Hầu hết chúng ta đều biết bức xạ của tia cực tím (tia UV) tỏa ra từ mặt trời gây hại cho da. Tia UV là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng stress oxy hóa. Tổn thương da bởi tia UV điển hình là cháy nắng. Nhưng về lâu dài, tổn thương oxy hóa do tia UV gây ra có thể dẫn đến tình trạng lão hóa sớm như nếp nhăn, vết chân chim và chứng tăng sắc tố. Tệ hơn nữa là tình trạng ung thư da. Các vấn đề này đều xuất phát từ chỉ số UV có trong không khí.
Vậy chỉ số UV là gì và nó có ảnh hưởng cụ thể thế nào lên sức khỏe làn da?
Chỉ số UV là gì?
Chỉ số UV là số đo bức xạ UV hiện hữu trên bề mặt trái đất. Dựa vào chỉ số UV, bạn có thể biết được mức độ bức xạ cao hay thấp và mức độ ảnh hưởng đến làn da thế nào. Cường độ tiếp xúc với tia cực tím có thể thay đổi theo vị trí địa lý, mùa và thời tiết.
Cách đọc chỉ số UV và mức độ nguy hiểm cho da
Bây giờ thì bạn đã biết chỉ số UV là gì. Vậy cách đọc chỉ số này ra sao?
Chỉ số UV được thu thập từ Global Solar UV Index, nằm trong khoảng từ 1 đến 11+. Con số này dự đoán mức độ tiếp xúc với tia UV với làn da.
Bạn có thể theo dõi chỉ số UV thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Chỉ số UV ở mức 1 là con số thấp nhất. 11+ là chỉ số bức xạ UV ở mức rất cao, có thể gây cháy nắng.
Chỉ số UV dao động trong ngày, đạt đỉnh điểm vào buổi trưa và giảm dần khi vào chiều. Một cách khác để theo dõi mức xạ mặt trời là nhìn vào bóng của bạn. Nếu bóng của bạn ngắn đi, có nghĩa là bức xạ UV đang ở mức cao.
Thấp (1-2): Da khi tiếp xúc với chỉ số UV từ 1-2 ít có nguy cơ cháy nắng, ngay cả đối với những làn da nhạy cảm.
Trung bình (3-5): Bạn nên có biện pháp chống nắng đúng cách vào khung giờ có chỉ số UV từ 3-5. Dù là con số ở mức trung bình nhưng vẫn có tác động trực tiếp lên da.
Cao (6-7): Thời điểm da dễ cháy nắng nếu tiếp xúc quá lâu ngoài trời mà không có bất kì biện pháp chống nắng thích hợp.
Rất cao (8-10): Tình trạng cháy nắng rất dễ xảy ra.
Cực cao (11+): Da có thể cháy nắng chỉ trong vài phút dưới ánh nắng mặt trời. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng hết sức có thể. Chỉ số UV 11+ là rất nguy hiểm không chỉ với làn da mà còn ảnh hưởng đến võng mạc.
Lưu ý: Các bề mặt như cát, tuyết hay bất kì bề mặt phản sáng nào đều hấp thu gấp đôi lượng bức xạ mặt trời.
Vì sao cần quan tâm đến chỉ số này?
Bức xạ của tia cực tím là nguyên nhân gây ra tình trạng cháy nắng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu kéo dài tình trạng tiếp xúc quá nhiều với tia UV, da sẽ nhanh lão hóa, thậm chí gây ung thư. Chỉ số UV càng cao, nguy cơ cháy nắng, sạm da và ung thư da càng cao. Các loại ung thư da bạn có thể mắc phải như ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư tế bào hắc tố.
Những người có làn da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hạn chế tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian chỉ số UV ở đỉnh điểm (10 giờ sáng đến 2 giờ chiều).
Bảo vệ da thế nào khi chỉ số UV đang ở mức nguy hiểm?
Những ai có làn da yếu, nhạy cảm nên chống nắng thật kỹ khi ra đường. Ngoài ra, bạn nên:
- Tránh các hoạt động ngoài trời từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 50+, chống được 4 phổ tia
- Thoa lại kem chống nắng sau 2 giờ khi khi tiếp liên tục với ánh nắng mặt trời và tham gia các hoạt động dưới nước, đổ mồ hôi nhiều
- Mặc quần áo, áo khoác có tính năng chống tia UV
- Đeo kính râm và đội mũ rộng vành để bảo vệ mắt và tóc
- Uống thuốc chống nắng để bảo vệ da, tăng cường khả năng chống nắng nội sinh cho cơ thể
- Hạn chế ra ngoài khi không cần thiết
Chống nắng, chống nắng và chống nắng!
Chống nắng thường xuyên và đúng cách sẽ giảm thiểu tình trạng cháy nắng đáng kể. Trong những ngày mưa, trời đầy mây hay gió mạnh, điều đó không có nghĩa rằng chỉ số UV sẽ giảm. Tia UV vẫn hiện hữu trong những ngày mưa gió. Kem chống nắng là vật bất ly thân cho mọi chị em, mọi lúc mọi nơi!
>>> Xem thêm: QUẦN ÁO CHỐNG TIA UV LÀ GÌ VÀ BẠN ĐÃ CÓ CHO TỦ ĐỒ MÙA HÈ?
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam