Năm 2020 đã gần đi đến hồi kết thúc. Như thường lệ, các công ty tư vấn tài chính lên bảng xếp hạng đánh giá sự tin cậy của các tập đoàn toàn cầu. Những bảng xếp hạng giá trị thương hiệu này như một cây thước đo lường cho các nhà đầu tư, giúp họ đầu tư vào cổ phiếu và tài sản một cách an toàn hơn.
Gần đây nhất, một nghiên cứu từ công ty Brand Finance, bảng xếp hạng Global Intangible Finance Tracker (GIFT™) đánh giá các công ty thông qua giá trị vô hình.
GIÁ TRỊ VÔ HÌNH LÀ GÌ?Đây là tất cả những tài sản không thể chạm vào của một công ty/tập đoàn, nhưng vẫn mang lại lợi ích to lớn không khác gì tài sản hữu hình/cố định (như tiền mặt, nhà đất). Các ví dụ của tài sản vô hình bao gồm: giá trị thương hiệu, lòng trung thành của khách hàng, công nghệ độc quyền, các bằng sáng chế, data người dùng, sự am hiểu thị trường… |
Top 10 công ty toàn cầu năm nay, theo thứ tự, gồm:
1. Apple (công nghệ)
2. Amazon (công nghệ, e-commerce)
3. Aramco (năng lượng – dầu mỏ)
4. Microsoft (công nghệ)
5. Alphabet (Google – công nghệ)
6. Facebook (công nghệ)
7. Alibaba (công nghệ, e-commerce)
8. Tencent (công nghệ và giải trí)
9. Tesla (công nghệ và năng lượng xanh)
10. VISA (tài chính)
Có thể thấy năm 2020 là năm của các tập đoàn công nghệ. Trong thời kỳ COVID-19, tình hình làm việc từ xa thay vì từ văn phòng, mua hàng qua mạng thay vì tại các cửa hàng, xem phim online thay vì ở rạp chiếu bóng…đã đẩy mạnh giá trị của các công ty công nghệ. Đồng thời làm giảm giá trị của nhóm du lịch, giải trí. Người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng cũng ảnh hưởng đến nhóm bán lẻ không thiết yếu.
Tuy vậy, đừng vội cho rằng các tập đoàn thời trang và làm đẹp đã thất thế.
Một số tập đoàn thời trang và mỹ phẩm vẫn lọt vào top 100 các công ty có giá trị nhất thế giới. Trong số đó có tập đoàn LVMH, Nike và L’Oréal.
LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton có nhiều ngành hàng khác nhau: thời trang, du lịch, ẩm thực. Tập đoàn sở hữu các thương hiệu như Louis Vuitton Dior, Celine, Givenchy…
Trong năm 2020, giá trị ước tính của tập đoàn LVMH là 233 tỷ đô-la Mỹ. Trong số đó, 88% tổng giá trị tập đoàn đến từ tài sản vô hình. Hiện tại, tập đoàn nằm ở vị trí số 31 trên bảng xếp hạng GIFT 2020 (rớt 1 vị trí so với năm 2019).
Còn Nike thì nhảy vọt lên vị trí 49, từ vị trí 64 của năm 2019. Tổng giá trị tài sản vô hình ước tính là 172 tỷ đô-la Mỹ. Nike đã có một năm thành công khi liên tục bắt tay với các nhân vật hot trong địa hạt streetwear (thời trang đường phố), ra mắt nhiều đôi giày phiên bản giới hạn được các tay chơi giày thể thao hiếm săn lùng.
Ở vị trí 55 là tập đoàn mỹ phẩm L’Oréal. Sở hữu các thương hiệu làm đẹp từ bình dân đến cao cấp như Lancôme, Kiehl’s, YSL Beauty, La Roche-Posay… Dù rớt hai vị trí so với năm 2019, nhưng L’Oréal vẫn đạt được lòng tin cậy của người dùng. Tổng giá trị tài sản vô hình của hãng là 166 tỷ đô-la Mỹ năm nay.
Ở địa hạt ngành hàng xa xỉ, thương hiệu giá trị nổi bật nhất lại là Givenchy.
Ngoài ra, công ty tư vấn tài chính Brand Finance còn có một bảng xếp hạng dành riêng cho ngành xa xỉ phẩm (thời trang, mỹ phẩm, trang sức và đồng hồ, xe hơi). Bảng xếp hạng này đánh giá giá trị sức mạnh của các thương hiệu xa xỉ.
Nhìn chung, các thương hiệu xa xỉ của Pháp – Dior, Louis Vuitton, Chanel, Hermès – đều có một năm thành công. Tổng giá trị của các thương hiệu Pháp tăng 14% so với năm ngoái.
Louis Vuitton hiện nằm ở vị trí thứ ba của bảng xếp hạng các thương hiệu xa xỉ, với giá trị thương hiệu là 16,5 tỷ đô-la Mỹ. Chanel ở vị trí số năm, đạt ước tính 13,7 tỷ đô-la Mỹ. Việc cựu giám đốc sáng tạo Karl Lagerfeld qua đời, được nối gót bởi Virginie Viard, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức mạnh của thương hiệu.
Tuy nhiên, nổi bật nhất lại là Givenchy (cũng thuộc tập đoàn LVMH). Thương hiệu đã tiến bộ thần tốc trong 2020. Định giá thương hiệu tăng 74%, giúp Givenchy vọt lên vị trí 26, tăng 11 vị trí so với năm 2019. Lý do vì kết quả kinh doanh tốt ở hạng mục mỹ phẩm, đặc biệt với dòng nước hoa L’Interdit.
>>> Xem thêm: BERNARD ARNAULT: BỘ NÃO ĐẰNG SAU CHIẾN LƯỢC THU MUA TIFFANY & CO CAO TAY CỦA LVMH
Trích dẫn Brand Finance, The Fashion Law
Harper’s Bazaar Việt Nam