Là người Việt Nam, không ai còn xa lạ với câu tình bi kịch trong truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy. Khi bàn về câu chuyện này, nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Hẳn nhiều người cho tới giờ vẫn thắc mắc tại sao nàng Mỵ Châu lại có thể hồ đồ, vì tình riêng mà đi tới quyết định làm tiêu tan toàn bộ cơ đồ như vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ một khi đã là phụ nữ, khó ai có thể hoàn toàn tránh được chuyện một lần “đặt trái tim trên đầu” như thế. Chuyện này hoàn toàn dễ hiểu vì cảm tính là một đặc trưng ở phụ nữ và điều ấy ảnh hưởng lớn đến những quyết định của họ.
Nhiều thập kỷ gần đây, hình ảnh những phụ nữ mạnh mẽ ngày càng trở nên phổ biến. Họ đã trở thành lãnh đạo, chính trị gia và đảm đương những công việc vốn trước đây chỉ dành cho đàn ông. Tuy nhiên, bất cứ trong lĩnh vực nào, phụ nữ cũng luôn hướng tới sự quan tâm và gắn bó, trong khi đàn ông chỉ hướng tới kỷ luật và độc lập.
Một mặt, cảm xúc chính là thế mạnh của phụ nữ. Nhờ thế, trong công việc cũng như trong các mối quan hệ xã hội, chúng ta là người mang lại không khí thân thiện, ấm áp và sự uyển chuyển.
Hẳn bạn còn nhớ bộ phim The Tree of Life ra mắt năm 2011 có sự góp mặt của Jessica Chastain và Brad Pitt, trong khi người cha luôn đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe thì người mẹ chỉ hướng tới lòng thương yêu và sự thông cảm. Chính vì thế, bà luôn có được tình yêu và sự ủng hộ của những đứa con trai. Cảm tính chính là một trong những điều quý giá để phụ nữ được là phụ nữ.
Tuy nhiên, xu hướng dựa vào cảm xúc đôi khi khiến cho cả những người phụ nữ cứng rắn nhất cũng trở thành yếu đuối và trở nên bối rối trước những quyết định. Chính vì thế, có nhiều người phụ nữ rất sáng suốt trong công việc nhưng không thể tìm ra cách xử lý cho một mối quan hệ tình cảm đang ngày càng đi xuống. Họ cứ lần lữa, lo lắng trước những điều có thể xảy ra và cuối cùng để cho tình trạng nửa vời ấy kéo dài quá lâu. Đáng tiếc thay, khi do dự, bản thân phụ nữ lại là những người chịu tổn thương nhiều nhất.
Nhiều phụ nữ có một cuộc hôn nhân không như ý và khiến họ phải trăn trở, băn khoăn. Tuy nhiên, thay vì cố suy nghĩ bằng lý trí, họ để cho những xúc cảm yếu đuối lôi kéo mình đi. Nếu chia tay, họ sợ phải đối mặt với cuộc sống một mình hậu hôn nhân, sợ con cái bị ảnh hưởng, sợ là đối tượng của đàm tiếu.
Tuy nhiên, họ cũng không chấp nhận được những vấn đề của hiện tại để rồi liên tục càu nhàu, tỏ ra bất mãn và khiến cho cuộc hôn nhân càng trở nên tồi tệ. Cùng lúc đó, vì lo lắng chồng sẵn sàng “lành làm gáo, vỡ làm môi”, họ cũng không dám lên tiếng yêu cầu sự thay đổi tận gốc từ cả hai phía.
Rõ ràng, trong các trường hợp như vậy, điều phụ nữ cần chính là sự sáng suốt của lý trí để tìm tới hạnh phúc. Gạt bỏ tất cả những hạn chế của sự cảm tính và đi đến những quyết định tốt nhất luôn là mong muốn của nhiều phụ nữ. Thấu hiểu điều này, các nhà tâm lý đã đề xuất ra những bí quyết hiệu quả dành cho họ.
1) Tập trung vào điều quan trọng nhất
Hãy xác định rõ vấn đề và cố gắng hiểu bản thân muốn gì. Đây là bước quan trọng đầu tiên giúp bạn tránh quyết định sai lầm. Trước khi quyết định bất cứ điều gì, bạn nên tự hỏi: điều gì là quan trọng nhất vào lúc này? Khi đứng trước một quyết định lớn, hãy tạm thời gác những vấn đề khác sang một bên và để bộ não của bạn có thời gian phân tích yếu tố nào là quan trọng nhất
2) Giới hạn càng ít phương án càng tốt
Chúng ta vẫn được khuyên rằng phải thử mới biết mình sai. Tuy nhiên, nếu đặt ra rất nhiều phương án khi quyết định, bạn sẽ tự tạo cho mình cơ hội để do dự, lần lữa và trì hoãn việc giải quyết vấn đề. Đó cũng là lúc những xúc cảm yếu đuối của bạn sẽ trỗi dậy và khiến cho quá trình đưa ra quyết định cuối cùng diễn ra lâu hơn cần thiết. Vì vậy, hãy giảm số lượng các phương án xuống mức tối thiểu. Để làm được việc này, bạn hãy viết ra danh sách những yếu tố cần thiết nhất để loại bỏ dần các phương án không mang lại hiệu quả cao.
3) Không nóng vội
Rút ngắn thời gian quyết định không có nghĩa là bạn nên hấp tấp. Chúng ta thường đưa ra quyết định kém sáng suốt khi bị hối thúc hay ở trong trạng thái tâm lý tiêu cực. Vì thế, sau khi để não bộ phân tích các thông tin bạn đã có, hãy cho phép nó nghỉ ngơi.
Có một điều ít ai biết rằng chúng ta có xu hướng đưa ra quyết định hợp lý hơn trong trạng thái vô thức. Quyết định đúng đắn thường đến vào những thời điểm bạn không ngờ. Thế nên, sau khi đã phân tích kĩ, nhìn sự việc dưới nhiều góc cạnh, hãy cất ghi chép của bạn sang một bên và dành thời gian cho các hoạt động thư giãn.
Xem phim, đọc sách hay một giấc ngủ ngon rất có ích cho bạn. Đây cũng là lúc bạn điều hòa được cảm xúc của mình, quên đi những nóng giận hay ủy mị. Nhờ thế, bạn sẽ có được quyết định hiệu quả.
4) Sẵn sàng tâm lý cho những hệ quả
Hãy đưa ra quyết định khi bạn đã lường trước mọi điều với các thông tin có sẵn. Hình dung ra cho mình những khó khăn có thể nảy sinh sau khi bạn đi tới một quyết định. Tuy nhiên, đừng để bản thân chần chừ vì những nỗi sợ hãi về điều chưa xảy ra. Hãy nhớ rằng việc phải đưa ra các quyết định là để đi tới những thay đổi mang lại hạnh phúc, thành công cho bạn và điều đó đáng để mạo hiểm.
5) Tham khảo ý kiến của người khác
Khi đang bị xúc cảm vây quanh, hãy chọn ra một số người bạn tin tưởng để tìm kiếm lời khuyên. Người ngoài cuộc bao giờ cũng nhìn vấn đề theo con mắt lý trí, nên họ sẽ giúp bạn nhận ra đâu là giải pháp quan trọng nhất. Hơn hết, những người thân thiết cũng là những người mong bạn được hạnh phúc và có quyết định đúng đắn. Vì thế, hãy lắng nghe ý kiến của họ và tìm kiếm từ những lời khuyên ấy nguồn động lực giúp bạn vượt qua các rắc rối tình cảm.
6) Cân nhắc điểm mạnh, điểm yếu
Sau khi đã xác định được mục tiêu và lắng nghe các lời khuyên, một bí quyết khá đơn giản nhưng lại hữu ích khác giúp cho trí óc bạn nhẹ nhõm là sắp xếp suy nghĩ trên một tờ giấy. Bằng cách liệt kê những lựa chọn mà bản thân đang cân nhắc và những điểm mạnh, điểm yếu của chúng, bạn sẽ tiết kiệm thời gian và nhanh chóng nhận ra lựa chọn nào cho bạn nhiều lợi thế nhất.
Moonie, Mai Hương