CHẤT LIỆU, BÀI TOÁN KHÓ CẦN LỜI GIẢI CỦA NGÀNH THỜI TRANG VIỆT

Khi chất liệu và nguồn nguyên liệu nội địa đang bị lãng phí, ngành công nghiệp thời trang Việt sẽ có những động thái nào để xoay chuyển tình hình? Đó là câu hỏi không ít người yêu thời trang đặt ra cho các nhà thiết kế và thương hiệu.

Nhà thiết kế Phương My phải nhập vải từ Nhật, Thượng Hải để làm nên những thiết kế tuyệt đẹp

Nhà thiết kế Phương My phải nhập vải từ Nhật, Thượng Hải để làm nên những thiết kế tuyệt đẹp

Không chỉ riêng ở Việt Nam mà bất cứ đất nước nào, nơi ngành công nghiệp thời trang đang trên đà phát triển, vấn đề nguyên liệu cũng trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà thiết kế (NTK) và thương hiệu. Để làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh không chỉ đẹp về kiểu dáng mà còn đảm bảo về chất lượng, nguyên liệu chắc chắc được đặt lên bàn cân đầu tiên. Trong thực tế, ngày càng có nhiều NTK trẻ quan tâm đến nguyên liệu mà họ dùng trong những bộ sưu tập của mình. Họ nhận thức được rằng, khi xu hướng thời trang xoay vòng như một chu kỳ tuần hoàn và có nhiều NTK cùng lựa chọn một phong cách chủ đạo thì nguyên liệu chính là yếu tố giúp họ tạo nên điểm nhấn khác biệt so với những tên tuổi khác.

Tuy nhiên, không khó để nhìn thấy thực trạng: càng ngày càng có nhiều nhà thiết kế tìm đến nguồn nguyên liệu từ nước ngoài thay vì tận dụng nguồn tài nguyên nội địa. Câu hỏi đặt ra là, lý do nào dẫn đến việc lãng phí nguồn nguyên liệu trong nước và những nhà thiết kế đã đối mặt với những khó khăn gì trong hành trình tìm kiếm loại chất liệu mà họ cần?

Thực trạng nguồn nguyên liệu ở Việt Nam

“Chất liệu ở Việt Nam thực sự không đa dạng lắm. Tuy nhiên, nhiều nhà thiết kế vì muốn ủng hộ mặt hàng dệt may trong nước mà vẫn tin dùng. Nếu ở thị trường thời trang quốc tế, việc các nhà sản xuất vải luôn liên tục tìm tòi, sản xuất những chất vải mới, thì ở Việt Nam, chúng ta vẫn chỉ có thể sử dụng các chất liệu có sẵn.”

Xin mượn lời NTK trẻ Hoàng Tú. Bởi trong thực tế, đó chính là vấn đề mà chúng ta đang đối mặt. Phải thừa nhận rằng ngành công nghiệp thời trang Việt dù đang trên đà phát triển nhưng lại không nhận được sự quan tâm đúng mực từ chính phủ. Ở Việt Nam không có một tổ chức hay hiệp hội chuyên nghiệp về thời trang nào đứng ra dẫn dắt, quản lý ngành công nghiệp tiềm năng này. Vì lẽ đó, rất nhiều vấn đề xoay quanh nguyên liệu và cách sử dụng nguồn tài nguyên nội địa hợp lý vẫn còn bỏ ngõ.

Hầu hết các xưởng may thủ công và sản xuất vải nhỏ lẻ khá lạc hậu về kỹ thuật, máy móc và công nghệ. Tuy nhiên, điểm tốt của thị trường sản xuất vải nội địa, theo ông Thomas Grové – Giám đốc sáng tạo kiêm thiết kế chính của thương hiệu Séfu, chính là “không giới hạn về số lượng vải dù là một, hai mét. Nhưng chúng tôi cần tìm cho mình loại chất liệu tốt nhất hay còn gọi là chất liệu kỹ thuật để sản xuất mẫu áo khoác dành riêng cho người lái xe máy, thì ở Việt Nam lại rất ít nơi sản xuất. Nếu có, họ lại yêu cầu đặt hàng với số lượng khá lớn”. Nói cách khác, các xưởng dệt, may đều phụ thuộc vào đơn đặt hàng từ các công ty nước ngoài và chỉ sản xuất khối lượng lớn theo hợp đồng với công ty chủ quản. Vì lẽ đó, không ít NTK cũng như chủ thương hiệu phải lặn lội sang Nhật Bản, đài Loan.., tham dự hội chợ, triển lãm về chất liệu hay trực tiếp đến các nhà máy sản xuất để tìm hiểu, nghiên cứu trước khi tìm được đúng loại chất liệu phù hợp với thiết kế của mình.

Nhận thức của thế hệ các nhà thiết kế trẻ

NTK Quang Nhật từng đến thăm các làng vải, làng thêu ở Hà đông, Vạn Phúc… và tận mắt chứng kiến nhiều làng nghề phải giải thể vì không đủ việc làm cho nhân công. Không thể duy trì cuộc sống cho các nghệ nhân cũng như thợ vải dẫn đến sự khai tử của những xưởng thủ công truyền thống. Nhận thức được hiện trạng này cùng với mong muốn khai thác tiềm năng của chất liệu nội địa, không ít những NTK trẻ bắt đầu chuyển hướng, tập trung khai thác nguồn vải vóc sẵn có như lụa tơ tằm, lãnh mỹ A… Người xưa thường bảo, “Cái khó ló cái khôn.” Đối với ngành may mặc cũng vậy, hạn chế về chất liệu, thô sơ về kỹ thuật lại chính là cái nôi cho óc sáng tạo và tài năng của mỗi cá nhân có dịp phát triển, đơn cử như việc xử lý bề mặt vải và chất liệu của mỗi NTK và biến nó thành thế mạnh của thương hiệu mà họ gầy dựng.

02

NTK Quang Nhật thử nghiệm công đoạn nhuộm vải cho chất liệu của mình

Theo Hoàng Tú, “NTK nào đầu tư càng nhiều cho chất liệu và kỹ thuật may thì giá thành của sản phẩm họ làm ra sẽ càng cao.” Nếu so sánh giữa một chiếc áo được sản xuất hoàn toàn bằng nguyên vật liệu trong nước so với một sản phẩm đến từ thương hiệu may sẵn có xuất xứ từ nước ngoài, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chọn thiết kế may sẵn từ nước ngoài vì cái tên thương hiệu cũng như giá thành mềm hơn. Do đó, công cuộc tìm được chỗ đứng trong thị trường thời trang của các tên tuổi Việt diễn ra cam go hơn bao giờ hết khi các thương hiệu high-street vốn đã có tiếng trên thế giới đổ bộ vào Việt Nam. Cũng chính vì tính cạnh tranh cao, các NTK lại càng cần phải cẩn trọng hơn, khó tính hơn trong việc tìm kiếm, lựa chọn chất liệu thiết kế.

Chất liệu và tác động đối với môi trường

Tại những đất nước phát triển với nền công nghiệp thời trang trở thành một trong những ngành hàng chủ chốt, không ít người tiêu dùng đặt mối quan tâm của họ về vấn đề môi trường và cách thức các thương hiệu đảm bảo tính bền vững đối với nguồn tài nguyên.

Trong Hội thảo “Một hệ thống thời trang bền vững hơn: Liệu sự phân rã kỹ thuật số có tạo ra những thay đổi tích cực?” diễn ra trong khuôn khổ Hong Kong Centrestage 2016 tại Hong Kong, các chuyên gia thuộc lĩnh vực thời trang đã đưa vấn đề về tính bền vững trong quá trình sản xuất sản phẩm may mặc ra mổ xẻ.

Theo đó, người tiêu dùng ngày nay đã bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn về tác động đối với môi trường của việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên để đưa vào sản xuất chất liệu, vải vóc. Với sự bùng nổ của thông tin kỹ thuật số và công nghệ, họ lại càng có thêm nhiều công cụ tìm hiểu và phân tích mọi dữ liệu có được để tìm câu trả lời. Sự quan tâm của thế hệ người tiêu dùng trẻ dành cho môi trường đã tạo ra những áp lực nhất định đối với các thương hiệu và NTK, đòi hỏi họ phải đầu tư nhiều hơn, đặt cái tâm của mình nhiều hơn vào các thiết kế và quá trình tạo ra các thiết kế đó.

Bà Lan Vy Nguyễn – nhà sáng lập thương hiệu Fashion 4 Freedom từng chia sẻ, để tạo ra những đôi guốc đế mộc có thiết kế cầu kỳ, thương hiệu của bà đã tận dụng nguồn nguyên liệu gỗ trong nước, nguồn nhân công trong nước trong khi vẫn cố gắng đảm bảo tính bền vững đối với môi trường dù gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, thương hiệu là chuỗi cung ứng đầu tiên trên thế giới đề cao tính nhân văn, minh bạch và luôn đặt lợi ích về môi trường lên hàng đầu. Thương hiệu của bà liên kết với các đối tác cũng như các làng nghề thủ công để tạo ra một chu trình sản xuất khép kín.

03

Mặt khác, “Những lợi ích nhất định mà chúng tôi có được từ nhà cung cấp nguyên liệu nội địa phải kể đến việc giảm thiểu quá trình vận chuyển và nhập khẩu tại hải quan, từ đó có thể dẫn đến việc hạn chế vấn đề khí nhà kính và nóng lên toàn cầu. Nếu có thể, chúng tôi muốn tận dụng nguồn nguyên liệu tại Việt Nam cho toàn bộ các thiết kế của mình nhưng để tìm được đúng loại chất liệu mà chúng tôi muốn là cả một thử thách”, Thomas chia sẻ.

Đó là ở phía NTK và thương hiệu, còn người tiêu dùng Việt thì sao? Bao nhiêu người trong số chúng ta thực sự quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ và những tác động của việc khai thác nguồn nguyên liệu đối với môi trường sống? Câu hỏi này dường như vẫn chưa có lời đáp. Những tín hiệu và hành vi tiêu dùng của người Việt cho thấy, chung ta hầu hết chỉ chú ý đến kiểu dáng, giá thành, tên thương hiệu và mục đích mua sắm món hàng đó hơn là những vấn đề sâu xa khác. Vì thế, một nền công nghiệp thời trang hoàn chỉnh không thể thành hình nếu ngành công nghiệp dệt may và sản xuát vải không được quan tâm đầu tư đúng mực. Muốn có những điều đó, không chỉ NTK hay thương hiệu mà cá nhân người tiêu dùng cần phải hiểu rõ giá trị cốt lõi của một thiết kế mà ở đó, chất liệu là yếu tố chủ chốt.

Sản phẩm của sự sáng tạo, tầm nhìn và định hướng thiết kế

Athena – theo cách mà Thomas Grové đặt tên cho dự án thiết kế và sản xuất loại áo khoác dành riêng cho người lái xe máy – cùng với những sản phẩm của Séfu Fashion, được thiết kế theo dạng định hướng mục tiêu. Nói đơn giản, đó là cách thức các nhà sáng tạo quan sát và nghiên cứu thực tế, đặt ra những mục tiêu và tạo nên những sản phẩm giải quyết những vấn đề, thỏa mãn những mục tiêu đó.

Với Athena, sản phẩm đòi hỏi một loại chất liệu kỹ thuật đặc biệt với độ co giãn, độ dày và thông thoáng nhất định. Nhắm vào thị trường Việt và cả quốc tế, yêu cầu đặt ra cho chiếc áo khoác là: không chỉ bảo vệ người mặc, phải phù hợp với khí hậu nóng, ẩm ở Tp. HCM nhưng đồng thời lại phù hợp với khí hậu lạnh, khô ở nước ngoài. Mặt khác, Thomas còn muốn Athena sở hữu đường nét thiết kế gợi cảm, cá tính để người mặc luôn trông thật hợp mốt. Chính vì những đòi hỏi gắt gao như thế, việc tìm kiếm đúng loại chất liệu để đưa vào sản xuất của Séfu Fashion là cả một thử thách lớn.

edi_nvcc_material_sefu_dsc04804

Công đoạn cắt rập cho sản phẩm áo khoác Athena của Séfu Fashion

Để bắt tay vào thực hiện một chiếc áo khoác hội đủ các yếu tố: bảo vệ khỏi chấn thương, tác động của nhiệt và ánh nắng mặt trời mà vẫn hợp mốt, Thomas và cộng sự đã phải dành rất nhiều thời gian nghiên cứu hướng chuyển động của không khí, khoanh vùng cơ thể cần được tập trung bảo vệ cũng như kiểu dáng nào trông sẽ đẹp mắt khi lên thành phẩm. Cho đến khi phiên bản cuối cùng của chiếc áo khoác được chính thức hoàn thiện, quá trình thực hiện chứng kiến rất nhiều sự chỉnh sửa và thay đổi từ công đoạn cắt rập, chất liệu đưa vào sử dụng cũng như các chi tiết của thiết kế.

04

Mẫu áo khoác Athena phiên bản v6 của Séfu Fashion

Harper’s Bazaar (HB): Được biết sau dự án Athena, anh sẽ tiếp tục phát triển dòng sản phẩm áo hoodies và trang phục denim. Anh có cho rằng việc tìm kiếm chất liệu cho những sản phẩm mới này ở Việt Nam sẽ dễ dàng hơn?

Thomas Grové (TG): Chúng tôi đã tìm thấy một xưởng sản xuất ở Bình Dương. Họ có rất nhiều chất liệu khá hay ho mà chúng tôi cho rằng có thể sử dụng để sản xuất hoodies. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tìm hiểu xem họ có sản xuất ở số lượng nhỏ không. Những lợi ích nhất định mà chúng tôi có được từ nhà cung cấp nguyên liệu nội địa phải kể đến việc giảm thiểu quá trình vận chuyển và nhập khẩu tại hải quan, từ đó có thể dẫn đến việc hạn chế vấn đề khí nhà kính và nóng lên toàn cầu. Nếu có thể, chúng tôi muốn tận dụng nguồn nguyên liệu tại Việt Nam cho toàn bộ các thiết kế của mình nhưng để tìm được đúng loại chất liệu mà chúng tôi muốn là cả một thử thách.

Còn về denim, chúng ta đều biết rõ trang phục jeans có mặt khắp nơi trên thế giới. Nếu Séfu Fashion không thể tạo ra điều khác biệt, thì chẳng có lợi ích gì khi thực hiện dự án này. Do đó, tôi tin rằng chúng tôi sẽ phải nhập khẩu loại denim mà chúng tôi cần để tạo ra điều khác biệt. Tuy vậy, bất cứ xưởng sản xuất nào ở Việt Nam có thể làm ra loại vải mà chúng tôi tìm kiếm, tôi sẵn sàng hợp tác với họ.

sefu-fabric-samples

HB: Theo anh, người tiêu dùng chú trọng yếu tố nào khi mua sản phẩm?

TG: Giá thành, sự thoải mái và cả kiểu dáng.. Tôi cho rằng khi món hàng có giá cao hơn một chút so với số tiền mà khách hàng thường chi trả cho quần áo, lúc đó độ bền, độ tin cậy và uy tín của thương hiệu sẽ được đưa ra suy xét.

HB: Càng ngày người tiêu dùng càng đòi hỏi sản phẩm phải có giá thành rẻ hơn nhưng chất lượng hơn và bền hơn. Anh nghĩ như thế nào về điều đó? Chiến lược phát triển của anh ra sao để đáp ứng nhu cầu của họ?

TG: Tất cả chúng ta đều muốn sở hữu những món đồ có chất lượng tốt mà giá cả phải chăng. Mặt khác lại còn phải thân thiện với môi trường và được sản xuất minh bạch. Nhưng đó chẳng phải là khá thiếu thực tế sao? Hầu hết các loại trang phục có trên thị trường đều chỉ hợp mốt đúng một mùa. Người tiêu dùng chỉ mặc chúng vài lần rồi gạt qua một bên, như thế thì rõ ràng là không bền rồi. Với chúng tôi, tôi muốn tạo ra một sản phẩm tốt gấp đôi, hoàn thiện đủ để cho người mua mặc chúng đến tận 5 năm sau mà vẫn không hề lỗi mốt, đồng thời vẫn mang lại cho người sở hữu cái họ cần. Như thế mới là bền vững.

HB: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ này.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm