Khi Alessandro Michele và tôi gặp nhau tại phòng khách sạn của anh ở SoHo, New York, đó vốn đã là một ngày làm việc rất dài. Anh nói lịch trình đáng lẽ còn một đống việc khác nữa, chứ chưa hẳn kết thúc đâu. Trên đường đến đây, các trợ lý của Alessandro phải can ngăn mãi sếp của họ mới chịu thôi không ghé qua de Vera – một trong rất nhiều cửa hàng đồ cổ “ruột”.
“Tôi là người thích sưu tầm,” Alessandro nói. “Đã thích sưu tầm tức là bạn có thể tìm thấy đồ quý giá ở khắp nơi. Chỉ cần bước ra ngoài để đến tiệm thuốc thôi, khi trở về trong tay bạn đã cầm theo một món rồi. Bạn sẽ có cảm giác mình như mãi bị giam cầm trong một giấc mơ. Chỉ cần có một chút rảnh rỗi, tôi lại lôi iPad ra và tìm kiếm ngay.”
Sưu tầm đồ cổ là sự cứu rỗi
Quả thực, Alessandro Michele là kẻ nghiện sưu tầm. Theo dõi Instagram cá nhân, bạn sẽ bắt gặp nhiều hình chụp nội thất tại nhà riêng của Michele ở Rome. Bộ sưu tập có tất cả mọi thứ, từ chiếc bàn thờ đá Công Giáo thời Phục Hưng, đôi giày Adidas 1960 cổ điển cho đến bức tượng chú vẹt trắng sứ thời Belle Époque thế kỷ 19.
Trong giới sưu tầm, Michele Alessandro nổi tiếng với hình ảnh đặc trưng. Ôm chiếc iPad giữa đêm khuya, tay lướt không ngừng, mua hết món này đến món khác, đôi khi khó mà kiểm soát được. Nhưng có lẽ đối với anh, đó lại là một sự cứu rỗi. “Nếu không, chúng sẽ bị vứt bỏ, giá trị thật sự bị lãng quên. Tôi có thể nghe thấy lời cầu cứu thì thầm.
Khi đón những món đồ ấy về nhà mình, cảm giác như tôi đã mang chúng đến một bệnh viện đặc biệt. Nơi mà ở đó tôi có thể tận tình chăm sóc”. Bởi vậy, nhà riêng của Michele luôn có một không khí vô cùng khác lạ. “Bạn trai tôi hay đùa rằng nghe toàn là mùi đồ cũ,” Michele bật cười lớn. “Đồ cũ kể những câu chuyện trong quá khứ. Còn ở hiện tại, những món đồ cũ ấy sẽ kể cho bạn nghe những gì?”
Mùi hương của chuyện cũ và mới
Câu trả lời ẩn giấu trong hương nước hoa đầu tiên mà Alessandro Michele sáng tạo cho nhà mốt Gucci – Gucci Bloom. Chính thức cầm trịch vị trí giám đốc sáng tạo vào năm 2015. “Sau 2 năm, cuối cùng tôi đã có thể đem đến cho Gucci một mùi hương mới”, anh nói.
Nhà điều chế nước hoa Alberto Morillas chia sẻ ý tưởng của Michele về một mùi hương “nữ tính và vui vẻ”. Alberto nói, “Alessandro vô cùng hiểu biết về nước hoa. Sức sáng tạo ấn tượng của anh ấy khiến quá trình hợp tác diễn ra hết sức thuận lợi”. Kết quả chính là sự hòa quyện giữa hương hoa huệ, hoa nhài, xạ hương và phảng phất vị quyến rũ đến mời gọi của sử quân tử đỏ rực.
Gucci Bloom gợi cho người ta nhớ đến những giấc trưa hè khi mà không gian đẫm mùi cỏ mới và nắng vàng ươm. Nhưng có chút sắc bén và dồn dập hơn. Nó là lời đáp cho câu hỏi mà Alessandro Michele tìm kiếm ở những món đồ anh sưu tầm – câu chuyện của cũ và mới. Morillas nói: “Bạn sẽ nhận ra từng loài hoa một cách rất dễ dàng. Tuy vậy, cái cách mà tinh dầu hoa được điều chế và pha trộn khiến chúng trở nên mới mẻ và bất ngờ.”
“Đây không chỉ đơn thuần là nước hoa, nó là một thứ cảm xúc lưu lại trên cơ thể”
“Tôi chợt nghĩ,” Michele giải thích về ý tưởng phía sau Gucci Bloom. “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một cô gái trẻ bước vào khu vườn của người dì đã lớn tuổi. Ở đó có những khóm hoa tươi, trồng xen với hàng rau xanh mướt, giữa thành phố ồn ào.”. Đó là cách mà Alessandro tưởng tượng về một vườn hoa nho nhỏ giữa quảng trường Times Square.
Thảm hoa rực sắc những đóa hồng, tử đinh hương, sơn thù du, cát cánh và anh đào đua nở. Cô nàng Dakota Johnson mơ màng trên chiếc xích đu bằng gỗ nhuộm màu xanh thẫm của hoa tử đằng. Bên cạnh, Hari Nef, Petra Collins – những nàng thơ của Gucci Bloom thong thả dạo chơi cùng Alessandro Michelle. Dakota Johnson nói cô không thích dùng từ “lạ thường”. Nhưng đây là cách miêu tả thích hợp nhất cho mùi hương này. “Một thứ gì đó vô cùng ngọt ngào nhưng lại bí ẩn, và tôi thích nó.”
Còn Hari Nef chia sẻ: “Gucci Bloom chứa đựng một bí mật xưa cũ, ôm ấp trong những cánh hoa”. Petra Collins bật mí bản thân mình chưa bao giờ dùng nước hoa. “Nhưng đây không chỉ đơn thuần là nước hoa, nó là một thứ cảm xúc lưu lại trên cơ thể. Những mùi nước hoa khác đối với tôi chỉ mang đến cảm giác trần trụi, như sex vậy”, Collins nói.
Alessandro Michele và cuộc cách mạng thời trang
Dưới thời Alessandro Michele, Gucci như bước vào một cuộc chuyển mình mang tính cách mạng. Những thiết kế bóng bẩy, phô diễn cơ thể anh từng vẽ ra cho Tom Ford giờ đã là quá khứ. Hình ảnh người mẫu Louise Pedersen trong chiến dịch quảng cáo Gucci Xuân Hè 2003 với chữ “G” được in dấu vào vùng nhạy cảm, từng gây xôn xao dư luận, nay chỉ là một ký ức.
Tái định nghĩa phong cách của thương hiệu
Đến với Gucci, Michele dẹp bỏ những bộ suit sắc sảo và váy mini-skirt bằng da của người tiền nhiệm. Thay vào đó, anh tái định nghĩa phong cách của thương hiệu bằng những thiết kế hỗn loạn, cổ quái và đầy thú vị. Bộ sưu tập mới là một chuỗi quay cuồng những món đồ vintage cổ điển, cũ kỹ. Với chi tiết đính kết cầu kỳ lấy cảm hứng từ lịch sử hội họa thế giới. Các thiết kế của Alessandro Michele không chỉ đơn thuần là quần áo. Anh như đang mải miết chơi đùa với chất liệu và màu sắc để tạo ra những bộ trang phục lưỡng tính, sặc sỡ.
Mời bạn tiếp tục theo dõi toàn bộ bài viết trên tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 8, phát hành ngày 31/07 trên toàn quốc.
Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 8/2017
Bài: BELINDA MCKEON.
Chuyển ngữ: VÂN ANH.
Ảnh: ALEXI LUBOMIRSKI.
Thiết kế hoa ERIC BUTERBAUGH.
Trang điểm và làm móng cho Collins: MELISSA MURDICK cho Gucci Beauty, và MADELINE POOLE.
Trang điểm, làm tóc và làm móng cho Dakota Johnson: MARK TOWNSEND cho Dove Hair Care; KATE LEE; và DEBORAH LIPPMANN.
Trang điểm, làm tóc và làm móng cho Nef: PETER BUTLER cho Leonor Greyl; CHRISTIAN MCCULLOCH; và MADELINE POOLE.
Sản xuất: IAN KAPLAN cho the Custom Family.
Set design: NICHOLAS DES JARDINS cho Mary Howard Studio.
Chân thành cảm ơn Times Square Alliance