Cô Hope-Noelle Davenport của website bán hàng chuyển nhượng HauteTrader đang kêu gọi các công ty bán hàng second hand cẩn thận với những sản phẩm mới xuất hiện trên website của họ trong thời gian này. Chúng có thể là những sản phẩm đã bị ăn cướp, ăn trộm trong cơn bạo loạn tại Mỹ từ hồi tháng 5/2020, cô cho biết.
Bạo loạn tại Mỹ chưa thuyên giảm
Tình hình rối ren ở Mỹ bắt đầu từ tháng 5/2020. Khi hàng loạt công dân da màu như George Floyd và Breonna Taylor chết oan uổng dưới bàn tay cảnh sát, người dân da màu đã vùng lên đòi sự công bằng sắc tộc tại quốc gia này. Đi đôi với các cuộc biểu tình là tình trạng đập phá, hôi của trắng trợn.
Cho dù có đồng tình hay bất mãn trước hành vi đập phá này, một điều chắc chắn sẽ diễn ra: Những món đồ bị ăn cắp này sẽ được bán sang tay trên các website bán hàng second hand. Nhất là khi bây giờ có quá nhiều các lựa chọn cho những người muốn chuyển nhượng xa xỉ phẩm.
Cô Hope-Noelle Davenport, người sáng lập website bán hàng chuyển nhượng HauteTrader, tin rằng các công ty không nên tiếp tay cho hành vi phạm pháp. Vì vậy, cô đã bắt đầu chiến dịch #BloodFashionChallenge. Chiến dịch kêu gọi các công ty bán hàng secondhand như Poshmark, eBay, ThredUp, Vestiaire Collective, Rebag, Fashionphile, The RealReal cùng tăng cường kiểm soát các mặt hàng được đăng bán trên nền tảng của mình.
“Chắc chắn khi hôi của, có nhiều người sẽ bán lại những mặt hàng này. Việc tiếp tay cho hành vi này thật sai trái. Chúng ta không nên đặt lợi ích cá nhân trên sự phải đạo liên quan đến vụ việc bạo loạn tại Mỹ”.
– Hope-Noelle Davenport –
Lợi thế của công nghệ tối tân
Đến thời điểm này, nhiều công ty bán hàng second hand đã trả lời rằng sẽ tăng cường rà soát các sản phẩm mới trên website của họ.
TheRealReal xác nhận sẽ tố cáo với chính quyền nếu phát hiện tài khoản bán hàng bị trộm cắp. “Khi phát hiện hành vi phạm pháp, chúng tôi sẽ gửi thông tin nhận diện (như địa điểm, sản phẩm bị trộm cắp) lên cơ sở dữ liệu của cảnh sát, để chính quyền có thể mau chóng vào cuộc”.
Riêng Fashionphile lại áp dụng công nghệ tối tân để giúp đánh giá sự minh bạch của nguồn gốc sản phẩm. Các sản phẩm của mùa thời trang mới nhất, ở tình trạng y như mới, sẽ bị yêu cầu trình ra hóa đơn mua hàng. Fashionphile còn liên hệ với các thương hiệu đã bị đập phá để xin danh sách và mã vạch của các mặt hàng đã bị ăn trộm. “Chúng tôi không tạo điều kiện cho kẻ hôi của”, cô Sarah Davis, người sáng lập Fashionphile khẳng định.
Cô Hope-Noelle Davenport cho biết, HauteTrader của cô đã cấm một loạt các sản phẩm từ tháng Năm đến nay. “Có những yếu tố giúp chúng tôi dễ nhận diện hàng bị ăn trộm trong đợt bạo loạn tại Mỹ vừa qua. Chúng mới toanh. Chúng thuộc mùa thời trang mới nhất. Và chúng hầu như được ghi chú là ‘hàng còn bán tại cửa hàng chính hãng’.”
Ngành thời trang cần một kho dữ liệu trung tâm
Tuy đồng lòng chống bán hàng giả, hàng nhái và hàng bị ăn trộm, nhưng các công ty bán hàng second hand vẫn phải tự lực cánh sinh là chủ yếu. Hầu như không có sự giúp đỡ nào từ các thương hiệu. Nhất là vì các thương hiệu vừa tức vừa ghét việc khách hàng mua sản phẩm thời trang trên thị trường second hand thay vì mua hàng mới.
>>> Xem thêm: THỜI TRANG SECOND HAND: KHÁCH HÀNG YÊU NÓ, THƯƠNG HIỆU GHÉT BỎ NÓ
Cô Sarah Davis ví von tình huống của ngành bán lẻ thời trang second hand với ngành bán xe cũ.
“Mỗi chiếc xe hơi đều có một mã vạch riêng, gọi là VIN. Mã số VIN được lưu trữ trong một kho dữ liệu trung tâm, chứa tất cả thông tin như nguồn gốc sản xuất, giấy tờ, chủ sở hữu xe, v.v. Khi một chiếc xe hơi cũ được bán lại, nếu trong VIN có thông tin nhạy cảm, như việc chủ sở hữu không đồng nhất với người bán xe, điều này chứng tỏ chiếc xe đã bị ăn trộm. Nhưng ngành thời trang lại không có một kho dữ liệu trung tâm như vậy”.
Có thể thấy, hệ thống mã vạch trung tâm được chia sẻ rộng rãi sẽ giúp tất cả mọi người dễ dàng nhận diện hàng hóa không hợp pháp. Các sản phẩm đạo nhái chắc chắn không có mã vạch. Còn sản phẩm bị mất cắp trong đợt hôi của sẽ có thông tin ghi chú “hàng chưa được bán” khi được quét mã vạch.
Các nhà mốt thời trang như Chanel và Cartier đều có mã vạch cho các sản phẩm của mình, nhưng những thông tin này không được chia sẻ rộng rãi. Một số nhà mốt khác thậm chí không có hệ thống minh bạch. Một khi mặt hàng được bán đi và rời khỏi cửa hàng, không tài nào biết được chuyện gì xảy ra với chúng.
>>> Xem thêm: CÁC CỬA HÀNG THỜI TRANG BỊ ĐẬP PHÁ, ĂN CẮP VÌ BẠO LOẠN Ở MỸ
Harper’s Bazaar Việt Nam