Nữ diễn viên Audrey Hepburn từng nói rằng: “Không gì là không thể. Bản thân cuộc sống đã nói rằng: tôi có thể”. Tiếc thay, rất nhiều người trong chúng ta vẫn thường nói rằng “tôi không thể” chỉ bởi họ không muốn phá vỡ giới hạn an toàn của mình. Một mặt khác, để thành công, bạn luôn được khuyên rằng hãy làm điều bạn muốn. Tuy nhiên, đôi khi muốn cuộc sống tốt đẹp hơn, bạn nên học cách yêu cả những điều mình từng không thích.
Làm điều mình không thích cũng là một sự mạo hiểm. Đôi khi, bạn hiểu rõ mình cần phải đi qua cánh cửa an toàn để bước vào hành trình mới, nhưng rồi bạn lại chần chừ. Sự nấn ná ấy có thể làm bạn bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt. Những thành tựu lớn của cuộc đời luôn bắt chúng ta phải trở nên can đảm và liều lĩnh.
Nếu chỉ làm điều bản thân cảm thấy thoải mái, vô hình trung bạn đã tự nhốt mình vào một căn phòng hạn hẹp. Khi bạn nói ghét một điều gì đó và không muốn chạm tới nó, nghĩa là bạn đã loại bỏ một phần của thế giới khỏi khả năng của mình.
Bởi vậy, việc bắt đầu làm điều bạn không thích tưởng chừng như vô ích nhưng đôi khi lại mang tới những kết quả tuyệt vời. Tuy nhiên, yêu được điều bạn không thích chẳng hề đơn giản. Bởi vậy, trong cuốn Change Anything, nhóm tác giả nổi tiếng đã đưa ra các bí quyết sau.
Hình dung về tương lai
Đặt ra cho mình những câu hỏi: nếu ta cứ làm việc như thế này, nếu ta cứ cư xử như thế này… mọi chuyện sẽ ra sao? Hãy rút kinh nghiệm từ những gì bạn đã làm và vạch ra hướng đi hiệu quả hơn. Tất cả những điều này giúp bạn có được động lực để đi tới quyết định mới.
Nhìn nhận theo tổng thể
Khi đặt ra giả thiết, chúng ta thường có xu hướng chỉ lựa chọn những khả năng tốt đẹp. Tuy nhiên, quy luật tự nhiên lại không như vậy. Hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho cả những điều bạn không muốn. Cũng như khi chuẩn bị chiến lược kinh doanh, các nhà quản lý luôn phải lên kế hoạch lường trước những rủi ro (risk management). Sự thành công chỉ tới khi bạn đã dự tính trước cả những khó khăn.
Hướng tới mặt tốt đẹp
Hãy đặt những áp lực mà chúng ta phải đối mặt khi làm điều ta ghét xuống hàng thứ hai và tập trung vào điều ta thu được. Hãy xem những gì bạn không thích như là phần việc bạn phải làm để đạt được mục đích lớn hơn.
Coi thử thách là một trò chơi
Một trò chơi buộc bạn phải đặt ra một khoảng thời gian giới hạn và số điểm tối thiểu để chiến thắng. Vì thế, bạn phải tự đặt ra cho mình một kỳ hạn và những mục đích cụ thể để đạt được. Những thành công nho nhỏ sẽ góp thành một chiến thắng to lớn hơn.
Từng thành công với điều mình thích, nhưng nếu yêu cả điều mình không thích thì chẳng gì có thể ngăn cản được bạn. Hãy bước qua cánh cửa giới hạn để bước tới những chân trời mới.
Bài: Phương Thủy – Ảnh: Getty Images