Anh Olivier Rousteing, giám đốc sáng tạo tại nhà mốt Balmain, cho biết: Công việc của anh không chỉ bao hàm thiết kế thời trang. Thực chất, anh phải đảm nhận việc xây dựng hình ảnh của cả thương hiệu. Kể cả công đoạn đăng tải hình ảnh lên Instagram Balmain và Instagram cá nhân của anh (Balmain có 10 triệu người theo dõi, còn cá nhân Rousteing thì có 5,6 triệu người theo dõi).
Tuy còn trẻ (Rousteing nắm cương vị sáng tạo cao nhất tại Balmain năm 2011 khi mới 25 tuổi), chàng trai trẻ này có một kinh nghiệm mà những người kỳ cựu hơn thiếu: Sự nhạy bén về truyền thông và mạng xã hội.
Việc bổ nhiệm Rousteing cho thấy một trào lưu mới trong khâu tuyển dụng giám đốc sáng tạo tại các nhà mốt. Nếu trước kia, giám đốc sáng tạo chỉ tập trung về mảng thiết kế. Thì nay, các giám đốc sáng tạo như có một chân trong lĩnh vực quảng cáo, khi phải chịu trách nhiệm cho việc xây dựng hình ảnh của toàn bộ thương hiệu. Công việc này bây giờ bao gồm cả điều khiển các hình ảnh quảng cáo; thiết kế cửa hàng; cập nhật thông tin trên mạng xã hội; và tìm đến những cú bắt tay với các gương mặt và thương hiệu đang nổi khác của làng thời trang.
“Qua rồi thời các giám đốc sáng tạo chỉ chuyên thiết kế nên các bộ sưu tập.”
– Valentina Maggi, trưởng ban tuyển dụng tại Floriane de Saint-Pierre et Associés, công ty tuyển dụng/headhunter cho các thương hiệu xa xỉ
Khi thương hiệu muốn đề bạt một giám đốc sáng tạo từ các tài năng nội bộ
Bắt đầu từ dàn nhân viên thiết kế sáng giá
Bà Valentina Maggi luôn tư vấn các nhà mốt bắt đầu tìm kiếm nhân tài trong số các nhân viên nội bộ hiện hữu. Bà giải thích: Những người đang là một phần của team thiết kế sẽ hiểu hơn về ADN của thương hiệu, giúp cho việc chuyển giao dễ dàng hơn.
Ví dụ như giám đốc sáng tạo Wes Gordon tại nhà mốt Carolina Herrera. Wes Gordon vốn có thương hiệu thời trang riêng của ông. Sau đó, ông đến với Carolina Herrera ở cương vị một chuyên viên tư vấn. Thời gian làm việc cùng nhà sáng lập Carolina Herrera đã giúp Wes Gordon hiểu hơn về cách bộ máy thương hiệu vận hành.
“Thật đặc biệt khi được nhà sáng lập [bà Caroline Herrera] thân chinh giới thiệu đến với team nhân viên rất giỏi giang của thương hiệu. Tôi không nói quá, nhưng giai đoạn chuyển giao dễ dàng hơn gấp nhiều lần khi được bà ấy tận tay chỉ dạy.”
– Wes Gordon, giám đốc sáng tạo tại Carolina Herrera –
Nhà thiết kế giỏi nhất chưa hẳn là lựa chọn giám đốc sáng tạo tốt nhất
Karen Harvey, chủ công ty tư vấn tuyển dụng cho các thương hiệu thời trang, cho biết: “Có những người rất am hiểu về thiết kế. Nhưng giám đốc sáng tạo không nhất thiết sẽ tự tay vẽ nên cả bộ sưu tập. Người ấy phải có viễn tưởng đặc biệt thu hút cho sản phẩm. Và cũng phải cần có nhiều kỹ năng mềm (soft skills) hơn chỉ thiết kế.”
Cần có sự hòa hợp giữa bộ phận thiết kế và bộ phận kinh doanh
Khi bổ nhiệm một gương mặt đã là thành viên lâu năm của thương hiệu, người ấy sẽ hiểu rõ hơn về cách làm việc cùng tổng giám đốc cũng như bộ máy quản lý thương hiệu. Ví dụ Alessandro Michele tại Gucci. Alessandro Michele đã học việc tại Gucci từ thời Tom Ford vẫn còn tại vị. Khi Gucci tìm kiếm giám đốc sáng tạo mới, Alessandro Michele chỉ là một trong số nhiều cái tên được đề nghị. Nhưng anh được bổ nhiệm vì tầm nhìn xa, rộng về cách phát triển Gucci.
Ngoài ra, giám đốc sáng tạo cũng phải hiểu rằng thương hiệu thời trang, dù mang hình ảnh xa hoa và thời thượng đến cỡ nào, cũng là một doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp thì cần phải làm ra lợi nhuận. Chính vì vậy, sẽ có một số quyết định dẫn đến sự bất đồng quan điểm giữa nhóm thiết kế và nhóm kinh doanh. Giám đốc sáng tạo sẽ phải là người giúp cân bằng hai thái cực này.
Tuyển dụng tài năng từ bên ngoài để làm mới thương hiệu
Khi công ty thiếu thốn tài năng nội bộ
Để đề bạt giám đốc sáng tạo từ trong nội bộ, thương hiệu phải có một hệ thống đào tạo những tài năng ở các lĩnh vực ngoài thiết kế (như lãnh đạo, kinh doanh, công nghệ…). Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng có một hệ thống đào tạo. Có thể vì họ thiếu vốn hay thiếu kinh nghiệm lên kế hoạch cho dự án. Chính vì vậy, đôi khi các thương hiệu sẽ phải tìm đến những gương mặt ngoài công ty.
Tuy nhiên, công đoạn tuyển dụng này phức tạp gấp bội so với việc đề bạt nội bộ.
Các bài kiểm tra cho một giám đốc sáng tạo
Đầu tiên, các ứng viên sẽ phải thực hiện một dự án yêu cầu họ vẽ ra viễn tưởng và tầm nhìn cho thương hiệu. Từ việc thiết kế cửa hàng; vẽ nên một bộ sưu tập sẽ mang lại sự hưởng ứng nhiệt liệt; hay một kế hoạch quảng cáo ngắn hạn.
Khi Louis Vuitton bổ nhiệm Virgil Abloh năm 2018, nhiều người thắc mắc. Virgil Abloh dường như không phải lựa chọn tốt nhất, vì anh vốn là nhà thiết kế street wear, không được đào tạo thời trang bài bản, và thậm chí còn đôi khi “kiếm ăn” bằng công việc DJ. Nhưng tập đoàn LVMH nhận ra sức mạnh quảng cáo Virgil Abloh mang lại cho Louis Vuitton. Cũng như mối quan hệ rộng của anh trong giới nghệ sỹ.
Louis Vuitton cho biết: BST đầu tiên Virgil Abloh thiết kế cho thương hiệu đạt doanh thu cao hơn 30% so với BST phiên bản giới hạn kết hợp cùng thương hiệu Supreme, chỉ trong 48 tiếng đầu tiên ra mắt.
>>> XEM THÊM: GIÁ TRỊ CỦA VIRGIL ABLOH ĐỐI VỚI LOUIS VUITTON LÀ GÌ?
Giám đốc sáng tạo không nhất thiết phải có kinh nghiệm trong làng thời trang
Những người ngoài ngành thời trang có thể mang lại một cái nhìn mới mẻ. Hoặc, họ sẽ có kinh nghiệm trong những mảng khác liên quan đến vận hành của cả bộ máy thương hiệu.
Tất nhiên, một “kẻ ngoại đạo” sẽ mất nhiều thời gian để làm quen với ngành thời trang. Các thương hiệu sẽ phải dành nhiều thời gian để giúp người này hòa nhập hơn là nếu họ đã có kinh nghiệm từ trước.
Thay giám đốc sáng tạo như “đổi máu” tại nhà mốt
Theo lời ông Robert Burke, sáng lập viên công ty tư vấn tuyển dụng, người từng tư vấn cho các thương hiệu lớn như Chloé, Van Cleef & Arpels, và Marc Jacobs: Các thương hiệu kỳ vọng hai điều khi tuyển chọn giám đốc sáng tạo mới. Đầu tiên, lựa chọn này sẽ không khiến lượng fan hiện tại từ bỏ thương hiệu. Và kế tiếp, gương mặt mới sẽ mang lại những khách hàng mới cho thương hiệu.
Một ví dụ kinh điển là khi Dior tuyển chọn Maria Grazia Chiuri. Bà là giám đốc sáng tạo nữ đầu tiên của Dior. Sự bổ nhiệm này đồng thời là một chiến lược marketing lớn cho nhà mốt.
Tuy các bộ sưu tập từ Maria Grazia Chiuri không được giới chuyên môn đánh giá cao, không ai có thể phủ nhận cái đầu sắc bén của bà về mặt kinh doanh và quảng cáo. Bà đã biến cái tên Dior thành thương hiệu đồng nghĩa với nữ quyền và sự giải phóng. Với những chiếc áo in slogan mạnh mẽ và sản phẩm thời trang dễ sử dụng. Doanh thu Dior tăng 26% cuối năm 2019 so với cùng kỳ năm trước.
>>> TÌM HIỂU: VÌ SAO LÀNG THỜI TRANG THẾ GIỚI THIẾU VẮNG GIÁM ĐỐC SÁNG TẠO NỮ?
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam