Tập đoàn Kering, chủ sở hữu thương hiệu Gucci, thông báo rằng giám đốc sáng tạo Alessandro Michele sẽ rời nhà mốt Gucci, sau hơn 20 năm làm việc cùng thương hiệu Ý trong đó có 7 năm trong vai trò giám đốc sáng tạo.
“Đôi khi chúng ta không còn chung bước vì mỗi người có cái nhìn khác nhau. Hôm nay, một hành trình tuyệt diệu của tôi khép lại. Hơn 20 năm tôi đã dành mọi tình yêu và sức sáng tạo cho một công ty”, Alessandro Michele chia sẻ. Nhà thiết kế đến với Gucci năm 2002 dưới trướng của Tom Ford, từ từ thăng chức dưới thời Frida Giannini, sau đó được đề bạt lên vị trí Giám đốc sáng tạo năm 2015.
François-Henri Pinault, chủ tịch và tổng giám đốc điều hành tập đoàn Kering, cảm ơn Alessandro Michele vì những đóng góp. “Nhiệt huyết, khả năng sáng tạo, chân thành và văn hóa của ông ấy đã giúp nâng tầm Gucci”.
Vì sao Alessandro Michele rời nhà mốt Gucci?
Tin đồn Alessandro Michele rời Gucci bắt đầu dấy lên khi nhật báo thời trang WWD đăng tin cách đây vài ngày. Một nguồn giấu tên chia sẻ cùng WWD rằng Alessandro Michele được yêu cầu phải thay đổi phong cách thiết kế để tạo sức hút mới cho thương hiệu, khi tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong 3 năm trở lại. Tuy nhiên, những thiết kế mới của ông không đáp ứng yêu cầu của tập đoàn mẹ Kering.
Lấy ví dụ là show Gucci Xuân Hè 2023 ready-to-wear của nữ ở Milan. Dù gây được tiếng vang lớn khi mời 68 cặp song sinh diễn show và tạo hiệu ứng sân khấu lóa mắt, nhưng các thiết kế Gucci mùa này vẫn đậm dấu ấn quen thuộc của Alessandro Michele chứ không mang tính chất đột phá. “Các cặp đôi song sinh đánh lạc hướng cái nhìn khỏi một bộ sưu tập rời rạc”, nhận xét người mẫu Scott Staniland trên Instagram.
>>> NHÌN LẠI GUCCI THU ĐÔNG 2015: BỘ SƯU TẬP ĐẦU TAY TỪ ALESSANDRO MICHELE
Khi Alessandro Michele nhậm chức giám đốc sáng tạo tại Gucci năm 2015, phong cách maximalism nhiều lớp chồng chất với các họa tiết hoa mắt của ông ngay lập tức trở thành cú hit. Doanh số của Gucci tăng từ 3,9 tỉ Euro năm 2015 lên đến 9,7 tỉ Euro năm 2021; lợi nhuận ròng tăng gấp ba.
Tuy nhiên, vấn đề gây lục đục nội bộ chính là sức tăng trưởng giảm dần theo từng năm. Đỉnh điểm là năm 2017 khi Gucci tăng trưởng đến 45%. Đến 2019 chỉ còn 13%. Và đến 2021 thì rớt xuống 9%. Gucci được nhận xét có sức bật kém hẳn khi so với các thương hiệu khác của tập đoàn Kering, cũng như với các thương hiệu đối thủ cạnh tranh hậu đại dịch.
Gần đây nhất, trong Quý 3/2022, tổng doanh số Gucci chỉ tăng trưởng 9%, trong khi đó Saint Laurent đạt 30%, nhóm hàng thời trang của tập đoàn LVMH tăng 22%, cả Hermès lẫn Chanel đều tăng trưởng ở mức độ 2 con số.
>>> XEM THÊM: DOANH SỐ TẬP ĐOÀN KERING TĂNG 14% TRONG QUÝ 3/2022
Nhiều chuyên gia phân tích thị trường nhận xét rằng phong cách thiết kế của Alessandro Michele đã khiến Gucci bị xem là nhàm chán và thiếu đổi mới. Từ 2015 đến nay, nhà thiết kế luôn duy trì phong cách maximalism, hòa lẫn với hơi thở của thập niên 1970, trendy nhưng retro. Hậu đại dịch, khách hàng lại tìm đến những gì tối giản hơn, khó lỗi mốt và không bị xem là phô trương. Do đó phong cách thiết kế của Alessandro Michele không còn phù hợp với nhu cầu này.
“Gucci đang bị thương tổn vì hình ảnh thương hiệu nhàm chán do Alessandro Michele không thay đổi sau bảy năm”, trích lời Luca Solca, nhà phân tích thị trường xa xỉ tại công ty tư vấn đầu tư Bernstein. “Để tiếp tục tăng trưởng, Gucci cần mở ra một chương sáng tạo mới”. Và cách nhanh nhất là thay thế giám đốc sáng tạo.
>>> TÌM HIỂU: QUY TRÌNH BÍ MẬT TUYỂN GIÁM ĐỐC SÁNG TẠO CỦA NHÀ MỐT XA XỈ
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam