Tháp đồng hồ Izmir, một trong 12 tháp đồng hồ đẹp nhất thế giới.
Sau bốn chặng bay, mấy lần lê la transit, tôi ra khỏi cửa hải quan sân bay Adnan Menderes, Izmir với bộ dạng nhếch nhác chưa từng thấy: mặt mũi phờ phạc, đôi mắt trĩu nặng vì thèm ngủ, bộ áo quần chuyên dành cho những chuyến bay tuy không nhàu nhĩ nhưng cũng không thể gọi là tươm tất… Tôi đưa mắt tìm tấm bảng ghi tên mình ngoài vòng rào người đi đón. Không có tên tôi, nhưng có một gương mặt khá điển trai với bộ râu xồm xoàm đang mỉm cười rất thân mật với ánh mắt hướng thẳng vào tôi. Qua hàm râu mấp máy, tôi định dạng được câu chào: “Hello, Miss Lien”. Bất giác, tôi đưa tay chỉ vào ngực mình, bật thốt nhỏ: “Me?”. Và anh ta gật đầu, bước thẳng về phía tôi.
Giây phút ban đầu lưu luyến ấy…
Đỡ chiếc vali trong tay tôi, anh nói ngắn gọn: “Tôi đã nhìn thấy ảnh của cô trong danh sách khách mời. Cô rất xinh đẹp nên tôi không thể nhầm”. Tôi tủm tỉm cười. Đây là lời tán tỉnh đầu tiên dành cho mình ư? Đúng lúc mình xấu điên thế này? Anh chàng này khá bẻm mép đấy. Nhưng dù sao, nhận ra mình giữa một dòng người đủ các quốc tịch, đủ các gương mặt thì cũng đáng cho điểm cộng. Ngoài trời nóng khủng khiếp. Mùa hè vẫn còn đậm đặc ở xứ sở này và bộ quần áo dạ dành cho không gian lạnh giá trên máy bay trở thành một cực hình. Ozgür, anh chàng vừa đón tôi tạt vào một cửa hàng cạnh đường đi để mua vài chai nước suối rồi bảo: “Tôi rất tiếc nhưng cuộc họp đầu tiên của cô và mọi người sẽ diễn ra trong vòng hai tiếng nữa tại Foça. Từ đây về khách sạn chỗ cô ở sẽ mất mười lăm phút. Cô chỉ có đúng ba mươi phút để chuẩn bị. Sau đó chúng ta sẽ đến nơi họp. Sẽ mất thêm bốn lăm phút đi đường…”. Tôi nén một tiếng thở dài ngán ngẩm, trả lời: “OK, ba mươi phút. Tôi hiểu ”.
Thế rồi, tôi bước xuống sảnh với tà áo dài vẽ hoa sen cách điệu, thật dịu dàng, thướt tha. Ba mươi phút tắm gội, trang điểm tốc hành đã trả lại tôi con người tươi trẻ, khỏe khoắn (hay ít nhất cũng cho người khác có cảm nghĩ như thế), và khi Ozgür nhìn thấy tôi, anh đã ngẩn người nhìn, bật thốt: “Beautiful lady”. Kể từ lúc ấy, anh không gọi tôi là Miss Lien nữa mà gọi bằng hai chữ “my lady”. Nói làm sao nhỉ? Tôi bắt đầu thích cách nói chuyện của anh chàng này rồi.
Cảm giác đầu tiên của tôi khi đi qua những con đường ngập nắng của Izmir là… choáng váng. Tôi choáng váng nhìn những ngôi nhà mọc san sát trên sườn núi, tầng tầng lớp lớp ngôi nhà đủ màu sắc, chẳng khác nào những mô hình trò chơi Lego bé xíu cứ vùn vụt trôi qua trước mắt, xa tít mù tắp rồi đột nhiên lại xuất hiện to đùng ngay bên cạnh. Từ gương chiếu hậu, Ozgür dõi theo vẻ mặt sung sướng đến ngơ ngác của tôi và không để tôi kịp hỏi, anh bảo: “Izmir là thành phố ven biển. Người dân ở đây xây nhà trên cao để tạo độ vững chắc cho cảng biển”. Tôi không quan tâm lắm về lý do kiến trúc này, chỉ lặng người thán phục vẻ đẹp hài hòa nơi đây. Chẳng khác nào khung cảnh trong những bộ phim thần thoại hay cổ tích.
Một ngày ở Izmir, không đủ thời gian để ngắm
Buổi sáng đầu tiên, tôi thức dậy lúc… 10 giờ. Đơn giản, sau 28 giờ bay và transit, cộng thêm 7 giờ làm việc, tôi trở về khách sạn lúc 2 giờ sáng. Quãng đường từ Foça về Izmir, Ozgür lái xe mất 45 phút với tốc độ 150km/giờ. Đường vắng tênh, đen sẫm với những hàng cây nhấp nhô vùn vụt lao về phía sau. Nhưng tôi không có cảm giác sợ hãi. Tôi bận nhìn hằng hà sa số ngôi sao lớn nhỏ chi chít giăng trên những vạt núi, nhấp nháy sáng như một tấm thảm nhung khổng lồ kết vô vàn hạt kim cương lấp lánh. Đẹp đến điếng người. Thấy tôi gần như xoay hẳn người để nhìn về phía ấy, Ozgür giảm tốc độ cho chậm lại. Anh bảo: “Đó là đèn từ các ngôi nhà trên núi. Chúng ta vừa đi qua đấy thôi”. Đi qua hay đi trong? Tôi không mường tượng ra được. Thế là tôi hỏi Ozgür: “Làm sao để tôi có thể quay lại đây vào ngày mai?”. Anh cười: “Dễ thôi, 3 giờ chiều mai tôi sẽ tới khách sạn đón cô”.
Nhìn đồng hồ, tôi không nghĩ mình có thể ngủ sâu đến thế. Tin nhắn ở viber khá nhiều, có cả tin nhắn của Ozgür: “Bữa sáng ở khách sạn chỉ phục vụ đến 9g30, nhưng tôi đã dặn khách sạn đặc biệt phục vụ my lady bất cứ lúc nào cô dậy. See you at 3 o’clock. Have a good day”. Chu đáo đến thế là cùng. Tôi nhảy xuống giường, vươn vai. Còn 5 tiếng nữa mới gặp Ozgür, đi khám phá Izmir nào.
Với tấm bản đồ lấy từ khách sạn, tôi bắt đầu dò đường ra biển. Hóa ra từ khách sạn Ramada nơi tôi ở, đi ra biển chỉ khoảng 5km. Nhằm nhò gì, tôi vẫn chạy bộ mỗi sáng 5km đó thôi. Nên tôi quyết định đi bộ, từ chối anh taxi đang hớn hở mở cửa xe mời chào. Đi vài bước, thấy mình quyết định thật… đúng đắn: Nắng như đổ lửa xuống đầu mà mình không nón không khăn gì cả, đeo kính râm vẫn phải nheo tít mắt. Đi qua ngã tư thứ nhất, tôi lọt ngay vào không gian náo nhiệt của một lễ hội đường phố. Trước mắt tôi vô số phụ nữ trong áo đen rộng lùng thùng và khăn choàng kín mặt chỉ hở đôi mắt đang trò chuyện rất vui vẻ, tự tin, chẳng có vẻ gì sợ sệt hoặc lẩn tránh như trong các phim tôi đã từng xem. Họ cười rất to, có người đưa tay lên vẫy chào khi tôi đi ngang qua. Cái vẫy chào thân thiện cho một du khách thiếu khăn choàng để che nắng và nguy cơ cháy da đang đến rất gần. Thế là, trên đường đi, thấy một cửa tiệm bán khăn lụa, tôi ghé vào ngay và hí hởn đi ra với một túi 5 chiếc khăn lụa made in Turkey tuyệt đẹp. Cứ nắng nữa đi, ông trời!
Muốn ngắm trai đẹp, hãy đến Izmir
Quảng trường Kültür sát biển khá rộng, khi tôi đến chỉ có vài chàng trai cô gái đang tập nhảy và rất ít người câu cá. Dường như tất cả mọi người đều ngồi trong những quán ăn phía đối diện. Họ uống bia, vui vẻ theo dõi trận bóng đá đang trực tiếp trên ti vi. Còn tôi thì phơi nắng để chụp ảnh và tự an ủi mình là cảnh vật quá mê hồn đến nỗi da dẻ có đen thui cũng đáng. Nhưng sau khoảng 30 phút, tôi cũng đầu hàng cái nắng và bước vào một quán ăn có tên Sunset, nơi cả anh chủ quán lẫn anh phục vụ đều rất đẹp trai! Mua một ly bia hơi với giá 11TL (Turkish Lira) tương đương khoảng 83.000 đồng, tôi khoan khoái nhấp từng ngụm mát lạnh, ngon đến tê cả lưỡi. Thổ Nhĩ Kỳ có khá nhiều loại bia, chai lùn, chai cao, chai mập, chai ốm, bia hơi, bia đen… tất cả đều rất ngon. Món nhắm thật đơn giản: dưa chuột tươi xắt lát, khoai tây chiên, thế là xong bữa trưa thú vị, vừa ăn uống vừa nhìn ngắm trai xinh gái đẹp lượn lờ.
Phụ nữ ở Izmir nổi tiếng xinh đẹp nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng khi tận mắt nhìn, tôi thấy đàn ông ở đây đẹp hơn phụ nữ! Họ đi nhan nhản trên đường phố, như thể tất cả đàn ông đẹp trên thế giới đều dồn vào đây. Vẻ đẹp đặc biệt của họ có lẽ nhờ pha trộn giữa Âu và Á, bởi trong mấy nghìn năm tồn tại, Izmir đã từng thuộc về Hy Lạp, La Mã, Ba Tư, Ả Rập… và những cuộc trường chinh khác khiến họ không còn giữ được “nguyên chất” Thổ Nhĩ Kỳ mà đã pha trộn khá nhiều dòng máu. Đàn ông Thổ lai Ả Rập, Hy Lạp thường có đôi mắt to, tròng mắt đen thẫm với hàng mi dày đến phụ nữ còn phải ghen tị. Đa số đàn ông ở đây đều để râu rất rậm, rất xồm xoàm khiến người trẻ thì trông giống các bậc hiền giả, còn người luống tuổi thì lại giống Hemingway. Nhưng thôi, tả đàn ông đẹp như thế đủ rồi, kẻo không lại có người phê bình tôi háo sắc mất.
Người dân Izmir vô cùng hiếu khách và tốt bụng. Có điều, ngoài Ozgür đi học ở Mỹ về và vài anh tiếp tân ở khách sạn, rất ít người sử dụng tiếng Anh. Nhưng với chiếc bản đồ trên tay và địa danh mình muốn đến, bất cứ ai tôi hỏi đường đều dắt tôi đến tận nơi. Anh cứ nói tiếng Thổ, ả cứ cảm ơn bằng tiếng Anh. Thế mà tôi đã đi rất nhiều nơi nổi tiếng là đẹp của Izmir bằng cách ấy. Điển hình là Asansör và Kadifekale.
Asansör là chiếc thang máy trên 100 năm tuổi, được cho là của những nhà từ thiện Do Thái xây dựng để giúp đỡ những người nghèo có phương tiện di chuyển lên xuống từ vùng bờ biển đến vùng đồi cao dễ dàng. Hiện nay, nó là một địa điểm tuyệt vời để bạn nhìn toàn cảnh Izmir từ trên cao.
Kadifekale lại khác. Nó cũng nằm trên một đỉnh đồi cao của thành phố, ngày xưa được gọi là “lâu đài nhung”. Giờ đây, nó chỉ còn bức tường lớn ở lối đi chính, các vòng rào đã đổ sập gần hết và bên trong ngổn ngang vôi vữa, gạch đá. Có lẽ người ta đang chuẩn bị xây dựng hoặc tôn tạo nơi này chăng? Bước thấp bước cao qua những con đường gồ ghề, khúc khuỷu bên trong, tôi bước ra khoảng đường lộng gió, chan hòa nắng phía trước. Kadifekale còn cao hơn cả Asansör nên đứng ở đây nhìn xuống Izmir mới thật là trọn vẹn.
Thêm một giờ ở Izmir, bạn có thêm một kỷ niệm tuyệt đẹp và thêm một nỗi nhớ hình thành trong trái tim
Ngắm hoàng hôn ở Foça, thị trấn nhỏ xinh
5 tiếng đồng hồ lang thang đây đó, uống bia và chụp ảnh qua đi rất nhanh. Trở về khách sạn, tôi có đúng 15 phút tắm táp, thay y phục và xuống sảnh đúng giờ hẹn với Ozgür. Trông thấy tôi trong bộ quần short áo thun sợi, anh cười to: “You look like a tourist, huh?”. Tôi cũng cười to: “Dĩ nhiên. Hôm nay tôi chỉ đi chơi thôi mà”. Anh bảo: “Ok. Foça, go ahead”. Foça chính là nơi tối qua tôi đã ngơ ngẩn nhìn triền núi lấp lánh sáng như một tấm thảm khổng lồ. Vào ban ngày, những ngôi nhà trên núi hiện ra với chỉ hai sắc màu: trắng và hồng, nổi bật trên nền biển xanh thẫm. Foça là thị trấn nhỏ, một cảng biển nhỏ, ngoài hoạt động kinh doanh hàng hải, người dân còn phát triển thêm nghề phục vụ du lịch. Nơi đây có một ngôi thành cổ sát biển, dấu vết của một pháo đài gìn giữ cảng biển từ nghìn xưa để lại. Bây giờ, nó đã là một địa điểm du lịch, một nơi để người địa phương tổ chức những buổi giao lưu văn hóa trong nước và cả quốc tế.
Khu vực nhỏ quanh cảng có vô số quán hàng, nơi trời vừa dịu nắng là những tay chào mời với chất giọng ngọt như mía lùi sẽ tiến ra với cách cúi chào điệu nghệ và nụ cười thân thiện, hỏi bạn từ nơi đâu tới, có muốn ghé vào quán một chút để thưởng thức hải vị tươi sống của địa phương không? Tôi đã từ chối lời mời hấp dẫn ấy vì trong tay đã có một túi mận tím ruột xanh, rất “thần thánh”, đặc sản của Foça. Chúng giòn và ngọt đến nỗi tôi suýt sặc khi vội vàng nuốt miếng đầu tiên. Khi đi lang thang, ngắm hoàng hôn tắt dần trên vịnh biển, tôi còn may mắn gặp được một đôi vợ chồng trẻ đang chụp ảnh cưới ngay bến thuyền. Cả hai cười rất xinh khi tôi giơ máy lên xin phép chụp và sau khi thích thú xem ảnh, họ kéo nhau băng qua con đường lát gạch để tiếp tục chụp với photographer của họ.
Phía xa xa, mặt trời đã chuyển sang màu vàng sẫm rồi đỏ tía và từ từ lặn sau dãy núi. Một vài con tàu đang chuẩn bị vào cảng, ngọn đèn pha trước mũi loang loáng chiếu những tia sáng trên mặt biển giờ đây đã sẫm đen. Có tiếng nhạc vẳng ra trên tàu, lúc còn, lúc mất. Ngọn gió từ biển thổi lồng lộng, ào ạt, dường như mang cả vị mặn của muối thả trên vai tôi ram ráp và rồi tấm “thảm nhung” dát kim cương trên triền núi quanh cảng biển lại vừa xuất hiện. Tất cả như bám chặt theo tôi trên đường về Izmir và làm tôi mất ngủ trong đêm cuối cùng ở thành phố xinh đẹp này.
Biết nói thế nào khi chia tay Izmir nhỉ?
Biết nói thế nào khi bỏ lại một nửa trái tim mình ở đó?…
Izmir đẹp đến nỗi tôi đã chảy nước mắt khi nhìn thấy! Có lẽ vì tôi biết sự may mắn này khó lòng đến với mình lần thứ hai
THÔNG TIN CHO BẠN
– Izmir, tên cổ là Smyrna, thành phố cảng lớn thứ nhì sau Istanbul, là nơi đông dân thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ. Nằm ở cực tây của bán đảo Tiểu Á bên bờ biển Aegea, ở khu vực rìa của vịnh Izmir. Izmir có khoảng 4000 năm lịch sử đô thị, gồm 30 huyện hành chính và… thú vị thay, nó là thành phố kết nghĩa với Đà Nẵng, Việt Nam.
– Từ TP.HCM hoặc Hà Nội, bạn có thể mua vé máy bay của các hãng Turkish Airlines, Qatar, Vietnam Airlines để đến Izmir. Tùy hãng máy bay mà bạn sẽ transit mấy chặng: Bangkok, Doha, Istanbul. Từ Istanbul, bạn chuyển sang máy bay nội địa (có thể mua vé cả hành trình hoặc riêng biệt Istanbul – Izmir cho chặng này. Giá vé giao động từ 26 đến 36 triệu đồng cho cả hành trình.
– Khách sạn ở Izmir khá rẻ, chỉ từ khoảng 1.200.000 đồng/đêm cho khách sạn 4 sao. Bạn có thể book phòng trên Internet.
– Tại Izmir hoặc trên cả lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, người ta lưu hành 3 loại tiền: đô-la Mỹ, euro và Turkish lira (TL/TRY). Tuy nhiên, hãy đổi tiền của bạn ra đồng TL tại sân bay hoặc các trạm Exchange. Đừng đổi ở khách sạn hoặc trả bằng tiềnđô-la Mỹ, euro vì bạn sẽ bị trả phí chênh lệch ít nhất 10%.
– Hãy thử món rice pudding làm bằng trứng sữa béo ngậy nếu bạn không sợ lên cân. Món bánh mì thịt nướng (kebab) cũng đáng nếm. Chưa hết, còn món Köfte (thịt viên nướng) ăn kèm bánh mì và dưa chuột muối. Dĩ nhiên, cả trái mận nữa.
– Để rong chơi ở izmir thoải mái: Trang phục gọn nhẹ, khăn quàng hoặc mũ là các phụ kiện tốt nhất khi rong chơi ở Izmir. Đặc biệt, hãy mang giày lười để có thể tuột ra bất cứ lúc nào bạn gặp biển
Bài: Phạm Thị Ngọc Liên. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Harper’s Bazaar