Nói về nét đẹp ẩm thực Nhật Bản, không thể không nhắc đến sushi. Món ăn truyền thống của đất nước mặt trời mọc này đã có hơn 1.200 năm lịch sử. Tuy nhiên, nhiều sử gia cho rằng món ăn này thực chất bắt nguồn từ Đông Nam Á.
Theo quyển sách The Story of Sushi, chính Đồng bằng Sông Cửu Long là nơi đầu tiên phát minh ra cách bảo quản cá bằng muối. Cá về với lũ định kỳ cần được tích trữ để có ăn lâu dài. Người dân tại đây đã tìm ra cách bảo quản cá với hỗn hợp cơm trộn muối. Sau đó, phương pháp này đến Nhật vào thời kỳ Nara (thế kỷ thứ 8) và phát triển thành sushi như ngày nay. Còn ở Việt Nam, nó tiến triển thành nước mắm.
Đến với Nhật Bản, việc bảo quản cá được thử với nhiều phương pháp ngoài muối. Người Nhật thử nghiệm với cả nước tương và giấm. Sự phát triển của tủ lạnh cho phép trữ cá tươi, loại bỏ nhu cầu phải muối cá, từ đó tạo nên nhiều phong cách sushi mới lạ.
Hãy cùng Harper’s Bazaar khám phá những loại sushi phổ biến ngày nay, cũng như cách thưởng thức chúng chuẩn văn hóa Nhật Bản.
Các loại sushi phổ biến ngày nay
Thông thường sushi gồm hai phần: Shari và Neta. Shari là cơm (nấu với giấm, muối và đường) và Neta (cá, rau, thịt, trứng cuộn luộc…). Neta có thể được đặt bên trên hoặc dùng làm nhân cho các loại sushi cuộn.
1. Nigiri Sushi
Đây là một trong các loại sushi phổ biến nhất với phần Neta (cá, rau, trứng, thịt…) đặt trên cục cơm. Cơm được nắn bằng tay, sau đó đặt phần Neta lên trên. Nếu phần Neta có độ trơn trượt thì đầu bếp có thể quấn một miếng tảo biển vào giữa.
Nigiri sushi là lựa chọn chủ yếu tại những nhà hàng cao cấp để phô diễn chất lượng của Neta. Tại những nhà hàng chuẩn sao Michelin có menu dạng Omakase, các đầu bếp sẽ quan sát thực khách để cân chỉnh kích cỡ của Nigiri sushi, sao cho vừa miệng thực khách nhất.
Cách ăn Nigiri sushi đúng cách: Phần cơm hút nhiều nước tương khi chấm gây mặn, thế nên chỉ chấm phần Neta vào nước tương. Chấm cơm vào nước tương còn khiến cơm mất độ dính, từ đó rơi vãi trên bàn.
Một số những nhà hàng cao cấp có thể đã quết nước tương vào miếng cá trước, do đó bạn không cần phải chấm nước tương trước khi thưởng thức.
>>> XEM THÊM: 5 ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT VỀ CUỐN CẨM NANG ẨM THỰC MICHELIN
2. Hosomaki Sushi
Sushi cuộn được gọi là Maki Sushi ở Osaka hoặc Nori Maki ở Tokyo. Sau đó chúng được chia ra theo kích cỡ: Futomaki (mập mạp nhất), Chumaki và cuối cùng là Hosomaki (thanh mảnh nhất). Các loại sushi phổ biến này có cơm và nhân được bọc tròn trong lá rong biển (nori). Hosomaki có kích cỡ nhỏ nhất, thường chỉ có một loại nhân. Chumaki và Futomaki sushi có nhiều loại nhân với kích cỡ khoanh khá mập mạp.
Cách ăn Maki sushi đúng cách: Miếng sushi nên đủ nhỏ để bạn có thể ăn cả miếng mà không phải cắn chúng làm đôi. Đáng tiếc thay, ngày nay nhiều nhà hàng sáng tạo nên những kiểu maki sushi nhiều nhân khiến kích cỡ miếng sushi trở nên quá to. Để tránh nhồm nhoàm, bạn có thể đề nghị nhà hàng cắt khoanh sushi thêm mảnh.
3. Uramaki Sushi
Nếu các loại sushi cuộn kể trên là cơm và nhân cuộn trong lá tảo biển, thì Uramaki thay đổi vị trí của chúng. Lá tảo biển được dùng để cuộn phần nhân, rồi cơm bọc bên ngoài. Đôi khi Uramaki cũng được phết với trứng cá hoặc trứng tôm ở mặt ngoài cùng.
Người ta cho rằng Uramaki sushi là một chế tác của khu vực Bắc Mỹ. Nhiều thực khách tại đây không quen ăn lá tảo biển hay cá sống, nên thể hiện cơm ở mặt ngoài của cuốn sushi giúp món ăn bớt trông kỳ dị. Vì lý do này, Uramaki sushi khó được tìm thấy tại các nhà hàng Nhật Bản truyền thống.
Một số loại Uramaki sushi được yêu thích ngày nay có thể kể đến California Roll (nhân quả bơ, cua biển và mayonnaise), Dragon Roll (nhân tôm tempura) hay Spicy Tuna Roll (nhân cá ngừ sốt ớt và mayonnaise).
4. Temaki Sushi
Sushi cuộn được tạo hình nón, bên trong có cơm và các loại Neta thái nhỏ. Temaki sushi xuất hiện ở Tokyo vào thế kỷ 19 như một loại hình “thức ăn nhanh” (fast food). Do có thể được cuộn gấp gáp nên nó ít tốn thời gian hơn các loại sushi truyền thống. Hình nón của cuộn sushi cũng giúp nước tương không bị nhểu ra ngoài khi ăn.
Cách thưởng thức Temaki sushi: Bạn ăn từ rìa ngoài thay vì cắn vào chóp nhọn của sushi cuộn, để tránh gây rơi vãi.
5. Gunkan Sushi
Chữ Gunkan có nghĩa là chiến hạm trong tiếng Nhật. Sở dĩ loại sushi phổ biến này được đặt tên là Gunkan vì tạo hình giống chiếc tàu chiến.
Để làm Gunkan sushi, cơm sushi được ép thành hình bầu dục, Neta đặt bên trên, và quấn tảo biển ở mặt ngoài. Gunkan sushi được chọn cho những loại Neta khó dính với cơm, ví dụ như trứng cá hồi (ikura), cua biển (kani), cầu gai (uni).
Cách ăn Gunkan sushi đúng cách: Do đế sushi là cơm, nếu chấm cả miếng vào nước tương có thể gây mặn. Bạn chỉ nên chấm nhẹ một góc, tránh để vị nước tương lấn át vị của sushi.
6. Oshi Sushi
Loại sushi phổ biến này có xuất xứ từ Osaka. Thực chất nó một trong những loại hình sushi lâu đời nhất, đến từ phương pháp bảo quản cá trong hộp cơm lên men. Cơm và Neta được nhồi vào một khuôn hình vuông có tên là Oshibako và sau đó ép để làm cho chắc gọn lại.
Cách thưởng thức Oshi sushi: Tương tự như Maki sushi, khoanh Oshi sushi nên đủ nhỏ để bạn có thể ăn trọn cả miếng.
7. Chirashi Sushi
Khác với các loại sushi phổ biến khác được cuộn thành những nắm nhỏ, Chirashizushi là gồm các loại cá sống, tôm, và trứng cắt hạt lựu nhỏ đặt trong một cơm tô lớn. Chirashi trong tiếng Nhật có nghĩa là phân tán, ám chỉ Neta được đặt lung tung. Mỗi địa danh tại Nhật có một kiểu Neta riêng.
Loại hình sushi phổ biến này có xuất xứ lâu đời, với phiên bản đầu tiên (bara-chirashi) xuất hiện từ những năm 1600. Tương truyền, lúc ấy chính quyền cấm cuộc sống phung phí. Do đó, người dân sẽ giấu hết thịt cá ngon vào dưới đáy tô cơm, trông như chỉ đang ăn cơm trắng. Khuất mắt, họ sẽ lật tô cơm lại! Về sau này, vào thế kỷ 19-20 thì những miếng cá, thịt vụn được dùng làm Chirashizushi như một cách không lãng phí đồ ăn.
Cách ăn Chirashi sushi đúng cách: Đổ nước tương ra đĩa chấm nhỏ. Gắp cơm và Neta chấm vào nước tương khi ăn. Không đổ nước tương trực tiếp lên tô sushi.
8. Inari Sushi
Inari sushi (đọc là Inarizushi): Một loại sushi có cơm đặt trong vỏ bọc là tàu hũ ky (Inari-age). Tàu hũ ky được nấu trong dashi Nhật, sau khi thấm hút hết hương vị thơm ngon thì được vắt ráo và nhồi với cơm sushi. Đây là loại sushi được dâng lên vị thần mùa màng, cầu cho một mùa vụ no đủ. Do đó nó cũng gắn liền với loài cáo, thần canh các chùa chiền của Thần đạo Nhật Bản.
Tương tự như các loại sushi phổ biến khác, Inari sushi cũng có những thay đổi khác biệt giữa các vùng miền. Ví dụ kiểu Tokyo thì miếng tàu hũ ky phủ kín cơm. Còn kiểu Osaka thì tàu hũ ky được mở ra hé lộ nhân ở giữa, do đó có thể đi kèm Neta nhiều màu sắc.
Cách thưởng thức Inarizushi: Do miếng sushi này khá to, bạn có thể cắn làm đôi khi ăn. Tránh cắn nhiều lần nhỏ khiến cơm rơi vãi.
Cách ăn sushi đúng cách và tao nhã
• Nếu ăn menu dạng Omakase, bạn hãy trò chuyện với đầu bếp để tìm hiểu thêm về món ăn, nguyên vật liệu, v.v. Tuy nhiên, hãy thảo luận với vị đầu bếp khi họ không quá bận rộn, tránh làm họ phân tâm khi làm việc.
• Không hòa wasabi vào nước tương mà chấm riêng từng phần để giữ trọn vị ngon.
• Ăn đúng thứ tự. Ăn theo thứ tự không chỉ thể hiện bạn là người am hiểu ẩm thực mà còn giữ thẩm mỹ cho món ăn. Người Nhật sẽ dùng theo thứ tự từ ngoài vào trong, từ trái sang phải khi sushi được dọn ra. Khi dùng, bạn gắp từ miếng sashimi có màu nhạt đến đậm. Bởi các loại cá có màu đậm thường mang hương vị mạnh nên hãy ăn sau. Trứng được ăn cuối cùng để kết thúc đĩa sushi.
• Sau mỗi miếng sushi, nếm một lát gừng (gari) để làm sạch vị giác.
• Bạn có thể ăn bằng đũa hay tay tùy sở thích. Quan trọng nhất là không làm rơi vãi thức ăn.
• Đừng tách lớp trên cùng ra khỏi cơm và hãy ăn từng miếng sushi trong một lần gắp. Nếu bạn nghĩ rằng miếng sushi quá lớn không thể nhai một lần, bạn có thể yêu cầu nhà hàng làm những phần nhỏ hơn.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
3 NHÀ HÀNG NHẬT BẢN NGON MIỆNG VÀ SANG ĐẸP Ở SÀI THÀNH
TEPPANYAKI: BUỔI TIỆC ẨM THỰC NHẬT BẢN CỦA NĂM GIÁC QUAN
WAGASHI, MỘT NỬA KHÔNG THỂ THIẾU CỦA TRÀ ĐẠO NHẬT
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam