Có vẻ như người Việt “siêu giàu” ngày càng nhiều hơn chăng? Bởi nhìn hiện tượng mà nói, những cuộc chạy đua vật chất như siêu xe, hàng hiệu, biệt thự… của các đại gia, ngôi sao… đang trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết trên các kênh thông tin. Cuộc đua chứng tỏ đằng cấp ấy đang ngày càng lan rộng trong phái đẹp vốn xưa nay “tay hòm chìa khóa”.
Trong cuộc sống, hầu như ai ai cũng có những nhu cầu về vật chất. Tuy nhiên, giữa đẳng cấp sống và xa hoa đua đòi là một khoảng cách giàu-nghèo trong cốt cách. Có thể thấy, các nữ doanh nhân, phụ nữ thành đạt ngày càng biết sắm sửa và đầu tư những phương tiện vật chất cho “hình ảnh bản thân” để tăng vị thế của mình và sự tôn trọng của khách hàng, đối tác. Quan trọng hơn, họ thể hiện đẳng cấp qua văn hóa, phong cách, chất lượng cuộc sống.
Nữ doanh nhân Chu Thị Hồng Anh: Đua đòi không làm nên đẳng cấp
Tôi từng biết không ít chị em phụ nữ thường nhầm lẫn giữa xa xỉ và sang trọng. Họ có thể bỏ ra rất nhiều tiền để tổ chức những buổi tiệc tùng, hay mua những món hàng hiệu đắt giá để thể hiện sự giàu có và sành điệu của mình.
Thế nhưng, khi mua sắm một món đồ, nhiều người trong số họ không dựa trên sự đam mê, sở thích của bản thân cũng như giá trị của vật dụng. Họ chỉ muốn sở hữu vật đắt tiền vì mục đích hơn thua với mọi người. Thành thử ra cách mà họ sử dụng một món đồ chỉ là thể hiện sự phô trương đua đòi thiếu hiểu biết. Và khi mải miết chạy đua, cạnh tranh với một ai đó về độ hào nhoáng, cũng đồng nghĩa với việc họ không hài lòng với bản thân. Lúc ấy, chính họ là người cảm thấy khó chịu và mệt mỏi. Khi sự khát khao vượt qua ngưỡng một cách thái quá thì việc đánh đổi bằng mọi giá sẽ trở thành tiêu cực. Trong cuộc đua không hồi kết đó, họ sẽ dần bị đánh mất giá trị sống và sự tự tin của chính mình.
Theo tôi, đua đòi không làm nên đẳng cấp. Sự đua đòi, phung phí chỉ có thể tìm đến cái hào nhoáng bên ngoài. Bởi lẽ, hiểu một cách đơn giản đẳng cấp là sự cao cấp, sự cao cấp này không bao giờ chỉ đến từ giá trị vật chất mà còn đến từ rất nhiều điều khác như văn hóa, tri thức, lối sống, ứng xử…
Có không ít người cho rằng có nhiều tiền để khoe khoang và tiêu xài cho cuộc sống xa hoa mới là đẳng cấp. Nhưng thực tế, một người dùng hàng hiệu nhưng không có sự hòa quyện với tính cách cũng như thiếu sự tinh tế của tâm hồn thì cũng chỉ là sự phô trương. Việc đeo túi xách, đeo đồng hồ hay mặc quần áo hiệu chỉ thật sự có giá trị khi chúng phù hợp với cá tính và điều kiện vật chất của bạn.
Tôi cũng từng biết một số chị thường sử dụng những bộ quần áo, phụ kiện hay túi xách không phải là hàng hiệu mà do chính họ đưa ra ý tưởng làm nên nhưng vẫn rất đẹp mắt và ấn tượng đối với những người đối diện.
Đa phần ở những nước phát triển, khi một người giàu có, họ không chỉ giàu có về vật chất mà luôn đi cùng với sự giàu có về tinh thần: kiến thức lẫn sự hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật sống… Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng John Galliano từng nói “Tận hưởng việc diện đồ là nghệ thuật đích thực”. Với tôi, mỗi món đồ khi mua sắm đều có một ý nghĩa riêng. Việc mua sắm và sử dụng như thế nào để đem lại niềm vui và những giá trị cho bản thân là điều tôi hướng đến.
Nữ doanh nhân Ngô Thanh Loan: Là chính mình trong phong cách
Có rất nhiều nữ doanh nhân yêu thời trang, nhưng họ không chạy theo tất cả xu hướng mốt trong năm mà luôn có sự gạn lọc phù hợp với phong cách, cá tính riêng của mình.
Tôi bị đau khớp đã nhiều năm, bác sỹ cấm tuyệt đối mang giày cao gót. Tôi nói với bác sỹ tôi là doanh nhân phải đi họp, giao tiếp thường xuyên làm sao mà không mang giày cao gót được. Bác sỹ nói: “Bà yên tâm. Người ta cần cái “brain” của bà chứ không cần cái “shoes” của bà đâu”.
Điều làm tôi tự hào nhất là “được là chính mình”. Tôi được tự do chọn lựa kiểu dáng ngôi nhà mình yêu thích để ở, chiếc xe hơi đẹp để lái, hãng máy bay tốt để đi công tác, những thương hiệu lịch lãm để sử dụng, nhưng tôi không để mình bị lệ thuộc vào chúng.
Khi thích trải nghiệm, tôi có thể đi máy bay giá rẻ, đến những nơi xa chốn hồng trần, sống đời đạm bạc mà không bận tâm về hai chữ “đẳng cấp” hay “sành điệu”.
Với tôi, sự phô trương bề ngoài nhiều quá đôi khi chỉ để che lấp những khoảng trống vắng khủng khiếp của nội tâm.
Tại sao nên tiêu tiền nhiều hơn cho những trải nghiệm? Theo tôi, vì kinh nghiệm là một phần của đời bạn, còn vật dụng thì không, hoặc chỉ có ý nghĩa khi ta biết dùng !
Nữ doanh nhân Phạm Thị Thu Hằng: Mỗi người có một con đường giàu sang khác nhau
Bazaar (BZ): Khi giàu có, người ta có quyền sống xa xỉ, sống cao cấp. Nhưng như thế nào là sống đua đòi, như thế nào là sống đẳng cấp?
THU HẰNG (TH): Các cụ nhà ta vẫn nói rằng: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Và cái sự lễ nghĩa này đi theo hai chiều hướng khác nhau. Một số người họ coi trọng hình thức, cho mình là số một, muốn được đề cao, nổi tiếng. Luôn đi tìm kiếm, đòi hỏi và sưu tập về cho mình những gì được gọi là “đẳng cấp” mà chẳng cần hiểu nó là cái gì, có hợp với mình hay không? Họ chối bỏ quá khứ không tiếc thương, luôn gắng sức để chạm đến mục tiêu xây dựng hình tượng: ĐẲNG CẤP.
Số còn lại họ vẫn sống, làm việc và phát triển trên nền tảng của “ngày hôm qua”. Họ luôn nhắc đến quá khứ với một sự tự hào. Mức sống của họ dần nâng cao so với điều kiện kinh tế, họ hiện thực dần những ước mơ khi còn khốn khó, chậm rãi hưởng thụ những thành quả lao động, khẳng định đúng giá trị thật của mình. Và đặc biệt họ chẳng bao giờ nói câu: “Thế mới là đẳng cấp…”.
BZ: Có những người giàu mà không sang trong cốt cách, phong cách sống, chị cho là do đâu?
TH: Tôi không biết dựa vào cái chuẩn mực nào để người ta làm thước đo của mức độ SANG? Mỗi người có một con đường và hoàn cảnh khác nhau để đi đến cái sự GIÀU. Dù hoàn cảnh hiện tại GIÀU như nhau, nhưng xuất phát điểm về nguồn gốc giáo dục gia đình, ngành nghề kinh doanh… cũng tạo nên ứng xử khác nhau trong mỗi con người của họ. Nhưng với tôi, dù cho thế nào thì cũng đều có cái hay của nó, bởi dù gì thì họ vẫn được là chính bản thân họ.
BZ: Sở thích, tiêu chuẩn, quan niệm của chị khi tiêu tiền cho những mua sắm và cho những trải nghiệm? Khi phải “mua đắt” một thứ gì đó, chị cần điều gì?
TH: Trước tiên tôi phải xem xét đến điều kiện kinh tế để cho phép mình được chi tiêu dành cho mua sắm hay trải nghiệm một cách đúng mực. Nhưng dù trong điều kiện tốt nhất thì tôi vẫn luôn lựa chọn những gì phù hợp và thỏa mãn chính mình, nếu đúng ý thì: rẻ chẳng nề hà hay đắt mấy cũng mua.
Ảnh: Getty images, Nguyễn Quang, Thái Kid
Theo Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 8/2015