Cây đa cổ thụ sống sót bão lửa Maui ở Hawaii, chứng thực lợi ích “mười năm trồng cây”

Nếu trước kia, cây đa cổ thụ là nơi để người dân Lahaina tụ hội tránh nắng, ăn mừng lễ tết, thì nay nó còn trở kim chỉ nam để tìm kiếm lịch sử trong di tích tro tàn, và trở thành biểu tượng cho sự sống kiên cường hậu cơn cháy rừng lịch sử

Cả thế giới rúng động trước cơn cháy rừng lịch sử ở Maui, một đảo nhỏ thuộc tiểu bang Hawaii, Mỹ trong tuần qua. Bão lửa nổi lên bất thình lình vào đêm thứ Ba tuần trước, do thời tiết hanh khô và gió to khiến ngọn lửa lan nhanh. Đến nay, 106 người đã qua đời, hơn 1.300 người mất tích, hơn 2.200 kiến trúc ở thành phố cổ Lahaina trên đảo Maui bị thiêu rụi, trong số đó có những tòa nhà niên đại cả trăm năm.

Tuy nhiên, vẫn đứng vững trước cơn bão lửa ấy là cây cổ thụ ở trung tâm của Lahaina. Nhìn cây cổ thụ vẫn đứng vững theo năm tháng và chống chọi lại với thảm họa thiên nhiên, chúng ta thật sự phải thấm nhuần câu nói “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”.

Cây đa cổ thụ, biểu tượng cho thành phố Lahaina…

Tác giả bài viết đứng ở một gốc của cây đa cổ thụ. Ảnh: Instagram @queenanie

Cây đa cổ thụ này có bộ rễ và tán phủ rộng trên diện tích tới 8.000 mét vuông, đường kính 400 mét,  và có tuổi thọ 150 năm.

Nó được trồng vào ngày 24/4/1873, khi nơi này vẫn còn bị thiêu đốt bởi cái nóng biển đảo. Cảnh sát trưởng William Owen Smith đã hy vọng sẽ trồng được những tán cây xanh mát, tạo nơi nghỉ ngơi cho người dân nơi đây. Ông đã nhận cây đa – một món quà từ những nhà truyền đạo từ Ấn Độ – để trồng ở quảng trường trước tòa án địa phương.

Mầm non được ông trồng lúc ấy chỉ cao chưa tới một mét. Nhưng sau khi ổn định ở “ngôi nhà mới”, cây đa bắt đầu đâm chồi. Từ các cành cây, hàng loạt rễ khí mọc lên. Lo sợ rằng những chiếc rễ khí này sẽ chết, cư dân Lahaina đã treo những lọ thủy tinh lớn chứa đầy nước lên cành cây. Nguồn nước này giúp những chiếc rễ mọc dài và đâm sâu xuống đất.

Những cành cây quá dài và nặng phải được nâng đỡ bởi cọc gỗ. Ảnh: Instagram @queenanie

Theo thời gian, thứ từng là một cây non nhỏ đã trưởng thành thành một cây khổng lồ. Nó là cây đa hùng vĩ nhất nước Mỹ. Thậm chí, cư dân đã đổi tên khu vực này từ “quảng trường tòa án” thành “công viên cây đa” hay “quảng trường cây đa” để vinh danh nó. Tháng Tư hàng năm, thành phố Lahaina còn mở tiệc sinh nhật cho cây cổ thụ này!

…và bây giờ trở thành biểu tượng cho niềm tin và tinh thần vực dậy hậu cơn cháy rừng trên đảo Maui

Giữa tro tàn và đổ nát của thành phố Lahaina hậu cơn cháy rừng thảm họa ở đảo Maui, thân cây vẫn đứng vững – dù bị cháy đen – đã trở thành một ngọn hải đăng, một biểu tượng của sự hy vọng cho cư dân.

Thống đốc Hawaii, ông Josh Green chia sẻ với đài truyền hình CBS News rằng cái cây “vẫn đang thở”, vẫn đang hấp thụ nước và tạo ra nhựa cây, chỉ là không nhiều như bình thường.

“Nó giống như một nạn nhân bị bỏng,” ông Josh Green nói. “Bị thương tổn, như thị trấn vậy.”

