Nhắc đến lưu huỳnh, người ta nghĩ đến mùi trứng thối thum thủm ở các hồ nước nóng. Tuy nhiên, điều nhiều người chưa biết là lưu huỳnh là một bài thuốc cổ truyền. Đặc biệt lưu huỳnh có công dụng chăm sóc da khiến bạn bất ngờ.
Bên cạnh đó, lưu huỳnh dễ được tìm thấy và cũng không quá đắt đỏ. Nó xuất hiện trong một số sản phẩm điều trị mụn không kê đơn (OTC) được bán rộng rãi. Lưu huỳnh đặc biệt được đánh giá phù hợp hơn axít salicylic (BHA) hay benzoyl peroxide để trị mụn trứng cá cho làn da nhạy cảm.
Hãy cùng Harper’s Bazaar hiểu thêm về công dụng của lưu huỳnh cũng như một số tác dụng phụ tiềm ẩn từ những thông tin sau.
Lưu huỳnh là gì và hoạt động như thế nào trên da?
Lưu huỳnh là nguyên tố hoá học thường được tìm thấy gần các suối nước nóng và các vùng núi lửa. Nguyên tố này đã có từ nhiều thế kỷ trước và được người La Mã cổ đại đặc biệt ưa chuộng. Nó là một nguyên tố cần thiết cho sự sống và xuất hiện tự nhiên trong tất cả các loài động – thực vật.
Sau canxi và phốt pho thì lưu huỳnh là khoáng chất phong phú thứ ba trong cơ thể con người. Cả biotin và thiamine (vitamin B1 và B7) đều là các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ. Đồng thời, nguyên tố này cũng xuất hiện trong các thực phẩm như tỏi, hành tây và bông cải xanh,…
Lưu huỳnh có tác dụng bôi lên da để trị gàu, ngứa và hữu ích cho da bị mụn trứng cá, đỏ da (bệnh trứng cá đỏ). Khi thoa trực tiếp lên da, thành phần này sẽ hoạt động như một chất kháng khuẩn nhẹ để tiêu diệt P.acnes. Đây là vi khuẩn Propionibacterium acnes – một loại vi khuẩn gây mụn và là chất kertaolytic thúc đẩy việc tẩy tế bào chết gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Ngoài ra, lưu huỳnh cũng hoạt động như thuốc trị nấm. Điều này đặc biệt thích hợp đối với những người bị viêm nang lông Malassezia (pitrosporum), thường được gọi là mụn trứng cá. Rất khó để phân biệt giữa mụn thông thường và viêm nang lông do Malassezia.
Lợi ích của lưu huỳnh trong việc điều trị mụn trứng cá
1. Chất tiêu sừng đánh bật mụn trứng cá
Giống như axit glycolic và axit salicylic, lưu huỳnh là một chất tiêu sừng. Nguyên tố này có thể đánh bật tế bào chết trên da – một trong những nguyên nhân gây ra mụn như mụn trứng cá, mụn đầu trắng và mụn đầu đen.
2. Ngăn ngừa mụn trứng cá phát triển trên da
Chủ yếu, tác dụng của lưu huỳnh là giúp ngăn ngừa mụn trứng cá, vì nó giúp hạn chế sự tích tụ tế bào da chết dẫn đến mụn trứng cá. Những người dễ bị mụn có thể dùng sữa rửa mặt hay toner chứa lưu huỳnh để ngừa mụn.
3. Ngăn ngừa viêm nhiễm
Khi lưu huỳnh bị oxy hóa trên da sẽ trở thành axit sulfurơ, một chất kháng khuẩn nhẹ có khả năng làm giảm vi khuẩn mụn trứng cá. Nhờ đó nó giúp ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng.
Lưu huỳnh còn được ứng dụng vào phương pháp điều trị mụn hữu hiệu. Bởi nó là một chất diệt nấm rất hiệu quả, có thể tiêu diệt nấm men gây ra các tổn thương giống như mụn trứng cá. Khả năng diệt nấm của lưu huỳnh cũng có thể điều trị các vấn đề khác như gàu và viêm da sebohrreic.
4. Phù hợp với làn da nhạy cảm
Nhờ đặc tính nhẹ nhàng nên lưu huỳnh sẽ phù hợp với những ai có làn da mụn nhưng không thể sử dụng axit salicylic hoặc benzoyl peroxide, vì hai chất này gây kích ứng da nhạy cảm. Tất nhiên bạn vẫn nên thử sản phẩm trước khi áp dụng, vì làn da mỗi người môi khác.
Lưu ý: Do lưu huỳnh không có tác động mạnh, chất này không phù hợp để điều trị các loại mụn nặng hơn như mụn bọc, mưng mủ.
Sử dụng lưu huỳnh trị mụn có tác dụng phụ hay không?
Giống như các thành phần trị mụn khác, lưu huỳnh vẫn có khả năng gây kích ứng. Tuy nhiên, nguyên tố này được coi là lựa chọn an toàn cho da nhạy cảm.
Đối với một số người, các sản phẩm chăm sóc da chứa lưu huỳnh có thể gây khô, ngứa, sưng tấy hoặc kích ứng. Trường hợp này sẽ dễ xảy ra nếu bạn không dưỡng ẩm sau khi điều trị mụn.
Tuy nhiên, nếu da bạn bị ngứa hay kích ứng ngay cả khi đã dưỡng ẩm, thì lúc này nên ngừng sử dụng mỹ phẩm chứa lưu huỳnh và chuyển sang các phương pháp điều trị mụn khác.
Lưu huỳnh còn có độ pH khá cao, mà việc thay đổi độ pH của da có thể khiến tình trạng mụn trở nên tệ hơn ở một số người. Cách tốt nhất để biết làn da của bạn phản ứng như thế nào là thử dùng lưu huỳnh và giảm thiểu độ pH cao. Bạn có thể thực hiện bằng cách sử dụng toner trước hoặc sau đó để điều chỉnh độ pH.
Cách sử dụng lưu huỳnh trị mụn
1. Đắp mặt nạ lưu huỳnh
Mặt nạ lưu huỳnh là một trong những cách làm đẹp phổ biến nhất được dùng để điều trị mụn trứng cá. Chúng có thể kết hợp với các thành phần khác để điều trị da như đất sét kiềm dầu hoặc kẽm cho da nhạy cảm.
Bạn nên đắp mặt nạ lưu huỳnh khoảng 3 lần/tuần. Đối với làn da nhiều mụn, bạn thậm chí có thể sử dụng hàng ngày cho đến khi khỏi hẳn.
2. Điều trị vết mụn (spot treatment)
Một cách phổ biến khác để chữa mụn trứng cá là dùng lưu huỳnh điều trị tại chỗ. Với phương pháp điều trị này, bạn chỉ áp dụng sản phẩm cho vùng da bị mụn trứng cá chứ không thoa khắp mặt.
3. Sử dụng mỹ phẩm chứa lưu huỳnh
Hiện nay, các sản phẩm từ lưu huỳnh được pha chế nhiều dạng: sữa rửa mặt, toner, serum hoặc kem dưỡng ẩm. Bạn chỉ cần sử dụng sản phẩm theo chỉ dẫn trên bao bì.
Tuy nhiên, bạn hãy đảm bảo quy trình chăm sóc da của mình chỉ bao gồm một sản phẩm chứa lưu huỳnh. Tương tự như các loại axít, lưu huỳnh không nên được lạm dụng.
ĐỌC THÊM VỀ CHĂM SÓC DA NHẠY CẢM:
DIOR LẦN ĐẦU TIÊN THÀNH CÔNG CHẾ TÁC NƯỚC HOA KHÔNG CỒN, AN TOÀN CHO DA NHẠY CẢM
ĐỂ TẨY TẾ BÀO CHẾT CHO DA NHẠY CẢM, HÃY THỬ MỸ PHẨM ENZYME
LÝ GIẢI NGUYÊN NHÂN VITAMIN C GÂY KÍCH ỨNG LÀN DA NHẠY CẢM
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam