Asiana Saigon hotel – Ảnh: Công Sơn