Vì sao thập niên 1960 thay đổi lịch sử thời trang thế giới?

Với bất kỳ tín đồ retro hay nhà thiết kế nào, thập niên 1960 có lẽ là thời khắc đáng nhớ nhất. Được đánh giá là một trong ba mốc son của thời trang, thập kỷ 1960 khiến người ta nhớ đến với hàng loạt thay đổi, cách tân từ kiểu dáng đến chất liệu và màu sắc

Nhắc đến thập niên 1960 là nghĩ đến hình ảnh những “miss sixty” rực rỡ trên màn bạc và trong lịch sử. Đó là đệ nhất phu nhân nước Mỹ, Jacqueline Kennedy, thanh lịch trong bộ váy suit màu hồng, kết hợp cùng chiếc mũ pillbox và đôi găng tay trắng; là Audrey Hepburn với đầm ngắn quý phái và búi tóc beehive trong Breakfast at Tiffany’s. Quá khứ còn quay về với hình ảnh những cô nàng hippie váy maxi in hoa tha thướt, những chàng trai The Beatles tóc dài kiểu cách cùng quần ống loe…

Trong những huyền thoại một thời đó, nổi bật nhất vẫn là cô siêu mẫu Twiggy. Thân hình “mình hạc xương mai” ấy luôn toát lên nét tinh nghịch qua kiểu tóc bob, đôi mắt bồ câu to tròn đầy vẻ thơ ngây dưới rèm mi cong út và chiếc đầm ngắn dáng suôn. Với nhiều người, Twiggy chính là biểu tượng thời trang cho những năm 1960, thập niên của sự bùng nổ sáng tạo.

Nhiều họa tiết xuất hiện và tạo cơn sốt vào thời gian này có thể kể đến như kẻ sọc, ca-rô, hình học, chấm bi, hay in hoa, đặc biệt là loại hoa lớn và rực rỡ. Chúng đã trở thành đặc điểm nhận dạng của thời trang thập niên 1960. Bên cạnh họa tiết, màu sắc trong giai đoạn này cũng có nhiều điểm thú vị khi pha trộn các màu pop art hay lumineux. Nếu theo dõi những bộ phim nổi tiếng vào thời gian này như La Dolce Vita hay Ball of Fire, bạn sẽ nhận thấy những nhân vật nữ thường đặc biệt rực rỡ và ấn tượng với trang phục nổi bật như cam, xanh và đỏ…

20140922_thap-nien-1960-twiggy

Twiggy: vừa tinh nghịch với chiếc đầm suôn ngắn ngang đùi, vừa nữ tính với hàng mi dày cong vút.

 

Phong cách đường phố lên ngôi

Một điều quan trọng làm nên sự khác biệt của thập kỷ 1960 chính là sự thay đổi đối tượng. Lần đầu tiên, thời trang không dành phục vụ riêng cho sự sang trọng của những quý bà nhiều tiền mà chuyển hướng tôn vinh giới trẻ. Thời kỳ baby boom cứ như ngọn gió mới, thổi sức sống cho mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, nghệ thuật và tất nhiên, cả thời trang. Những mẫu thiết kế, khuynh hướng mới trở nên đầy tính sáng tạo, táo bạo và mang hơi thở của tự do, đúng như bản chất của tuổi trẻ.

Không những thế, thời trang đặc biệt trở thành một niềm vui và là phương tiện thể hiện bản thân. Với suy nghĩ “tạo phong cách riêng”, giới trẻ thập niên này chọn mua trang phục ở cửa hàng, tự do phối theo sở thích hay sửa những bộ váy của thế hệ trước cho phù hợp với mình. Mỗi người đều có dấu ấn riêng và đường phố trở thành nơi họ thể hiện mình, ngắm nhìn, học hỏi lẫn nhau. Thời trang đường phố vì thế mà trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

 

Những bậc thầy xu hướng

20140922_thap-nien-1960-de-stijl

Những thiết kế vintage và hiện đại theo trường phái mỹ thuật De Stijl do Piet Mondrian khai sáng.

Khi nhắc đến những người làm nên thập niên huy hoàng này, không thể không nhắc đến Mary Quant. Chỉ từ một cửa hàng thời trang nhỏ mang tên Bazaar tại London, ngườiphụ nữ cá tính này đã khiến các cô gái trên thế giới phải chạy theo mình. Chính Mary Quant đã tìm tòi và biến hóa chiếc váy chữ A được ưa chuộng của những năm 1950 thành kiểu dáng mới phù hợp với giới trẻ: váy mini. Để hoàn chỉnh, bà còn bổ sung vào đó đôi tất màu nổi bật kết hợp cùng giày bốt, tạo nên một phong cách trẻ trung và cá tính mà Jean Shrimpton, Twiggy là những đại diện.

Ngay sau đó, phong cách này rộ lên khắp kinh đô thời trang London và nhanh chóng ảnh hưởng đến các thành phố khác như Paris và New York. Thiết kế của bà được đánh giá như cuộc cách mạng tự do cho nữ giới: sau 100 năm tính từ thời nữ hoàng Victoria, phụ nữ đã được phép khoe đôi chân thon thả của mình. Thế nhưng trên hết, nhờ Mary Quant, hình tượng mới về cái đẹp đã ra đời: năng động, trẻ trung và tự do. Từ kiểu váy rời, độ ngắn ngang đùi cũng áp dụng cho các kiểu đầm suôn chữ A với đường cắt cúp đơn giản, eo rộng và tay ngắn, vừa tinh nghịch vừa gợi cảm.

Ngay sau đó, bậc thầy ngành tạo mẫu tóc Vidal Sassoon cũng dựa trên kiểu tóc bob, vốn được khởi xướng từ những năm 1920, để tạo riêng cho Mary Quant và các người mẫu trong bộ sưu tập mini-skirt một kiểu tóc tương tự. Điểm mới của nó là những đường cắt sắc cạnh, phần tóc hai bên má cắt xéo hoặc uốn cong ôm vào khuôn mặt. Kiểu tóc này đặc biệt phù hợp với trào lưu các cô người mẫu có dáng vóc nhỏ nhắn. Mái tóc bob cũng là một sự phối hợp tương xứng với kiểu váy họa tiết De Stijl sau này của Yves Saint Laurent.

Năm 1965 là bước ngoặt đáng nhớ của nhà thiết kế này cũng như với thời trang thập niên 1960. Khi ấy, chàng trai Laurent 29 tuổi đã lấy cảm hứng từ trường phái hội họa của Piet Mondrian, danh họa người Hà Lan, sáng tạo ra chiếc đầm ngắn không eo đặc trưng với những ô màu sặc sỡ sắp đặt cạnh nhau. Cho đến tận ngày nay, thiết kế Mondrian của Yves Saint Laurent vẫn còn giữ nguyên tầm ảnh hưởng. Thậm chí Prada cũng không ngần ngại tái hiện nó trong các thiết kế mới nhất.

 

Cảm hứng Jean Shrimpton

20140922_thap-nien-1960-jean-shrimpton

Jean Shrimpton với áo khoác không eo và kiểu mũ pillbox

Sẽ thật thiếu sót nếu đã đề cập đến Twiggy, Mary Quant và Yves Saint Laurent mà không dành ít dòng nói về Jean Shrimpton. Bản giao hưởng rộn rã của thời trang 1960 sẽ thiếu đi những nốt thăng nếu không có siêu mẫu lừng danh này. Nếu nói công bằng, nguồn cảm hứng cho những thiết kế mùa này mang hơi hướm Shrimpton nhiều hơn Twiggy.

Lớn lên trong một gia đình bình dân ở miền quê Buckinghamshire, Anh, Jean Shrimpton sở hữu nét đẹp ngây thơ, tinh nghịch. Cô có sức hút mãnh liệt không những với nam giới mà cả với các cô gái trẻ bởi nét gần gũi và giản dị. Dưới sự hỗ trợ của nhiếp ảnh gia tài năng David Bailey, Shrimpton nhanh chóng trở thành cái tên được chú ý và xuất hiện trên các tạp chí thời trang hàng đầu như Harper’s Bazaar, Vanity Fair. Câu chuyện tình yêu của Shrimpton và Bailey vừa được kể lại gần đây trong series truyền hình We’ ll Take Manhattan của hãng BBC.

 

20140922_thap-nien-1960-nguyen-tac

Xem thêm