Sẽ như thế nào nếu thế giới thiếu vắng sự hiện diện của rượu vang? Rõ ràng là không thể. Với sản lượng 275,7 triệu héc-to lít/năm, tại Pháp mỗi năm một người thưởng thức 59 lít rượu vang. Có thể nói vang luôn có mặt trên bàn ăn, trong các cuộc mạn đàm, ở các lễ kỷ niệm, liên hoan. Rượu vang mãi mãi là một biểu tượng phong lưu. Thậm chí các nhà khoa học còn quả quyết dư sức trồng nho làm rượu vang ở… Sao Hỏa!
Thế giới vang phản ánh thời trang
1. Từ khâu nguyên vật liệu
Bạn muốn mình trở thành người sành điệu trong ăn mặc? Hãy cứ thử mê vang! Bởi chất men từ nho này có đủ lý lẽ để trở thành chiếc cầu dẫn đến thời trang. Bắt đầu từ khâu nguyên liệu. Các château với những giống nho chuyên biệt được trồng ở những thổ nhưỡng đặc biệt đã sản sinh từng loại rượu vang khác nhau. Còn công nghiệp thời trang may mặc muốn nổi bật cũng cần đến những loại vải sợi đặc thù.
Nho Malbec, Riesling hay Syrah… làm nức tiếng thương hiệu vang của Argentina, Đức và của vùng sông Rhône thế nào, thì vải Gabardine dệt từ cotton Ai Cập, len Cashmere hay vải denim cũng khiến Burberry và Levi’s làm say lòng giới mộ điệu thời trang thế ấy.
2. Đến kỹ thuật tinh xảo
Các bước chưng cất, ủ, phối trộn men vào nho rất phức tạp. Những chai rượu vang hảo hạng như Château Lafite, Champagne, Chateau Cheval Blanc, Burgundy… ra đời không đơn giản. Khác gì tay nghề cắt, ráp, đính… trong quá trình tạo ra một bộ sưu tập trứ danh của Armani, Versace, Gucci hay Hermès.
Cả rượu vang lẫn thời trang đều kết tinh một danh sách các thương hiệu lớn. Đó là con dấu xác nhận đẳng cấp cho tầng lớp thượng lưu. Thời trang có Dolce & Gabbana, Chanel, Christian Dior? Rượu vang cũng có Château Lafite Rothschild hay Dom Pérignon.
Rượu vang, nguồn hứng khởi của thời trang
Rượu vang đang chiếm lĩnh bảng màu của làng thời trang. Hãy nhìn bảng tham chiếu màu sắc quốc tế Pantone. Có phải bạn thấy nhiều cái tên rất “rượu vang” không? Những tông màu như Claret, Sauternes, Bordeaux, Champagne… đã dùng trong thời trang từ lâu. Nhiều nhà thiết kế ưu ái đặt cho trang phục của họ những cái tên từ giống nho và màu rượu: Beaujolais, Burgundy, Chardonnay đến Malbec, Merlot, Zinfandel hay Chianti.
Vang Bordeaux và vang Burgundy gần như thống trị các bộ sưu tập thời trang Thu Đông 2014/2015. Các nhà mốt hàng đầu Dolce & Gabbana, Krizia và Laura Biagotti đều tung ra màu đỏ thẫm và đỏ tía vào năm đó.
Một số màu nổi tiếng nhất
Thuật ngữ “bordeaux” bắt đầu dùng để miêu tả màu sắc dưới cái tên “claret” bởi người Anh từ thế kỷ 14. Màu “burgundy” được ghi nhận sử dụng đầu tiên vào năm 1881. Còn từ “champagne” vào năm 1915.
Ca khúc bất hủ “Champagne Charlie” chắc chắn đã góp phần mang văn hóa rượu thượng lưu vào cuộc sống. Nó cũng ảnh hưởng lớn đến nền công nghiệp thời trang trong thời kì vàng son của nước Mỹ – The Roaring Twenties. Đó là thời những chiếc váy ngắn lấp lánh màu champagne của những cô gái flapper phóng khoáng lên ngôi.
Mách bạn
Cuộc cách mạng xảy ra khi Coco Chanel sáng tạo ra chiếc túi xách có quai xích Chanel 2.55. Mục đích là… để quý bà có thể đeo túi ở vai và rảnh tay cầm ly champagne. Còn biểu tượng hai chữ C lồng vào nhau của nhà Chanel cũng do chủ nhân lâu đài rượu vang Château de Cremat ở miền nam nước Pháp thiết kế.
Cảm hứng chất liệu
Không chỉ có sắc màu. Một sáng tạo đầy tính đột phá từ rượu vang là tạo ra chất liệu may mặc mới. Một nhóm nghiên cứu tại đại học Western Australia đã nảy ra ý tưởng này. Họ tạo ra vải cotton từ rượu vang. Quá trình đặc biệt này bắt đầu bằng việc thêm vi khuẩn Acetobacter vào rượu vang đỏ. Qua thời gian lên men, một lớp váng sẽ hình thành trên bề mặt rượu. Lớp váng này được thu gom và “sấy khô” trên người người mẫu để tạo thành trang phục như mong muốn.
Công nghệ này mới chỉ nhen nhóm phát triển và chưa được hoàn thiện. Tuy nhiên, khuynh hướng “thời trang lên men” đã khám phá ra những chất liệu vải vừa chắc vừa mềm, lại có thể tự tạo khuôn theo dáng vóc người mặc mà không cần cắt, may. Có lẽ một ngày nào đó, bạn sẽ mặc trang phục làm từ rượu Pinot Noir hay Merlot.
Khi những nhà thiết kế thời trang mê vang
Không ít nhà thiết kế thời trang có những dòng vang mang dấu ấn của mình. Gần chục hãng thời trang nổi tiếng đang sở hữu các lâu đài rượu vang. Nhà Ferragamo sản xuất rượu vang Il Borro sau khi mua lâu đài rượu vang Borro tại Tuscany, Ý. Château Rauzan-Ségla và Canon với hai dòng vang trứ danh Cabernet Sauvignon và Sauvignon Blanc thuộc sở hữu của nhà Chanel. Bulgari cũng sở hữu trang trại rượu Podernuovo ở miền nam Tuscany, Ý. Họ có dòng nho bậc nhất sangiovese. LVMH – tập đoàn sở hữu những thương hiệu thời trang hàng đầu như Louis Vuitton, Gucci, Saint Laurent – cũng nắm trong tay rất nhiều lâu đài rượu vang trứ danh.
Thiết kế mẫu chai rượu
Cựu giám đốc sáng tạo nhà Chanel, Karl Lagerfeld, gắn liền với ngành công nghiệp vang. Ông thiết kế ly uống vang. Ngoài ra, ông còn được Dom Pérignon đặt thiết kế mẫu chai và hộp của dòng rượu 1998 Vintage Champagne. Ông còn thiết kế nhãn chai cho Château Rauzan-Ségla 2009 để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 350 của lâu đài rượu vang này.
Năm 2009, Donna Karen của DKNY chế tác mẫu chai vang Chandon đặc biệt, nhân sinh nhật 20 năm của nhà máy rượu.
Đế chế vang Moët & Chandon chọn Tuần lễ Thời trang Luân Đôn năm 1998 để giới thiệu loại vang hồng mới của mình.
Jean Paul Gaultier đã tạo ra vẻ ngoài đậm chất tiên phong cho dòng sâm panh Piper-Heidsieck. Chai thì bọc lưới mắt cá màu đen và đóng kín bằng latex gợi tình. Những chai khác lại được trang trí cực kỳ sang trọng với pha lê Swarovski đen.
Liên kết kinh doanh
Đôi khi tình yêu với vang còn truyền cảm hứng, để nhà thiết kế thời trang sản xuất dòng vang riêng của họ. Roberto Cavalli là một ví dụ. Ông sản xuất dòng vang đỏ Super Tuscan ở vùng Chianti Classico. Tháng Tư 2016, trong tuần lễ thời trang Mercedes-Benz Fashion Week Montenegro, các bộ sưu tập đã được trình diễn trong hầm rượu Šipčanik.
Louis Vuitton sáp nhập cùng Moët Hennessy năm 1987 để tạo ra LVMH. Đây là một liên kết mạnh mẽ giữa thời trang và rượu. Đó có thể là sự gắn bó của những sáng tạo nghệ thuật vô hạn cùng đẳng cấp tồn tại mãi theo thời gian. Điều đó được thể hiện đỉnh điểm tại Pháp, với Bordeaux là nơi đóng đô của những lâu đài rượu vang hảo hạng và Paris là kinh đô của thời trang thế giới.
Nghi Anh, Hồng Nhung
Harper’s Bazaar Việt Nam