A Fashionable Life: Tommy Hilfiger

Là cái tên lớn trong làng thời trang, là chủ nhân của những tòa nhà lộng lẫy, mấy ai biết Tommy Hilfiger cũng từng thất bại?

Có lẽ, nếu đạo diễn nào đó muốn tìm một nhân vật chính cho bộ phim làm về nền công nghiệp thời trang và giấc mơ Mỹ, Tommy Hilfiger sẽ là một trong những lựa chọn đầu tiên. Từ vị thế một người chưa từng được đào tạo về thiết kế thời trang hay kinh doanh, ông đã dám làm mọi việc để khởi lập một thương hiệu và thành công rực rỡ.

Thương hiệu thời trang mang tên Tommy Hilfiger giờ đã phổ biến khắp thế giới. Logo của hãng với ba màu truyền thống đỏ, trắng và xanh trở thành một biểu tượng thời trang và tinh thần của nước Mỹ. Năm 2010, tập đoàn thời trang Phillips-Van Heusen đã mua lại công ty của ông với giá khoảng 3 tỷ đô-la Mỹ. Giới kinh doanh đánh giá đây là vụ sáp nhập cửa hàng quần áo bán lẻ lớn nhất trong vòng mười năm nay.

20140910_fashionable-life-tommy-hilfiger-02

Căn phòng mang phong cách Phục Hưng Pháp

Chúng tôi may mắn được vị doanh nhân tài ba này mời tới thăm căn hộ nằm trên tầng cao nhất của khách sạn Plaza Hotel tại New York. Đây từng là chỗ ở của những nhân vật huyền thoại như nhóm nhạc The Beatles, Marilyn Monroe và là nơi diễn ra nhiều cuộc họp chính trị quan trọng.

Bên bàn ăn sang trọng trong căn hộ nhiều ý nghĩa lịch sử, nhà thiết kế trong tuổi lục tuần vui vẻ kể về một bữa trưa cách đây vài mươi năm trước cùng họa sỹ người Mỹ Andy Warhol và nhà thiết kế Stephen Sprouse tại nhà hàng Pháp Le Cirque. Lúc ấy, hai người muốn mời ông về làm cho công ty của họ nhưng ông đã từ chối.

“Bạn biết không, sau đó họ nhanh chóng trở thành tên tuổi đứng đầu trong ngành thời trang vào những năm 1980”, ông bật cười như thể nhạo mình đã bỏ lỡ cơ hội hiếm có ấy. Tuy nhiên, không lâu sau, bằng con đường của riêng mình, Tommy Hilfiger cũng trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu nền công nghiệp thời trang.

 

Thương hiệu thời trang khởi nguồn từ đam mê âm nhạc

Lớn lên ở thành phố Elmira, New York, Tommy là con thứ hai trong nhà có chín anh em. Cha là thợ kim hoàn, mẹ là y tá nên cuộc sống của gia đình không mấy khá giả. Bản thân Tommy cũng chưa bao giờ là nhân vật nổi bật ở trường: “Khi còn đi học, tôi không phải là học sinh giỏi. Tôi không tự tin vào bản thân mình, thậm chí tôi còn nghĩ mình thật ngu ngốc. Tôi không bao giờ hiểu được môn đại số và cả văn chương của Shakespeare”. Thậm chí, ước mơ trở thành cầu thủ bóng bầu dục cũng không thành chỉ vì thân hình Tommy nhỏ bé và ốm yếu. Dẫu vậy, bù lại, cậu trai trẻ học không giỏi và chơi thể thao không khá này rất mê âm nhạc và cũng sớm thể hiện mình có năng khiếu kinh doanh.

Những năm cuối thập niên 1960, khi trào lưu hippie trở nên phổ biến, giới trẻ thích để tóc dài và mặc quần jeans ống loe giống các ngôi sao nhạc rock như The Beatles, The Rolling Stones, the Who. Thấy vậy, Tommy nảy ra sáng kiến đến Manhattan mua quần jeans các thần tượng âm nhạc hay mặc về bán. Cho tới sau này, Tommy vẫn khẳng định lòng say mê âm nhạc ảnh hưởng rất lớn tới các thiết kế của mình. Và rõ ràng điều ấy đã giúp ông thành công ngay từ những ngày đầu.

Công việc có vẻ ăn nên làm ra, Tommy mở cửa hàng đầu tiên có tên The People’s Place. Tuy nhiên, chàng trai 23 tuổi sớm nếm mùi thất bại khi cửa hàng bị phá sản chỉ sau một thời gian ngắn. Sau cú vấp, Tommy vẫn ấp ủ ao ước thành lập một thương hiệu của riêng mình. Ông tự học mọi thứ từ vẽ, thiết kế, cho đến cách kinh doanh. Nghĩ về quá trình xây dựng sự nghiệp của mình, ông nói: “Cần phải có sự chăm chỉ, tháo vát, kiên trì và lòng can đảm để đạt được thành công”.

Mười năm sau, với sự ủng hộ tài chính của đối tác người Ấn Độ Mohan Murjani, Tommy thông báo sự có mặt của mình trong ngành thời trang Mỹ bằng một chiến dịch quảng bá rầm rộ. Ông đặt bảng quảng cáo thương hiệu Tommy Hilfiger ở quảng trường Times Square, sánh ngang với ba thương hiệu thời trang nổi tiếng nhất nước Mỹ thời đó là Calvin Klein, Ralph Lauren và Perry Ellis.

Vào thời điểm hầu hết các nhà thiết kế khác đều không quan tâm đến những người nổi tiếng, Tommy đã sớm nhận ra giá trị quảng bá của những ngôi sao. Năm 1994, sau khi ca sỹ nhạc rap Snoop Dogg mặc trang phục của Tommy Hilfiger biểu diễn trong suốt chương trình Saturday Night Live, doanh thu của hãng đã tăng lên 90 triệu đô-la Mỹ trong một năm.

Thành công này chứng minh cho tầm nhìn sâu rộng của Tommy cũng như lời khẳng định của ông trước giới báo chí: “Tôi nghĩ tôi sẽ trở thành nhà thiết kế vĩ đại kế tiếp của nước Mỹ”.

20140910_fashionable-life-tommy-hilfiger-03

Trang phục, Tommy Hilfiger. Hoa tai, Ivanka Trump Fine Jewelry.

 

Một phong cách riêng của Tommy Hilfiger

Giờ đây, khi thương hiệu Tommy Hilfiger đã sánh ngang Ralph LaurenCalvin Klein như ông từng khẳng định từ thuở đầu khởi nghiệp, Hilfiger vẫn xuất hiện tại các bữa tiệc với vẻ ngoài giản dị. Trang phục đặc trưng của ông là chiếc áo khoác cardigan màu xanh, giày lười loafer và quần nhung màu đỏ.

Theo quan điểm của ông, “Cổ điển, truyền thống và dễ mặc. Đó là những gì cơ bản tạo nên thời trang Mỹ”. Và đây cũng là cái chất, cái hồn của thương hiệu thời trang Tommy Hilfiger.

Một điểm khác để lý giải cho sự giản dị ấy xuất phát từ quan điểm sống của vị doanh nhân tài ba này. Tommy Hilfiger chưa bao giờ nghĩ mình thành công. Ông thẳng thắn chia sẻ: “Thật nguy hiểm khi bạn nghĩ mình đã thành công. Suy nghĩ đó có thể làm bạn cảm thấy tự mãn. Tốt hơn hết, chúng ta hãy khiêm tốn. Trong kinh doanh bạn phải luôn hết sức cẩn trọng, bởi vì chỉ cần một cái búng tay, chúng ta có thể mất tất cả”.

20140910_fashionable-life-tommy-hilfiger-07

Hạnh phúc bên vợ và những đứa con

Tuy giản dị trong trang phục nhưng Tommy lại không ngại ngần chi mạnh tay cho những căn nhà. Trước khi dọn đến Plaza Hotel, gia đình Hilfiger sống ở căn biệt thự lớn tại thành phố Greenwich, bang Connecticut. Ngoài ra, ông còn sở hữu một ngôi nhà ở hòn đảo xinh đẹp Mustique thuộc vùng biển Caribbean, nơi hàng xóm của ông là ca sỹ nổi tiếng của ban nhạc The Rolling Stones Mick Jagger. Chưa hết, ông còn dành riêng một biệt thự sang trọng ở vùng ngoại ô Connecticut để nghỉ cuối tuần.

Giờ đây, ông đang chia sẻ căn hộ của mình cùng người vợ thứ hai xinh đẹp, Dee Ocleppo Hilfiger, tại Plaza Hotel.

 

 

Tổ ấm lưu giữ những kỷ niệm

Đây là nơi mà hơn 40 năm trước, biểu tượng thời trang Gloria Guinness đã nhảy điệu boogie, người phụ nữ quý phái Babe Paley hát cùng ban nhạc, và Mia Farrow tay trong tay với chồng là ca sỹ Frank Sinatra. Những tấm hình ấy vẫn được treo trên tường như muốn lưu lại dấu vết của thời gian.

Có vẻ như tái hiện những điều trong quá khứ là sở trường của Tommy. Ông tỉ mỉ trang trí từng chi tiết trong căn hộ: “Chúng tôi dự định tạo nên một bầu không khí cổ xưa để hài hòa với không gian vốn cổ kính của khách sạn Plaza”.

Quả thực, căn hộ của gia đình Hilfiger khiến chúng tôi liên tưởng tới một bảo tàng nghệ thuật. Ngay trên lối vào treo một bức tranh tuyệt tác của họa sỹ Jean-Michel Basquiat. Hơn 20 tác phẩm của danh họa Andy Warhol, người bạn thân của Tommy Hilfiger, trang trí khắp căn nhà.

Trong phòng khách, chân dung hai nữ diễn viên huyền thoại Grace Kelly và Elizabeth Taylor được treo trang trọng. Tranh vẽ Marilyn Monroe duyên dáng điểm tô cho hành lang tầng hai. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Để hòa hợp hơn, Tommy đang chủ tâm tìm kiếm bức tranh vẽ cờ Mỹ của họa sỹ đương đại nổi tiếng Jasper Johns.

20140910_fashionable-life-tommy-hilfiger-04

Rất tự hào khi được sở hữu căn hộ đã lưu lại dấu ấn của những tên tuổi nghệ thuật, Dee Hilfiger cho biết thêm: “Khi trang trí căn nhà, chúng tôi cố gắng kết hợp hài hòa với những yếu tố lịch sử của tòa nhà càng nhiều càng tốt”.

20140910_fashionable-life-tommy-hilfiger-05

Một thoáng trầm ngâm khi nghĩ về những vị khách đã từng có mặt tại Plaza Hotel, từ Marilyn Monroe cho đến Jackie O, nữ chủ nhân thốt lên: “Tôi ước giá như những bức tường này biết nói thì hay quá”.

Đôi vợ chồng này quyết định chuyển về đây vì mái ấm của họ vừa đón chào thêm một thành viên mới vào tháng Tám năm 2009, bé Sebastian kháu khỉnh. “Căn nhà ở Greenwich quá rộng trong khi các con (bốn người con của Tommy cùng với vợ cũ) đều đã lớn và sống bên ngoài. Chúng tôi chỉ có một em bé ở nhà. Thế nên, dọn đến đây, chúng tôi cảm thấy ấm cúng hơn”.

Tiếp lời chồng, Dee tíu tít khoe: “Đây thật sự là tổ ấm chung đầu tiên của chúng tôi. Chúng tôi rất thích đi mua sắm vào cuối tuần. Tôi và anh Tommy đã cùng tự tay chọn và mua tất cả những món đồ nội thất trang trí cho nhà mới, từ chiếc bàn ăn của Maison Jansen, các bàn cổ sơn mài đặt trong phòng khách cho đến chiếc đèn chùm hình thuyền buồm bằng pha lê treo trong phòng của em bé. Bạn xem này, tất cả trông thật tuyệt đúng không?”.

Tommy đưa mắt nhìn vợ và bé con Sebastian một cách trìu mến, âu yếm. Có thể thấy tình yêu và niềm hạnh phúc đang lan tỏa trong căn hộ như là một sự giao lưu giữa quá khứ và hiện tại này. Có lẽ nhờ thế, khách đến thăm gia đình Tommy luôn cảm nhận được sự ấm áp, thân thương và chào đón.

20140910_fashionable-life-tommy-hilfiger-08

Váy, Tommy Hilfiger. Hoa tai, Glynneth B. Vòng tay, Fenton. Giày, Christian Louboutin.

Bài: Anne McNoky – Chuyển ngữ: Phương Thảo – Ảnh: Douglas Friedman.

Xem thêm