Top 12 bộ phim Hollywood làm thay đổi thời trang thế kỷ 20

Những tác phẩm kinh điển trong điện ảnh Hollywood đã làm ảnh hưởng đến thời trang ra sao?

Thời trang Grace Kelly trong phim Hollywood về giới thượng lưu, High Society (1956). Ảnh: MGM

Từ khi công nghệ quay phim ra đời vào thế kỷ 19, điện ảnh dần dần soán ngôi radio để trở thành phương tiện giải trí đại chúng hấp dẫn nhất. Với những hình ảnh chuyển động trên màn ảnh và âm thanh sống động đi kèm, khán giả không khỏi bị mê hoặc bởi thế giới mộng ảo mà điện ảnh dệt nên.

Tạo nên ma thuật của điện ảnh, bên cạnh cốt truyện hay âm nhạc, còn có phục trang trên phim. Trong nhiều trường hợp, thời trang còn mang tính quyết định cho sự thành công của bộ phim. Vì vậy, ảnh hưởng của thời trang trong điện ảnh là điều không thể bàn cãi.

Hãy cùng Harper’s Bazaar nhìn lại top những bộ phim điện ảnh Hollywood đã làm thay đổi ngành thời trang trong thế kỷ 20.

Sức ảnh hưởng của phục trang phim điện ảnh Hollywood với ngành công nghiệp thời trang

Từ những ngày đầu của nền công nghiệp điện ảnh, những tên tuổi lớn như: RKO Radio Pictures, 20 Century Fox, Paramount Pictures, Warner Bros, và Metro-Goldwyn-Maye đã sớm nhận ra khía cạnh quan trọng của trang phục trong quá trình làm phim.

Dẫn đến việc mọi ngôi sao xuất hiện trên màn bạc đều có sự đầu tư chỉn chu và kỹ lưỡng từ khâu tạo hình cho đến trang phục. Đến những năm 1920 và 1930, thần tượng trên màn ảnh đã trở thành hình mẫu của công chúng, phần lớn là nhờ cách định hướng hợp thời về thời trang, kiểu tóc và trang điểm.

Clark Gable trong phim It Happened One Night. Ảnh: Immortalephemera.com

Dần dần, những gì các diễn viên mặc trên phim ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của sản phẩm ngoài đời thật. Một ví dụ điển hình cho sức ảnh hưởng của người nổi tiếng trên phim như trong phim It Happened One Night (1934), khi nam chính Clark Gable không mặc undershirt (áo lót bên trong áo sơ mi) dẫn đến doanh thu sụt giảm của item này chỉ sau một đêm!

Top 12 bộ phim điện ảnh Hollywood gây ảnh hưởng đến thời trang đại chúng

Ngày nay, xu hướng thời trang được định hình ở tuần lễ thời trang tại bốn kinh đô lớn là New York, London, Milan và Paris. Nhưng xưa kia, đặc biệt từ 1928 đến 1941, xu hướng thời trang lại được định hình vì các tác phẩm điện ảnh. Những nhà thiết kế trang phục Hollywood đóng một vai trò không thể thiếu trong việc tạo ra các xu hướng thời trang. Điều này cũng không khó hiểu, vì phim ảnh dễ tiếp cận đám đông và từ đó mang đến những tác động trực tiếp đến nhu cầu mua sắm.

Sau đây, Harper’s Bazaar xin liệt kê top những bộ phim Hollywood đã làm thay đổi ngành công nghiệp thời trang trong thế kỷ 20, theo thứ tự khai sinh của bộ phim.

Phim Wizard of Oz (1939) mang đến sức sống cho họa tiết gingham

Ảnh: MGM Studios

Bộ phim Phù thủy xứ Oz vĩnh viễn làm thay đổi số phận của họa tiết gingham. Hình ảnh Dorothy (Judy Garland thủ vai) trong chiếc đầm pinafore kẻ ô vuông xanh và trắng trở thành biểu tượng cho phong cách ăn mặc đồng quê nước Mỹ. Đôi hài đỏ của Dorothy – vốn dĩ là đôi hài bạc trong tiểu thuyết cùng tên – trở thành một biểu tượng văn hóa và ngày nay vẫn đồng nghĩa với câu nói “một đôi giày đẹp có thể đưa bạn đi vạn dặm”.

Thời trang trong phim Phù thủy xứ Oz là tác phẩm của Gilbert Adrian (1903–1959), người từng nắm quyền điều hành bộ phận trang phục tại Metro-Goldwyn-Mayer (MGM Studios) trong thập niên 1920 và 1930. Ông cũng đã góp phần tạo ra những trang phục đặc trưng của nhiều diễn viên hàng đầu tại MGM Studios.

>>> TÌM HIỂU THÊM: GINGHAM: HỌA TIẾT KẺ SỌC “ĐINH” CỦA MÙA HÈ

Phim Cuốn theo chiều gióGone with the Wind (1939) làm corset bùng nổ trong thế kỷ 20

Ảnh: MGM Studios

Năm 1939 chứng kiến sự ra đời của hàng loạt tác phẩm điện ảnh kinh điển, trong số đó có Cuốn theo chiều gió. Thời trang của phim được đánh giá cao vì chủ yếu phản ánh chính xác phong cách ăn mặc giới thượng lưu miền Nam nước Mỹ vào thế kỷ 19.

Những trang phục lộng lẫy của nàng Scarlett O’Hara (Vivien Leigh thủ vai) đại diện cho vẻ đẹp của miền Nam nước Mỹ đã tạo nên cơn sốt “áo corset, rập may, mũ và khăn choàng được ảnh hưởng bởi bộ phim”, trích dẫn tạp chí Vogue. Người người đặt mua rập để có thể may trang phục tương tự Scarlett O’Hara tại nhà. Điều này sở dĩ kỳ lạ vì trong thế kỷ 20, corset đã bị xóa bỏ để mang lại những phom dáng tiện ích và tự do hơn cho phái nữ.

Phim Hollywood A Philadelphia Story (1940) tôn vinh thời trang menswear

Katharine Hepburn là một trong số những nữ diễn viên đầu tiên thường xuyên mặc quần tây, Ảnh: The Life Picture Collection/Getty Images

Ở những năm 1930, các ngôi sao điện ảnh như Katharine Hepburn, Greta Garbo, và Marlene Dietrich chính là những người mở đầu cho trào lưu mặc quần tây. Vào thời điểm mà phụ nữ được mong đợi thể hiện nét nữ tính bằng việc mặc đầm và chân váy, những huyền thoại điện ảnh Hollywood đã chứng minh điều ngược lại. Phụ nữ vẫn có thể gợi cảm và nữ tính trong chiếc quần tây chẳng kém gì khi mặc váy.

Một bộ phim đánh dấu sự xâm nhập của menswear vào tủ đồ phái nữ là A Philadelphia Story. Ngày nay, A Philadelphia Story không quá nổi tiếng, nhưng vào năm 1940, nó từng phá vỡ nhiều kỷ lục phòng chiếu.

Mở màn bộ phim, minh tinh Katharine Hepburn diện bộ suit nam tính, mặc cho sự phản đối của người đứng đầu MGM Studios thời bấy giờ. Vai diễn của cô, Tracy Lord, là một người phụ nữ cứng đầu và mạnh mẽ, nên chính nữ minh tinh đã yêu cầu nhà thiết kế Gilbert Adrian làm riêng cho mình các bộ cánh menswear này.

Phim The Seven Year Itch (1955) và chiếc váy trắng kinh điển của Marilyn Monroe

Ảnh: Twentieth Century-Fox Film Corporation

Ngày nay, chẳng ai còn nhớ nội dung bộ phim The Seven Year Itch nói về điều gì (Harper’s Bazaar mách bạn, nó nói về “lời nguyền 7 năm” trong hôn nhân). Nhưng hầu như ai cũng nhớ hình ảnh cô đào Marilyn Monroe bị tung váy ở một ga tàu điện ngầm. Chiếc váy trắng đã tạo ra hàng ngàn phiên bản ăn theo và trở thành một trong những hình ảnh kinh điển của Marilyn Monroe.

Phim Rebel Without a Cause (1955) xây dựng hình tượng bad boy nước Mỹ

James Dean cùng Sal Mineo trong phim Rebel Without a Cause. Ảnh: Hulton Archive/Getty Images

James Dean trong phim Hollywood Rebel Without a Cause xuất hiện với tạo hình một chàng trai nổi loạn, biến thời trang của giới công nhân thành thứ gì đó nam tính và trendy.  Phong cách của nam diễn viên trên phim khiến các thanh thiếu niên Mỹ đua nhau mặc áo khoác da cùng áo thun trắng và quần jean. Combo này trở thành đồng phục kinh điển của một bad boy nước Mỹ.

Phim Và Chúa tạo ra Đàn Bà – And God Created Woman (1956) thúc đẩy doanh số bikini

Ảnh: IMDB

Tuy đây không phải là phim do Hollywood sản xuất, nhưng bộ phim Pháp này trở nên nổi tiếng chủ yếu sau khi công chiếu rộng rãi ở Mỹ. Nội dung nói về tình yêu của hai kẻ nghiện tình dục đã gây sốc khán giả Mỹ, vốn bảo thủ hơn so với dân châu Âu về việc phô bày cơ thể trên màn ảnh.

Brigitte Bardot đã làm dấy lên làn sóng tìm mua bikini ở nước Mỹ dù trước đó nó là một trang phục lắm thị phi. Lý do chủ yếu vì áo tắm ở Mỹ trước đó chẳng bao giờ để lộ rốn. Những nữ minh tinh theo đuổi phong cách gợi cảm lập tức học theo Bardot khoe dáng trong bikini: Marilyn Monroe, Esther Williams, Sophia Loren…

>>> XEM THÊM: CÔNG CUỘC CHINH PHỤC THẾ GIỚI CỦA BIKINI

Bữa sáng tại Tiffany’s – Breakfast at Tiffany’s (1961) biến chiếc đầm đen LBD thành trang phục cổ điển phải có trong tủ quần áo

Ảnh: Paramount Pictures

Với Breakfast at Tiffany’s, Hubert Givenchy đã làm phụ nữ phải điên cuồng vì chiếc đầm đen Little Black Dress (LBD). Vốn đây là một ý tưởng của Coco Chanel. Nhưng phải nhờ đến Audrey Hepburn trong bộ phim này mà LBD mới trở thành một phần không thể thiếu trong tủ đồ phụ nữ.

Thực tế, có lẽ lý do vì sao chiếc LBD trở nên thu hút như vậy vì khi xem phim, không ai có thể ngờ rằng Holly Golightly do Audrey Hepburn thủ vai là…gái gọi! Vẻ thanh lịch pha lẫn nét kiều diễm khó cưỡng, sự bí ẩn mời chào, nét ngây thơ phảng phất nỗi buồn của nhân vật Holly Golightly đã truyền tải sức hút vào chính những chiếc đầm đen mà cô mặc.

Bên cạnh Breakfast at Tiffany’s, Hubert de Givenchy (1927–2018) còn giúp tạo hình cho Audrey Hepburn ở nhiều bộ phim khác là Sabrina (1954) và Funny Face (1957). Thời trang tất cả những bộ phim ấy đều được đánh giá cao, nhưng không có mẫu thiết kế nào nổi trội như chiếc LBD.

>>> XEM LẠI: 5 BỘ PHIM HAY NHẤT CỦA AUDREY HEPBURN

Phim Bonnie and Clyde (1967) tăng doanh số cho mũ beret nước Pháp

Ảnh: TCM

Bộ phim Bonnie and Clyde tái hiện câu chuyện của cặp đôi tướng cướp nước Mỹ thời Đại Khủng hoảng dưới một lăng kính lãng mạn và phù phiếm.

Trong phim, Bonnie Parker (Faye Dunaway thủ vai) được tạo hình với các loại áo khoác vải tweed, Norfolk và áo len cổ chữ V – tiền thân của các cảm hứng cho trang phục nam tính ngày nay. Chiếc mũ nồi mà cô diện lên phim cũng gây ra một cơn sốt không hề nhỏ. Tại các cửa hàng ở vùng ngoại ô nước Pháp, nơi xuất xứ của các chiếc mũ, doanh số bán hàng tăng vọt từ 5,000 đến 12,000 mỗi tuần!

>>> XEM THÊM: NÓN BERET: TỪ QUÁ KHỨ GÂY TRANH CÃI ĐẾN BIỂU TƯỢNG THỜI TRANG PHÁP

Phim Hollywood Annie Hall (1977) tạo nên hình mẫu thời trang menswear chic

Ảnh: United Artist

Xuất hiện trong Annie Hall, Diane Keaton phá vỡ các rào cản thời trang giữa nam và nữ. Dù cô là nhân vật nữ chính và bộ phim thuộc môtíp tình cảm hài, thì tủ đồ trên phim của cô phần lớn là phục trang nam như quần lửng, áo vest, cà vạt, áo sơ mi công sở.

