Từng là một thí sinh không quá nổi bật trong cuộc thi Vietnam’s Next Top Model 2012, song Đỗ Hà đã có những biến chuyển đầy ngoạn mục trong năm 2016. Cô gái trẻ là một trong số ít người mẫu dám thử sức tại các tuần lễ thời trang thế giới và đã chinh phục sàn diễn thu đông của thương hiệu Alberto Zambelli and Carlos Gil tại Milan Fashion Week. Điều gì đã biến giấc mơ sải bước trên sàn diễn quốc tế của cô gái này thành hiện thực?
Cùng Bazaar lắng nghe câu chuyện của Đỗ Hà về hành trình chạm đến giấc mơ, qua lời kể của chính cô.
Cô gái nhỏ ôm giấc mộng lớn
Có thể nói, Vietnam’s Next Top Model là bước đệm đưa tôi đến với nghề người mẫu. Tuy không đi đến đích cuối cùng của cuộc thi, tôi vẫn lựa chọn duy trì công việc này vì niềm đam mê dành cho catwalk.
Tràn trề hy vọng về một tương lai tươi sáng, tôi tiếp tục ở lại Sài Gòn và xem đây là mảnh đất để lập nghiệp. Một mình vừa trang trải cuộc sống, vừa theo đuổi đam mê nghệ thuật, không tránh khỏi có những lúc tôi cảm thấy đuối sức.
Những ngày đầu bước chân vào nghề mẫu với lượng show ít ỏi, tự thân tôi phải thiết kế và bán những mẫu áo sơ mi, áo thun… vẽ tay để có thêm thu nhập. Buồn tủi có, lạc lõng có, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ cuộc.
Nhiều lần tôi tự hỏi, “Tại sao nhiều người có thể? Còn mình lại không thể?” và tự nhủ rằng mình sẽ làm được. Cứ thế dần dần tôi vượt qua được những mặc cảm ban đầu.
Bù lại những tháng ngày cơ cực, nỗ lực của tôi dần được đáp lại bằng sự chấp nhận của những người làm thời trang trong nước. Từng bước một, tôi tìm được tiếng nói riêng cho bản thân mình, thoát khỏi cái bóng của một thí sinh bước ra từ show truyền hình thực tế.
Mặc dù theo đuổi nghề người mẫu, tôi lại chọn cho mình cuộc sống khép kín, ít ồn ào và cảm thấy an phận với những gì mình đang có. Quyết định đến Milan để thay đổi bản thân là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng và nỗ lực để được sống hết mình với đam mê. Với một người mẫu trẻ chưa hề va chạm với thị trường thời trang quốc tế như tôi, khó khăn và thử thách là điều không thể tránh khỏi. Song, lửa thử vàng, gian nan thử sức, tôi đón nhận tất cả những trở ngại ấy và xem đó là một bài học để bức phá, để chiến thắng bản thân và chứng minh rằng: Tôi làm được.
Những bài học làm nghề người mẫu vô giá cho Hà Kino từ Milan
Gần 1 tháng tại Milan, ngày nào tôi cũng phải làm việc dưới sức ép và sự căng thẳng tột độ. Rào cản về mặt ngôn ngữ, nỗi nhớ nhà và những buổi casting kéo dài đằng đẵng luôn chực chờ quật đổ ý chí của tôi.
Dù đã chuẩn bị tâm lí trước khi đi, sau những giờ chờ đợi mòn mỏi, tôi vẫn không thể nào ngăn được cảm giác hụt hẫng và thất vọng trước những cái lắc đầu lạnh lùng hoặc những lần hủy show không hề báo trước. Phải đặt chân đến Milan, bạn mới cảm nhận được sự cạnh tranh khốc liệt trong giới người mẫu, điều hoàn toàn tương phản với ngành công nghiệp thời trang trong nước.
Có một sự thật xấu xí rằng, đâu đó trong làng thời trang quốc tế vẫn còn tồn tại sự phân biệt chủng tộc và cái nhìn kỳ thị đối với màu da. Sự từ chối thẳng thừng trước những người mẫu không phải da trắng đã khiến cho cánh cửa cơ hội của những gương mặt đến từ châu Á, trong đó có tôi, càng bị thu hẹp.
Trong những giờ phút tuyệt vọng nhất, tấm vé mở màn cho show diễn của Carlos Gil chính là điểm sáng giúp tôi vực dậy tinh thần, là phần thưởng cho những giọt mồ hôi và nước mắt, cho tình yêu và đam mê không ngừng nghỉ với những gì tôi đã và đang theo đuổi. Dù chưa sải bước trên sàn diễn của các thương hiệu đình đám, tôi vẫn gặt hái được những điều dù không lớn lao nhưng là vô giá. Làm việc ở môi trường quốc tế, tôi phải học cách rèn cho mình tinh thần thép, đón nhận tất cả mọi thứ đến với mình bằng thái độ lạc quan nhất. Bởi vì, mọi thứ có thể diễn ra và thay đổi trong chớp mắt, nếu bạn không thể nắm bắt được thì nó chắc chắn sẽ vuột mất.
“Hãy sống đúng với chính mình, đó mới là hạnh phúc!”
Nếu được hỏi tôi cảm thấy tự tin nhất điều gì ở bản thân, tôi sẽ trả lời rằng đó là đôi mắt đậm chất Á Đông. Thần thái trên sàn diễn là một trong những tiêu chí mà các thương hiệu ưu tiên khi tuyển chọn người mẫu. Để nhận được một cái gật đầu từ phía nhà thiết kế, chính bản thân người mẫu phải chứng minh được cá tính và sự độc nhất của mình trong phong cách trình diễn. Trong đó, chính ánh mắt và biểu cảm trên gương mặt sẽ quyết định bạn có nhận được sự chấp thuận của nhà mốt hay không.
Thế kỷ 21 đánh dấu sự lên ngôi của phong cách androgyny: lưỡng tính. Có thể nói, androgyny đã thay đổi cục diện và qui chuẩn về cái đẹp và thẩm mỹ. Hơn ai hết, tôi hiểu được sự thay đổi này và xem đó là một lợi thế để phát huy cá tính riêng của mình. Với tôi, thậm chí nếu androgyny không phải là xu hướng phổ biến, tôi vẫn tự hào về phong cách cá nhân mà bấy lâu vẫn luôn theo đuổi. Bởi lẽ, tôi luôn tâm niệm rằng, chinh phục thời trang bằng chất riêng của mình mới mang lại thành công và chỗ đứng vững chắc.
Bài: Thịnh Nguyễn, theo lời kể của Đỗ Hà (Hà Kino)
Harper’s Bazaar Việt Nam