Mang trong mình hai dòng máu Thổ dân Úc/Ý cùng với việc phải trưởng thành sớm trong môi trường sống tại vùng ngoại ô Úc, nghệ sỹ Tony Wilson đã mang từng trải nghiệm cuộc sống và du lịch của mình vào từng tác phẩm với phương pháp sáng tạo dùng những dấu chấm. Triển lãm Back Home To The Present gồm 10 tác phẩm vô cùng kì công từ Tony Wilson, đặt trong không gian của Kula #3065.
Các tác phẩm tôn vinh cách vẽ truyền thống của thổ dân Úc
Nói đến Úc (Australia), không thể không nói đến thổ dân và lại càng không thể không chú ý đến sự sáng tạo nghệ thuật của họ. Một trong những điều thú vị cần được tìm hiểu về cộng đồng này chính là những tranh vẽ độc đáo được lưu truyền đến ngàn đời chỉ bằng những dấu chấm.
Tranh chấm cũng được coi như một “đặc sản” của thổ dân Úc. Họ thường dùng que nhọn, bút lông ngỗng để vẽ nên những câu chuyện, những giấc mơ, và những giá trị tinh thần của họ. Những bức họa đó được vẽ theo cách truyền thống với hàng nghìn hàng vạn những chấm nhỏ. Tranh chấm hiện nay được tạo ra trên những tấm vải bằng cách dùng những chấm màu acrylic (một loại mực không phai) để tạo nên các đường nét.
Những bức tranh chấm thường có giá trị biểu cảm cao, có nhiều ý tưởng mới lạ, đồng thời là sự kết hợp hài hòa của các yếu tố truyền thống và hiện đại. Giá trị văn hóa trong các bức tranh chấm thường được thể hiện khá kín đáo và phức tạp. Ẩn sau những chấm tròn đó là một thế giới của những bí mật linh thiêng và những lễ nghi chưa được khám phá.
Triển lãm Back Home To The Present của Tony Wilson thể hiện triết lý sống của riêng tác giả
Tony Wilson là nghệ sỹ người Úc mang hai dòng máu Úc và Ý. Chịu ảnh hưởng khá lớn từ nền di sản văn hóa thổ dân, nên triển lãm lần này đều là những bức tranh được lấy cảm hứng từ cách vẽ chấm độc đáo. Ý tưởng về triển lãm, theo Tony đó chính là “Thế giới mà chúng ta sống”, nơi chung ta trở về với thực tại, hiện tại và kết nối với chính nội tâm của mình. Anh góp nhặt được nét đẹp văn hóa của cả Úc và Ý, từ đó đưa vào các tác phẩm của mình, giúp kết nối sâu sắc những khoảng lặng bên trong mỗi người. Anh thích vẽ chân dung hay đơn giản là một bầu trời đêm đầy sao, những cảnh vật thiên nhiên trên con đường anh trải nghiệm. Tony dùng dầu (oil) và màu acrylics đương đại tạo ra những tác phẩm gần gũi với đời sống con người.
Mặt khác, nhờ vào các trải nghiệm du lịch – chính là một trong những sở thích cá nhân – anh được tiếp xúc với rất nhiều nên văn hóa. Tony Wilson cũng chia sẻ điều kỳ diệu này trong triển lãm lần này. Với anh, Back Home To The Present là một chuyến du hành xuyên không, kết nối con người với nơi chôn nhau cắt rốn, với những kết nối bé nhỏ của anh với thiên nhiên, suốt quá trình anh chu du tìm hiểu cuộc sống. Chúng đem anh trở về với chính mình, trở về ngôi nhà thân thương.
Tuy nhiên, anh cũng cho biết, để hoàn thành tất cả 10 bức vẽ này chính là cần yếu tố kỷ luật, cẩn trọng. Cách vẽ này đòi hỏi người nghệ sỹ phải chú tâm vào tác phẩm và có độ chính xác cao. Thế nhưng, tâm thức để vẽ chúng lại phải “mềm”như nước chảy. Cách vẽ của người thổ dân Úc đòi hỏi sự tuyệt đối và tĩnh tại của người họa sỹ.
Nói về điều này, Tony chia sẻ:
“Giống như một gợn sóng trên mặt nước vậy. Nếu chúng ta cố gắng ngăn nó lại, chúng ta sẽ tạo ra nhiều gợn sóng hơn. Thế nhưng nếu chúng ta để nó đi và để nó thật nhẹ nhàng, nó sẽ trở lại nhịp điệu tự nhiên, yên bình của nó. Tôi rất biết ơn vì quá trình này và tôi rất biết ơn vì đã có mặt tại Việt Nam, sáng tạo và làm việc trong quá trình thực hành của tôi. Và tôi rất biết ơn vì cơ hội này được làm những gì tôi yêu thích, ở một đất nước tôi yêu và chia sẻ điều đó với các bạn”.
THÔNG TIN CHO BẠNTriển lãm Back Home To The Present của Tony Wilson diễn ra tại Sài Gòn xuyên suốt một tháng. Bạn có nhiều cơ hội thưởng lãm tranh, đặc biệt trong kỳ nghỉ Quốc Khánh. Thời gian: Từ 21/8 – 2/10/2022 Địa điểm: KULA #3065 |
>>> TRIỂN LÃM ĐANG DIỄN RA ĐỒNG THỜI ĐIỂM: NGUYỄN NGỌC LIÊM ĐEM TRIỂN LÃM PHỐ THỊ MƠ ĐẾN CÔNG CHÚNG THỦ ĐÔ
>>> VỀ NGHỆ THUẬT THỔ DÂN ÚC: TRIỂN LÃM NHỮNG CÁNH CỬA YUENDUMU: KIỆT TÁC NGHỆ THUẬT THỔ DÂN ÚC LẦN ĐẦU ĐẾN VIỆT NAM
Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam