Châu Á trỗi dậy

Trong vài năm ngắn ngủi, châu Á từ một vùng trũng đã vươn mình trở thành đế chế uy quyền trong làng thời trang thế giới

Những năm gần đây, thời trang thế giới đã chứng kiến cuộc soán ngôi ngoạn mục của châu Á. Khi bối cảnh thời trang bắt đầu ảm đạm tại lục địa già và xứ hợp chủng quốc do khủng hoảng kinh tế thế giới, thì châu Á lại trở thành mảnh đất màu mỡ và là nguồn cảm hứng thời trang vô tận cho các ông lớn. “Bạn phải có những gương mặt là hiện thân của khách hàng”, Ivan Bart, Giám đốc công ty người mẫu IMG Models nói về lý do người mẫu châu Á đang ngày càng được “trọng dụng”.

CUỘC “XÂM LĂNG” CỦA SIÊU MẪU CHÂU Á

Trong thời gian dài, ấn tượng của thế giới về các người mẫu châu Á chỉ là chiều cao khiêm tốn, khả năng ngoại ngữ hạn chế, thì sự xuất hiện của Du Juan đã mở màn cho kỷ nguyên mới: thời của siêu mẫu châu Á trên trường quốc tế.

Du Juan là hoa hậu Trung Quốc năm 2003 vốn “đắt hàng” chụp ảnh tạp chí thời trang. Với chiều cao 1,8m, đôi mắt sắc, bờ môi mọng đậm nét châu Á, tên tuổi cô nhanh chóng vượt ra khỏi quê nhà. Đến năm 2006, Du Juan chính thức sải bước trên sàn catwalk quốc tế trong show diễn của các ông lớn như Chanel, Valentino, Roberto Cavalli… Không chỉ vậy, cô còn là gương mặt đại diện đắt giá của nhà Louis Vuitton, Roberto Cavalli, Yves Saint Laurent.

2012 Victoria's Secret Fashion Show - Runway

Siêu mẫu Trung Quốc Liu Wen trong show diễn Victoria’s Secret 2012. Ảnh: Getty Images.

Lần đầu đặt chân lên sàn diễn thế giới tại Tuần lễ Thời trang Paris 2008, chỉ sau 2 năm, Liu Wen đã gặt hái không ít thành công. Năm 2010, Liu Wen là người mẫu châu Á đầu tiên ký hợp đồng với ông trùm mỹ phẩm Estée Lauder. Hay trong năm 2011 và 2012 vừa qua, cô và Sui He cũng là gương mặt châu Á đầu tiên xuất hiện trong show diễn Victoria’s Secret. Hàng loạt hợp đồng đại diện cho Calvin Klein, D&G, Marni for H&M cũng kịp đưa Liu Wen lên hàng thứ 5 trong top 50 siêu mẫu hàng đầu thế giới.

Sau Liu Wen, Sui He, Fei Fei Sun, Ming Xi và Tao Okamoto cũng đang có những bước tiến tương tự trong làng mốt thế giới. Họ nghiễm nhiên trở thành siêu mẫu quốc tế. Trong Tuần lễ thời trang Thu – Đông 2012 tại bốn kinh đô thời trang Paris, Milan, London, New York, các siêu mẫu trên xuất hiện tại hầu hết các show thời trang. Chiều cao vượt trội, khả năng hóa thân kỳ diệu nhưng không mất đi đường nét Á đông kỳ bí là lý do để các siêu mẫu châu Á ngày càng có vị thế trong làng thời trang thế giới.

 SỰ TRỖI DẬY CỦA CẢM HỨNG Á ĐÔNG

A model presents a creation by Belgian designer Dries Van Noten as part of hisFall/Winter 2012-2013 women's ready-to-wear fashion show during Paris fashion week

Mẫu thiết kế lấp cảm hứng Nhật Bản của Dries Van Noten. Ảnh: Reuters

Khi thị trường châu Âu, Bắc Mỹ bắt đầu bão hòa do chính sách chi tiêu “thắt lưng buộc bụng”, thì châu Á lại nổi lên như một ốc đảo xinh đẹp giữa sa mạc thời trang. Bắt đầu từ những chiếc thắt lưng obi lấy cảm hứng từ trang phục kimono Nhật Bản trong bộ sưu tập Gucci Xuân – Hè 2011, đến nay, cảm hứng Á Đông đang dần trở thành một xu hướng quen thuộc.

Đó là những chiếc áo khoác, hoa tai, mũ lấy cảm hứng từ trang phục nhà Thanh của Jason Wu Đông 2012. Là họa tiết hoa anh đào, hoa cúc hay chất liệu gấm thêu mang tên brocade của Prada, Proenza Schouler, Zac Posen, Dries van Noten. Đó là những trang phục huyền bí theo tinh thần “Nghìn lẻ một đêm” của thương hiệu Marchesa Xuân – Hè 2013.

EDI_GOO_marchesa-spring-2013NYFW

Các mẫu thiết kế lấy cảm hứng “Nghìn lẻ một đêm” của Marchesa Xuân 2013

Tờ Vogue Pháp khẳng định chắc nịch rằng, sau màn chào hỏi ấn tượng vào năm 2011 của Gucci, Á Đông sẽ tiếp tục là một xu hướng thời trang mà các nhà thiết kế không nên và không thể bỏ qua cho các mùa mốt tiếp theo.

KHI CÁC NHÀ THIẾT KẾ CHÂU Á LÊN TIẾNG

Barack Obama đã làm nên lịch sử khi là người da màu đầu tiên trở thành ứng viên tổng thống Mỹ vào năm 2008. Tuy nhiên, ở địa hạt thời trang, bộ váy đỏ sậm in hoa bà Michelle Obama diện trong đêm trọng đại ấy mới là điều đáng nói. Thakoon Panichgul, nhà thiết kế làm nên chiếc váy đặc biệt của Đệ nhất phu nhân Mỹ, sinh ra tại Thái Lan, nhanh chóng được làng thời trang biết đến chỉ sau một đêm.

Tiếp bước Thakoon, Prabal Gurung đang là tên tuổi mới gây được không ít tiếng vang. Là nhà thiết kế mang nguồn gốc hoàng tộc Nepal, Prabal Gurung luôn giữ trong mình những giá trị văn hóa Á Đông và mang chúng vào từng thiết kế. Chính thức ra mắt tại tuần lễ thời trang New York 2009, đến nay, danh sách khách hàng thân thiết của Prabal Gurung là những tên tuổi hàng đầu như Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, bà trùm truyền thông Oprah Winfey, nữ ca sĩ Lady Gaga, diễn viên Zoe Saldana.

Jennifer-Lawrence-in-a-Gold-Prabal-Gurung-Gown-For-The-Hunger-Games-Premiere

Jennifer Lawrence (phải) trong mẫu thiết kế của Prabal Gurung

Hay mới 2 tháng trước, nhà thiết kế Alexander Wang cũng trở thành tâm điểm khi đảm nhiệm chức giám đốc sáng tạo của nhà mốt Balenciaga. Trước đó, vào năm 2011, Alexander Wang cũng đã được nhà mốt Christian Dior “ngắm nghía” cho vị trí Giám đốc sáng tạo. Bước ra biển lớn trong Tuần lễ Thời trang New York 2007, đến nay, Alexander Wang đã bỏ túi không ít giải thưởng thời trang danh giá: từ giải thưởng quỹ thời trang Vogue của hội đồng nhà tạo mẫu Mỹ (CFDA) năm 2008 đến giải Swarovski cho hạng mục thiết kế trang phục nữ năm 2009.

Nhưng Alexander Wang, Prabal Gurung hay Thakoon Panichgul đều là thế hệ nhà thiết kế gốc Á thứ 2 trong thời trang thế giới. Trước đó là hàng loạt những tên tuổi gầy dựng không ít thành công và đóng góp to lớn cho làng thời trang như Anna Sui, Vera Wang, Jimmy Choo, Peter Som…

Từ các siêu mẫu đến nhà thiết kế và những xu hướng… tất cả đều đang tiến từng bước để dựng xây một đế chế Á Đông huy hoàng và vững chắc trong vương quốc thời trang thế giới.

Xem thêm