Trong phong thủy, gió là một yếu tố quan trọng tác động đến năng lượng sống của bạn. Phong linh (chuông gió) là một trong những dụng cụ hỗ trợ phong thủy và trang trí nhà cửa phổ biến. Những chiếc chuông gió được treo ở trong vườn, bên hiên nhà hay cạnh cửa sổ được xem như các linh vật có thể khắc chế nguồn năng lượng xấu từ bên ngoài, ngăn chúng vào nhà. Ngoài ra, âm thanh trong trẻo của chúng khi có gió về cũng giúp phát tán, luân chuyển năng lượng tích cực đến các góc trong nhà. Điều này giúp tinh thần gia chủ thoải mái và dễ chịu hơn.
Khi treo chuông gió, điều đầu tiên bạn cần lưu ý là lựa chọn chất liệu phù hợp với các yếu tố phong thủy xung quanh chỗ treo. Có ba cách phổ biến để bạn chọn vị trí treo chuông gió hợp phong thủy nhất đó là: chất liệu, số thanh và biểu tượng mà nó tượng trưng. Với mỗi chất liệu khác nhau như kim loại, gốm, gỗ… chuông gió sẽ phù hợp với các vị trí khác nhau. Một chiếc chuông gió làm bằng kim loại có thể treo ở hướng Tây, Tây Bắc và Bắc. Còn chuông gió làm bằng sứ hoặc đất nung nên được treo ở khu vực phong thủy dành cho gỗ và đất như trung tâm ngôi nhà, hướng Tây Nam, Đông Bắc, Đông và Đông Nam. Chuông gió làm bằng gỗ hoặc tre có thể treo được ở hướng Đông, Đông Nam và Nam khu vực bát quái. Khi treo bạn cũng cần chú ý không làm suy hỏng yếu tố phong thủy chính của khu vực đó. Ví dụ, không treo chiếc chuông gió làm bằng kim loại ở hướng Đông, hướng tượng trưng cho gỗ.
Số thanh gắn trên chuông gió cũng là một yếu tố cần để tâm. Cả hai loại thanh rỗng và thanh đặc đều có những tác dụng phong thủy tốt. Chuông gió phổ biến thường có 6 hoặc 8 thanh. Nếu bạn muốn ngăn chặn năng lượng xấu chiếu mệnh trong năm đó thì có thể chọn chuông gió có 5 thanh. Điều thú vị của việc treo phong linh trong nhà là bạn có thể thiết kế chúng như các vật dụng trang trí xinh đẹp. Bên cạnh các biểu tượng truyền thống như kỳ lân, bạn có thể treo chuông gió gắn các hũ thủy tinh vẽ hình hiện đại như pop art hay gắn những loại đá quý theo màu hợp mệnh.
Bài: Thành Vũ – Harper’s Bazaar