Băng vệ sinh không phải hàng thiết yếu khắp nơi trên thế giới, chẳng riêng gì Việt Nam!

Có phải mặt hàng thiết yếu hay không, hãy để phụ nữ trả lời

Ảnh thiết kế gói gọn màu đỏ kinh nguyệt của Pantone trên băng vệ sinh. Ảnh: Katty Huertas / TODAY / Getty Images

Trong thời điểm Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội và TP.HCM đã bước vào lệnh giới nghiêm, các chị em phụ nữ nhận ra một điều nghiệt ngã là sản phẩm mình cần sử dụng đều đặn hàng tháng không được xem như một nhu yếu phẩm. Chính là…băng vệ sinh.

Theo công ty cổ phần Diana Unicharm, đơn vị sản xuất các loại băng vệ sinh và tã, công ty gặp khó khăn khi vận chuyển các sản phẩm này đến nhà phân phối trên địa bàn miền Nam trong thời gian giới nghiêm. Các trạm kiểm soát ngăn chặn không cho thông quan vì cho rằng mặt hàng này không thuộc nhóm nhu yếu phẩm, không xuất hiện trong văn bản cho phép lưu thông nên không được ưu tiên vận chuyển*!

*Hiện tại, chỉ riêng Đồng Nai xem băng vệ sinh, tã, bỉm em bé là mặt hàng thiết yếu, nêu rõ trong văn bản cho phép thông quan.

Điều này khiến rất nhiều chị em cười méo mặt. Đánh giá chung của mọi người là sự thiếu linh hoạt trong suy nghĩ, quá máy móc ở khâu vận hành, thiếu tính thực tế ở các trạm kiểm soát.

Tuy nhiên, bạn có biết, thực chất băng vệ sinh được được xem là nhu yếu phẩm ở rất nhiều quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam?

Băng vệ sinh, hàng xa xỉ ở toàn cầu

Nhận định chung về nhu yếu phẩm là chúng phải càng rẻ càng tốt để giúp mặt hàng tiếp cận với đối tượng ở tầng lớp nghèo. Ví dụ tại Mỹ, thực phẩm là hàng được miễn thuế ở đa số các tiểu bang, hoặc nếu có thuế thì cũng khá thấp.

Tuy nhiên, băng vệ sinh thì khác. Ở rất nhiều quốc gia, băng vệ sinh cũng như tampon là sản phẩm bị đánh thuế khá cao.

Ở Mỹ, băng vệ sinh được liệt kê là hàng dược phẩm. Tuy nhiên, một số dược phẩm cho nam giới như đồ cạo râu, thuốc mọc tóc được miễn thuế. Trong khi đó, băng vệ sinh bị đánh thuế như hàng hóa không thiết yếu, cũng không thể được miễn thuế dược phẩm cho đối tượng nghèo.

Tại liên minh châu Âu, dòng sản phẩm này bị đánh thuế tối thiểu 5%, một vài quốc gia thậm chí có mức thuế lên đến 20%: Điển hình, Hungary là 27%, ở Thụy Sỹ và Thụy Điển là 25%.

Trong khối EU, chỉ có Ireland không đánh thuế mặt hàng này; và Đức đã giảm thuế từ 19% xuống còn 7% tính từ tháng 01/2020. Anh Quốc cũng xóa bỏ thuế băng vệ sinh sau khi rút lui khỏi Liên minh Châu Âu vào tháng 01/2021.

Mức thuế này gần như tương đương với các mặt hàng xa xỉ như túi xách, trang sức, bia rượu. Như vậy, hoàn toàn có thể ví băng vệ sinh với một xa xỉ phẩm!

Lý do? Luật pháp không do phụ nữ làm chủ

Tôi xin mạn phép không bàn về vấn đề thuế băng vệ sinh. Không thể miễn thuế tất cả sản phẩm. Đa phần phụ nữ chúng ta, ai mà chả đến tháng đều đặn? Rất dễ để ước tính số thuế sẽ thu được từ các sản phẩm kinh nguyệt cho nữ. Phần thuế này không nhỏ, góp phần quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Ở đây, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề từ một khía cạnh khác.

Nhìn chung, các sản phẩm này không được xem là thiết yếu vì chúng không nằm trong danh sách mặt hàng cần thiết của nam giới. Mà nam giới lại là thành phần chủ chốt của đa phần các chính phủ toàn cầu. Theo OECD nghiên cứu, các quốc hội khắp thế giới có rất ít thành viên cấp cao là nữ. Trung bình trong khối OECD, chỉ có 27.9% thành viên quốc hội là nữ. Thụy Điển cao nhất, ở 43.6%. Nhật Bản thấp nhất, ở 9.5%.

Như vậy, những vấn đề chỉ phái nữ mới biết sẽ ít được các ban lãnh đạo quan tâm đến. Băng vệ sinh hay tã, bỉm cũng vì vậy, không được liệt kê là nhu yếu phẩm khi khuất mắt các anh nam.

Chị em chúng ta chỉ có thể thay đổi tình trạng này khi thoải mái, công khai bàn luận về vấn đề kinh nguyệt.

Thông tin về kinh nguyệt, sức khỏe sinh sản, giới tính cần được đưa vào giáo trình sức khỏe từ cấp phổ thông. Tại nhà, các chị em có thể khéo léo nhờ bạn trai hay chồng giúp đỡ đi mua băng vệ sinh, làm việc nhà trong giai đoạn đến tháng. Mẹ có thể dạy con trai nấu nước nóng chườm bụng cho mình.

Giả vờ yếu đuối là sức mạnh trời trao của phái yếu. Hãy áp dụng nó triệt để trong tình huống này!

Cách dạy bạn trai, chồng, con khéo léo về vấn đề kinh nguyệt là tiền đề giúp phái mạnh hiểu thêm về những vấn đề nhạy cảm của phái yếu. Từ đó, cho dù các chị em không làm lãnh đạo thì các anh nam cũng sẽ hiểu thêm cho vợ, cho con gái, để rồi không quên đưa băng vệ sinh, tampon, tã và bỉm vào danh sách sản phẩm thiết yếu trong những giai đoạn cấp bách như thế này!

>>> Xem thêm: RA MẮT MÀU ĐỎ KINH NGUYỆT, PANTONE GÂY BÃO MẠNG XÃ HỘI

Trích dẫn số liệu từ Global Citizen, OECD.org
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm