Thời cổ đại
Lịch sử ghi nhận phụ nữ ở vùng Lưỡng Hà cổ đại 3500 trước Công Nguyên (TCN) là những người đầu tiên phát minh và sử dụng son môi. Trong khi đó, người Ai Cập cổ đại lại tán nhỏ các loại vật liệu có màu đỏ để tô điểm cho bờ môi mình.
Ở đế chế Hy Lạp, vào năm thứ 1000 TCN, những phụ nữ quý tộc không sử dụng son môi mà chỉ có những cô kỹ nữ mới sử dụng son đỏ. Tuy nhiên, đến năm 700 TCN, phụ nữ Hy Lạp đã sử dụng son mà không quan tâm đến địa vị xã hội. Họ tạo ra son đỏ bằng những nguyên liệu kỳ lạ như thuốc nhuộm màu đỏ, quả berry nghiền, mồ hôi cừu và phân cá sấu.
Thời Trung Cổ
Vào thời Trung cổ, son môi rất được ưa chuộng ở Châu Âu, và màu son được dùng để phân biệt các giai cấp trong xã hội. Phụ nữ quý tộc ở Ý thoa son hồng trong khi son đỏ biểu thị cho vị thế xã hội thấp kém của người phụ nữ.
Thời Phục Hưng
Đến thời kỳ Phục hưng, son không còn được các tầng lớp thượng lưu ưa chuộng, thay vào đó mọi người coi nó là thứ chỉ dành cho những cô gái mại dâm hoặc phụ nữ tầng lớp thấp. Tuy nhiên đến thời Nữ hoàng Elizabeth I trị vì, bà đã khôi phục vị thế cho son môi khi sử dụng phong cách trang điểm trắng toát và son đỏ thắm.
Vào thế kỷ 18, mỹ phẩm bị nghiêm cấm ở Anh khi Nghị viện thông qua đạo luật cho phép đàn ông hủy bỏ hôn nhân nếu người phụ nữ từng trang điểm trước khi cưới (1770). Vào giai đoạn này, chỉ có kỹ nữ mới dám dùng son phấn.
Trong khi đó, người Pháp lại có thái độ khác về trang điểm. Thập niên 80 của thế kỷ 18, phụ nữ tầng lớp thượng lưu không thể thiếu mỹ phẩm. Những người để mặt mộc ra ngoài thường bị coi là kỹ nữ hoặc phụ nữ lao động chân tay.
Thế kỷ 19
Cuối thế kỷ 19, nữ hoàng Anh Victoria tuyên bố trang điểm là không lịch sự. Son môi không còn thịnh hành ở cả Anh và Pháp. Tuy nhiên, vẫn có người dám đi ngược các định kiến. Nữ diễn viên Pháp Sarah Bernhardt cùng một số đồng nghiệp khác gây chủ ý khi tô son môi ở chốn đông người.
Thập niên 90 thế kỷ 19, công ty Sears Roebuck lần đầu tiên ra mắt quảng cáo son môi. Lúc này, son môi được chiết xuất từ vảy cá, rệp son.
Thập niên 1920
Những năm 1920, son đỏ khôi phục lại vị thế của mình. Năm 1915, Maurice Levy phát minh ra thỏi son có vỏ bằng kim loại đầu tiên. Trước đó, son môi làm từ mỡ hươu, dầu thầu dầu, sáp ong đều được gói trong vải lụa hoặc giấy, rất bất tiện để mang theo bên người.
Thập niên 1940-1950
Sang những năm 1940, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn khốc liệt, son môi trở thành hàng hiếm vì thiếu thốn nguyên liệu sản xuất.
Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, các công ty mỹ phẩm lớn như Maybeline, Revlon, CoverGirl đẩy mạnh các chiến dịch quảng cáo son môi. Sang thập niên 1950, son môi càng được yêu thích và sử dụng rộng rãi. Màu son đỏ dần trở thành biểu tượng của sự gợi cảm. Biểu tượng sắc đẹp trong giai đoạn này phải kể đến Marilyn Monroe, Rita Hayworth, Ava Gardner, Elizabeth Taylor…
Thập niên 1970-1990
Những năm 1970, nhiều màu son môi mới được sản xuất, son đỏ vì thế mất đi vị trí độc tôn. Son môi màu kem trở nên thịnh hành vì phụ nữ trong giai đoạn này yêu thích vẻ đẹp tự nhiên. Bên cạnh đó sự nổi dậy của phong cách Punk cũng khiến màu môi đen, tím được sử dụng rộng rãi.
Những năm 1980, màu son đỏ một lần nữa giành lại vị trí số một. Nữ hoàng nhạc Pop Madonna đã sử dụng son đỏ trong suốt tour diễn vòng quanh thế giới của cô, góp phần hồi sinh cho màu son này.
Tuy nhiên, đến đầu những năm 1990, son màu nude, cũng như các tông nâu, trầm đã trở thành một xu hướng làm đẹp mới của người phụ nữ.
Thế kỷ 21
Đến thế kỷ 21, son đỏ vẫn được phái nữ tôn vinh. Đôi môi đỏ rực trở thành phong cách đặc trưng của nhiều ngôi sao Hollywood. Ngày nay, tuy thế giới của các màu son trở nên rất đa dạng, phong phú, thỏi son đỏ luôn chiếm vị trí quan trọng trong túi trang điểm của các cô nàng xinh đẹp.
Harper’s Bazaar Việt Nam