Lúc Annie Hall ra mắt, phụ nữ chủ yếu đang ăn mặc theo phong cách gợi cảm mà nhà thiết kế Halston dẫn đầu. Phong cách ăn mặc của diễn viên Diane Keaton trong phim, do đó, tạo ra một hiện tượng thời trang thậm chí được cả Kate Moss bắt chước. Còn Hedi Slimane đã sử dụng phong cách thời trang phim Annie Hall làm cảm hứng cho những bộ sưu tập đầu tay tại Yves Saint Laurent.

Flashdance (1983) biến phục trang vũ công thành street style thời thượng

Ảnh: Paramount Pictures

Flashdance lấy bối cảnh ở Pittsburgh, PA. Trong phim, Jennifer Beals vào vai cô gái trẻ tham vọng Alex Owens, một công nhân nhà máy thép vào ban ngày và là vũ công vào ban đêm. Bộ phim tạo sức hút vì vẽ nên hình ảnh của một người phụ nữ thời đại mới, khỏe khoắn, tự do và sống sexy như ý.

Phong cách của Alex Owens trên phim chủ yếu là phục trang của vũ công. Trong một lần vô tình, cô đã sấy khô chiếc áo sweatshirt khiến nó bị co lại. Thể là cô phải cắt một lỗ ở xung quanh cổ áo để có thể tròng vừa đầu, thậm chí chẳng may gấu lại nên áo trông rách rưới.

Chiếc áo rách ấy, cũng như làn sóng aerobics, đã biến phục trang vũ công trở thành cú hit trong thập niên 1980. Phong cách thể thao này sau đó trở nên phổ biến hơn nhờ sự lăng-xê của các nghệ sỹ nhạc pop như Madonna. Những kiểu áo sweat này vẫn còn thịnh hành ngày nay.

Pretty In Pink (1986) và thời trang thượng lưu thập niên 1980

Ảnh: Shutterstock

Pretty in Pink là một bộ phim nói về sự khác biệt giữa các tầng lớp xã hội trong thập niên 1980. Andie Walsh (Molly Ringwald thủ vai) là một cô gái nghèo được theo học ở trường tư thục của giới nhà giàu. Thời trang được sử dụng để miêu tả tính cách nhân vật cũng như nói lên sự phân biệt giai cấp.

Với nhân vật Andie Walsh trong Pretty In Pink, Molly Ringwald đã làm dấy lên trào lưu grandma chic. Đó là cách ăn mặc với phục trang hơi sến súa một chút, pha lẫn giữa trang phục đồng quê Mỹ, họa tiết chấm bi, cùng vòng cổ nhiều tầng và mũ đính hoa. Các cô gái tuổi teen Mỹ đã khởi động trào lưu DIY để tái hiện phong cách thời trang phim Hollywood này.

Phim Clueless (1995) định hình phong cách preppy

Cher (Alicia Silverstone) và Dionne (Stacey Dash) trong phim Clueless. Ảnh: Popsugar.com

Thập niên 1990 được nhớ lại là giai đoạn của thời trang Grunge, màu sắc u tối và phản nghịch. Giữa bối cảnh đó, Clueless ra đời với màu sắc yêu đời và trở thành một bộ phim thời trang kinh điển của Hollywood giai đoạn cuối thế kỷ 20.

Bộ cánh nổi tiếng nhất của Clueless là set váy áo học đường kết hợp nhiều phong cách: Váy mini và áo blazer in họa tiết kẻ caro của Grunge, mang màu sắc của Mod Style, mặc cùng áo sweater vest kiểu thập niên 1970 tại Anh. Phối cùng vớ cao đến đầu gối và bạn có phong cách preppy vẫn còn được ưa chuộng ngày nay.

Bên cạnh đó, trong một cảnh phim, nhân vật Cher chỉ vào chiếc váy đỏ của mình và nhấn mạnh, “Đây là Alaia”. Riêng câu nói đó đã giúp nhà thiết kế Azzedine Alaia trở nên nổi tiếng tại Mỹ!

>>> XEM THÊM: THỜI TRANG ĐIỆN ẢNH: PHIM ẢNH ĐÃ THAY ĐỔI CÁCH CHÚNG TA ĂN MẶC NHƯ THẾ NÀO?

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm