Trung Quốc báo hiệu khả năng lao đao của thị trường xa xỉ

Ngành xa xỉ phẩm đã có hai năm thành công vượt bậc trong giai đoạn dịch cúm toàn cầu, nhưng liệu tình hình lạm phát và khả năng suy thoái kinh tế có làm chậm sự phát triển này?

Các thương hiệu xa xỉ đầu tư cho thị trường Trung Quốc. Trong ảnh là cửa hàng mới của Balenciaga ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Weibo Balenciaga

Trung Quốc hiện nay là một trong những thị trường quan trọng nhất của ngành thời trang xa xỉ. Là nhà máy của thế giới, thị trường này luôn có dòng tiền (cashflow) chảy vào sung túc. Do đó khách hàng Trung Quốc thường phóng tay chi tiêu và mua sắm thời trang xa xỉ.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu từ cách đây hai năm, ngành xa xỉ phẩm đã đạt những doanh số kỷ lục. Người tiêu dùng do không thể đi du lịch nên dành toàn bộ ngân sách du lịch để mua sắm vật phẩm đắt giá. Đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, xu hướng mua sắm bù (revenge buying) để thỏa mãn sự bí bách như bị giam cầm tại nhà đã giúp mang lại doanh thu vượt trội cho ngành xa xỉ phẩm.

>>> XEM THÊM: XU HƯỚNG MUA SẮM BÙ: TÁI KHAI TRƯƠNG HẬU COVID-19, HERMÈS ĐẠT DOANH THU 2,7 TRIỆU ĐÔ

Tuy nhiên, trong năm 2022, cho dù nhiều quốc gia trên thế giới đã vượt qua được đại dịch, thì Trung Quốc vẫn đang đối mặt với tình huống tồi tệ. Mùa hè năm nay chứng kiến nhiều lần giãn cách xã hội liên tiếp tại Thượng Hải, Hải Nam. Dữ liệu cho thấy nền kinh tế của quốc gia này yếu đi trong tháng 7, gần như không tăng trưởng Quý 2/2022. Tình hình không khả quan khiến Ngân hàng Trung ương Trung Hoa giảm lãi suất cho vay trong tháng 8/2022.

Kể cả các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao thuộc tầng lớp thượng lưu cũng e ngại rằng Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế. Nếu trước đây hai năm, họ dồn tiền vào mua sắm hàng hiệu, thì bây giờ họ cũng nhanh chóng rao bán các xa xỉ phẩm để tích trữ tiền mặt.

Theo JingDaily ghi nhận, thị trường second hand Trung Quốc đang xuất hiện nhiều những xa xỉ phẩm như đồng hồ Rolex hay túi xách Hermès. Tuy nhiên, do cung cao hơn cầu, giá thành của chúng trên thị trường second hand đã có sức giảm. Ví dụ, đồng hồ Rolex Submariner có giá bán chuyển nhượng thấp đến 46% so với giá đỉnh điểm. Còn Hermès Birkin, từng được xem là món đầu tư tốt hơn vàng, có mức giá chuyển nhượng giảm khoảng 20%.

Tình trạng sụt giảm giá bán của các món đồ hàng hiệu cũng được nhận thấy ở các quốc gia Tây phương, sau khi thị trường chứng khoán và tiền ảo sụp đổ khiến nhiều người làm giàu bằng các phương tiện này phải bán tháo các xa xỉ phẩm của mình để trữ tiền mặt.

>>> XEM THÊM: MUA HÀNG SECOND HAND CAO CẤP Ở ĐÂU ĐỂ KHÔNG SỢ MUA NHẦM ĐỒ GIẢ?

Ảnh: Weibo Louis Vuitton

Bên cạnh viễn cảnh suy thoái kinh tế, sự tăng giá chóng mặt của các sản phẩm xa xỉ – vì chi phí tăng, nhân cơ hội mang lại doanh thu tốt, và tái định vị thương hiệu – khiến nhiều người tiêu dùng chùn tay. Các thương hiệu dưới trướng tập đoàn LVMH đã hai lần điều chỉnh giá riêng trong năm nay. Còn Chanel đã tăng giá đến 60% tính từ năm ngoái. Mạng xã hội Trung Quốc cũng trending hashtag “Từ khi nào Prada đắt đến vậy”, khi nhiều người tiêu dùng ngạc nhiên trước mức giá mới của túi xách Re-Nylon. Họ cho rằng mức giá mới quá cao vì túi không được làm từ chất liệu hạng sang như da thuộc, cũng không được xem là sản phẩm đầu tư giữ giá trên thị trường second hand.

Theo nghiên cứu từ ngân hàng đầu tư Barclays, doanh số của xa xỉ phẩm tại thị trường Trung Quốc đã giảm đến 40% trong 3 tháng qua. Khi người tiêu dùng nhận ra rằng các vật phẩm họ cho là món đầu tư hời không duy trì được giá tốt trên thị trường second hand, họ sẽ ngừng mua sắm sản phẩm thời trang xa xỉ để chuyển về với các tài sản cổ điển như vàng, kim cương, nhà đất.

>>> XEM THÊM: QUA VIỆC CHANEL TĂNG GIÁ TÚI XÁCH, TÌM HIỂU NGUYÊN TẮC ĐỊNH GIÁ HÀNG XA XỈ

Các thương hiệu xa xỉ, dù ưu tiên Trung Quốc, vẫn luôn tìm cách mở rộng thị trường để không phụ thuộc quá nhiều vào riêng một thị trường lớn này. Hàn Quốc đã xuất hiện như một lựa chọn mới. Theo công ty cố vấn tài chính và nghiên cứu thị trường Samjong KPMG, Hàn Quốc lọt top 10 thị trường thời trang xa xỉ lớn nhất toàn cầu, với sức mua tăng 29.6% đạt 5,8 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2021. Dù vậy, sức mua này chưa thấm vào đâu so với Mỹ (64.1 tỉ), Trung Quốc (42.7 tỉ) và Nhật Bản (26 tỉ).

>>> XEM THÊM: CHÍNH SÁCH “THỊNH VƯỢNG CHUNG” CỦA TRUNG QUỐC KHIẾN GIỚI THỜI TRANG XA XỈ LO ÂU

Trích dẫn Korea Herald, Bloomberg, Jing Daily
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm