CRUNCH VÀ SIT UP, BÀI TẬP NÀO HIỆU QUẢ HƠN ĐỂ CHO BẠN CƠ BỤNG PHẲNG LÌ?

Cùng Harper's Bazaar tìm hiểu sự khác biệt giữa hai bài tập cơ bụng Sit Up và Crunch

Hạn chế đi lại trong mùa dịch là cái cớ hoàn hảo để bạn nằm dài trên giường. Tuy nhiên, bạn sẽ sớm nhận ra sự “thuận tiện” này sẽ mang đến những hậu quả nhãn tiền. Mà dễ thấy nhất là cơ thể chảy xệ, tinh thần uể oải và vòng eo bắt đầu phì nhiêu.

Trước tình cảnh này, nhiều chị em ngay lập tức tìm đến các bài tập cơ bụng. Được yêu thích nhất là Sit Up và Crunch. Hai bài tập này tuy giống mà khác nhau ở nhiều điểm. Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu sự khác biệt giữa Sit Up và Crunch, cũng như bài tập nào phù hợp cho nhu cầu của bạn.

Sit Up: Tập toàn cơ thể

Bạn có thể nghĩ rằng Sit Up là bài tập cơ bụng, nhưng thực chất nó vận động cùng lúc nhiều nhóm cơ như cơ ngực, hông, lưng và cổ.

Lợi ích: Tăng cường sức mạnh của vùng lõi (core) của cơ thể. Cải thiện sự dẻo dai của các cơ vùng này. Do Sit Up tăng cường sức mạnh cơ lưng, nó giúp bạn cải thiện dáng đứng, ngồi, và hạn chế đau lưng.

Bất lợi: Do không tập chuyên vùng bụng nên Sit Up không có tính ảnh hưởng cao trong việc mang lại cơ bụng 6 múi cho bạn!

Lưu ý: Vì đặc thù của bài vận động này, những người có vấn đề về lưng và cổ không được khuyên tập. Nếu muốn tập, bạn hãy tham vấn ý kiến từ bác sỹ chuyên khoa. Bác sỹ có thể cho bạn gợi ý tư thế tập khác.

Để tập Sit Up đúng, bạn phải ngồi dậy hẳn. Ảnh: GIPHY

Bước 1: Nằm xuống sàn. Hai chân gập 90 độ. Hai tay đặt ngang tai, hoặc đan chéo sau đầu, hoặc khép trước ngực.

Bước 2: Nâng đầu và ngực lên cao, đến khi đạt tư thế ngồi thẳng trên sàn. Thở ra. Giữ tư thế và siết cơ bụng trong vòng một giây.

Bước 3: Hít vào và từ từ ngả ra sau.

Crunch: Tập chuyên cơ bụng

Thoạt nhiên, Crunch và Sit Up trông khá giống nhau. Tuy nhiên hai bài tập này có sự khác biệt khá rõ rệt. Đối với Crunch, chỉ có cơ bụng và cơ hông tham gia vận động. Còn Sit Up cần vận động cả cơ thắt lưng, cơ hông và chân. Chính vì vậy, Crunch sẽ tập trung vào cơ bụng hơn.

Lợi ích: Đơn giản và hiệu quả cao.

Bất lợi: Chỉ tập riêng cơ bụng nên không tốt cho cả sống lưng, hông và chân.

Lưu ý: Đối với người mới tập, nếu chân không tự giữ cố định tốt, bạn có thể nhờ người khác giữ chân để quen dần. Bạn cũng có thể dùng máy tập. Tuy nhiên, khi nhờ người khác giữ chân hay tập máy, chân của bạn bị cố định ở một điểm, giảm hiệu quả vận động của cơ bụng.

Một biến tấu của Crunch để tập thêm cả cơ chân. Ảnh: GIPHY

Bước 1: Nằm thẳng trên sàn. Hai chân gập 90 độ. Hai tay đặt ngang tai.

Bước 2: Từ từ nâng đầu, cổ và ngực lên khỏi sàn. Không nhấc cả lưng lên. Thở ra. Siết cơ bụng một giây ở tư thế này.

Bước 3: Trở lại vị trí nằm ngửa. Thở ra.

Bước 4: Lặp lại động tác. Lưu ý, không dùng hai tay để kéo đầu lên. Chọn một tốc độ phù hợp với cơ thể để tiếp tục động tác. Đối với người mới tập, gập người từ 10 đến 15 lần. Lặp lại 2 đến 3 lần nhóm động tác trên.

>>> Xem thêm: NHỮNG LỢI ÍCH BẤT NGỜ TỪ VIỆC ĐỨNG THẲNG LƯNG

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm