Tập đoàn LVMH muốn tái đàm phán thương vụ mua hãng trang sức Tiffany & Co

Giá cổ phiếu của hãng Tiffany & Co sụt thêm 8.9% trong ngày khi tin tức này loan truyền ra

Mặt tiền cửa hàng flagship của Tiffany & Co tại đại lộ số 5 New York

Theo thông tin từ trang WWD, Hội đồng quản trị của tập đoàn LVMH vừa họp kín thứ Ba vừa qua để thảo luận lại thương vụ mua hãng trang sức Tiffany & Co.

Các thành viên ban quản trị e ngại về các ảnh hưởng của dịch cúm COVID-19 đến nền kinh tế Mỹ. Những cuộc biểu tình vì cái chết của George Floyd khiến tình hình xã hội Mỹ thêm bất ổn. Hội đồng quản trị LVMH cũng cho rằng Tiffany & Co thiếu khả năng xoay xở và trả nợ ở bối cảnh hiện tại.

Khi thông báo sẽ mua lại công ty Tiffany & Co, LVMH đã hy vọng thương hiệu này sẽ giúp củng cố hạng mục kim hoàn, trang sức và đồng hồ của tập đoàn. Vừa giúp LVMH đối đầu với tập đoàn Richemont sở hữu Cartier. Vừa giúp LVMH mở rộng thị trường kinh doanh tại Mỹ và Trung Quốc. Nhưng bây giờ, giá trị của Tiffany & Co đã giảm sút khá nhiều từ khi thương vụ trị giá 16 tỷ đô thông qua hồi đầu năm.

Sau dịch cúm corona, những chiếc hộp màu xanh thiên thanh của Tiffany & Co không còn đáng giá như trước.

Hiện tại, đại diện Tiffany & Co chưa có thông báo chính thức về vụ việc này. Còn đại diện của tập đoàn LVMH thì từ chối trả lời phỏng vấn.

Cổ phiếu của Tiffany & Co ngay lập tức rớt mạnh sau khi thông tin này lan rộng. Sàn chứng khoán đã phải ngưng việc trading cổ phiếu của Tiffany & Co để ngăn cản việc bán tháo cổ phiếu. Cuối ngày Thứ Ba, giá cổ phiếu của Tiffany đã rớt 8.9%.

Dịch cúm corona đã ảnh hưởng không nhỏ đến các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp trong năm nay.

Có thể kể đến kế hoạch bán thương hiệu Victoria’s Secret từ tập đoàn L Brands Inc. qua công ty Sycamore Partners. Nếu thương vụ giữa tập đoàn LVMH và Tiffany & Co không thành, đây sẽ là một trong những thương vụ bạc tỷ khác gãy gánh giữa đường vì COVID-19.

Hoàn cảnh hiện tại của Tiffany & Co rất bi đát.

Doanh số của thương hiệu 183 tuổi đời này đã giảm sút đều đặn trong nhiều năm qua. Lệnh giãn cách xã hội vì dịch cúm corona bắt buộc hãng phải tạm đóng hàng loạt cửa hàng tại Mỹ, trong khi vẫn phải đóng tiền thuê mặt bằng cao. Một phần lớn doanh số của Tiffany & Co đến từ khách du lịch, mà đối tượng này biến mất hoàn toàn khi các quốc gia bế quan tỏa cảng. Vừa manh nha mở cửa thì các cửa hàng lại phải gấp rút đóng lại do các cuộc biểu tình.

Cảnh sát bảo vệ cửa hàng Tiffany & Co ở Walnut Creek, bang California trước nguy cơ bị đập phá do biểu tình. Ảnh: Getty Images

Được biết, vào tháng 03/2020, tập đoàn LVMH từng có dự định sẽ mua trực tiếp cổ phiếu của Tiffany & Co trên thị trường chứng khoán. Lúc ấy, giá cổ phiếu của thương hiệu kim hoàn thấp hơn nhiều so với mức giá được đề ra trong bản thương thảo vụ mua bán và sáp nhập.

Có vẻ như tập đoàn LVMH vẫn muốn sở hữu thương hiệu Tiffany & Co. Câu hỏi lớn nhất bây giờ chỉ là ở mức giá bao nhiêu.

>>> Xem thêm: LOUIS VUITTON NÂNG CẤP DÒNG TÚI XÁCH DA THUỘC VỚI SỰ TRỢ GIÚP CỦA JOHNNY COCA

Theo Business Insider, WWD
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm