Chúng ta ai cũng hẳn từng có lần mơ ước được trở nên nổi bật giữa đám đông. Có thể là nổi tiếng như một ngôi sao, đi đến đâu cũng có ai nhận ra. Hoặc trở thành một doanh nhân tiếng tăm lừng lẫy, được nhiều người mong muốn có cơ hội gặp gỡ, diện kiến.
Nhưng, việc nổi bật giữa đám đông không dễ dàng. Khoan bàn về yếu tố thành công. Chỉ riêng suy nghĩ muốn trở nên khác biệt đã là một trở ngại lớn. Lý do chính nhất vì nó đi lại cấu tạo tâm sinh lý của loài người. Để trở nên nổi bật và khác biệt, bạn sẽ phải vượt qua chướng ngại tâm lý rất lớn.
Vì sao chúng ta muốn hành xử giống với những người xung quanh?
“Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Chúng ta ngày nay đều cho cái tôi riêng của mình rất quan trọng. Nhưng thực chất, về mặt tâm sinh lý cơ bản, loài người là sinh vật sống quần cư.
Con người khi đơn lẻ rất yếu đuối. Hàng triệu năm về trước, loài người tiền sử không thể sống sót một mình. Họ phải liên kết cùng nhau, tạo thành những nhóm bổ trợ sức mạnh cho nhau. Nhóm săn bắn, nhóm hái lượm, nhóm chuẩn bị dụng cụ, v.v.
Tất nhiên, những con người tiền sử không dễ dàng gì mà tụ họp lại. Họ phải đồng thuận những quy tắc nhất định để có thể chung sống yên bình. Điều này có nghĩa rằng, việc nghe theo, học theo và quy thuận hành xử của những người chung quanh đã trở thành một kỹ năng sống của loài người, được hình thành qua hàng triệu năm tiến hóa.
Tâm lý muốn nổi bật giữa đám đông đi ngược lại cấu trúc sinh học của não bộ
Nghiên cứu cho thấy rằng, khi không hành xử giống những người xung quanh, bị kỳ thị và săm soi, thì não bộ sẽ có phản ứng như bị tấn công.
Còn khi chúng ta học theo những người xung quanh, được họ chấp thuận và khen ngợi, thì não bộ lại được xoa dịu.
Trích dẫn một nghiên cứu năm 2016 từ tiến sỹ tâm lý học Haiyan Wu thuộc viện khoa học Bắc Kinh Chinese Academy of Sciences: Hệ thần kinh tưởng thưởng (reward center) trong não bộ được kích hoạt khi chúng ta nghe lời khuyên của những người xung quanh. Tương tự khi chúng ta yêu hay ăn một món ăn ngon, việc quy thuận ý kiến của mọi người xung quanh mang lại cảm giác hoan lạc cho não bộ. Song song, khu vực tạo ký ức của não bộ cũng được thay đổi.
Tiến sỹ kết luận, “Con người luôn nhớ đến sự phán xét của người xung quanh. Trong tiềm thức, chúng ta mong muốn tránh bị người khác đánh giá xấu”. Vì vậy mà cho dù bạn muốn nổi bật giữa đám đông, thì não bộ sẽ mong muốn bạn quy thuận những nguyên tắc chung.
VUI VUI: TÂM LÝ ĐÁM ĐÔNG QUA THỜI TRANGMột nghiên cứu năm 2016 từ tiến sỹ Jeff Galak từ đại học Carnegie Mellon cho thấy rằng phụ nữ, khi thay đổi địa vị xã hội, có xu hướng thay đổi chiều cao của giày cao gót. Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi các phụ nữ từ vùng thôn quê nghèo của Mỹ chuyển đến thành phố giàu như New York để sinh sống và làm việc, họ có 86% khả năng sẽ loại bỏ giày đế bằng để chuyển sang sử dụng giày cao gót. Chiều cao trung bình của đôi guốc sẽ tăng từ 5 – 8 cm. Tác giả kết luận rằng, khi phụ nữ cảm thấy cần hòa nhập vào một tầng lớp xã hội có địa vị cao hơn, họ sẽ thay đổi cách ăn mặc cho giống các thành viên của tầng lớp xã hội ấy. |
Có nên tránh tâm lý đám đông?
Nghe hai từ quy thuận thì bạn có thể cảm thấy rằng đây là điều gì đó xấu. Không hẳn.
Tâm lý này hình thành một xã hội có tổ chức ngăn nắp, nơi mọi người tuân thủ luật pháp, giúp cuộc sống của chúng ta an toàn hơn. Bạn cũng hẳn có một nhóm bạn bè thân thiết nhất, thường có cùng quan điểm với bạn, giúp bạn cảm thấy mình không bị lạc lõng và cô đơn giữa xã hội.
Tuy nhiên, tâm lý đám đông cũng có thể dẫn đến những tình huống xấu, nguy hiểm.
Một ví dụ điển hình là thảm họa Holocaust trong Thế chiến II. Nhà sử học và triết gia Hannah Arendt từng lý luận rằng, những người tham gia xây dựng trại tập trung và đàn áp dân Do Thái không phải kẻ độc ác từ tâm can. Mà họ chỉ là những người bình thường, dưới sức ép xã hội, quy thuận đường lối suy nghĩ của nhà cầm quyền Adolf Hitler.
Vì hai khía cạnh khác nhau của tâm lý quy thuận đám đông – một là sự tự nguyện, hai là việc bị ép buộc – vấn đề nổi bật giữa đám đông cần được suy tính kỹ càng.
Khi nào nên nổi bật giữa đám đông, và cách thực hiện sao cho tinh tế
“Để không bị thay thế, bạn phải khác biệt”
– Coco Chanel –
Bây giờ bạn đã hiểu được lý do vì sao mình luôn muốn hành xử giống những người xung quanh.
Chắc chắn, việc học hỏi những người xung quanh khi cần tìm hiểu về phép tắc lịch sự, hay văn hóa vùng miền, là hoàn toàn cần thiết. Nhưng, nếu bạn nhận ra rằng mình đang bị ép buộc phải tuân theo một lời ra lệnh vô lý và không logic, đây là lúc bạn nên mạnh dạn nói “không” để chứng tỏ quan điểm cá nhân.
Biết rằng sự quy thuận tâm lý đám đông luôn mạnh hơn cảm giác muốn hành xử khác biệt. Nhưng sau đây là những bước mang lại cách nổi bật giữa đám đông một cách tinh tế, ý nhị cho bạn.
1. Hãy nắm bắt kỹ lý do vì sao bạn muốn khác biệt với đám đông
Bạn chỉ đơn giản là muốn chống lại tâm lý đám đông. Hay bạn tin rằng bạn có cách giúp công việc, tình hình thay đổi theo chiều hướng tích cực?
Như Harper’s Bazaar đã dẫn giải, nghiên cứu từ tiến sỹ Haiyan Wu chỉ ra rằng não bộ của chúng ta sẽ tự động thay đổi trí nhớ về một sự kiện khi chúng ta chấp nhận quy thuận tâm lý đám đông.
Nếu tin tưởng vào câu chuyện của mình, bạn nên ghi chú nó lại thật cẩn thận, để giúp giải thích nó một cách logic về sau. Câu chuyện này có thể là lý do vì sao bạn muốn lấy một bằng cấp; ý tưởng giúp bạn khởi nghiệp; hay quan điểm liệu bạn muốn có con cái hay không.
Ví dụ: Khi Coco Chanel khởi nghiệp, bà đã làm nên tên tuổi với bộ cánh suôn thẳng. Những bộ vest của Coco Chanel khác biệt hoàn toàn với những chiếc đầm corset ôm sát cơ thể đang được ưa chuộng thời bấy giờ. Bà muốn làm trang phục thoải mái cho phái nữ, chứ không chỉ đơn thuần là thiết kế món đồ đang bán chạy. Chính niềm tin vào các thiết kế của mình đã giúp Coco Chanel thành công.
2. Chuẩn bị tinh thần bị người khác dè bỉu, săm soi
Biết rằng khi bạn tranh cãi với người khác để bảo vệ quan điểm của mình, bạn sẽ cảm thấy bị tổn thương. Đặc biệt, nếu chỉ có mình bạn đối đầu với rất nhiều người khác, bạn dễ cảm thấy bị lẻ loi, cô đơn.
Lúc này, bạn hãy suy tính về việc bản thân mình sẽ đau lòng đến mức độ nào nếu bị bắt ép phải từ bỏ quan điểm cá nhân. Hãy động viên bản thân rằng quan điểm cá nhân của mình sẽ có ích hơn về đường dài.
Ví dụ: Bạn là một cô gái tỉnh lẻ vừa chuyển đến thành phố lớn để sinh sống và làm việc. Theo nghiên cứu của Carnegie Mellon mà Harper’s Bazaar trích dẫn ở trên, bạn bắt đầu đi giày cao gót cho giống các đồng nghiệp. Tuy nhiên, bạn nhận ra rằng đi giày cao gót quá cao trong thời gian dài rất hại chân. Lúc này, bạn mạnh dạn chuyển sang mang giày thể thao. Có thể đôi giày của bạn sẽ bị những người xung quanh bàn tán. Nhưng đừng chùn bước – vì bạn biết rằng sức khỏe không phải là cái giá phải trả chỉ vì muốn hoà nhập vào với môi trường mới.
3. Đi tìm đồng minh để cùng nổi bật giữa đám đông
Chắc chắn, bạn không phải là người duy nhất có quan điểm “khác người”. Hãy tìm đến những người có suy nghĩ giống với bản thân. Điều này sẽ hạn chế cảm xúc cô đơn của bạn. Đồng thời, đồng minh sẽ ủng hộ câu chuyện của bạn, khi cần thuyết phục những người khác ý kiến.
Ví dụ: Hãy nhìn chị em nhà Kardashian – Jenner. Khi xuất hiện trước công chúng, họ đều tay trong tay, ăn mặc giống nhau, trang điểm giống nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Mặc kệ cho công chúng chê cười việc họ thích phẫu thuật thẩm mỹ, họ vẫn đối mặt với mọi chỉ trích. Và bất kỳ nơi nào họ xuất hiện, tất cả mọi người đều phải dõi theo.
4. Quan sát tình huống kỹ càng trước khi quyết định muốn nổi bật
Biết rằng bạn muốn chứng tỏ cái tôi khác biệt. Tuy nhiên, tuỳ vào tình huống mà bạn hành xử cho phù hợp. Nếu không, cái tôi của bạn sẽ bị xem là hợm hĩnh, khiếm nhã hay nông cạn.
Ví dụ: Khi đi đám cưới, bạn không nên chọn trang phục quá cầu kỳ, hở hang. Đúng là bạn có thể sẽ rất nổi bật. Nhưng bạn sẽ lấn át tâm điểm của bữa tiệc là cô dâu – chú rể. Cách hành xử khiếm nhã này cho thấy bạn thiếu tôn trọng người mời tiệc.
Tuy nhiên, nếu buổi tiệc bạn tham dự không có yêu cầu đặc biệt gì về mặt dress code, bạn có thể thoải mái diện đầm lộng lẫy để nổi bật giữa đám đông. Bạn còn nhớ, khi Châu Bùi đi dự show Dior tại tuần lễ thời trang Paris, cô nàng fashionista đã sử dụng bộ tóc giả phong cách tribal, tô son môi màu đen cá tính. Sự biến hóa này khiến tất cả mọi người phải nhớ đến cô ấy, khiến Châu Bùi được cánh nhiếp ảnh street style để ý đến.
5. Linh hoạt trong cách trình bày vấn đề, ý kiến cá nhân
Quan điểm của bạn có thể đúng đắn, nhưng cách truyền tải nó đến những người khác cũng quan trọng không kém. Đôi khi, sự bất hòa nảy ra vì phương thức truyền đạt thông điệp.
Ví dụ: Bạn là một nhân viên mới tại công ty. Khi tham gia vào một dự án, bạn bất đồng quan điểm với một vị quản lý kỳ cựu. Bạn cho rằng có nhiều nhân viên khác cũng đồng quan điểm với mình, nhưng không muốn làm mất lòng người quản lý kia. Để tránh gây xích mích giữa mọi người, thay vì công khai chỉ trích giải pháp của họ, bạn hãy đề nghị biểu quyết ngầm.
>>> Xem thêm: 5 BƯỚC GIÚP BẠN THOÁT KHỎI XÚC CẢM MUỐN LÀM HÀI LÒNG TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Trích dẫn Psychology Today, WebMD
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam