Khi Bazaar hỏi, bộ sưu tập Háu kết hợp cùng những nhà thiết kế trẻ khác có đến từ ký ức tình yêu và tuổi trẻ giằng xé, đầy ám ảnh của chính chị hay không, Kim Trúc chỉ cười. Câu chuyện về những góc khuất cuộc đời và mảng màu sáng tạo lần lượt được hé lộ, một cách chậm rãi nhưng vô cùng mê hoặc.
Những mảnh ghép trong Háu là sự phản hồi, là xúc cảm rất cá nhân của từng thành viên
Trang Khiếu từng viết một đoạn thơ ngẫu hứng:
“Cháu đau, cháu thơm và cháu ca.
Chỉ đơn thuần là cháu háu.
Một cái cây và những mầm non của nó.
Màu rộ tâm hồn.
Đám người tâm linh.
Chảy trong họ.
Con sói đói.
Rỗng tuếch, nhảm nhựa, bao quanh.
Bản nhạc buồn ngủ quên.
Gặp lại.”
Hấp thụ hình ảnh và cảm xúc đó: Tụ, thụ rồi tán. Cuối cùng, không thể phân biệt được đâu là nguyên bản và đâu là biến thể, tất cả như đã đi qua cùng một nút thắt – cảm xúc trong bài thơ, khiến chúng tôi liên tưởng đến những bức ảnh của Nan Goldin trong series The Ballad of Sexual Dependency. Bộ sưu tập mang gam màu dark lolita với vệt son nhòe và mái tóc rối bời, các nhân vật từ một đoạn tự truyện xoắn ẩn trong vẻ đẹp ma mị, mang màu sắc vang vọng David Lynch noir. Khi nhiều nhà thiết kế cùng hợp tác trong một bộ sưu tập, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là sự hòa hợp, là những cái có thể dung hòa và quyện vào nhau. Đó chính là sự hấp dẫn, lôi cuốn để cho ra những sản phẩm gây bất ngờ.
Tôi sử dụng một số loại vải rẻ tiền, lem luốc, cùng với một số thứ bỏ đi khác, kết hợp với chất liệu len và nhung, bề mặt bóng bẩy, trau chuốt, để đánh thẳng vào sự mâu thuẫn trong cuộc sống.
Thời trang là nghệ thuật, mà nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống
Tôi từng theo học ngành Art Plastic tại Pháp trong suốt 3 năm. Khoảng thời gian đó giúp tôi tự trau dồi kiến thức, đồng thời học được cách thể hiện bản thân mình, truyền đạt các giá trị và ý tưởng cá nhân. Tôi có thể tự kể những câu chuyện qua đôi mắt của chính mình, tìm kiếm và tiếp cận được với những người có cùng suy nghĩ và cách nhìn nhận. Đối với tôi, thời trang không chỉ gói gọn trong trang phục mà còn là sự tổng hòa của những giá trị tinh thần. Nghệ thuật, thời trang, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, hình ảnh, kiến trúc, mọi thứ đều xuất phát từ những điều thân thuộc, từ cuộc sống. Chúng là sự phản ánh thú vị của thời gian – không gian dưới tư duy trừu tượng của con người, của cảm xúc, hành vi và tâm lý. Để nhìn và chạm đến.
Tôi muốn kể lại từng chặng đường đi qua bằng ngôn ngữ thời trang
Nguồn cảm hứng của tôi thường xuất phát từ chính những cảm xúc cá nhân đối với yếu tố xảy đến xung quanh. Đơn giản như khi gặp gỡ một người, nghe một bản nhạc hay, xem một cuốn phim cũ, đọc một quyển sách.
Những cô gái của tôi tự do và đầy mâu thuẫn
Bởi vậy, các mẫu thiết kế trước đó của tôi đi theo hướng deconstructed. Nó giống như một trò chơi hoàn toàn tự do, để nhà thiết kế thỏa sức tái tạo lại từng chi tiết, làm tăng khả năng phát huy và sáng tạo. Chỉ cần một tâm trí phiêu lưu bay bổng để tạo ra một thiết kế táo bạo có tính toán. Trí tưởng tượng là thứ duy nhất quyết định giới hạn của mình. Điều tối quan trọng là bạn phải có được kết quả cuối cùng thật ấn tượng và mang chất lượng tốt, để không ai có thể “tái chế” nó một lần nữa.
Bộ sưu tập Fall Winter 2017 CRUEL sẽ mang chính cảm hứng bấp bênh của bản thân tôi
Tôi dự định sẽ sử dụng một số loại vải rẻ tiền, lem luốc, cùng với một số thứ bỏ đi khác, kết hợp với chất liệu len và nhung, bề mặt bóng bẩy, trau chuốt, để đánh thẳng vào sự mâu thuẫn trong cuộc sống. Cảm hứng xuất phát không đâu xa lạ mà từ chính bản thân tôi, với nội tâm bên trong bấp bênh và đầy mâu thuẫn. Một tinh thần tự do, gò bó mà bộc phát, cứng nhắc mà buông thả, thể hiện mọi vật đảo lộn và biến dạng, không lý trí, say mê, ảo tưởng, kỳ quái, tình dục, mơ mộng, điên loạn. Một mớ hỗn mang, đó chính là thế giới của tôi.
BÀI: VÂN ANH.
FASHION DIRECTOR: SARAH NGUYỄN.
ẢNH: THÔNG HOÀNG.
STYLIST: EMIL VY.
TRANG ĐIỂM: CÚC NGUYỄN.
NGƯỜI MẪU: LÂM THU HẰNG.
NỮ TRANG: LA FIANCEE DU FACTREUR JEWELRY
Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 5/2017