Sắc vàng: Vì sao gam màu từng bị ghẻ lạnh lại trở thành màu của năm 2021?

Cùng tìm hiểu câu chuyện không ít truân chuyên đằng sau màu vàng - một trong hai tông sắc sẽ lên ngôi của năm 2021

Sau năm năm, Pantone lại chọn một cặp màu là “Color of the Year”. Với 2021, sắc xám và màu vàng tươi sáng sẽ là Pantone Color.  Ảnh: Pantone

Cùng với xám Ultimate Grey, màu vàng sáng Illuminating Yellow vừa được Pantone chọn làm màu sắc của năm 2021. Hai màu sắc này được cho là mang đến hy vọng về một năm mới ổn đinh và tươi sáng hơn. Mang thông điệp tích cực là thế, nhưng ít ai biết rằng sắc vàng từng trải qua không ít thăng trầm trong lịch sử.

Màu vàng trong văn hoá phương Đông tượng trưng cho quyền lực tối thượng của Thiên Tử. Còn đối với phương Tây, nó thường gợi nhắc đến sự phản bội và nỗi buồn. Trong ngôn ngữ, chẳng mấy khó khăn để liệt kê ra hàng loạt cụm từ liên quan đến màu vàng. Và chúng hoàn toàn không có ý nghĩa tích cực. Trong thời trang, sắc vàng cũng từng có thời gian dài bị “ghẻ lạnh”.

Bị gán ghép với những ý nghĩa tiêu cực, nhưng màu vàng không vì thế mà bị tuyệt chủng hoàn toàn. Cùng nhìn lại chặng đường dài của tông sắc này trước khi được vinh danh trên bảng màu quyền lực Pantone.

>>> Xem thêm: LỊCH SỬ THỜI TRANG CUNG ĐÌNH VIỆT: VÌ SAO CHỈ VUA CHÚA MỚI ĐƯỢC MẶC TRANG PHỤC SẮC VÀNG?

Quá khứ gây tranh cãi của màu vàng

Một bức bích hoạ La Mã. Ảnh: AFP

Từ thời tiền sử, nhân loại đã biết về sắc vàng. Những bức tranh trong hang động từ thời Đồ Đá được chế tác từ đất sét vàng. Con người cũng sớm biết cách nhuộm màu vàng với các loại cây như cây chổi hay nghệ tây.

Thời cổ đại, màu vàng rất được coi trọng. Nó là màu sắc tượng trưng cho sức mạnh, năng lượng tích cực và niềm vui.  Phụ nữ La Mã mặc trang phục có sắc vàng trong các buổi lễ trang trọng và đám cưới. 

Bức tranh Nụ hôn của Judas. Ảnh: Getty

Nhưng đến thời Trung cổ, màu vàng bắt đầu bị gán ghép với ý nghĩa tiêu cực: Bệnh tật, sự phản bội. Sau cuộc Thập tự chinh, một “dresscode” đặc biệt được đặt ra nhằm bêu rếu những kẻ thua cuộc và đào ngũ. Judas, kẻ bị kết tội phản bội chúa Jesus, thường xuất hiện trên những bức tranh với trang phục màu vàng. Cùng từ đây, màu vàng trở thành màu của sự tẩy chay.

Ở thế kỷ XIX, những người vợ/ chồng bị phản bội thường được vẽ biếm hoạ bằng màu vàng. Nhà của những kẻ giả mạo trong giai đoạn này đều sơn bằng tông màu tương tự.

Màu vàng lụi tàn của hội họa

Vincent Van Gogh góp phần hồi sinh màu vàng trong hội hoạ. Ảnh: Wikipedia

Màu vàng cũng gắn liền với những thứ mau lụi tàn. Nên nó thường xuất hiện trong những bức tranh mùa thu một cách ảm đạm.

Sự trở lại của màu vàng trong hội họa phải kể đến công lao của các họa sỹ ấn tượng (Impressionism) và hậu ấn tượng (Post-Impressionism). Bắt đầu là Van Gogh và Gauguin. Về sau, hội họa hiện đại dần dà hồi sinh những gam màu sáng. Và sắc vàng cũng nằm trong số đó.

Vui vui

Màu vàng được “né tránh” một cách tinh tế trong chính trị, kể từ sau Cách mạng Pháp. Không một đảng phái chính trị nào chọn màu sắc này làm đại diện bởi ý nghĩa tiêu cực mà nó bị gán ghép từ xa xưa. Vì vậy, một tông màu tương tự, có đủ sự rực lửa, tích cực mà không dính dáng “vết nhơ” nào được lựa chọn. Đó là sắc cam.

Màu vàng và màu xám: Bộ đôi ăn ý của thời trang

Ở thời hiện đại, việc lựa chọn màu sắc trang phục đã vô cùng tự do. Thế nhưng, sự hiện diện của sắc vàng trong thời trang vẫn còn khá hạn chế, đặc biệt là ở phương Tây và đối với nam giới. Có thể kể ngay DJ Drake như người tiên phong ưa chuộng màu vàng.

Ngoài ra, nhiều nhà mốt lớn cũng có những bản phối ngẫu thú vị của cặp đôi màu Pantone 2021: Xám và vàng. Prada từ lâu đã thường nhắc đến việc kết hợp hai màu sắc này. Vàng và xám đi đôi với nhau có thể là một sự kết hợp màu sắc khá khó chịu ở thời điểm đó. Nhưng dần dà theo thời gian lại tạo nên sức hút đặc biệt đáng để nhìn lại. Từ vài năm trước, các thương hiệu cũng khéo léo thử chơi màu như vậy: Alexander McQueen, Gucci hay Virgin Abloh với Off-White, …

Alexander McQueen FW20. Ảnh: hypebeast

Gucci Pre fall 2019. Ảnh: gq.com

Prada SS96. Ảnh: anothermag.com

Tâm lý của màu vàng

Tại Tây phương, từ lâu đã hiện diện một phân nhánh tâm lý học liên quan đến các màu sắc. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, màu sắc có khả năng chi phối cảm xúc của chúng ta. Cũng vì lý do này mà có sự yêu – ghét đặc thù cho từng gam màu.

Một khảo sát được thực hiện ở châu Âu về nhận định đối với các màu sắc. Từ cuối thế kỷ XIX đến nay, kết quả gần như không hề thay đổi. Màu sắc được yêu thích nhất là xanh dương, với hơn một nửa số người được hỏi lựa chọn. Tiếp đến là xanh lá cây, đỏ, đen và trắng. Không quá ngạc nhiên khi nằm cuối bảng là màu vàng.

Những hiệu ứng tốt mà màu vàng mang lại

• Cực kỳ bắt mắt. Là gam màu của ánh mặt trời nên sắc chói chang của màu vàng dễ thu hút sự chú ý. Chẳng vì vậy mà nó được dùng làm đèn đường.

• Tràn đầy năng lượng. Bạn có tự hỏi, vì sao các nhân vật trên phim hay trong truyện, khi nảy ra một ý tưởng hay nào đó, thường đi kèm biểu tượng bóng đèn vàng bật sáng? Vì gam màu vàng kích thích não bộ hoạt động. Làm việc trong môi trường chìm trong ánh vàng giúp bạn suy nghĩ sáng tạo hơn, lạc quan hơn.

Và các hiệu ứng xấu của gam màu này

• Có thể tạo cảm giác mệt mỏi. Sự chói chang của màu vàng dễ gây mệt mắt nếu phải nhìn vào nó trong thời gian dài. Đây cũng là gam màu khó đọc nhất khi dùng vào font chữ.

• Tạo cảm giác căng thẳng. Khi ở trong môi trường màu vàng chói trong thời gian dài, bạn dễ nảy sinh cảm giác căng não. Sự kích thích quá đà từ gam màu này dễ khiến chúng ta bực bội. Nghiên cứu cũng cho thấy, những đứa bé sinh hoạt trong căn phòng được sơn vàng sẽ dễ quấy khóc hơn.

>>> Xem thêm: MÀU SẮC YÊU THÍCH NÓI GÌ VỀ TÍNH CÁCH CỦA BẠN?

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm