Du lịch Hà Giang: Vách Đá Trắng trên đèo Mã Pì Lèng và Con Đường Hạnh Phúc

Harper's Bazaar đi bộ tham quan Vách Đá Trắng trên đỉnh con đèo nối Đồng Văn và Mèo Vạc. Nơi đây, chúng tôi được nghe kể lại những huyền thoại tuyệt đẹp

BZ-du-lich-Ha-Giang-hinh-anh-3

Khi du lịch Hà Giang, hãy đến đây để ngắm toàn cảnh Mã Pì Lèng. Trái là dòng sông Nho Quế, giữa là Con đường Hạnh Phúc quanh co dành cho xe cộ. Bên phải là núi Chua Lành Gấu với Vách Đá Trắng dựng đứng. Bạn có thể thấy một con đường mòn để trekking sát chân vách núi. Khúc sạt lở màu nâu từ chân Vách Vợ làm chúng tôi không thể đi một lèo hết con đường.

Nhiều người thường đùa rằng: Cuộc đời có hai kiểu người. Một là người chưa từng đến Hà Giang. Hai là, người đi du lịch Hà Giang rất nhiều lần. Lần nào cũng phải xuống sông Nho Quế và qua đèo Mã Pì Lèng. Du lịch Hà Giang – vùng đất địa đầu tổ quốc – có gì mà quyến rũ thế?

Người H’Mông ở Đồng Văn thường kể cho nhau nghe truyền thuyết sau:

Ngày xưa có cô Tiên trồng một cây thuốc quý trên núi Chua Lành Gấu (núi Cô Tiên). Cây có khả năng chữa bách bệnh và cải lão hoàn đồng. Tuy nhiên, vách núi dựng đứng, quanh năm mây phủ, không ai có thể trèo lên được.

Dưới chân núi có đôi vợ chồng nghèo nhưng rất yêu thương nhau. Một ngày kia, người vợ ngã bệnh, không thuốc nào chữa được. Người chồng thương vợ, quyết trèo vách đá nguy hiểm hái thuốc. Anh đẵn hàng ngàn cây cọc đóng vào vách núi, lần từng bước lên đỉnh Cô Tiên. Leo mãi cũng đến được đỉnh. Anh mừng rỡ mang thuốc, trèo đường cũ xuống. Kỳ lạ thay, khi anh vừa xuống tới chân vách đá thì tất cả cọc gỗ đều biến mất. Nơi anh trèo lên sau này hiện ra hai vách đá trắng dựng đứng, một nhỏ một to.

Người dân gọi bức tường đá là Gầu Cá Dính (Vách Đá Trắng), gồm
Vách Chồng và Vách Vợ. Vách Chồng lớn hơn. Còn Vách Vợ ngả đầu vào Vách Chồng, tượng trưng cho tình yêu vợ chồng chung thủy.

Những cọc gỗ đóng vào núi biến thành những giọt nước rơi như mưa từ trên đầu núi. Nước ngọt và mát lành. Nếu ai đến đây với lòng thành và hứng những giọt nước đó uống thì sẽ gặp nhiều may mắn. Dịp Tết, bà con dân tộc vẫn đến thờ cúng dưới chân vách núi linh thiêng, nơi người chồng bắt đầu cuộc leo dũng cảm.

Chòi nhỏ trên con đường trekking đến Vách Đá Trắng cổ tích. Ngồi đây, bạn sẽ thấy toàn cảnh Mã Pì Lèng

Đèo Mã Pì Lèng nối Đồng Văn và Mèo Vạc

Nghe câu chuyện cảm động, chúng tôi quyết phải đến được Vách Đá Trắng. Hỏi đường, bà con cười, chỉ tay ngang lưng chừng trời, đâu đó trong những đám mây: “Cứ đi theo đường đó”. Đường đó là con đường cheo leo trên cao, nơi người dân thường đi bộ. Phía đầu đường có bảng Đại đỉnh đèo Mã Pì Lèng. Bảo tàng Con đường Hạnh phúc án ngữ ngay lối vào.

Con đường Hạnh phúc là đường xe ô tô dài 200km. Đường nối thành phố Hà Giang với bốn huyện vùng cao Quảng Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Quanh co nhất là đoạn qua đèo Mã Pì Lèng, nối Đồng Văn và Mèo Vạc. Ngày xưa không có đường, tất cả đều đi bộ. Năm 1959, nhà nước khởi công xây đường. Hơn 1.300 thanh niên xung phong và 1.000 dân công đã dùng cuốc xẻng thô sơ, khoét vách núi làm đường.

BZ-du-lich-Ha-Giang-hinh-anh-4

Người dân lấy cỏ về cho bò ăn

Những cảm tử quân của Con đường hạnh phúc

Trong số họ có một “Đội cảm tử quân”. Đoạn từ Đồng Văn sang Mèo Vạc khó nhất, chỉ có vách đá cheo leo.

Mỗi sáng, các anh choàng dây thừng, mang theo thuốc nổ, bám đá leo xuống vách núi. Đục lỗ, đặt mìn, châm ngòi rồi bám dây leo thật nhanh lên. Chậm chân sẽ không thoát. Mỗi bữa sáng là một cuộc đưa tiễn. Biết ai sẽ không trở về vào buổi tối? Sau sáu năm gian nan, con đường thông xe vào ngày 10 tháng 3 năm 1965. Mười bốn thanh niên dũng cảm đã mãi mãi nằm lại trong đá.

Trước bảo tàng là tượng đài ghi công những liệt sỹ. Chúng tôi đến khi mây còn quấn quanh tượng đài. Bảo tàng nhỏ. Tường treo la liệt những tấm ảnh đã mờ theo năm tháng. Tôi lặng nhìn chiếc xe đạp thồ. Trên xe treo những cà-mèn cơm và bi-đông móp méo – dụng cụ đựng cơm nước của những người cảm tử xưa.

BZ-du-lich-Ha-Giang-hinh-anh-2

Bảo tàng Con đường Hạnh phúc nhỏ nhưng ấm cúng

Chiếc xe thồ và những dụng cụ đựng đồ ăn, thức uống của những chiến sỹ xây con đường Hạnh phúc năm nào

>>> Xem thêm: DU LỊCH HẬU COVID-19: NHỮNG TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ NGAY TẠI VIỆT NAM

Du lịch Hà Giang: Trekking đến Vách Đá Trắng

Rời bảo tàng, chúng tôi dừng lại uống cà phê trong quán A Páo ngay đầu đèo. Mây bảng lảng. Bàn gỗ đặt sát mép đường, nhìn xuống một vùng quang cảnh hùng vĩ. Uống cà phê ấm nóng trong mây thực sự là một cảm xúc đẹp khó tả.

Xóc ba lô lên vai, chúng tôi bắt đầu chuyến trekking lên Vách Đá Trắng. Chúng tôi hy vọng có thể đi bộ thẳng từ Đồng Văn sang Mèo Vạc bằng đường này. Bên phải đường là vách núi với những tinh thể thạch anh khổng lồ ẩn hiện dưới lớp đá vôi. Hoa lá dại mọc xen kẽ, điểm tô cho vách đá thêm lộng lẫy. Bên trái là vực núi trải dài phủ mây lãng mạn.

BZ-du-lich-Ha-Giang-hinh-anh-5

Tinh thể thạch anh lộ ra dưới lớp đá vôi

Có tiếng mõ tre lóc cóc phía xa. Một đàn dê hiện ra sau khúc quanh. Hai cậu bé người dân tộc áp tải đàn dê dừng lại ngay vách núi chỗ chúng tôi đứng. Họ hét to, xua đàn dê leo lên những tảng đá. Những chú dê nhảy lóc cóc từ khối đá này qua khối đá khác, thản nhiên gặm lá, mặc chúng tôi thi nhau giơ máy ảnh lên bấm.

BZ-du-lich-Ha-Giang-hinh-anh-1

Cậu bé người dân tộc đuổi đàn dê lên vách núi. Dê ăn cỏ trên núi nên thịt dê vùng này rất ngon

Giọt nước mát may mắn

Đi khoảng 700 m có một mỏm núi nhô ra. Dân phượt hay rủ nhau leo lên đây chụp hình check in. Hình tạo cảm giác bạn ngồi cheo leo trong mây.

Sau 3km đầu tiên, chúng tôi đến một chiếc chòi nhỏ màu xanh để nghỉ chân. Chòi xây ở vị trí đắc địa, cao khoảng 1.200m so với mặt biển. Dưới sâu bên trái là sông Nho Quế với hẻm vực Tu Sản nổi tiếng. Con đường Hạnh phúc quanh co tít dưới xa. Bên phải là Vách Đá Trắng cổ tích.

Vậy nhưng cũng phải đi thêm 2km nữa, chúng tôi mới tới được vách đá. Khum tay hứng những hạt nước may mắn tới tấp từ đỉnh núi Cô Tiên, chúng tôi vục mặt vào nước mát ngọt lành, cảm nhận tình yêu của Đất Mẹ.

Sạt lở làm khó nhau

Con đường đột ngột bị cắt ngang ngay dưới Vách Vợ. Đoạn này sạt lở đã lâu, hoàn toàn trơn trượt. Không có mỏm đá nào chìa ra để có thể bám víu leo qua. Kế hoạch thất bại. Chúng tôi ngậm ngùi quay lại đường cũ. Cả đi cả về là 10km.

Hôm sau, chúng tôi phải đi xe sang Mèo Vạc và thám hiểm đoạn còn lại. Lần này, chúng tôi đi bộ từ hướng Mèo Vạc ngược về Đồng Văn. Đoạn sau dễ đi, chỉ khoảng 1,5km, nhưng dốc hơn.

Có lẽ bạn đã nghe nhiều về cao nguyên đá Đồng Văn – bảo tàng địa chất được UNESCO công nhận. Hãy bỏ chút thời gian đến đây để đi săn mây trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng. Quang cảnh hùng vĩ, cũng như bầu không khí trong lành, sẽ là món quà thiên nhiên mà bạn không thể nào quên.

Thành viên nhóm trekking của Harper’s Bazaar, leo tuốt ra vách đá cheo leo phủ trong mây

Tips Du lịch Hà Giang: Đường đến Đồng Văn

• Đường đến Đồng Văn: Bạn nên đi xe hơi từ sáng sớm. Từ Hà Nội tới thành phố Hà Giang mất khoảng 4,5 giờ. Nghỉ ăn trưa, sau đó bạn bắt đầu hành trình trên Con đường Hạnh phúc nối thành phố Hà Giang tới thị trấn Đồng Văn dài 150km.

• Đường nhỏ nên đi chậm, mất 4,5 giờ. Đường không quá khó đi. Đoạn qua Yên Minh có đường mới mở. Hãy hỏi người dân để đi đường này, tiết kiệm được 29km.

• Nhà nghỉ rất rẻ. Chúng tôi đã ở Plum Homestay. Nhà sàn sạch đẹp, tiếp tân thân thiện và biết tiếng Anh.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm