Vén màn bí ẩn căn phòng thử đồ của Christian Dior

Từ đầu thế kỷ 20, công việc người mẫu đã là một nghề đầy sóng gió, đặc biệt là những nàng thơ của thương hiệu lớn như Dior. Trong quyển sách mới của mình Monsieur Dior: Once Upon a Time, nữ văn sỹ Natasha Fraser-Cavassoni viết về sự nghiệp bấp bênh, mệt mỏi và đầy cạnh tranh của những người phụ nữ có đặc quyền được bước vào căn phòng thử đồ của Dior

Christian Dior luôn ưu ái gọi các người mẫu của mình là “những đứa con của tôi” (mes enfants) hay “cục cưng” (mes chéries). Theo ông, “người mẫu mang lại thần thái sống động cho trang phục của tôi” và Christian Dior luôn chọn những cô gái có gương mặt và thân hình quyến rũ. Phương châm này hoàn toàn trái ngược với Cristóbal Balenciaga, người chỉ xem người mẫu như “chiếc mắc áo di động”, càng ít nổi bật càng tốt để tránh làm lu mờ các thiết kế của ông.

***

Tại các buổi diễn của Dior, những quý ông tham dự buổi diễn luôn vây quanh các người mẫu nóng bỏng của nhà mốt. “Họ không gầy trơ xương như bây giờ,” nhà quý tộc Reinaldo Herrera, người từng tham dự các show diễn do chính tay Christian Dior đạo diễn, nhớ lại. “Người mẫu thời bấy giờ có bộ ngực tròn trịa và vòng eo con kiến.” Ông cho rằng những cô đào Dior luôn là những người đẹp nhất tuần lễ thời trang Paris, hội tụ đủ tiêu chuẩn của mỹ nữ da trắng tóc vàng eo thon kinh điển.

SONG-GIO-PHONG-THU-DO-DIOR-BAZAAR-2

Người mẫu Lucky trước cửa hiệu Dior

Theo Pierre Cardin, người mẫu yêu thích nhất của Dior chính là cô Renée, có dáng người tròn trịa và đầy đặn hơn cả thảy. Renée được mô tả là “có dáng người hoàn hảo như một cô mannequin ở cửa hàng thời trang. Cô ấy đẹp hoàn mỹ dù mặc bất cứ trang phục nào.”

Nhà mốt Dior trở thành một thánh đường cho giới người mẫu. “Tất cả mọi người đều từng nghe về Monsieur Dior và ông ấy có danh tiếng rất tốt trong giới người mẫu,” cô người mẫu người Romania Lia Lucas kể lại. Cô gia nhập Dior vào 1950 với công việc của người mẫu thử đồ. “Nhưng khi đã bước chân vào phòng thử đồ của Dior thì thật khó để bước ra.” Vì Dior tin rằng 13 là số may mắn của ông nên trong phòng thử đồ bao giờ cũng chỉ có 13 cô người mẫu thôi.

SONG-GIO-PHONG-THU-DO-DIOR-BAZAAR-4

Dàn người mẫu tại cầu thang của nhà mốt Dior năm 1953

Mỗi nhà mốt haute couture có một nhóm các người mẫu riêng luôn sẵn sàng ở phòng thay đồ. Phòng thay đồ được mô tả như là một thế giới riêng với bầu không khí hào nhoáng không kém gì cánh gà sâu khấu.

Nhìn chung, các gia đình tử tế không muốn con mình làm người mẫu in-house. Họ cho rằng người mẫu ảnh (studio) là công việc danh giá hơn vì thời gian làm việc ngắn và điều kiện làm việc tốt hơn. Người mẫu in-house phải dùng chung phòng thay đồ chật chội với 10 cô gái khác và không có sự riêng tư.

***

Tuy các chéries của Dior có thời gian biểu làm việc cực kỳ bận rộn, họ vẫn rất cao ngạo. “Chúng tôi diễn show mỗi ngày và liên tục phải di chuyển vì công việc”, theo Lia Lucas.

Khi đi xem show thời bấy giờ, bạn có thể yêu cầu một người mẫu đứng lại để mình có thể xem tiểu tiết của trang phục kỹ hơn. Nữ diễn viên Leslie Caron kể lại một lần đi xem show Dior với mẹ (đối tác làm ăn của Dior), mẹ cô rất thích đôi môi đỏ gợi cảm của một người mẫu và đã hỏi cô ấy: “Có thể cho tôi biết nhãn hiệu son môi của cô không?” Và cô người mẫu cho biết màu son nhưng cũng đồng thời trả lời “Nhưng không phải ai cũng có đôi môi của tôi. Điều đó khiến tôi và gia đình phì cười suốt nhiều năm sau đó”.

***

Một khi được Monsieur Dior nhận vào làm, người mẫu được may đo một chiếc áo corset. “Đó là điều đầu tiên tất cả người mẫu đều phải làm”, Eugénie Mauffret, người từng trình diễn cho Dior vào thập niên 1950, kể lại. Họ còn được đóng một đôi giày của Roger Vivier. “Chúng đau chết đi được trừ phi bạn có đôi chân nhỏ gọn,” Lucas nhớ lại. Người mẫu phải tự làm tóc và make-up trước buổi diễn, “và nếu bạn cố tình đánh quá đậm hay quá nhạt, bạn sẽ bị lưu ý ngay”, Lucas tiếp tục.

Christian Dior và người mẫu Lucky trong studio của ông ở Paris năm 1952

Christian Dior và người mẫu Lucky trong studio của ông ở Paris năm 1952

Maufferet, người mẫu đã chuyển sang đầu quân cho Hardy Amies kể: “Tôi thích thời gian thử trang phục với Dior. Ông là một nhà thiết kế yêu nghề và nó đã truyền cảm hứng cho các người mẫu hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Ông ấy là một nghệ sỹ thực sự quan tâm việc truyền tải ý đồ thời trang qua các bộ quần áo. Không giống như những nhà thiết kế khác, Dior không bao giờ vay mượn ý tưởng từ bạn bè cùng giới. Ông ấy nhất quyết không muốn làm ảnh hưởng hình ảnh của mình”. Trong khi đó, giám đốc xưởng may Marguerite Carré đôi khi lại khiến các người mẫu sợ hãi vì “cô ấy luôn quan sát rất tỉ mỉ và chăm chút mọi thứ một cách hoàn hảo nhất”.

***

Bước tiếp theo để chuẩn bị cho buổi sưu tập là việc lựa chọn chất liệu trang phục và người mẫu trình diễn thích hợp. Dior nói rằng có ba tới bốn “nàng thơ” trong số những người mẫu của ông đều có thể mặc bất cứ bộ nào cũng có thể phô diễn vẻ đẹp của nó. Ở đây ai cũng hiểu ông đang ám chỉ tới Renée. Ông đã từng viết rằng: “Những trang phục cô ấy mặc đã làm lu mờ tất cả. Khi khoác lên mình những bộ đồ thời trang và sải bước trên sàn catwalk, cô ấy thổi hồn vào chất liệu sống động đến mức khuôn mắt cô như biến mất. Với Renée, không điều gì có thể ngăn cản cô tiếp tục trình diễn bộ sưu tập của Dior ngoài vấn đề về sức khỏe.

Dior chia người mẫu thành ba nhóm theo vẻ đẹp tự nhiên của họ, mỗi nhóm được dẫn dắt bởi đội ngũ sáng tạo gồm ba người phụ nữ mạnh mẽ vốn không hề “ưa nhau”. Ông cho rằng nếu không phân chia công bằng, chắc chắn “nội chiến” là không tránh khỏi.

Buổi tổng duyệt cuối cùng trước mỗi show diễn khiến mọi người đều căng thẳng. Khi một bộ trang phục bị loại ra vào phút chót hoặc được chuyển sang cho người mẫu khác, họ sẽ tranh cãi nhau.

Nhà thiết kế tài ba cũng mê tín rằng nếu một chiếc váy rơi xuống tới ba lần đó là điềm báo không tốt. Lucas tỏ ra thích thú khi phát hiện thấy Dior lấp ló sau những chiếc váy dạ hội trước buổi diễn. Cô kể: “Ông nghe ngóng các câu chuyện của chúng tôi. Khi chương trình diễn ra, ông còn đứng sau tấm rèm và hỏi từng người rằng liệu khán giả có thích thú với bộ sưu tập của ông không”.

***

Dior diện bộ vest ưa thích của mình mở màn buổi biểu diễn. Paule Boncoure – một thợ may tại nhà mốt Dior cho biết: “Ông ấy luôn cài một cành hoa linh lan trên ve áo và gọi nó là Bobby, tên chú chó của ông”.

Có khoảng 150 bộ trang phục được trình diễn trong hơn một giờ đồng hồ, và các người mẫu của Dior đều thao tác rất nhanh. Susan Train – Biên tập viên thời trang của  tạp chí Vogue Pháp chia sẻ: “Michel de Brunhoff – Tổng biên tập Vogue của Pháp và Dior đã bàn bạc với nhau để thay đổi cách đi, cách tạo dáng và khoảng cách của các cô gái. Họ không chỉ đeo trên người nhiều trang sức – điều mới lạ trong thời trang lúc bấy giờ, mà còn có dáng đi hơi ngửa người về phía sau”.

Các nhà thiết kế cũng phải đối mặt với những “kẻ bắt chước” trà trộn vào đám đông khán giả. Lucas kể rằng có kẻ đã bị bắt khi đang đọc các chi tiết của bộ sưu tập vào máy ghi âm. Ông cũng khẳng định dù rất cảnh giác và cho người mẫu che trang phục đang mặc bằng áo choàng trắng dài đến đất nhưng ý tưởng bị lộ là điều không tránh khỏi.

***

Sau mỗi buổi trình diễn, các biên tập viên, phóng viên thỉnh thoảng có cơ hội chọn một số người mẫu cho các bức hình thời trang của họ. Một số cô gái sẽ mềm mỏng khi cánh phóng viên tìm tới, số khác thì phản ứng thô lỗ.

Lucas tự nhận mình thuộc nhóm dễ chịu và luôn cảm thấy biết ơn khi được làm ở nhà mốt Dior – cả hai sự mô tả này đều khiến Yorn Michaelsen, trợ lý của Dior mỉm cười. Lucas còn tiết lộ:  “Victoire Doutreleau đã muốn có được thành công bằng mọi giá”. Sau khi tình cờ gặp mặt tại show diễn thời trang của Dior nhiều năm sau, Lucas ngạc nhiên khi thấy “Victoire tỏ ra nồng nhiệt và tử tế”.

Yorn Michaelsen, một trợ lý của Dior đang phác họa lại người mẫu Alla, năm 1956

Yorn Michaelsen, một trợ lý của Dior đang phác họa lại người mẫu Alla, năm 1956

***

Victoire Doutreleau là một người mẫu cá biệt của Dior. Lần đầu tiên cô xuất hiện tại Dior, không ai tỏ ra nhiệt tình và tử tế với cô cả. Cô kể rằng cô đã được yêu cầu đi những đôi giày và mặc chiếc váy ngoại cỡ, bị chế nhạo về chiều cao khiêm tốn của mình. Nhưng chỉ có Dior mới nhìn thấy điểm đặc biệt từ cô gái tài năng này.

Để khẳng định chắc nịch niềm tin của mình, Dior thậm chí còn đổi tên cô ấy từ Jeanne thành Victoire. Juliette Gréco, ngôi sao đang lên của trào lưu Saint-Germain-des-Près thời đó, là một trong những khách hàng đầu tiên của Dior. Cô từng được phát hiện trong đội múa hát quán bar La Rose Rouge, nơi mà mọi người đều có thể nổi tiếng. Nhà thiết kế huyền thoại đã cảm nhận được mọi thứ đang thay đổi. Vẻ đẹp góc cạnh của Doutreleau tượng trưng cho thế hệ trẻ thời đó.

Công nương Marie-Christine Sayn-Wittgenstein từng  tiết lộ Victoire khiến một số khách hàng của Dior bị sốc. Đó là một cô gái gợi cảm nhưng khá “ngang tàng”. Christian Dior đã nắm bắt được điểm mạnh của Victoire và khai thác nó.

Mauviette (trái) và Victoire, hai người mẫu mới của Dior năm 1953, đang chuẩn bị cho một show diễn trong hậu trường

Mauviette (trái) và Victoire, hai người mẫu mới của Dior năm 1953, đang chuẩn bị cho một show diễn trong hậu trường

Doutreleau ra mắt lần đầu vào năm 1953 đã gây nên một làn sóng phản đối. Một số nhà báo cho rằng sự xuất hiện của cô là sự xúc phạm tới khách hàng của Dior. Khi ông chuẩn bị tổ chức một buổi trình diễn thời trang tại Thụy Điển, họ yêu cầu Victoire không được tham gia. Dior phản hồi “Nếu không có Victoire, sẽ không có show thời trang”. Ông đã bị chỉ trích từ nhiều phía nhưng vẫn kiên định với lựa chọn của mình rằng cô ấy có cảm quan đặc biệt với trang phục. Và đột nhiên mọi người đều bị Victoire thu hút. Nhà sản xuất phim Hollywood Sam Spiegel đã nói rằng “Bạn tạo nên một ngôi sao, bạn đã tạo nên một quái nhân”.

Doutreleau đã phần nào hiểu được thế mạnh của mình. Cô nói: “Sự nghiệp người mẫu bắt đầu. Các cô gái có thể sống bằng cách làm mẫu ảnh và còn nhiều hơn thế nữa”. Trong khi hầu hết các cô gái nhà Dior đều không có cuộc sống hôn nhân tốt đẹp, thì Doutreleau giữ kín chuyện cá nhân khi cô đang chung sống hạnh phúc với Roger Thérond, Tổng Biên tập tờ Paris Match. Rồi cô cũng quyết định từ bỏ hào quang của mình. Ngày nay cô vẫn luôn có tên trong danh sách Những người mẫu nổi tiếng nhất nước Pháp.

Cô đã phấn đấu vượt nghịch cảnh để lên đỉnh vinh quang, và cũng đủ thông minh và lôi cuốn để thoát khỏi những hào quang đó. Cô kể: “Thân hình tôi thì  mảnh khảnh  nhưng bờ vai và vòng một lại rất  gợi cảm – một điều mới lạ lúc bấy giờ. Tôi trông giống búp bê, nhưng vòng ba lại khiêm tốn nên cứ như đại diện cho cả hai giới. Điều đó đã thu hút Dior.”

Cô cũng cảm nhận được làm nàng thơ của Dior sẽ cho cô nhiều cơ hội hơn, như việc cùng tham gia hướng dẫn Olivia de Havilland đóng vai người mẫu trong phim The Ambassador’s Daughter (Con gái ngài đại sứ). Theo đó cô cũng được góp mặt trong vài bức hình với nữ diễn viên tài năng này và là cơ hội hoàn hảo để đưa tên tuổi của bản thân ra thị trường quốc tế.

Người mẫu Victoire (bìa trái) và Lucky (bìa phải) thị phạm cho nữ diễn viên Olivia de Havilland để bà chuẩn bị cho vai diễn trong phim The Ambassador’s Daughter

Người mẫu Victoire (bìa trái) và Lucky (bìa phải) thị phạm cho nữ diễn viên Olivia de Havilland để bà chuẩn bị cho vai diễn trong phim The Ambassador’s Daughter

***

Christian Dior được các người mẫu tôn thờ. Lucas nhớ lại: “Họ luôn gọi ông là Monsieur Dior, chứ không phải chỉ gọi riêng Monsieur hay Christian để thể hiện sự tôn trọng”.

Dior đã thiết kế nhiều chiếc váy vô cùng duyên dáng quyến rũ cho Doutreleau. Nhưng sự xuất hiện Yves Saint Laurent năm 1955 mới thật sự tạo cú nhảy ngoạn mục sự nghiệp của cô. “Không có chuyện nào xảy ra ở Dior mà không được đồn thổi ra ngoài.” Cô kể lại, “Vì vậy khi nghe Monsieur Dior tuyển được nhà thiết kế mới, các người mẫu chúng tôi ai cũng rất háo hức muốn được gặp người đó”.

Mới đầu Doutreleau cảm thấy Saint Laurent trông cứ như vị linh mục. Nhưng khi bắt đầu ra ngoài làm viêc với ông, cô đã khám phá ra sức hấp dẫn đằng sau vẻ ngoài cứng nhắc đó. Người ta còn đinh ninh rằng Doutreleau đã cố gắng ve vãn Saint Laurent nhưng rồi thất bại. Cũng như Victoire là biểu tượng sự tươi trẻ, phần lớn phác thảo của Saint Laurent cho bộ sưu tập Dior cũng rất tươi mới. Và những thiết kế của ông chủ yếu tạo ra cho cô người mẫu trẻ này. Doutreleau nhận thấy giữa họ có sự kết nối. Chẳng bao lâu, hai người làm việc rất hợp rơ nhau. Có thể nói họ là hai con người đại diện cho tương lai – đại diện cho một “cái nhìn mới” rất Dior.

Theo: Telegraph.co.uk – Chuyển ngữ: Quỳnh Anh, Thu Hiền

Xem thêm