Valentin, 22 tuổi, đang cùng với bà Patricia, người thợ làm việc tại xưởng may của Dior gần 25 năm, thực hiện phần xếp pli trên một thiết kế
Tinh hoa của những thiết kế haute couture không phải chỉ thể hiện trên sàn runway mà nằm ở bên trong những xưởng may của các nhà mốt, nơi những ngón tay thoăn thoắt khéo léo lướt trên bề mặt vải, tỉ mỉ đính kết từng hạt đá, “hô biến” nên một cánh đồng đầy hoa từ những sợi lông vũ bé nhỏ. Những người thợ may tỉ mẩn luôn phải làm việc theo thời khóa biểu cực kỳ chặt chẽ để đảm bảo lịch trình show diễn.
Điểm đặc biệt hơn hết tại các xưởng may couture này là mọi thứ đều phải được thực hiện thủ công. Chỉ có như vậy những người thợ mới kiểm soát được độ chính xác theo đúng yêu cầu của nhà thiết kế. Thủ công cũng là tiêu chuẩn khắt khe tách biệt thời trang haute couture với ready-to-wear ngay từ những ngày đầu. Bên cạnh đó, việc cắt và may thủ công mới tạo nên được những phom dáng mà may bằng máy không thể sánh bằng. Lấy ví dụ, một chiếc váy ball gown muốn có được độ xòe phồng căng tròn hoàn hảo thì chỉ có kỹ thuật thủ công mới có thể đảm đương. Đó là một quy trình cầu kỳ và nghiêm ngặt, từ vẽ phác thảo trên giấy, đến may thử trên vải toile trước khi may thật trên vải flou (vải mềm) và tailleur (vải cứng). Tất cả mất từ vài trăm đến vài nghìn giờ lao động miệt mài. “Việc thực hiện thủ công mang đến độ bền cho các thiết kế. Chính vì thế những trang phục couture mới có thể tồn tại lâu bền cùng thời gian”, Monique Bailly, trưởng thợ may của xưởng Dior cho biết. (Monique là người từng xuất hiện trong phim tài liệu Dior and I ghi lại quá trình thực hiện bộ sưu tập couture đầu tiên của Raf Simons.)
Dù tạo nên những thiết kế hào nhoáng nhưng bản thân công việc này rất khiêm nhường. Một xưởng may couture tồn tại theo vòng quay nghề truyền nghề. Những người thợ cả lão luyện sẽ chỉ dạy cho những người thợ mới vào nghề và mọi người cứ thế dần dần nắm bắt công việc và nâng cao tay nghề theo thời gian. Federica Papalini, người gần đây vừa tham gia học việc tại xưởng may couture gồm 75 người thợ của Valentino cho biết: “Đó là một công việc đòi hỏi phải cực kỳ tỉ mỉ, chú trọng vào từng chi tiết. Tôi luôn có những người thầy tuyệt vời là những người thợ đã có nhiều năm kinh nghiệm sẵn sàng truyền dạy”.
Ngày nay, những người thợ trẻ như Papalini xem couture là một cơ hội nghề nghiệp chứ không còn là công việc tù túng và bế tắc, một tư duy hoàn toàn khác so với cách đây 20 năm. Pierpaolo Piccioli, một người thợ của nhà Valentino cho biết, “Những người trẻ bắt đầu thấy được giá trị nghệ thuật thật sự của thời trang couture”. Nhà mốt Valentino sẽ sớm mở ra một trường dạy cắt may couture ở Rome, do những bậc thầy trên 30 đến 48 năm kinh nghiệm trong ngành này như Antonietta De Angelis và Elide Morelli trực tiếp giảng dạy. Chương trình học kéo dài 9 tháng và chỉ tuyển khoảng 10 sinh viên một lớp.
Bazaar Việt Nam – Theo: The Cut – Ảnh: Jérôme Sessini