Cây đa cổ thụ ở quảng trường trung tâm thành phố Lahaina sống sót, dù cháy đen, sau cơn cháy rừng trên đảo Maui. Ảnh: Los Angeles Times/Getty Images

Vào thứ Bảy vừa qua, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ của tiểu bang Hawaii, Mazie Hirono, đã đến thăm cây đa. Bà cho biết rằng chuyên gia thực vật đang làm mọi thứ có thể để cứu giúp cây đa nổi tiếng. Bà cũng nhấn mạnh rằng cây cổ thụ này đã mang lại sự lạc quan giữa sự tuyệt vọng. “Sau khi trò chuyện với chuyên gia, tôi tin tưởng rằng nó sẽ sống lại mạnh mẽ”.

Trong khi đó, nhờ cây đa cổ thụ mà cư dân Lahaina đã xác định được phương hướng và định vị tàn tích khi quay trở lại thành phố sau khi cơn cháy rừng Maui được kiểm soát. Anh Javier Barberi, một chủ doanh nghiệp, cho biết: “Tôi chỉ có thể tìm thấy nhà hàng của chúng tôi dựa trên cây đa. Tôi phải lấy cây đa làm điểm tham khảo vì mọi thứ đều bị tàn phá trong tầm mắt,” anh nói.

Sự sống kiên cường của những cây cổ thụ rễ sâu và lợi ích trồng cây

Theo Kevin Eckert, nhà sáng lập kiêm chủ tịch của hiệp hội bảo toàn các cây đa trụ sở ở đảo Oahu, cây đa là một trong những giống cây có sức sống mãnh liệt nhất hành tinh. Bộ rễ lan rộng và đâm sâu mang lại hệ thống cung cấp nước mạnh mẽ cho cây, giúp bảo toàn sự sống cho cây trong những thảm họa.

Trong quá trình bảo tồn, ông Kevin Eckert đã nhìn thấy nhiều cây đa vượt khỏi phạm vi được quy hoạch ban đầu, rễ mọc tràn lan lên các đường đi và đâm xuyên tường tòa nhà. “Bất lợi của loài cây này là thế. Thật khó để bắt nó phải phát triển theo ý của mình”.

Cây đa Lahaina, Maui không phải cây cổ thụ đầu tiên trụ vững sau thiên tai. Một cây đa 250 tuổi gần Kolkata, Ấn Độ che phủ diện tích 14.000 mét vuông thậm chí còn sống sót qua hai cơn lốc xoáy năm 1925. Dù lốc xoáy đã làm tổn hại gốc nguyên thủy khiến các nhà bảo tồn phải loại bỏ phần thân này, nhưng nhờ hệ thống rễ chằng chịt, cây vẫn đứng hiên ngang đến ngày nay.

Cây đa 250 tuổi ở Kolkata, Ấn Độ rộng như rừng già. Ảnh: Aritro Mukherjee IN/Wikipedia

Ví dụ của cây đa sau cơn cháy rừng Maui cho thấy tầm quan trọng của việc trồng những loài cây có bộ rễ sâu. Khác với cây ăn trái rễ nông, những loài cây rễ sâu có khả năng sống sót cao hơn, có khả năng giữ đất, chống xói mòn, tán rộng giúp tạo bóng mát và lọc không khí. Đồng thời, một thảm họa dễ gặp sau khi cháy rừng là mưa lớn dẫn đến lũ quét. Không còn cây giữ đất, lũ quét có thể gây sạt lở nghiêm trọng. So sánh với các biện pháp thi công phòng sạt lở tốn kém, việc trồng cây không tạo gánh nặng tài chính, dễ thực hiện, dẫu phải chờ nhiều năm cho cây đủ lớn.

Ở Việt Nam, nhà nước đã phát động phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025” như biện pháp bảo vệ môi trường trước tình trạng biến đổi khí hậu. Theo đường hướng đó, nhiều cuộc thi hoa hậu, hoa khôi cũng dùng việc trồng cây như một hoạt động công ích xã hội. Có thể kể đến cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nay hay cuộc thi Hoa hậu Trái đất Việt Nam – Miss Earth Vietnam.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Trích dẫn CBS, Scientific American, Lahaina Restoration
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm