Thật khó có một trào lưu nghệ thuật nào cầu kỳ và tráng lệ hơn Baroque. Một bức tranh thu nhỏ cho vẻ hào nhoáng đó đang hiện diện sinh động trong các bộ sưu tập thu đông
Những năm 1980, khi cả thế giới đang mải mê chạy theo những chiếc áo có cầu vai quyền lực, người đàn ông sáng lập nên Versace lại chọn cho mình một đi lối khác. Gianni Versace theo đuổi phong cách power dressing bằng vẻ khoa trương, lộng lẫy của Baroque thay cho tư duy về sự ngoại cỡ của số đông. Đó là họa tiết rực rỡ màu sắc, hình ảnh chiếc lá chưa mở bung hết, uốn lượn hình xoắn ốc trên các bộ trang phục của Versace.
NGHỆ THUẬT CHUYỂN ĐỘNG VÀ CẢM XÚC
Khởi nguồn từ nước Ý vào đầu thế kỷ XVII, Baroque dần lan ra khắp các vương quốc châu Âu rồi đến những vùng đất thực dân ở các châu lục khác. Baroque chính là tên của một trường phái nghệ thuật dùng sự cường điệu và vận dụng những hình ảnh dễ hiểu, rõ ràng để tạo vẻ kịch tính, hoa mỹ, đồ sộ trong kiến trúc, điêu khắc, hội họa, văn học, vũ đạo và âm nhạc.
Đặc trưng lớn nhất trong các công trình nghệ thuật phong cách Baroque chính là những đường nét của sự chuyển động không ngừng và cảm xúc mạnh mẽ. Mỗi tác phẩm đều khắc họa các sự vật, con người đang hành động, trong tư thế ngả nghiêng, chỉ trỏ với những biểu cảm hờn giận, ngạc nhiên, kinh sợ, hạnh phúc trên gương mặt. Người xem có cảm giác như chúng đang bị đóng băng vĩnh viễn đầy cảm xúc trong từng khoảnh khắc đó.
Không có trào lưu nghệ thuật nào giàu biểu cảm hơn Baroque. Cũng không có gì tạo được vẻ vương giả, xa hoa, tráng lệ, kịch tính bằng Baroque.
Để có được hiệu quả đó, các nghệ sỹ đã dùng rất nhiều chi tiết phức tạp với những đường cong gợn sóng, nét chạm trổ tinh vi và màu sắc mạnh mẽ. Bạn có thể bắt gặp điều này qua các họa tiết trang trí lặp lại trên giấy dán tường, những lan can xoắn vặn điệu đà, hoa văn đắp nổi màu vàng đồng uốn lượn hay chiếc đèn chùm cầu kỳ trong cung điện Versailles hoa lệ.
Nếu đã từng đặt chân đến thánh đường Peter ở Vatican, bạn sẽ ấn tượng với án thờ bằng đồng có chóp nhọn và bốn cột đỡ được chạm nổi cầu kỳ bên dưới mái vòm. Công trình này là tác phẩm của Gian Lorenzo Bernini, bậc thầy lừng danh nhất về kiến trúc Baroque…
Ở giai đoạn cuối của Baroque, Rococo nổi lên như một trào lưu phụ nhưng thiên về nghệ thuật trang trí nhẹ nhàng với màu pastel, chi tiết hình vỏ ốc, hoa lá uốn lượn… Chúng được gọi chung là họa tiết Rococo. Nhà thờ Vierzehnheiligen tại Đức chính là nơi hội tụ đầy đủ những cách tân tinh tế của Baroque. Tuy nhiên cũng vì những đặc trưng hoa mỹ ấy mà sau này, Baroque bị chỉ trích là trào lưu rườm rà và xa rời thực tế.
Vào thời kỳ Baroque, cotton bị cấm sử dụng. Thay vào đó, người ta sử dụng linen nhưng chúng chỉ dành cho trang phục lót. Chỉ có lụa, gấm, nhung mới đủ tạo vẻ cao sang cho xiêm y thời đại Baroque.
Phụ nữ mặc váy có tùng xòe rộng hết cỡ nhờ bộ khung đỡ và các lớp lót bên trong, đối lập với thân trên thít chặt. Đặc biệt là lớp cổ áo ren xếp nhún dựng đứng hay kiểu nằm và xòe rộng đến hết vai được ưa chuộng ở giai đoạn sau. Điểm xuyết vào đó là đường thêu tỉ mỉ, công phu từ chỉ vàng quý giá. Tất cả đều không ngoài mục đích tôn lên vẻ quyền quý, kiêu sa cho người phụ nữ.
XU HƯỚNG CHỦ ĐẠO CỦA MÙA THU ĐÔNG
Các nhà tạo mốt đã đem Baroque trở lại thời trang trong vài mùa gần đây, và đó là phong cách Baroque dành cho thời đại chúng ta. Phom dáng vẫn không khác với những gì chúng ta đang mặc. Điểm hấp dẫn các tín đồ thời trang chính là họa tiết, kỹ thuật đính kết, thêu trang trí hoa lá uốn lượn, lặp lại theo đặc trưng của Rococo. Bạn cũng sẽ bắt gặp những mảng in gợi liên tưởng đến góc trần nhà chạm khắc hay thảm treo tường trong những cung điện xa hoa của hoàng tộc châu Âu thời xưa.
Dolce & Gabbana đã dành trọn bộ sưu tập Thu Đông 2013-2014 để ca ngợi vẻ đẹp của những công trình kiến trúc theo phong cách Baroque xứ Sicily, quê hương của Domenico Dolce.
Trên nền đen chủ đạo, nhà thiết kế đưa vào các chi tiết hoa, mảng kim loại vàng cầu kỳ xen lẫn ngọc trai hay thiên thần giàu màu sắc qua kỹ thuật thêu needlepoint sống động như tranh vẽ. Lanvin phủ chất Baroque trẻ trung hơn bằng tông màu đá quý làm phông cho các mảng ren đen cắt theo họa tiết Rococo. Balmain lại đính hạt bẹt, pha lê khắp bềmặt đầm ôm tay dài hay áo jacket dáng suôn để tạo sự thăng hoa cho chất Baroque.
Và còn hàng loạt nhãn hiệu danh tiếng khác như Marchesa, Valentino, Salvatore Ferragamo không hẹn mà gặp, đều tôn vinh phong cách Baroque đế vương này.
SỰ NỔI LOẠN TRƯỚC THỰC TẠI
Với những diễn biến không mấy tốt đẹp của kinh tế, có lẽ nhiều người sẽ trách ngành thời trang quá vô tâm khi vẫn mặc nhiên hoang phí, bày vẽ rườm rà và tỏ ra vương giả, xa rời thực tại. Nhưng với giới mộ điệu thời trang, tìm về với Baroque chính là sự phản kháng trước sự đơn giản thái quá và ảm đạm của nền kinh tế kéo dài.
Đó là cách để thời trang chứng minh rằng những biểu hiện sống động nhất cho sự xa xỉ vẫn không bị khuất phục. Từ các họa tiết đính kết thủ công tinh xảo cho đến chất vải gấm thêu kim tuyến xa hoa, các thiết kế mùa này chính là tấm gương phản chiếu thời hoàng kim của những tác phẩm nghệ thuật, công trình kiến trúc và nội thất có một không hai của Baroque. Không chỉ gợi về quá khứ lộng lẫy, Baroque còn như đôi cánh, là giấc mơ đẹp giữa đời thường để con người tin rằng cánh cửa tráng lệ của thiên đường là có thật