Mọi chuyện bắt đầu khi trang Screendaily.com đăng tải trường hợp một số vị khách mời nữ bị từ chối cho vào buổi chiếu ra mắt phim Carol của ngôi sao Cate Blanchett, vì họ đang mang giày bệt (flat) thay vì giày cao gót.
“Vụ án” này đã gây làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội Twitter. Rất nhiều ý kiến phản đối cho rằng không có luật lệ hay quy định nào bắt buộc phụ nữ phải mang giày cao gót đến sự kiện. Một số ý kiến còn cho rằng đó là hành vi vô lý và không tôn trọng bình đẳng giới. Nếu lỡ như ai đó vì lý do sức khỏe không thể mang giày cao gót, chẳng lẽ họ không được tham dự những sự kiện đòi hỏi tính trang trọng?
Nữ diễn viên Emily Blunt, ngôi sao của phim Sicario được công chiếu tại Cannes vừa qua, cũng công khai chỉ trích chuyện này. “Thành thật mà nói mọi người không nên mang giày cao gót mà nên mang giày bệt. Việc cấm giày bệt thật đáng thất vọng, nhất là khi chúng ta tưởng rằng đã có những bước tiến mới trong bình đẳng giới”, nữ diễn viên phát biểu, dù khi đến dự buổi ra mắt cô mang giày cao gót, nhưng sau đó đã thay một đôi flat trong buổi after-party.
Giám đốc Liên hoan phim Cannes – Thierry Fremaux đã bác bỏ tin này và cho rằng đó là chuyện vô căn cứ. Ông đăng trên Twitter rằng: “Luật lệ để bước lên những bậc thang ở Cannes chưa bao giờ thay đổi: không hút thuốc và ăn vận trang trọng”.
Vậy thế nào là ăn vận trang trọng (formal)? Có phải chỉ có giày cao gót mới được xem là trang trọng? Ngôi sao phim Fast & Furious, Michelle Rodriguez kể rằng năm đầu tiên tham dự Liên hoan phim Cannes, cô từng bị từ chối cho vào thảm đỏ vì đang mang giày bốt.
Trong khi các nhà mốt đang lăng xê các thể loại giày đế bằng, đế thấp, đế thô trên sàn diễn, thậm chí các ông lớn như Chanel, Dior còn đưa cả sneaker hay slipper phối cùng đầm couture hoặc suit sang trọng, thì scandal ở Cannes cho thấy trên thực tế, vẫn có những quy định bất thành văn bám theo phán xét mặc định lâu nay rằng giày cao gót mới thể hiện sự sang trọng.
Quả thật, không thể phủ nhận giày cao gót giúp phụ nữ tự tin hơn khi có thêm vài phân dưới gót chân, đặc biệt là với phụ nữ Châu Á vốn đa phần có vóc dáng nhỏ nhắn. Mang giày cao gót buộc bạn phải đứng thẳng lưng, di chuyển yểu điệu hơn, từ đó tạo nên điệu bộ và cử chỉ khác hẳn. Không ít phụ nữ còn thừa nhận rằng mang giày cao gót khiến họ cảm thấy bản thân gợi cảm hơn, quyền lực hơn. Bộ đầm dạ hội sẽ đẹp và tôn dáng hơn với một đôi giày cao gót.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa mang giày flat là xuề xòa, là kém sang. Có rất nhiều phụ nữ không cảm thấy vững chãi trên đôi giày cao gót. Cảm giác khó khăn khi di chuyển và nơm nớp lo sợ bị vấp ngã sẽ không bao giờ đem đến tự tin cho họ. Ngược lại, một đôi giày bít mũi kiểu ballet hay loafer giúp họ an tâm sải bước và thể hiện bản thân khi đôi chân đã thật sự thoải mái. Rõ ràng tâm lý sẽ ảnh hưởng đến phong thái. Do đó, dù cao gót hay đế bằng, điều quan trọng là chọn một đôi giày mà bạn cảm thấy thật sự thoải mái và giúp bạn tự tin nhất.
Ngoài ra, đó còn phải là đôi giày phù hợp. Điều này đòi hỏi phải có một tư duy thẩm mỹ nhất định về thời trang, biết cách phối trang phục phù hợp với phụ kiện, tổng thể phù hợp với hoàn cảnh. Năm ngoái, chân dài Karlie Kloss từng thản nhiên sải bước trên thảm đỏ Cannes với đôi giày sandal đế thấp, vì nó phù hợp với tinh thần của thiết kế đầm ren mang hơi hướng “thần thoại Hy Lạp” thuộc bộ sưu tập Xuân Hè 2014 RTW của Valentino. Cho nên, tính trang trọng không chỉ phụ thuộc vào mỗi đôi giày. Nói như Diane von Furstenberg, “phong thái mới là điều quan trọng nhất”.
Tổng hợp