Trịnh Lữ không phải là cái tên xa lạ với cả giới hội họa và văn học. Một phần là vì người có cả hai cái tài như ông cũng không nhiều, phần thứ hai là bởi trong lĩnh vực nào ông cũng đạt đến một mức độ thành quả mà những người trong giới ấy không thể phủ nhận.
Vẽ gì cũng là tự họa là tuyển tập các bức tranh mà họa sỹ Trịnh Lữ đã vẽ từ năm 1963 tới nay. Cuốn sách được biên soạn với ý định khiêm nhường: Ra một cuốn sách nhỏ, có cả tranh cũ tranh mới, cùng dăm câu ba điều về việc vẽ nên chúng trong suốt hơn sáu chục năm qua.
Về tên gọi này, tác giả giải thích:
“Mình vẽ theo lối “mắt thấy, tay vẽ”, mà phải yêu cái gì thì mới vẽ được cái đấy. Sau vẽ nhiều thì nhận ra là cái mình vẽ chính là cách mình nhìn, cách mình cảm thấy, và do đó chính là con người mình. Thành ra, vẽ gì ngoại cảnh cũng thực là vẽ cái thế giới nội tâm và vẽ chính mình”.
Vẽ gì cũng là tự họa: Tuyển tập sau hơn 60 năm vẽ không ngừng của họa sỹ Trịnh Lữ
Nếu nói đây là một triển lãm tranh qua sách, có lẽ không đủ. Nếu nói đây là một tuyển tập, bao gồm rất nhiều những bức tranh cũ mới trong suốt hơn sáu chục năm vẽ không ngừng của họa sĩ Trịnh Lữ, có lẽ vẫn là chưa chuẩn.
Như lời chào, lời nhắn nhủ nhỏ ở đầu sách do chính tay tác giả Trịnh Lữ viết, bước vào cuốn sách này, bạn đọc như được mời đến nhà dùng trà, cùng ngắm tranh, rồi tâm tình đôi ba câu chuyện quanh tranh, quanh trà… Từ chuyện tranh mà nghe ra cả chuyện người, chuyện mình, nghe ra cả những nhân tình thế thái… đầy nhẹ nhàng, sâu lắng.
Không chỉ là một cuốn sách hay và đẹp, cái hay của cuốn sách chính là: Người đọc cũng là người xem tranh, là người thưởng tranh, biết về Trịnh Lữ vẽ thuở lên 5 lên 6 cho đến Trịnh Lữ của những ngày đã 70. Họ sẽ biết về những câu chuyện rất riêng của tác giả, những người thân ruột thịt, những tháng ngày ham vẽ hơn ham học tích phân hàm số… nhưng rồi thành ra chuyện riêng chung lúc nào không hay.
Nghe ông kể chuyện rồi ngắm tranh ông vẽ, rồi như được trò chuyện, được đối thoại với một con người, một cảnh vật, một bình hoa, một mùa xuân này, một cảnh mùa thu rơi kia… Khi thì nhẹ nhàng, đôi khi như thủ thỉ, đôi khi như tâm tình, có lúc lại đáng yêu, và dí dỏm vô cùng. Để thấy mọi sự quanh mình đều có lời riêng, đáng trân quý vô cùng. Nghe tâm tình rồi cái tâm của ta cũng sinh tình mà nở hoa.
Trịnh Lữ bày chữ, chọn tranh theo những mảng đề tài sáng tác của mình: Chân dung; Tĩnh vật và Phong cảnh. Tưởng là tách rời, nhưng hóa ra không phải. Tưởng là xa lạ mà hóa ra thân quen lúc nào. Để rồi nhận ra tại sao tác giả lại bảo: Vẽ gì cũng là tự họa!
Bên cạnh đó là phần “Gỗ và lửa – ái tình còn đang làm”, chưa xong. Chính bởi vậy họa sĩ Trịnh Lữ không cho đây là một triển lãm “hồi cố”, vì ông vẫn đang làm, đang vẽ tiếp. Vậy là câu chuyện sẽ không chỉ dừng lại trong sách này, hy vọng của tác giả là, rồi dịch bệnh qua đi, những người yêu tranh, có thể thực sự ngồi xuống cùng nhau, mà trò chuyện về tranh.
Đi kèm một buổi triển lãm cá nhân tại Hà Nội
Vẽ gì cũng là tự họa cũng là chủ đề triển lãm cá nhân của Trịnh Lữ được diễn ra tại The Muse Artspace. Đồng tổ chức gồm có The Muse, Omega Plus và The Book Lag.
Đây là triển lãm cá nhân hiếm hoi mà họa sĩ Trịnh Lữ tổ chức tại Hà Nội. Các bức tranh của ông lần này được trưng bày theo 3 mảng chính: tranh phong cảnh, tranh chân dung, và tranh tĩnh vật theo phong cách “bức tường tranh” (gallery-wall).
Thật khó để có thể trong một vài dòng tóm tắt được cả ba mảng tranh của một người đã vẽ đến năm ngoài bảy mươi, trải qua cả sự giáo dục mỹ thuật ảnh hưởng Đông Dương và phương Tây. Nhưng triển lãm này hứa hẹn sẽ đem lại những rung cảm nghệ thuật đầy tri thức và ấm áp.
Cuốn sách Vẽ gì cũng là tự họa do chính tay Trịnh Lữ tự thiết kế và viết chú thích. Lời tựa được viết bởi họa sỹ nhà phê bình nghệ thuật và nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng và điêu khắc gia Đào Châu Hải. Những bức tranh trong sách cũng được chọn lọc để đưa vào triển lãm lần này.
Bên cạnh không gian triển lãm sẽ gồm buổi ra mắt chính thức cuốn sách Vẽ gì cũng là tự họa vào ngày 11/1/2022. Như “một buổi đến chơi xem tranh chuyện trò trong phòng vẽ…”, họa sĩ Trịnh Lữ cùng những khách mời đặc biệt sẽ trò chuyện với chúng ta những câu chuyện quanh tranh. Kể cả những kỷ niệm tuyệt vời trong hơn 60 năm đi vẽ của họa sỹ hay nguồn cảm hứng mà ông có được khi cầm cọ để sáng tác ra những tác phẩm để đời.
THÔNG TIN CHO BẠNTRIỂN LÃM TRANH VẼ GÌ CŨNG LÀ TỰ HỌA Thời gian: 9:00 – 21:00, 4/1/2021 – 11/1/2021 BUỔI RA MẮT GIỚI THIỆU SÁCH Thời gian: 9:00 – 11:00, 11/1/2021 HÌNH THỨC TỔ CHỨC TRỰC TUYẾN TRÊN FANPAGE Tham khảo trang Omega Plus Book, The Muse Artspace, The Book Lag – Tiệm sách hay |
GIẤC MƠ HƯ ẢO TẠI TRIỂN LÃM TRANH THỤY KHÚC CỦA HỌA SỸ THỤY DƯƠNG
ĐẠO DIỄN NGẠC LÂM VŨ GÂY ẤN TƯỢNG KHI LẤY RÁC THẢI LÀM CHẤT LIỆU VẼ TRANH
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam