Fashion Creation 2020 được tổ chức nhằm vinh danh các sinh viên vừa tốt nghiệp của ngành Thiết kế thời trang, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật trường Đại học Hoa Sen. Chương trình giới thiệu bộ sưu tập tốt nghiệp của chín nhà thiết kế trẻ vừa ra trường. Buổi trình diễn đem đến những góc nhìn rất khác về thời trang. Nó nói lên quan điểm sống, cũng như khái niệm về duy mỹ khác lạ của thế hệ trẻ. Hãy cùng Harper’s Bazaar điểm qua chín bộ sưu tập đầy tâm huyết này.
Phạm Hồng Ngọc với BST The Gilded Cage
BST The Gilded Cage của Phạm Hồng Ngọc tái hiện lại cuộc sống của những nàng công chúa. Những nhân vật luôn phải sống trong khuôn khổ và trách nhiệm. Như những chú chim sống trong chiếc lồng vàng.
Hồng Ngọc lấy cảm hứng từ trang phục thế kỷ 18 và 19. Không chỉ ở mặt phom dáng, mà còn từ những kỹ thuật thủ công như smocking, xếp pli tay hay phương pháp làm gọng xưa cũ. Đi kèm là phụ kiện đội đầu mang cảm hứng vương miện.
Tương phản với kiểu dáng cầu kỳ là chất liệu gọn nhẹ. Các bộ cánh có thể được tháo lắp để tạo sự đa dạng và ứng dụng. Hồng Ngọc tạo các họa tiết bằng sợi kim loại Sadi thread nhập khẩu từ nước ngoài.
Kết hợp với kỹ thuật thêu tay và needle felted (nghệ thuật len chọc*) trên chất liệu từ len lông cừu để tạo hình khối. Thông qua bộ sưu tập, Hồng Ngọc truyền tải thông điệp mong muốn phụ nữ trở nên mạnh mẽ hơn, thể hiện quyền tự chủ cuộc sống của mình hơn.
Lê Triệu Duy Anh với BST The Category is:Bloom
Một bông hoa đẹp nhất khi bông hoa ấy nở rộ vào mùa xuân. Mỗi chúng ta đẹp nhất khi được là chính mình. Đây là thông điệp từ nhà thiết kế trẻ Lê Triệu Duy Anh vừa bước ra từ đại học Hoa Sen.
Bộ sưu tập này dành cho cả nam lẫn nữ với phong cách androgynous. Nó thể hiện cho suy nghĩ, “Quần áo không xác định giới tính của bạn” của nhà thiết kế trẻ. Lê Triệu Duy Anh chọn suit và áo sơ mi làm form dáng chính cho bộ sưu tập. Nhưng rồi kết hợp phá cách cùng váy và đầm để thể hiện rõ tinh thần phi giới tính mà anh hướng đến.
Màu sắc của bộ sưu tập trang nhã, trung tính. Điểm nhấn là các bông hoa 3D được kết thủ công bằng tay. Chất liệu vải có nguồn gốc chủ yếu thuần tự nhiên và dệt thủ công, như tơ tằm. Nhờ những chi tiết này, bộ sưu tập là cầu nối giữa sự nữ tính và nữ quyền.
Nguyễn Ngọc Đan Thanh với BST Perfect Conflict
Nhắc đến hoàng tộc nước Pháp, chúng ta nghĩ ngay đến nữ hoàng tai tiếng Marie Antoinette. Bà là người đầu tiên dám đứng lên dư luận, đem trang phục lót mặc ra bên ngoài để thể hiện cái tôi xinh đẹp. Ngưỡng mộ Marie Antoinette, Đan Thanh đã đem phong thái tự tin, mạnh mẽ của bà vào bộ sưu tập tốt nghiệp của mình.
Perfect Conflict là sự kết hợp giữa phong cách cổ điển và hiện đại. Nhà thiết kế học Marie Antoinette biến trang phục lót thành đồ mặc bên ngoài, phơi bày những thứ từng cho là phải giấu đi với mục đích thay đổi tiêu chuẩn về cái đẹp mà xã hội đặt ra.
Các chi tiết xưa cũ như áo chemise tay phồng, áo corset, váy lót petticoat xếp tầng được Đan Thanh sử dụng triệt để. Chất liệu sử dụng là vải organza và taffeta mềm mại, quyến rũ. Đối lập với các chi tiết cổ xưa này là tông màu trắng kem tối giản hiện đại.
Thông qua Perfect Conflict, Đan Thanh muốn khích lệ phụ nữ hãy tự tin về hình thể của mình, tự tin thể hiện bản thân mình. Đừng để những tiêu chuẩn về cái đẹp của xã hội, đóng khung vẻ đẹp vốn có của bạn.
Lưu Gia Uyên với BST White Demons
Bộ sưu tập White Demons lấy cảm hứng từ những bức ảnh siêu thực của nhiếp ảnh gia Tim Walker. Những câu chuyện bí ẩn đằng sau những bức ảnh, sự đối lập giữa biểu hiện bên ngoài và đối lập bên trong của các nhân vật đã tạo nên nền tảng cho bộ sưu tập này.
Lưu Gia Uyên chọn phong cách tối giản cho White Demons. Mục đích truyền đạt ý nghĩa về “sự bỏ quên sự đơn giản”. Trong cuộc sống hiện đại, bận rộn và tấp nập; sự tham cầu vật chất tạo cảm giác ngột ngạt. Cuộc sống hiện đại đã bỏ lại những linh hồn mộc mạc.
Đoàn Thủy Tiên với BST Denimism
Thông qua mini collection “DENIMISM”, Thuỷ Tiên muốn lột tỏa năng lượng trẻ trung với chất liệu denim.
Không đơn giản, không một màu, không cứng nhắc, không nhàm chám. Thay vào đó là sự trẻ trung, năng động, phá cách. Tự do, vô tư lự, nổi loạn, cứng đầu, tuổi trẻ. Phong cách punk rock, chắp vá của các mảnh vải, màu sắc gam primary là cách Đoàn Thủy Tiên truyền tải các thông điệp này.
Phan Thị Thanh Thảo với BST Stu-dying
Stu-Dying được lấy cảm hứng từ sự chán nản với trường trung học. Lối học vẹt với hàng chồng sách vở. Công thức dài dặc phải học thuộc lòng. Những thứ gây cảm giác sợ hãi cho giới học sinh-sinh viên được đưa vào bộ sưu tập thật vui nhộn. Phan Thị Thanh Thảo muốn thể hiện cảm xúc, “Chúng ta đã vượt qua chúng bằng cách nào!”.
Sự phá cách trong form dáng khi kết hợp bộ đồ học sinh đơn giản với bộ đồ pijama ứng dụng. Hiệu ứng chần bông, đan móc tạo hình khối nghệ thuật. Những hoạ tiết in đầy “ma trận” công thức trong lớp lót như những tờ “phao”. Tất cả đem lại một cảm giác biếm hoạ về thời học sinh. Đây là BST đã được trao giải “ấn tượng nhất” từ hội đồng nghệ thuật gồm nhiều tên tuổi lớn trong nghành thời trang.
Bộ sưu tập Stu-dying muốn gửi gắm hai thông điệp với lối chơi chữ thông minh.
Một, Student Dying, dành cho giới học sinh-sinh viên. Hãy tìm kiếm sự hứng thú trong học tập. Vì đây là điểm bắt đầu cho tương lai của bạn. Học tập là để cho chính bạn, đừng để đam mê của bạn bị ngủ quên và chết đi.
Hai, Studying, dành cho ba mẹ phụ huynh, thầy cô giáo. Hãy đổi mới cách giáo dục trẻ. Đừng để những áp lực điểm số, thành tích đè nén những đứa trẻ. Học cách tìm hiểu chúng thật sự muốn gì thay vì áp đặt suy nghĩ của bạn lên chúng.
Dương Him Lam với BST Wanderer’s Night Song
Dương Him Lam đã làm nên bộ sưu tập tốt nghiệp lấy cảm hứng từ nghệ thuật múa đương đại (contemporary dance). Các động tác nhảy giải thoát sự tù túng của cơ thể, để cảm nhận được sự chuyển động khi hoà mình vào thiên nhiên.
Trang phục uyển chuyển như trang phục của vũ công. Chất liệu mỏng nhẹ tạo sự thoải mái. Chi tiết trang trí lấy cảm hứng từ sự chuyển động của nước, rễ cây, sỏi đá.
Nguyễn Võ Minh Anh với BST Peking Opera
Bộ sưu tập với cái tên Peking Opera của Minh Anh được lấy cảm hứng từ Meishan, người vợ ba trong bộ phim Đèn lồng đỏ treo cao (Raise the Red Lantern) của đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu.
Phong cách của bộ sưu tập đậm chất văn hóa nghệ thuật tuồng. Hai tông màu đỏ – xanh đối lập diễn tả 2 thái cực cảm xúc xuyên suốt bộ phim. Bên ngoài hào nhoáng, rực rỡ. Bên trong thì lại tràn đầy sự mục rữa, thối nát của chế độ phong kiến, cũng như sự dần dần chết mòn trong tâm hồn của nhân vật.
Bộ sưu tập sử dụng các chất liệu tư nhiên từ tơ tằm, vải nhuộm màu tự nhiên Lãnh Mỹ A. Kết hợp kỹ thuật xử lý truyền thống như thêu độn nổi, đính kim, đan thắt dây và kết cườm.
Thông qua bộ sưu tập, Minh Anh không chỉ muốn kết nối văn hóa Á Đông với thời trang; mà còn muốn truyền tải thông điệp về niềm khát khao tự do, hạnh phúc cá nhân.
Nguyễn Minh Đức với BST Real
Mỗi người chúng ta luôn tồn tại một bản ngã bên trong. Cảm xúc thật, xã hội thật và con người thật của chính chúng ta là nguồn cảm hứng chính trong bộ sưu tập REAL của sinh viên Nguyễn Minh Đức.
Real là một cái nhìn đa chiều về xã hội ngày nay. Thông qua những ám ảnh về sự hoàn hảo của con người, Nguyễn Minh Đức diễn tả vẻ đẹp của tình yêu, sức mạnh và tính đa dạng của mỗi chúng ta.
Bên cạnh thông điệp ý nghĩa, những thiết kế của Minh Đức còn nổi bật vì kỹ thuật may. Minh Đức tạo ra những trang phục kết nối với nhau và mặc được nhiều cách. Thay vì may lại với nhau, thì nhà thiết kế lại kết nối bằng nút bọc vải 100% bọc thủ công bằng tay. Thêm một phần, giảm một phần
Các chi tiết cắt laser, in kỹ thuật số, thêu ngẫu hứng, xếp pli, thắt dây, đính hạt và chi tiết kim loại ánh đồng. Tất cả đã tạo nên những thiết kế đầy chất nghệ thuật.
Chính vì những sáng tạo mang đầy tính đột phá này, BST “REAL” của NTK Nguyễn Minh Đức đã đạt giải BST xuất sắc nhất tại Fashion Creation 2020.
>>> Xem thêm: GỢI CẢM HƠN VỚI TRANG PHỤC DENIM ÔM BÓ
Harper’s Bazaar Việt Nam