Trong tiếng Anh, cụm từ “high maintenance” thường được dùng để ám chỉ những kẻ khó chiều. Bạn rất khó làm họ hài lòng. Món quà bạn chọn cho họ không bao giờ hợp ý. Ra nhà hàng ăn uống thì họ luôn chê ỏng chê eo. Trong tình yêu, họ yêu cầu người bạn đời cung phụng mọi thứ. Trong công việc, họ đòi hỏi đồng nghiệp xung quanh phải làm đúng theo yêu cầu, quy chuẩn của họ.
Có thể thấy cụm từ “high maintenance” thường mang ý nghĩa tiêu cực. Chính vì vậy, nhiều người muốn đi ngược lại. Họ muốn chứng tỏ bản thân mình là “low maintenance”, hàm ý mình là người thoải mái, dễ thương.
Tuy nhiên, lằn ranh giữa một người thoải mái và một người dễ dãi cũng rất mong manh.
Sự khác biệt giữa người thoải mái và kẻ dễ dãi
Tất nhiên cụm từ “low maintenance” có thể được dùng để miêu ưu điểm trong tính cách. Ví dụ, thói quen ăn uống không kén cá chọn canh. Việc dễ thích nghi với môi trường mới lạ khi đi du lịch. Việc yêu thích phong cách thời trang tối giản (minimalism) cũng được xem là thoải mái, vì bạn không mong muốn suốt ngày ăn diện “lồng lộn” đầy kịch tính.
Nhưng sự dễ tính bắt đầu trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi bạn không thuận theo tính cách tự nhiên của bản thân, mà đè nén nhu cầu của mình chỉ để làm vừa lòng người khác.
Người dễ dãi muốn chứng tỏ với cả thiên hạ rằng, “Tôi rất dễ chịu!”. Họ dùng câu nói này làm kim chỉ nam của cuộc sống – hoặc thậm chí là một lời thách thức cho phong cách sống. Vì người dễ dãi luôn sợ hãi việc bị người khác đánh giá mình một cách tiêu cực.
Vì sao tính cách dễ dãi hình thành
Không ai từ khi sinh ra đã là một người dễ dãi. Đây là một tính cách hình thành từ nhiều năm trong tuổi ấu thơ.
Một số những đứa trẻ có ý kiến bất đồng với bậc phụ huynh. Cha mẹ, thay vì lắng nghe con cái, lại quát tháo, mắng mỏ nó. Hậu quả là đứa trẻ nhạy cảm phải học cách giấu đi cảm xúc của bản thân từ khi còn rất nhỏ.
Những trường hợp sau đây đều có thể là tiền đề tạo nên một tính cách có phần nhu nhược, khép kín ở đứa trẻ khi lớn lên:
- Khi đứa trẻ bày tỏ mình cảm thấy khó chịu (ví dụ, không thích vị đồ ăn hay mệt do bệnh), phụ huynh thay vì giải thích cho con trẻ, lại mắng nó rằng: “Nhiều chuyện, hay đòi hỏi”.
- Khi đứa trẻ khóc toáng lên, phụ huynh thay vì tìm hiểu vì sao con khó chịu, lại la mắng nó: “Có gì tệ đâu mà la lối om sòm, khóc lóc ầm ĩ”.
- Ở nơi công cộng, phụ huynh so sánh hoặc giễu cợt đứa trẻ: “Nhìn con nít nhà người ta kìa, ngoan chưa. Con mình chỉ biết khóc và học đòi”.
- Nếu đứa trẻ không ngừng khóc, phụ huynh sẽ nhốt nó vào phòng kín và mặc kệ nó.
- Có thể đứa trẻ lớn lên trong một gia đình đông anh chị em. Vì một hoặc nhiều lý do nào đó, anh/chị/em khác của nó được bố mẹ quan tâm hơn, dẫn đến tình cảnh nó bị bỏ mặc.
- Phụ huynh bận rộn, không có thời gian để ý đến tâm tình của con trẻ.
- Hoặc, phụ huynh tính tình nóng nảy, có thể đánh đập đứa trẻ khi nó đưa ra chủ kiến riêng.
Phụ huynh không phải là nguồn ảnh hưởng tinh thần duy nhất. Thầy cô giáo, bạn bè – và những kẻ chuyên bắt nạt trong môi trường học đường – cũng có thể là nguyên nhân. Hoặc khi bắt đầu cặp kè, bị bạn trai/bạn gái gọi là kẻ đòi hỏi và nhạy cảm cũng có thể dẫn đến tính cách dễ dãi khi lớn lên.
Những biểu hiện của tính cách dễ dãi
Những đứa trẻ này, khi lớn lên, trở thành một chuyên gia quan sát môi trường xung quanh. Họ sẽ thay đổi cách ăn nói, ăn mặc và thậm chí là suy nghĩ của mình để có thể hợp cạ với những người xung quanh. Họ trở thành những người nâng đỡ tâm lý của người khác, nhưng lại bỏ qua nhu cầu nuôi dưỡng tâm hồn của chính bản thân mình.
Ví dụ, trong tình yêu, một người phụ nữ không đòi hỏi người bạn đời phải trao hoa hay tặng quà cho mình, vì sợ bị gọi là kẻ đòi hỏi. Khi bạn đời đi chơi riêng, họ không dám hỏi về bạn bè của người ấy vì sợ bị đánh giá là ghen tuông.
Hoặc, khi đi chơi, luôn có một người bạn đáp trả với câu cửa miệng “sao cũng được” khi được hỏi ý kiến. Người này sợ làm mếch lòng bạn bè nên chẳng bao giờ phản bác ý kiến của hội bạn.
Có thể thấy, khác với sự thoải mái đến từ một tính cách phóng khoáng và rộng lượng, sự dễ dãi này lại là một hình thức trói buộc tinh thần.
Khi người dễ dãi cảm thấy bất mãn với tình hình, họ cũng sẽ hiếm khi chia sẻ suy nghĩ của bản thân. Mà họ sẽ tự dằn vặt bản thân rằng mình quá đòi hỏi, quá tham lam. Về lâu dài, những suy nghĩ này có thể khiến họ bị suy sụp, trầm cảm, thụ động.
Làm sao để người dễ dãi yêu bản thân mình hơn?
Vâng, ở đây tôi dùng câu yêu bản thân. Vì tính cách quá dễ dãi cũng như một hình thức tự ngược đãi bản thân về mặt tâm hồn. Người dễ dãi phải hiểu rằng nhu cầu của bản thân cũng quan trọng, và việc đòi hỏi những đối đãi tốt hơn cho bản thân không phải là sự tham lam.
1. Phân biệt giữa sự dễ tính và dễ dãi
Ban đêm, trước khi đi ngủ, hãy dành ra khoảng 30 phút để thiền và tĩnh tâm. Sau đó, bạn nhìn lại những phản ứng của mình trong ngày. Tự suy ngẫm: Những phản ứng này đến từ nội tâm của mình, hay vì mình đang ép bản thân thuận theo mong muốn của người khác?
Ví dụ, bạn và một đồng nghiệp đang phải hợp tác cho một dự án. Tuy nhiên, đồng nghiệp là người quyết định mọi chi tiết của dự án. Bạn thoải mái gật đầu với tất cả lựa chọn của cô ấy. Đó là vì đồng nghiệp của bạn thực sự giỏi giang, hay vì bạn cảm thấy khó khăn khi nói “không” với cô ấy? Nếu bạn khước từ một số lời đề nghị của cô ấy, liệu công việc có tốt đẹp hơn?
Tập phân biệt giữa hai trạng thái cảm xúc này sẽ giúp bạn bắt đầu con đường cải thiện tính cách quá dễ dãi của mình.
2. Quên đi câu nói “một điều nhịn, chín điều lành”
Những người dễ dãi đôi khi chèn ép cảm xúc của mình đến mức độ họ quên mất mình cũng có nhu cầu được an ủi, được lắng nghe. Bạn cần tự bảo bản thân: Những yêu cầu này không phải lúc nào cũng vì tính cách nhạy cảm hay đòi hỏi, mà vì đây là quyền cá nhân của mình.
Đôi khi, để hóa giải tình huống luôn luôn nhẫn nhịn, bạn cần tập việc bộc lộ cảm xúc thật. Có thể là chán ghét, tức giận, đau lòng… hãy để mọi người xung quanh nhận ra rằng, bạn không chỉ có một cảm xúc là vui vẻ thoải mái.
3. Giải thích tường tận suy nghĩ của mình
Hẳn, người dễ dãi sẽ không quen với việc bộc lộ cảm xúc thật. Bước đầu cho bạn là dùng lời lẽ để diễn giải những suy nghĩ một cách trầm tĩnh.
Ví dụ, tại công sở, có một tuýp đồng nghiệp thích chê bai, giễu cợt sản phẩm của người khác dưới danh nghĩa là góp ý giúp cải thiện chất lượng công việc. Người dễ dãi hẳn lúc nào cũng nhận tất cả sai lầm về mình. Nhưng một cách hay hơn là trả lời: “Cảm ơn bạn về góp ý. Nhưng cách bạn góp ý không hay và làm tôi rất buồn. Trong tương lai, bạn có thể thay đổi phương thức chia sẻ cảm nghĩ được không?”. Câu trả lời cứng rắn nhưng nhẹ nhàng này có thể giúp hoà giải tình hình.
>>> Xem thêm: 5 BƯỚC GIÚP BẠN THOÁT KHỎI XÚC CẢM MUỐN LÀM HÀI LÒNG TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Ảnh: Truyện Lụa by Hậu Lê
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam