Tình hình đại dịch COVID-19 tại Pháp đã trở nên lạc quan hơn. Bắt đầu từ 19/5, nước Pháp từ từ gỡ lệnh giãn cách xã hội. Có vẻ như tuần lễ thời trang nam tháng Sáu và haute couture tháng Bảy của năm 2021 sẽ có cơ hội diễn ra thực tế – chí ít, đây là hy vọng của Chanel (vì Hiệp hội Thời trang Cao cấp Pháp vẫn chưa thông báo thông tin chính thức).
Trong một buổi phỏng vấn cùng WWD, Chủ tịch mảng thời trang của Chanel, ông Bruno Pavlovsky chia sẻ những kế hoạch của nhà mốt Pháp trong nhiều tháng tới.
Về khả năng Chanel diễn show có khách mời thực tế trong năm 2021…
Ông Bruno Pavlovsky cho biết nhà mốt Pháp đang lên kế hoạch cho một show diễn haute couture có khách mời thực tế vào tháng Bảy.
Địa điểm đã được lựa chọn là Palais Galliera, một viện bảo tàng thời trang. Nơi đây từng sắp đặt triển lãm Gabrielle Chanel: A Fashion Manifesto về nhà sáng lập thương hiệu vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau đó, triển lãm này bị buộc phải đóng cửa do dịch cúm tái phát tại Paris. Được biết, triển lãm sẽ mở cửa lại từ 19/5 đến 18/7 năm nay.
Cho show diễn Cruise/Resort 2022, Chanel tuy giới thiệu bộ sưu tập qua mạng, nhưng cũng vẫn mời một số các bạn bè của nhà mốt và cánh báo chí đến tham dự trực tiếp. Mọi người đã di chuyển đến Les Baux-de-Provence ở vùng Nam Pháp để xem trình diễn và tham dự một bữa tiệc nhỏ hậu show. “Chúng tôi hy vọng các nhà mốt khác sẽ sớm noi gương của Chanel”, ông Bruno Pavlovsky nói.
Về việc trở về với lịch trình chính thức của tuần lễ thời trang Paris…
Vì dịch cúm COVID-19, việc tổ chức một tuần lễ thời trang dường như trở nên vô dụng. Show diễn được công chiếu qua mạng, không bị giới hạn bởi lượng khách mời hay địa điểm tổ chức. Công nghệ livestream trở nên tốt hơn bao giờ hết.
Đồng thời, việc trình làng đến 6 bộ sưu tập mỗi năm – hai mùa chính là Xuân Hè, Thu Đông, kèm hai mùa phụ là Cruise/Resort và Pre-Fall, cộng với bộ sưu tập cho Nam và Haute Couture – bị xem là không cần thiết khi trào lưu Slow Fashion trỗi dậy.
Trước tình cảnh này, hàng loạt các nhà mốt Pháp như Saint Laurent, Balenciaga và Celine đã lựa chọn không tuân thủ lịch diễn truyền thống của Tuần lễ thời trang Paris nữa.
Chanel mong muốn sẽ thay đổi quyết định này trong năm 2021.
“Tôi hy vọng mọi người sẽ trở về với lịch diễn chuyền thống. Vì sức mạnh của Paris, ở cương vị kinh đô thời trang, thể hiện qua những tuần lễ thời trang lớn được tổ chức quy mô. Tôi nghĩ chúng ta cần trân trọng Hiệp hội Thời trang Cao cấp – họ đang làm việc rất chuyên nghiệp và tận tâm”, ông Bruno Pavlovsky chia sẻ.
Về khả năng Chanel đưa show diễn về với châu Á trong năm 2021…
Tập đoàn LVMH đã rất năng nổ trong việc tiên phong đưa show diễn về với châu Á. Louis Vuitton, Dior đều đã trình làng các bộ sưu tập tại Trung Quốc. Trong khi đó, Chanel lại không ưu tiên việc tổ chức show tại thị trường này.
“Chúng tôi cảm thấy tại châu Á, việc phục vụ từng khách hàng một cách riêng biệt mang lại hiệu quả tốt hơn. Các khách hàng cảm thấy được trân trọng, ưu ái. Có lẽ mô hình kinh doanh này của Chanel không gây tiếng vang, nhưng nó vô cùng hiệu quả”, ông Bruno Pavlovsky giải thích.
Chủ tịch mảng thời trang của Chanel cho biết, nguồn tin xác nhận rằng Trung Quốc, Nhật Bản không dự kiến mở lại biên giới trước dịp Tết 2022. “Vì vậy, từ nay đến lúc đấy, khả năng Chanel diễn show tại châu Á là cực kỳ thấp”.
Về tin đồn việc Chanel sẽ cho Virginie Viard thôi việc…
Nguồn tin phong thanh cho rằng Chanel đang tuyển dụng các nhà thiết kế mới. Nhưng ông Bruno Pavlovsky bác bỏ lời đồn này. “Càng ngày tôi càng tin rằng Virginie Viard là lựa chọn tốt nhất cho Chanel”, ông nhấn mạnh.
Bà đã làm việc cùng Karl Lagerfeld hơn 3 thập kỷ, cho đến khi ông hoàng tóc bạc qua đời vào năm 2019.
Sự quan trọng của Virginie Viard sẽ được nhà mốt Pháp công bố qua kết quả kinh doanh cuối năm. Và theo ông Bruno Pavlovsky, tình hình tài chính của Chanel vô cùng khả quan.
Về việc phát triển bền vững hơn…
Chanel đang tập trung vào việc phát triển những chất liệu vải thân thiện hơn với môi trường. Bộ sưu tập Cruise 2022 trình làng tại miền Nam Pháp vừa qua sử dụng bốn chất liệu vải tweed thân thiện với môi trường. Được biết, 28 trong 78 look sử dụng sợi tweed được chứng nhận thân thiện với môi trường theo chứng chỉ GOTS* và GRS**.
*GOTS – Global Organic Textile Standard là một chứng chỉ trong thời trang xanh, giới hạn lượng thuốc tẩy, nhuộm và hoá chất xử lý độc hại trong giai đoạn nhuộm vải.
**GRS – Global Reycled Standard là chứng chỉ xem xét lượng sợi và vải được tái chế.
“GOTS chứng nhận rằng chất liệu vải đến từ các trang trại hữu cơ, không xả rác, gây ô nhiễmmoi6 trường. GRS đảm bảo rằng 20% lượng vải sử dụng đến từ nguồn chất liệu tái chế”, Chanel ghi chú trong thông cáo báo chí chính thức.
Ông Bruno Pavlovsky cho biết, Chanel không chỉ nâng cấp trong nội bộ, mà còn yêu cầu các đối tác phải chung sức thay đổi cùng. “Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai, đa phần các chất liệu vải mà Chanel sử dụng sẽ đều đạt những chứng chỉ phát triển bền vững này”, ông Pavlovsky nói.
>>> Xem thêm: NAY BẠN CÓ THỂ MUA VẢI THỪA (DEADSTOCK) TRỰC TIẾP TỪ TẬP ĐOÀN LVMH
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam