Peel da sinh học là gì? Liệu pháp này giống/khác với tẩy tế bào chết hóa học ra sao?
Thực chất, nếu bạn sử dụng chất tẩy tế bào chết hóa học, bạn đang thực hiện một loại peel da sinh học nhẹ tại nhà.
Kiểu peel này mất khá lâu để cho thấy kết quả – từ 1 đến 6 tháng, tùy cách áp dụng đúng sai, hay cường độ sản phẩm.
Trong khi đó, nhiều người khi nhắc đến liệu pháp peel da sinh học thì nghĩ ngay đến việc đi đến viện thẩm mỹ, để được sử dụng liệu pháp mạnh, cho thấy kết quả sau chỉ một lần áp dụng.
Lý do peel da sinh học cấp độ mạnh có hiệu quả nhanh, vì nó sử dụng axít mạnh hơn các loại chất tẩy tế bào chết hóa học. Thông thường, các sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học có độ pH từ khoảng 3.2 đến 3.9. Còn peel hóa học thì sử dụng sản phẩm có tính axít mạnh hơn, độ pH thấp hơn ở khoảng 1.9 – 2.0.
Khi nào nên sử dụng peel da?
Những người muốn peel da thường muốn cải thiện gấp rút một số vấn đề lớn ở da.
Có thể bạn là một người mẫu hay diễn viên, nhưng da mặt bỗng bị sần sùi, mà tuần sau bạn phải đi chụp hình gấp. Bạn không thể chờ 6 tháng để loại chất tẩy tế bào chết hóa học chứa AHA thông thường có hiệu nghiệm.
Hoặc, bạn đã lâu không có thời gian chăm sóc da mặt mình, nên muốn giải quyết triệt để một số vấn đề về da như lỗ chân lông to, mụn ẩn, da không đều màu, xỉn màu.
Nhìn chung, peel da sinh học, còn có thể gọi nôm na là thay da sinh học có nhiều công dụng như:
- Tẩy tế bào chết sâu trong nang lông
- Điều trị các chứng về sắc tố da
- Giúp tái tạo và tái tạo da
- Điều trị mụn ẩn
- Cải thiện nếp nhăn và sẹo mụn
- Cải thiện độ sáng cho da
- Tăng cường sự hấp thụ tinh chất dưỡng da
>>> Xem thêm: MẤT BAO LÂU ĐỂ CÁC NGUYÊN LIỆU DƯỠNG DA TRONG MỸ PHẨM CÓ HIỆU QUẢ?
Các cấp độ tẩy da chết hóa học
Tương tự như tẩy tế bào chết hóa học, một loại dung dịch sẽ được áp dụng lên bề mặt da. Nó sẽ thấm vào bên trong bề mặt da để bắt đầu kích thích làn da tái sinh. Sau một thời gian nhất định, bạn phải rửa dung dịch này đi. Thời gian ở lại da trên da càng lâu, dung dịch càng ngấm sâu vào trong da và càng có cấp độ peel cao.
Cấp độ nhẹ
Tẩy da chết hóa học cấp độ nhẹ không mất thời gian cho da nghỉ dưỡng và phục hồi nhiều. Các hoạt chất được sử dụng trong các sản phẩm peel da cấp độ nhẹ ít thâm nhập và tác động lên da, dễ dàng điều trị các vấn đề về kết cấu bề mặt da.
Một số axít được sử dụng là axít mandelic (AHA), axít lactic (AHA) và axít salicylic (BHA).
Cấp độ vừa
Nhắm đến các tế bào da bị tổn thương và giải quyết các vấn đề như sẹo, đường rãnh và nếp nhăn, nám, đồi mồi, các sản phẩm thay da sinh học cấp độ trung bình còn được sử dụng trong việc điều trị tăng trưởng da tiền ung thư.
Một số hoạt chất được sử dụng là axít glycolic (AHA), Jessner’s Peel và axít trichloroacetic (TCA).
Cấp độ cao
Đúng như tên gọi, các sản phẩm tẩy da chết hóa học cấp độ cao thâm nhập vào sâu trong da, đào thải các tế bào da bị tổn thương, sẹo từ trung bình đến nặng, nếp nhăn sâu và cải thiện sắc tố da.
Peel da sinh học cấp độ cao thường sử dụng hợp chất TCA và phenol có tỷ lệ phần trăm cao.
Tuy nhiên, trị liệu peel da cấp độ cao không có lựa chọn thực hiện tại nhà. Lý do vì liệu pháp này khá mạnh nên gây tổn thương da nhiều. Kể cả khi bạn peel da tại viện thẩm mỹ, nên chọn những cơ sở có uy tín, để tránh những tình trạng không mong muốn – ví dụ như đổi màu da, nhiễm trùng, để lại sẹo. Tệ nhất là nguy cơ bị bỏng da hóa học.
Một số các thành phần thường được sử dụng trong các liệu pháp peel da sinh học
Về thành phần, có rất nhiều sản phẩm cho bạn chọn lựa. Dưới đây là một số thành phần peel da sinh học phổ biến.
Enzyme peel: Cấp độ nhẹ
Đây là thành phần peel da nhẹ nhất với dẫn xuất từ trái cây. Thành phần này đặc biệt phù hợp với những người có làn da nhạy cảm hoặc làn da quá yếu không thể sử dụng axít.
Enzyme peel cũng có khả năng loại bỏ tế bào da chết. Nhưng nó không ảnh hưởng đến tế bào da còn khỏe mạnh như axít alpha hydroxy (AHA) và axít beta hydroxy (BHA). Vì vậy, nó không gây mẩn đỏ, ngứa, đau rát…như các loại tẩy tế bào chết thông thường. Làn da của bạn cũng sẽ không trở nên quá nhạy cảm dưới ánh nắng mặt trời – dù bạn vẫn cần tích cực chống nắng.
Tuy nhiên, enzyme peel không có khả năng thấm sâu vào da như các axít. Vì vậy nó không hiệu quả bằng trong việc đánh bật mụn ẩn.
Axit mandelic
Chiết xuất từ táo, axít mandelic cải thiện kết cấu, các rãnh và nếp nhăn. Loại AHA này có phân tử to hơn axít glycolic, nên không gây kích ứng da da bằng. Axít mandelic sẽ hoạt động trên da hiệu quả hơn khi được kết hợp với axít salicylic.
Axit lactic
Chiết xuất từ sữa, axit lactic là thành phần peel da sinh học nhẹ nhàng và an toàn. Nó giúp da mịn hơn, cải thiện độ sáng, làm mờ các nếp nhăn nhẹ và hiệu quả trong việc điều trị chứng tăng sắc tố ở da. Ngoài ra, axít lactic còn giúp da giữ ẩm.
Axít salicylic (BHA)
Đây là thành phần tốt nhất để điều trị mụn trứng cá, mụn bọc, mụn bị viêm và sưng đỏ. Axít salicylic hòa tan trong dầu, có nghĩa là nó đặc biệt phù hợp với làn da thiên dầu. Nó có thể thẩm thấu vào các kẽ hở của lỗ chân lông để đánh tan mọi bụi bẩn, da chết và dầu thừa gây tắc nghẽn lỗ chân lông một cách hiệu quả.
Ngoài việc điều trị mụn trứng cá, axít salicylic còn rất tốt để điều trị:
- Chứng photodamage
- Tăng sắc tố
- Nám da
- Tàn nhang
- Mụn cóc hoặc da chết tích tụ
- Malassezia (viêm nang lông)
Axít glycolic
Axít glycolic (AHA) được phân loại vào thành phần peel da sinh học cấp độ vừa. Bạn cũng sẽ nhận ra đây là thành phần thường gặp trong các loại sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học thông thường. Axít glycolic làm tăng sinh sản xuất collagen, điều chỉnh kết cấu da, cải thiện độ sáng, giảm thiểu sự hình thành nếp nhăn; và còn có thể sử dụng để điều trị sẹo do mụn.
Jessner’s Peel
Đây là hợp chất được tạo từ ba thành phần: axít salicylic, axít lactic và resorcinol. Đây là hợp chất cân bằng dùng để điều trị chứng tăng sắc tố ở da, da dầu mụn. Jesner’s Peel cần được thấm vào da từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ để có tác dụng. Nếu bạn có làn da khô hoặc nhạy cảm, hãy cân nhắc khi sử dụng.
Tuy nhiên, các bác sỹ da liễu khuyến cáo chỉ nên sử dụng Jessner’s Peel tại viện thẩm mỹ chứ đừng tự tiện áp dụng tại nhà. Vì một biến chứng của Jessner’s Peel là xuất hiện đốm nâu, khi làn da yếu ớt sau trị liệu bị tiếp xúc với tia UV và bị thương tổn nặng.
TCA (Axit Trichloroacetic)
TCA là hoạt chất peel da sinh học có cường độ mạnh nhất trong số các thành phần đã liệt kê ở trên. Bạn nên hết sức cẩn trọng khi sử dụng TCA. Hợp chất này phù hợp để điều trị làn da bị tổn thương bởi ánh nắng mắt trời, chứng tăng sắc tố, nếp nhăn, vết rạn da và sẹo mụn.
Tuy nhiên, vì tác động mạnh lên da nên TCA khiến làn da mất một thời gian dài để hồi phục hậu trị liệu.
Lưu ý gì khi peel da tại nhà?
Thực chất, thị trường mỹ phẩm OTC (over-the-counter, tức mỹ phẩm có thể mua mà không cần chỉ định bác sỹ) đã có nhiều sản phẩm để bạn tự peel da tại nhà. Hầu hết chúng đều là peel thuộc cấp độ peel nhẹ hoặc vừa.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng bạn nên sử dụng tùy tiện hằng ngày. Hãy theo sát hướng dẫn trên bao bì về thời gian áp dụng sản phẩm trên da hay tần suất áp dụng trong tuần.
Tốt nhất, bạn nên tham khảo lời khuyên của bác sỹ da liễu trước khi áp dụng. Bắt đầu với sản phẩm peel da sinh học có nồng độ thấp, và nếu muốn tăng liều lượng, nên có sự chỉ định của bác sỹ.
Với bất kỳ sản phẩm peel da sinh học nào, bạn hãy kiểm tra lên vùng da trong cổ tay hoặc cánh tay trong và xem có phản ứng tiêu cực nào xảy ra không. Kết hợp peel da sinh học vào chu trình dưỡng da của bạn một cách chậm rãi và quan sát.
Cuối cùng, khi peel da tại nhà, bạn cần tăng cường cấp ẩm cho da và chống nắng để tránh các tác dụng phụ như bị nổi đốm nâu.
Ai nên tránh peel da?
- Những người đang mang thai. Phụ nữ mang thai được khuyên nên tránh tiếp xúc với axít salicylic (BHA). Sự thay đổi hormone trong cơ thể các bà bầu cũng có thể ảnh hưởng đến tính năng của peel hóa học trên da.
- Người bị dị ứng với axít. Những ai bị dị ứng với aspirin thông thường cũng sẽ dị ứng với axít salicylic. Resorcinol trong Jessner’s Peel cũng có thể gây dị ứng.
- Nếu bạn từng dùng thuốc điều trị mụn chứa isotretinoin trong vòng 6 tháng qua, bạn cũng nên tránh peel da.
- Những người có cơ địa sẹo lồi
>>> Xem thêm: TRỊ MỤN BẰNG ASPIRIN: BÁC SỸ DA LIỄU NÓI GÌ?
Chăm sóc da hậu peel da sinh học
Trong ít nhất 24 giờ tới sau khi peel da sinh học, hãy bảo đảm bạn không sử dụng các thành phần có hoạt tính sau:
- Tretinoins (Retin-A) theo toa hoặc các loại retinol
- AHAs
- BHA
- Vitamin C với axít ascorbicc
- Serum có độ pH thấp
- Retinoids
- Bất kỳ sản phẩm tẩy da chết hóa học nào khác
Sau khi hoàn thành quá trình peel da tại nhà, bạn nên thay đổi thói quen dưỡng da. Tăng cường dưỡng ẩm bằng sản phẩm chứa Axit Hyaluronic vào ban ngày và ban đêm để làn da được cấp ẩm và làm dịu. Đặc biệt, bạn nên chống nắng thật kỹ khi ra đường. Bạn cũng đừng quên sử dụng kem dưỡng ẩm giúp tăng cường và củng cố hàng rào bảo vệ da. Hãy kiếm những thành phần như Ceramides, Peptide hoặc vitamin F để giúp da mau phục hồi.
>>> Xem thêm: SỰ THẬT VỀ VIỆC CHỐNG LÃO HÓA BẰNG MỸ PHẨM CHỨA PEPTIDE
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam