Dù bạn là một chuyên gia thải độc cơ thể Ayurveda hay là tín đồ làm đẹp K-Beauty, thì các sản phẩm dưỡng da hoặc thành phần chăm sóc da yêu thích của bạn đều có một “bề dày” lịch sử liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của chúng. Mỗi quốc gia đều có những truyền thống làm đẹp của riêng mình. Sau đây là 8 thành phần dưỡng da cổ truyền từ xa xưa nhưng ngày nay vẫn được áp dụng trong làm đẹp.
1. Bạc hà, nguyên liệu dưỡng da cổ truyền từ Ai Cập
Một trong những quyển sách y học cổ nhất thế giới còn tồn tại ngày nay đến từ Ai Cập. Tập sách viết năm 1550 trước Công Nguyên này ghi chú, nên sử dụng bạc hà để trị bệnh đầy hơi, giúp tiêu hóa. Ghi chép từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại cho thấy, thoa nước bạc hà lên thái dương sẽ giúp trị đau đầu, còn hít thở hương bạc hà sẽ ngăn ngừa cảm giác buồn nôn.
Ngày nay, chúng ta đánh đồng hương vị bạc hà với kẹo cao su và nước súc thơm miệng. Thực chất, bạc hà là một nguyên liệu dưỡng da tốt cho làn da thiên dầu, dầu mụn. Nó có tính chất làm se lỗ chân lông và loại bỏ dầu nhờn. Người bị chứng đỏ mặt (rosacea) cũng có thể áp dụng bạc hà để làm mát da, ngăn ngừa da nổi mẩn đỏ.
2. Bột Ubtan từ Ấn Độ
Ubtans là một loại bột được pha chế từ bột nghệ, bột đậu gà và bột gỗ đàn hương. Bột Ubtan được sử dụng để rửa mặt, mang lại làn da tươi sáng, rạng rỡ. Ubtan được pha chế theo công thức Ayurvedic, giúp da cân bằng. Loại bột này sẽ bổ sung độ ẩm cho da khô và loại bỏ dầu thừa trên da dầu. Bột Ubtan còn được bổ sung nước hoa hồng hoặc sữa để nuôi dưỡng da săn chắc, giúp tẩy da chết hiệu quả.
3. Sữa chua và dầu ô-liu từ Hy Lạp
Sữa chua Hy lạp không chỉ tốt cho sức khỏe. Người ta còn dùng sữa chua Hy lạp để nắp mặt. Sữa chua chứa axit lactic tự nhiên có tác dụng làm sạch sâu lỗ chân lông. Người dân Hy Lạp còn sử dụng sữa chua như một “cứu tinh” cho làn da sau khi ra nắng để làm dịu vết cháy nắng. Mật ong cũng được kết hợp với sữa chua để kháng viêm cho da. Bên cạnh đó, dầu ô-liu có công dụng dưỡng ẩm, tăng cường hàng rào bảo vệ da. Kết hợp sữa chua và dầu ô-liu trong quy trình dưỡng da sẽ đem đến làn da sạch khỏe, ẩm mịn.
4. Đá thạch anh hồng, công cụ dưỡng da cổ truyền từ Ai Cập
Thanh lăn massage và gua sha là những công cụ dưỡng da cổ truyền. Massage gua sha có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng nguyên liệu làm nên công cụ massage này xuất phát từ Ai cập.
Truyền thuyết viết rằng nữ thần của sự sống và hồi sinh Isis đã truyền thạch anh hồng lại cho người dân Ai Cập. Nữ thần dùng đá thạch anh hồng lăn khắp mặt để xóa mờ nếp nhăn. Năng lượng của đá thạch anh hồng còn dược nữ hoàng Ai Cập Cleopatra sử dụng để chữa bệnh, khi bỏ chúng vào bồn tắm cùng.
>>> Xem Thêm: BẠN ĐÃ BIẾT VỀ MASSAGE GUA SHA, PHƯƠNG PHÁP LÀM ĐẸP BẰNG ĐÁ QUÝ TỪ CUNG ĐÌNH TRUNG QUỐC?
5. Cây lá neem (cây sầu đâu) từ Ấn Độ
Cây lá neem là một trong những loài cây đa năng của Ấn Độ. Tất cả các thành phần của cây neem – hoa, lá, quả, vỏ cây, hạt – đều được sử dụng trong y học Ayurveda của xứ sở này.
Y học Ấn Độ ghi chép rằng, neem chứa hơn 140 thành phần hoạt tính có tính chất kháng viêm, kháng khuẩn, chống ôxy hóa. Lá cây được dùng để trị các bệnh răng miệng, chống nhiệt miệng, ngừa bệnh viêm nướu. Người Ấn Độ bổ sung lá neem vào chế độ ăn uống để giúp thanh lọc máu, gan thận và nội tạng.
Về mặt làm đẹp, tinh dầu neem ép từ quả được người Ấn Độ dùng để trị mụn. Lý do chính vì nó có khả năng kháng khuẩn, sát khuẩn cao. Ngày nay, dầu neem được kết hợp với axít salicylic cho những người không muốn dùng thuốc Tây.
Bật mí thêm: Dầu neem là loại thuốc trừ sâu hữu cơ an toàn cho sức khỏe, có thể dùng để phun lên lá hoa hồng, lá rau ăn trồng tại vườn nhà.
6. Dầu Argan, thành phần dưỡng da cổ truyền từ Ma-rốc
Dầu argan giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cùng những axit béo có lợi cho sức khỏe. Các tín đồ làm đẹp không còn xa lạ khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc tóc có chiết xuất từ dầu argan giúp nuôi dưỡng tóc bóng mượt. Dầu argan còn có công dụng làm dịu da, thích hợp cho những đối tượng bị chứng đỏ mặt (rosacea); hoặc bệnh vảy nến. Argan cũng được đánh giá là một trong những loại dầu nền tốt nhất để trung hoà tinh dầu có mùi hương.
7. Dưỡng da cổ truyền với bột ngọc trai, từ Trung Quốc
Thành phần dưỡng da cổ truyền quý giá này đã được sử dụng ở Trung Quốc hàng ngàn năm trước. Bột ngọc trai có tác dụng làm sáng da và giúp cơ thể tăng sinh collagen. Bột ngọc trai có thể được dung nạp qua đường uống hoặc pha trộn với các sản phẩm dưỡng da. Tiến sĩ Kiran Sethi tại Ấn Độ đánh giá cao tác dụng của bột ngọc trai trong việc tăng sản xuất collagen; và cải thiện chất lượng của tóc, da và móng. Bên cạnh đó, bột ngọc trai là thành phần dưỡng da cổ truyền giúp cơ thể thải độc.
>>> Xem Thêm: VÌ SAO BỘT NGỌC TRAI ĐƯỢC SỬ DỤNG NHIỀU TRONG CÔNG NGHỆ LÀM ĐẸP?
8. Muối tắm Epsom từ Anh Quốc
Thực chất thì bất kỳ nơi đâu trên thế giới có suối nước nóng, nơi đấy có nguyên liệu chất khoáng chữa lành làn da. Tuy nhiên, Anh Quốc là một cường quốc, nên muối tắm Epsom với khoáng chất từ suối nước nóng trở nên nổi tiếng nhờ…thực lực quảng cáo của quốc gia này. Truyện kể lại như sau:
Năm 1618, cả London và khu vực kề cận đều bị hạn hán. Tuy nhiên, chàng chăn bò Henry Wicker khi lùa đàn bò của mình đến làng Epsom phía Nam London phát hiện, đàn bò của mình dù khát nước vẫn không chịu uống từ cái hồ ở đấy. Nếm thử, anh phát hiện nước có vị đắng mặn. Khi để bốc hơi, hồ nước tạo ra muối giàu khoáng magnesium sulfate.
Loại muối này được gọi là muối Epsom, theo tên của địa phương phát hiện ra nó. Người Anh uống nó để trị bệnh táo bón. Ngâm mình trong nước có muối Epsom cũng giúp các vết thương mau lành lặn, cơ thể giảm bớt mệt mỏi. Nhờ vậy, Epsom cũng trở thành một thành phố của spa. Ngày nay, không thể đến Epsom đi du lịch thì bạn có thể mua loại muối tắm chứa khoáng chất nước nóng này để về ngâm bồn tại nhà.
9. Dầu dừa từ Ấn Độ
Dầu dừa có tính dưỡng ẩm cao, là thành phần dưỡng da cổ truyền đem đến làn da ẩm mịn và mái tóc dày, chắc khỏe. Thành phần này thích hợp sử dụng để giải quyết tình trạng tóc xoăn cứng, thiếu độ mềm mượt. Nêu vùng da ngay khuỷu tay hoặc đầu gối bị khô sần, bong tróc. Bạn hãy bôi một ít dầu dừa để cải thiện chúng. Dầu dừa còn được sử dụng để dưỡng mi, giúp mi mau mọc dài và hạn chế tình trạng rụng.
>>> Xem Thêm: DẦU NÀO DƯỠNG DA TỐT NHẤT: TOP CÁC LOẠI DẦU THIÊN NHIÊN BẠN NÊN THỬ
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam