Các họa sỹ của trường phái Ấn tượng đã để lại nhiều tác phẩm quan trọng cho nền nghệ thuật thế giới. Họ đã lấy cảm hứng từ chất liệu cuộc sống và những mối quan hệ cá nhân phức tạp để vẽ tranh. Nhưng vì sao Claude Monet lại thích vẽ hoa súng như vậy? Còn các bức vẽ của nữ họa sỹ Berthe Morisot lại chỉ mô tả cảnh vật quanh quẩn trong nhà? Hãy tìm hiểu qua bài viết sau.
Claude Monet, cha đẻ của trường phái Ấn tượng
Claude de Monet (1840 – 1926) là cha đẻ của trường phái hội họa Ấn tượng. Gia đình ông chuyển về Havre, vùng duyên hải Normandy năm 1845. Tuổi thơ trải qua bên bờ biển, nên những cảm nhận về biển và thời tiết ở Normandy đã mang đến cho Monet cái nhìn tươi sáng về thiên nhiên. Họa sỹ Eugène Boudin là người thầy đầu tiên đã dạy cho Monet những kỹ thuật vẽ en plein air (ngoài trời). Ông cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách của Monet trong sự nghiệp.
Claude Monet thích vẽ phong cảnh, sử dụng các màu sáng và rực rỡ. Ông chuộng vẽ ánh sáng, hơi nước, mặt nước, cây cỏ và dáng hình của khói. Đó cũng là những yếu tố làm nên chất thơ trong tranh của ông.
Các tác phẩm tiêu biểu của họa sỹ trường phái Ấn tượng Claude Monet
Lớn lên ở miền quê, Monet đặc biệt có nhiều xúc cảm với làng mạc nước Pháp. Nhiều bức tranh nổi tiếng của họa sỹ đều xoay quanh đề tài này. Ví dụ như tranh về đống rơm (1890–91), hay loạt tác phẩm về hoa súng (1892– 1926) trong biệt viện nổi tiếng của danh họa ở Giverny.
Khu vườn Giverny cũng là nơi Monet gắn bó suốt 30 năm. Tại đây, ông đã sáng tác hơn 250 tác phẩm để đời về hoa súng. Monet từng bảo mình không có studio riêng, và thậm chí từng nói: “Tôi không hiểu sao người ta có thể nhốt mình trong một căn phòng”.
Bên cạnh đó, tranh của danh họa cũng hay có sự hiện diện của con người. Nhà phê bình Émile Zola từng nói, “Monet là một người Paris thực thụ. Ông không thể vẽ cảnh mà không thêm một vài quý bà, quý ông ăn vận thanh lịch”.
Tiên phong cho trường phái hội họa Ấn tượng hiện đại, tranh của Monet không thể thiếu chủ đề thành thị. Ví dụ như bức Ga Saint-Lazare (1877). Trong tranh, người xem như nghe được tiếng còi tàu, thấy dáng hình của khói tàu đang bay và hơi nước trong sân ga. Claude Monet tìm thấy vẻ đẹp trong cuộc sống hiện đại. Ông quan sát cảnh vật một cách chính xác, không định kiến.
Pierre-Auguste Renoir, người coi màu đen là nữ hoàng của các màu
Pierre-Auguste Renoir (1841 – 1919) là con trai một người thợ may ở Limoges, Pháp. Ông từng làm công việc của một thợ vẽ đồ gốm và dự định theo học trường Mỹ thuật quốc gia Pháp. Trong số các họa sỹ Ấn tượng, Renoir là người duy nhất vẽ người nhiều hơn cảnh.
Năm 1862, ông bắt đầu học vẽ dưới sự hướng dẫn của Charles Gleyre. Và từ đó, Renoir cùng hội cùng thuyền với nhóm họa sỹ theo trường phái Ấn tượng. Tranh của ông thường sử dụng các hiệu ứng ánh sáng và bóng của vật thể bằng màu trắng và đen. Đây vốn là đặc trưng của các bức tranh thuộc về thời đại trước.
Tranh vẽ tiêu biểu của họa sỹ trường phái Ấn tượng Pierre-Auguste Renoir
Nhưng Renoir đã kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa Hiện thực và Ấn tượng trong các tác phẩm. Chẳng hạn trong tranh chân dung, khuôn mặt người được vẽ theo đường nét cổ điển, còn thân hình và cảnh vật được vẽ theo nét cọ xoắn dài, nhạt của trường phái Ấn tượng.
Bên cạnh đó, Renoir cũng hay dùng kỹ thuật Chiaroscuro, sử dụng hiệu ứng từ độ tương phản giữa ánh sáng và bóng tối trong một tác phẩm. Tiêu biểu là bức Nàng Lise bên chiếc ô (1867). Thời đó, các họa sỹ Ấn tượng ít sử dụng màu đen (dù để vẽ bóng). Vì theo họ, màu đen thuần (pure black) không có thật trong tự nhiên.
Nhưng Renoir là người tôn vinh màu đen đến mức coi nó như “nữ hoàng của các màu”. Ông, cùng với Berthe Morisot là hai danh họa Ấn tượng hiếm hoi sử dụng màu đen ngà trong các tác phẩm hội họa. Ví dụ như tranh Buổi khiêu vũ tại Moulin de la Galette (1876) và Dáng hình bên bờ biển (1890).
Tranh của Renoir luôn mang màu sắc lạc quan, tươi vui, không bao giờ bộc lộ sự chán nản hay nỗi buồn. “Với tôi, một bức tranh luôn phải ngọt ngào, dễ chịu và thật đẹp. Đã có quá nhiều điều không dễ chịu trên đời, chúng ta không cần vẽ thêm nữa”, Renoir quan niệm.
Berthe Morisot, họa sỹ trường phái Ấn tượng đòi quyền lợi cho phái nữ
Berthe Morisot (1841 – 1895) xuất thân từ một gia đình quyền thế tại Bourges, nước Pháp. Dù rất có năng khiếu hội họa, Berthe Morisot gặp nhiều khó khăn khi theo đuổi môn nghệ thuật này. Không chỉ bởi bà là phụ nữ, mà còn vì Morisot thuộc giai cấp thượng lưu.
Các quyết định của bà, như gia nhập hội họa Ấn tượng, làm mẫu vẽ cho họa sỹ… đều đi ngược lại với quan niệm của giới quý tộc lúc bấy giờ. Tuy bị bạn bè, người thân phản đối, Morisot vẫn quyết tâm trở thành họa sỹ. Bà cũng rất ủng hộ nữ quyền với câu nói nổi tiếng: “Tôi không nghĩ đàn ông sẽ đối xử bình đẳng với phụ nữ. Mà tôi chỉ cần có vậy. Vì tôi biết giá trị của mình”.
Các tác phẩm thể hiện phong cách của họa sỹ Berthe Mosirot
Theo đuổi hội họa, Morisot được thầy Jean Baptiste Camille Corot dạy vẽ tranh phong cảnh. Đặc biệt là những kỹ thuật mô tả ánh sáng và bóng râm theo phong cách Ấn tượng. Các bức họa của Morisot mềm mại, trữ tình, có nhiều màu hồng phấn. Chúng thường xoay quanh chủ đề tình thân, tình yêu và ca ngợi vẻ đẹp trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn như bức Đọc sách (1873). Tuy không gây xúc động, vỡ òa, bức tranh khiến người xem cảm thấy ấm áp.
Morisot còn là nàng thơ của danh họa Édouard Manet (cũng là anh rể của bà). Manet không chỉ thích tranh, mà còn tìm được cảm hứng từ con người Morisot. Nữ họa sỹ đã khuyến khích Manet vẽ tranh ngoài trời. Còn ông thì sử dụng nhiều kỹ thuật vẽ của Morisot trong tranh. Tuy nhiên, dù rất tâm đầu ý hợp, họ không đến với nhau. Đó là một mối quan hệ mà đến nay, nhiều nhà phê bình vẫn còn thắc mắc.
Nam Sơn, người góp phần tạo ra thế hệ tinh hoa của hội họa Việt Nam
Họa sỹ Nam Sơn (1890 – 1973) là cây đại thụ của nền nghệ thuật nước nhà. Tên thật của ông là Nguyễn Vạn Thọ, sau được ban tên hiệu là Nam Sơn. Họa sỹ là nhà đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngôi trường đã đào tạo nên một thế hệ tài hoa của hội họa đương đại Việt Nam như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân…
Các tác phẩm của họa sỹ Nam Sơn
Trong đời, họa sỹ Nam Sơn vẽ trên dưới 400 bức tranh. Nhiều bức đạt giá trị cao vượt trội. Hai tác phẩm Ấn tượng tiêu biểu của ông là Ông già Kim Liên (1926) và Nhà nho xứ Bắc (1923). Mỗi bức có giá lên đến hàng triệu đô-la Mỹ. Chủ đề vẽ của Nam Sơn thường là những người mẫu tình cờ bên đường, từ lão nông dân, ông bán lạc rang, đến anh gánh hàng rong và thậm chí cả người hành khất…
Các bức tranh là kết quả sau những ngày tháng mày mò học vẽ tại Paris của danh họa Nam Sơn. Tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa phương Tây. Chẳng hạn như cách diễn đạt, cách biến tấu màu sắc thoáng qua của thiên nhiên hay những mảng tối để thể hiện ánh sáng và bóng tối. Tất cả đều là đặc trưng của trường phái Ấn tượng. Tuy bị ảnh hưởng từ hội họa châu Âu, tranh của Nam Sơn không mất đi tính Á Đông. Các bức chân dung vẫn lột tả được nét “bản xứ” người Kinh Bắc.
Tô Ngọc Vân, tiếp thu tinh hoa có chọn lọc
Tô Ngọc Vân (1908 – 1954) là một trong tứ kiệt danh họa của Việt Nam thời đầu thế kỷ 20: “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Tô Ngọc Vân lĩnh hội đầy đủ kiến thức hội họa châu Âu do các thầy giáo người Pháp truyền dạy. Tuy nhiên, ông tiếp thu tinh hoa có chọn lọc. Chẳng hạn như ông chuộng vẽ tranh sơn dầu châu Âu, nhưng tạo hình trong tranh của họa sỹ lại có nét truyền thống phương Đông. Tác phẩm thường mô tả cuộc sống đời thường và phái nữ.
Tác phẩm tiêu biểu của họa sỹ Tô Ngọc Vân
Bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ (1943) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Tô Ngọc Vân. Tranh mang ảnh hưởng sâu sắc từ danh họa Ấn tượng Paul Gauguin (Pháp). Họa sỹ sử dụng thủ pháp Ấn tượng và tả thực, kết hợp cảm quan phương Đông. Trong đó, thiếu nữ mặc áo dài trắng, nghiêng đầu tự nhiên, mân mê cánh hoa trông vừa thanh cao, vừa trong sáng.
>>> Xem thêm: ĐẾN THĂM HAI KHU VƯỜN CỦA CLAUDE MONET Ở GIVERNY, PHÁP
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam