Bóng hình giai nhân trong tranh họa sỹ Lưu Công Nhân

Tranh khỏa thân của Lưu Công Nhân tạo ấn tượng bởi sự phóng khoáng nhưng lại gần gũi

Ở thập niên 70, việc vẽ tranh khỏa thân được cho là nhạy cảm, không được ủng hộ, thậm chí là nguy hiểm. Nhưng danh họa Lưu Công Nhân vẫn lặng lẽ sáng tác mảng đề tài này. Ông đặc biệt nổi tiếng với các bức tranh khỏa thân và tư tưởng phóng khoáng; dám dấn thân cho nghệ thuật.

Tiểu sử danh họa Lưu Công Nhân

Lưu Công Nhân (1931–2007) quê gốc ở Phú Thọ. Ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật khóa Kháng chiến tại Việt Bắc (1950–1954). Lưu Công Nhân là một trong những học trò xuất sắc nhất của danh họa Tô Ngọc Vân.

Ông cũng được cho là chịu ảnh hưởng từ họa sỹ người Pháp Auguste Renoir với phong cách biểu hiện, đề cao vẻ đẹp tự nhiên. Đặc biệt là vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ.

Lưu Công Nhân sinh ra trong gia đình khá giả. Vợ ông làm quản lý tại một công ty dược phẩm lớn. Bà thường mua dụng cụ vẽ cho chồng trong những chuyến công tác nước ngoài. Điều kiện kinh tế khá giả cho phép Lưu Công Nhân chọn con đường họa sỹ tự do.

Ông không làm bất cứ công việc gì liên quan đến tổ chức nhà nước. Điều này giúp họa sĩ thoải mái về tư tưởng, không bị bó hẹp bởi các nhiệm vụ, quy tắc. Bởi thế, sự phong lưu, ngông nghênh, kiêu bạc của ông trở thành phong thái tự nhiên. Tất cả những điều này cũng giải thích lý do vì sao một họa sĩ Việt ở thập niên 1970 lại tự do vẽ tranh khỏa thân.

Dù vậy, sự nghiệp của Lưu Công Nhân không chỉ nổi tiếng ở mảng tranh khỏa thân. Ông còn vẽ nhiều đề tài phong cảnh thôn quê, gia đình, tĩnh vật. Các tác phẩm để đời của ông phải kể đến: Bình dân học vụ (sơn dầu 1955); Một buổi cày (sơn dầu, 1960); Hành quân (sơn dầu, 1950); Cổng nhà mẹ (giấy điệp, 1995)…

Trong hơn 50 năm sự nghiệp, Lưu Công Nhân đã vẽ hơn hai nghìn bức tranh với nhiều đề tài, trên nhiều loại chất liệu khác nhau.

Những bức tranh khỏa thân của Lưu Công Nhân

Tranh khỏa thân của Lưu Công Nhân mang hình ảnh người phụ nữ dáng dấp tự nhiên, thoải mái.

Họa sĩ Đào Hải Phong cho biết: “Mỗi tư thế ông vẽ đều tương ứng với trạng thái nào đó của người phụ nữ. Có thể là trạng thái sinh hoạt, buồn ngủ, nghĩ ngợi, lo âu, chờ đợi, tiếc nuối hoặc mất mát một điều gì đó… Chứ không đơn giản là một người phụ nữ đang khỏa  thân. Những trạng thái đó rất gần với đời sống và rất sống động dưới góc nhìn nghệ thuật”.

Tranh của danh họa Lưu Công Nhân đưa Tây học vào hội họa nhưng không đánh mất tinh thần Á Đông. Những bức tranh khỏa thân  không hề trần tục, thô thiển… Đó chính là sự thanh tao trong tâm hồn của người họa sĩ. 

“Thực ra, đi vào tận cùng thì nude ở đây chỉ là cái cớ để người họa sỹ giãi bày tâm hồn nghệ thuật của họ. Vì thế, khi xem tranh của hoạ sĩ Lưu Công Nhân, chúng ta nên để ý đến đường nét, trạng thái, hình dáng… chứ không nên chỉ nhìn thấy một người đàn bà không mặc quần áo. Và tài năng của danh họa Lưu Công Nhân trong vẽ tranh nude là ông vẽ rất nhanh; vẽ bằng nhiều chất liệu (giấy; bút chì; bút nho; mực tàu; màu nước…) nhưng trong mỗi bức tranh lại có thân phận của một người phụ nữ”, họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ. 

THÔNG TIN THÊM

Danh họa Lưu Công Nhân sinh 1931, mất 2007. Quê quán: Phú Thọ. Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Kháng chiến Việt Bắc, niên khóa 1950–1954.

Tranh của ông vẽ nhiều chủ đề khác nhau. Tiêu biểu nhất là dòng tranh khỏa thân và cảnh vật. Các bức tranh khỏa thân của danh họa Lưu Công Nhân ở trên thuộc sở hữu của nhà sưu tập tranh Nguyễn Phúc Hưởng. Chân thành cảm ơn họa sĩ Lê Thiết Cương về những tấm ảnh quý giá trong bài.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm