Cách đầu tư vào đá quý, trang sức cao cấp của giới thượng lưu

Đầu tư là một cách để bảo vệ bản thân trước những biến động trong tương lai, và đá quý là một lựa chọn an toàn cho người am tường

Angelababy tại sự kiện trang sức và kim cương cao cấp của Tiffany & Co ở Bắc Kinh với các món đỉnh sức thuộc chuẩn đầu tư. Ảnh: Weibo Angelababy

Thương hiệu Tiffany & Co thuộc tập đoàn LVMH cho biết trong năm 2022, doanh thu từ dòng trang sức cao cấp nhất (high jewelry) đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Những sản phẩm dù trị giá từ hàng chục ngàn lên đến hàng triệu đô-la Mỹ vẫn tìm thấy người mua, nhất là trong thị trường tài chính biến động và khách hàng muốn đầu tư vào một sản phẩm hữu hình – chính là nhóm vàng bạc đá quý.

Sự hấp dẫn của những viên ngọc long lanh đã được lịch sử chứng minh

Đá quý và trang sức là khoản đầu tư được ưu ái vì chúng là tài sản nhỏ gọn, dễ mang theo mình lại trị giá cao. Trong tình cảnh loạn lạc, đút túi và món trang sức hay viên ngọc quý được thẩm định lên đến hàng triệu đô-la Mỹ dễ dàng hơn nhiều so với việc vác theo mình cả chiếc va li tiền mặt. Trong quyển sách viết về lịch sử Cartier, The Cartiers: The Untold Story, nhà sử gia Francesca Cartier Brickell cho biết gia tộc mình đã nhiều lần giúp đỡ những vị quý tộc thất thế tháo chạy khỏi những cuộc chiến bằng cách bán đi trang sức họ may giấu vào gấu váy áo.

Vòng cổ Apatura thuộc bộ sưu tập Beautés Du Monde

òng cổ Apatura thuộc bộ sưu tập Beautés Du Monde. Vòng chế tác từ bạch kim; ba viên opal Úc mài cabochon (tổng cộng 21.86 carats); một viên sapphire màu cam, dáng cushion từ Đông Phi (2,58 carat); sapphire màu giác cắt baguette, chuỗi hạt sapphire, kim cương giác cắt brilliant.

Không chỉ giới quý tộc Âu Châu bị mê hoặc bởi ngọc quý. Bạn có biết, toàn bộ khuôn viên đảo Manhattan ở New York từng được thổ dân Mỹ bán cho các nhà thám hiểm Hà Lan vì một chuỗi vòng thủy tinh đa sắc? Vào thời điểm đó, không quan tâm liệu sản phẩm là tự nhiên hay nhân tạo, người thổ dân Mỹ đã bị mê hoặc bởi viên đá lóng lánh tráng lệ, và họ chẳng tiếc gì khu vực Manhattan – vào thời điểm ấy chỉ là một đầm lầy đầy muỗi.

Bây giờ, tất nhiên, có lẽ người thổ dân Mỹ vô cùng tiếc rẻ những gì mà tổ tiên họ đã quyết định trong xưa kia! Nhưng có lẽ trong quá khứ, người thổ dân lại thấy lợi ích về đầu tư ngắn hạn. Có thể, khi tặng chiếc vòng cổ thủy tinh cho người phụ nữ xinh đẹp nhất trong bộ tộc, tù trưởng đã chinh phục được trái tim của cô ấy. Hoặc có thể, nó được xem như bùa hộ mệnh bảo vệ cho linh hồn của chủ nhân. Nói tóm lại, thời gian là điểm quan trọng nhất khi đầu tư vào bất kỳ điều gì; đối với đá quý không ngoại lệ.

Ngày nay, nhiều người chọn đầu tư vào trang sức khi họ đang có sức mạnh tài chính. Các khoản đầu tư mạnh tay nhất được ưu tiên cho những sản phẩm thiên nhiên quý hiếm. Do đó, những loại kim cương tổng hợp hay đá quý nhân tạo sẽ chịu chung số phận với chuỗi hạt thủy tinh kể trên: giá trị sẽ giảm dần theo thời gian, không khác gì giá trị của các sản phẩm high-tech khác.

Tuy nhiên, lưu ý rằng không có viên đá quý chuẩn đầu tư nào, chỉ có những loại đá quý có tiềm năng đầu tư. Mẹ thiên nhiên là người tạo ra vẻ đẹp, không phải là chủ ngân hàng!

Tính chất của một viên đá có tiềm năng đầu tư

Nhẫn cocktail thuộc bộ sưu tập cao cấp Stellar Times, đính kim cương, sapphire hồng, sapphire vàng, tsavorite, spinel tím. Ảnh: Louis Vuitton

1. Độ khan hiếm tự nhiên

Để được gọi là ngọc, những viên khoáng thể phải có vẻ đẹp lóng lánh, độ quý hiếm tự nhiên, và độ bền. Độ cứng và dẻo dai là đặc tính quan trọng trong việc chống lại hư hại; vẻ đẹp nguyên bản mang đến sức hút ở cái nhìn đầu tiên; nhưng độ khan hiếm tự nhiên mới là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy nhu cầu đầu tư.

Tính chất khan hiếm tự nhiên của đá quý được xác định qua số lượng hạn chế có thể khai thác dưới lòng trái đất, ở kích thước tinh thể tương đối lớn và mang chất lượng cao. Những thông số này khi kết hợp với độ bền và vẻ đẹp tuyệt vời chính là điều kiện tiên quyết tạo nên giá trị vốn có của mỗi viên đá quý.

Ngọc Paraiba Tourmaline là một loại đá quý được giới đầu tư ưu ái vì màu sắc tuyệt đỉnh và độ khan hiếm vượt bậc. Ảnh: Dior

2. Chất lượng của viên đá

Giá trị không chỉ là giá cả. Giá cả là số tiền được định ra khi mua bán một sản phẩm. Còn giá trị tương ứng với một lượng tài sản tương ứng sẵn sàng được trao đổi cho sản phẩm đó trên thị trường. Khi nói về giá trị đầu tư của một viên đá quý, các mẫu vật có chất lượng tốt nhất, ngày càng khan hiếm, sẽ có giá trị cao nhất. Giá trị này cũng sẽ chỉ ngày càng tăng khi thị trường có nhu cầu.

Vẻ đẹp chất lượng cao là tối quan trọng khi quyết định tính chất quý hiếm của viên đá và thu hút sự quan tâm từ khách hàng tiềm năng. Ví dụ, sapphire và ruby cùng thuộc họ khoáng chất corundum. Thể loại khoáng chất này không hề khan hiếm. Nhưng chỉ những mẫu vật chất lượng cao nhất mới có thể trở thành ruby hay sapphire. Lúc này, vẻ đẹp màu sắc của viên đá được bổ trợ bởi tính chất khó trầy của khoáng chất corundum.

Ngoài ra, bạn không cần phải chạy theo viên đá có kích thước hoặc trọng lượng carat cao nhất, bởi vì kích thước không phải là yếu tố chất lượng mà là yếu tố hiếm có.

Sapphire xanh thuộc tứ đại đá quý được giới đầu tư ưa chuộng. Trong ảnh là vòng cổ Sinopé của Cartier làm từ vàng trắng, đính 5 viên sapphire Madagascar hình oval (tổng cộng 39,22 carat) màu xanh hoa ngô, lapis lazuli và kim cương

3. Nguồn gốc

Nguồn gốc địa lý không hẳn là một thông số chất lượng, nhưng là yếu tố góp phần tạo nên giá trị khan hiếm của viên đá. Khi đầu tư vào đá quý, bạn nên quan tâm về nguồn gốc địa lý nơi mẫu vật đó hình thành. Ví dụ, miền Bắc Việt Nam sản xuất hồng ngọc và spinel có màu tươi sáng do sản sinh từ đá cẩm thạch biến chất, trong khi miền Nam tạo nên đá sẫm màu do hình thành trong môi trường đất bazan. Do đó một báo cáo đá quý nêu Việt Nam là nước xuất xứ chưa đủ chuẩn xác.

>>> XEM THÊM: ĐÁ SPINEL XANH COBALT, VIÊN ĐÁ QUÝ HIẾM CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM

4. Sự gắn kết với lịch sử

Xuất xứ và lịch sử không phải là thông số chất lượng, nhưng vẫn ảnh hưởng đáng kể đến giá trị đầu tư. Đó là vì qua hàng ngàn năm, một số các dòng đá quý trở nên nổi bật hơn cả. Tùy vào khả năng khai thác viên đá ở địa phương nơi nó được ưa chuộng, màu sắc cuốn hút của nó, khiến nó trở thành một biểu tượng của quyền lực chính trị hay tôn giáo. Dẫu vậy, tính chất địa phương ngày nay đang dần bị thay thế bởi xu hướng toàn cầu được đặt ra dựa trên những phát hiện khoa học mới.

Viên kim cương vàng nặng 128 carat của Tiffany & Co là một trong những viên đá quý nổi tiếng nhất thế giới, không bao giờ được thương hiệu bán ra, mà chỉ cho các ngôi sao mượn đeo. Ảnh: Tiffany & Co

Cuối cùng, khi một viên đá quý đặc biệt quý hiếm, có chất lượng hoàn hảo, kích cỡ đáng kinh ngạc, và nguồn gốc đáng tin cậy, thì giá trị của nó vượt lên một tầm cao mới. Đặc biệt khi chủ nhân có một tình cảm đặc biệt đối với viên đá, không sẵn lòng chia tay với nó. Lúc này, những viên đá ấy trở nên nổi tiếng không kém gì các tác phẩm nghệ thuật như Đêm đầy sao của Vincent van Gogh hay Mona Lisa của Leonardo da Vinci.

>>> XEM THÊM: KIM CƯƠNG HY VỌNG (HOPE DIAMOND): VIÊN KIM CƯƠNG XANH ĐẮT VÀ NỔI TIẾNG NHẤT THẾ GIỚI

Làm sao để đầu tư vào đá quý khôn ngoan?

Trong thế giới của ngọc quý và trang sức không có phép màu. Một người mua cẩn trọng và hiểu biết sẽ có khả năng đưa ra quyết định đúng đắn hơn là một tay mơ. Tuy nhiên, nên kiểm tra nguồn gốc và độ tin cậy của thông tin; vì thông tin sai lệch cũng phổ biến như lượng thông tin nhan nhản trên mạng.

Cẩn thận với những người bán ẩn danh, từ chối các trách nhiệm thiết yếu nhất là nếu họ ở ngoài tầm với về mặt pháp lý vì hoạt động từ một quốc gia khác.

Mua trang sức và đá quý cao cấp từ các nguồn tin cậy, ví dụ các thương hiệu lớn, là cách đầu tư khôn ngoan.

Chọn nguồn tin của bạn một cách kỹ lưỡng. Lưu ý nên phân biệt giữa các báo cáo ngọc học (gemological report) và chứng chỉ (certificate). Chứng chỉ có thể được cấp bởi bất kỳ bên nào tham gia giao dịch do đó không có độ tin cậy cao. Ví dụ, một người bán có thể chứng nhận rằng sản phẩm của họ là tự nhiên, nhưng không để lộ rằng viên đá đã được xử lý nhiệt nâng màu. Trong khi đó, chi tiết này lại là một yếu tố quan trọng quyết định giá trị của sản phẩm. Còn báo cáo ngọc học là một tài liệu xác nhận từ một phòng thí nghiệm đáng tin. Do đó, khi không thể tin tưởng vào người bán, một viên đá chất lượng cao đòi hỏi một báo cáo ngọc học uy tín.

Về mặt giá cả, biết rằng mức giá nên phản ánh giá trị của viên đá. Tuy nhiên, giá cao không bao giờ đảm bảo nguồn gốc tự nhiên, nhất là khi người bán không đáng tin cậy. Một lần nữa, báo cáo ngọc học là hồ sơ quan trọng giúp bạn quyết định giá trị sản phẩm.

Vòng đeo cổ Mediterranean Queen nạm paraiba, ngọc lục bảo và kim cương của Bulgari. Ảnh: Instagram @bulgari

Cuối cùng, hãy cẩn trọng trước nguồn gốc sản phẩm. Loài người đủ sáng tạo để phát triển đá tổng hợp giống hệt với tạo vật tự nhiên. Đáng buồn thay, một số kẻ cũng sẵn sàng làm giả các báo cáo ngọc học và các tài liệu chứng nhận. Để tránh bị lừa đảo, bạn cần tìm đến một nhà bán lẻ đáng tin cậy – đừng vội tin những “món hời” qua mạng! Internet đã tạo ra một mạng lưới phức tạp, đầy rẫy luật rừng cho phép những kẻ lừa đảo luồn lách và giăng bẫy cho những con mồi là người mua amateur. Nếu bạn không thể nhìn thấy, cầm, chạm và ngắm nghía mẫu vật dưới nhiều điều kiện ánh sáng thì tuyệt đối không nên mua.

Đá quý thay đổi màu sắc dưới các điều kiện ánh sáng khác nhau, do đó bạn cần nhìn tận mắt mẫu vật muốn đầu tư trước khi xuống tiền. Tron ảnh là vòng cổ nạm hơn 36 carat sapphire, tourmaline, aquamarine, kim cương và bạch kim, Tiffany & Co

11 NGUYÊN TẮC GIÚP BẠN ĐẦU TƯ VÀO ĐÁ QUÝ

• Đá quý là một loại đầu tư lâu dài thay vì lướt ván ngắn hạn, có khả năng bảo vệ giá trị đặc biệt tốt trong các cơn khủng hoảng

• Tuy nhiên không nên tin vào bất kỳ ai hứa hẹn với bạn rằng mẫu vật ấy sẽ có giá trị tăng trưởng vĩnh viễn.

• Số lượng khan hiếm trong thiên nhiên, chất lượng cao, và nhu cầu toàn cầu chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định giá trị đầu tư.

• Khi nhìn viên đá, bạn cần phải cảm thấy “Wow”.

• Loại đá quý này phải khan hiếm vừa đủ, nhưng vẫn đủ nổi tiếng trên thị trường toàn cầu.

• Các thương hiệu nổi tiếng, nguồn gốc xuất chúng giúp tăng giá trị một cách vượt bậc. Các mẫu vật high jewelry từ Tiffany & Co, Bulgari, Louis Vuitton, Dior… luôn được ưa chuộng một phần vì các thương hiệu này đảm bảo cho sự khát khao cho sản phẩm của họ.

• Nếu bạn không muốn bỏ lỡ cơ hội thì phải dự trữ tiền mặt sẵn sàng.

• Phải có đủ lượng người mua và bán, để cán cân không nghiêng về bất kỳ đối tượng nào.

• Do thị trường đá quý mang tính chất toàn cầu, hãy suy nghĩ về tỉ giá hối đoái khi mua sắm.

• Nếu có bất kỳ nghi ngại gì, bạn nên tìm đến tư vấn từ một chuyên gia thứ ba đáng tin cậy.

• Người mua là người quyết định cuối cùng.

Trong ảnh là nhẫn nạm kim cương vàng fancy được GIA thẩm định (trái) và nhẫn nạm kim cương xanh và hồng. Ảnh: Shreve & Co

ĐỊA CHỈ MUA SẮM: SHREVE & CO

Thành lập vào năm 1852, Shreve & Co. là nhà bán lẻ trang sức lâu đời nhất bang California, Mỹ. Công ty có cửa hàng tại trung tâm San Francisco và Trung tâm mua sắm Stanford tại Palo Alto.

Với tư cách là giám tuyển cho các mặt hàng xa xỉ, Shreve & Co. mang đến những trải nghiệm mua sắm đặc biệt, tạo cơ hội cho quan khách khám phá. Mỗi tuyệt tác trang sức, đồng hồ tại Shreve & Co. đều là hiện thân của nghệ thuật chế tác thủ công đỉnh cao – làm nên vẻ ngoài khác biệt, mới mẻ cho những ai yêu thích các vật phẩm tuyệt đẹp.

Shreve & Co. tự hào là nhà phân phối của nhiều thương hiệu lừng lẫy như Panerai, Tudor, IWC, Vacheron Constantin, A. Lange & Sohne, Hearts on Fire, Harry Kotlar, Mikimoto và nhiều tên tuổi khác.

Để khám phá thêm về chúng tôi, bạn có thể truy cập website shreve.com hoặc liên hệ địa chỉ e-mail info@Shreve.com.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm