In Bruges là tên bộ phim tôi đã xem say sưa trên kênh HBO gần đây. Trong phim, hai sát thủ sau khi thanh toán đối thủ đã nhận lệnh của ông trùm đi tạm lánh ở Bruges. Một trong hai sát thủ đã ngớ ra: “Bruges là cái xứ khỉ ho cò gáy nào thế?”. Nổi tiếng bởi những công trình kiến trúc cổ bằng đá sa thạch được xây từ thế kỉ XII, Bruges là thành phố lớn nhất và là thủ phủ của tỉnh Tây Flanders, vương quốc Bỉ. Người ta thường ví von Bruges là Venice của phương Bắc nhờ hệ thống kênh rạch tập trung ở vùng phía Bắc của thành phố. Không chỉ thế, khu trung tâm thành phố của Bruges đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2000. Đó là những thông tin tôi và nhóm bạn thu thập được khi quyết định đi Bruges vào một ngày đầu mùa đông.
Mở đầu của một cuộc dạo chơi lý thú
Đón tàu từ ga Bruxelles-Midi, sau một giờ tàu chạy, chúng tôi đã đặt chân lên nhà ga trung tâm của Bruges. Sau khi cân nhắc chút ít về các khả năng di chuyển, do hành lý mang theo cũng khá gọn gàng, chúng tôi quyết định đi bộ về khách sạn để có thể khám phá ngay thành phố. Nếu không muốn đi bộ hoặc phí tiền cho taxi, bạn chỉ có lựa chọn duy nhất là xe buýt. Hãy chọn bất cứ xe nào có chữ centrum trên lộ trình, bạn sẽ được đưa vào trung tâm thật nhanh chóng. Tại khách sạn, cô nhân viên lễ tân đưa ra cho chúng tôi một vài lựa chọn khám phá thành phố. Đầu tiên, chúng tôi có thể kết hợp đi bộ và ngồi thuyền lả lướt trên các dòng kênh. Giá cho mỗi chuyến đi thuyền 30 phút là 7 euro (khoảng 193.000 đồng). Khách du lịch cũng có thể chọn cách thong dong đạp xe để có thể dễ dàng đi sâu vào những con hẻm nhỏ, lắt léo. Giá thuê một chiếc xe khoảng 15 euro (khoảng 415 đồng) một ngày. Tuy nhiên, nếu bạn có vóc dáng nhỏ bé, sẽ rất khó để tìm một chiếc xe đạp phù hợp.
Rong ruổi trên xe ngựa qua các ngả đường Bruges kể ra cũng khá thú vị. Thế nhưng, do hai thành viên trong đoàn dị ứng với lông của loài vật này, chúng tôi đành phải loại nó ngay từ đầu. Cuối cùng là khám phá Bruges bằng khinh khí cầu. Theo lời cô nhân viên, đây là một lựa chọn xa xỉ nhưng đáng đồng tiền bát gạo. Từ trên cao, bạn có thể thả hồn mình vào từng ngóc ngách của thành phố nên thơ này. Từ các ngôi nhà lợp ngói đỏ, tháp chuông đậm phong cách gothic đến những con đường nhỏ, đan xen chằng chịt.
Để chuyến đi thật đúng với ý nghĩa “khám phá”, cả nhóm nhất trí sẽ đi bộ đến bến thuyền. Đoạn kênh ngay bến vàng rực sắc màu của hoa cúc khiến cả nhóm phải trầm trồ thích thú. Con thuyền nhỏ đưa chúng tôi len lỏi qua những dòng kênh, xuyên qua những điểm tham quan nổi tiếng của thành phố Bruges. Mùa này cây đã rụng hết lá, tạo cho khung cảnh hai bên bờ kênh một nét buồn trầm mặc. Chúng tôi không khỏi liên tưởng đến cảm giác ngồi trên thuyền vào mùa thu khi những chiếc lá xanh, lá vàng chen nhau trong nắng, rọi xuống sóng sánh cả một vùng sông nước êm đềm. Cách này có phần giống với đi thuyền gondola ở Venice. Tuy nhiên, thuyền ở Bruges thường là những chiếc ca-nô nhỏ màu trắng. Đặc biệt, không có những anh chàng ăn mặc bảnh bao vừa chèo thuyền vừa hát phục vụ. Người lái thuyền cũng là hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho du khách những nơi thuyền đi qua bằng tiếng Anh khá chuẩn. Có lẽ nổi bật trong những công trình cổ là hình khối kiến trúc hiện đại màu đỏ của nhà hát giao hưởng và vũ kịch thành phố.
Khi chúng tôi lên bờ, trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Ánh đèn vàng hòa quyện vào lớp sương mù mỏng đang đổ xuống càng làm cho những con phố nhỏ quanh co thêm nét mờ ảo quyến rũ.
Thành phố của quá khứ
Ngày hôm sau, chúng tôi quyết định dành cả ngày cho việc khám phá những công trình kiến trúc tiêu biểu của Bruges. Địa điểm đầu tiên là tháp chuông, tâm điểm thu hút sự chú ý của hầu như tất cả du khách ở quảng trường.
Trong lúc chờ đến lượt mua vé, chúng tôi mắt tròn mắt dẹt khi thấy từng dòng người đang xếp hàng rồng rắn dưới chân tháp chuông chỉ để mua khoai tây chiên. Món khoai này ở Bruges thường ăn kèm với nhiều loại nước sốt khác nhau như sốt cà chua nấm, andalouse, stoofvleessaus… Vị của chúng khá lạ miệng nên một khi đã đến Bruges, du khách nào cũng muốn thử qua món ăn chơi hấp dẫn này. Để lên đến đỉnh tháp, chúng tôi phải phải đi qua 366 bậc cầu thang đá quanh co, một quãng đường không mấy nhẹ nhàng. Nhưng bao mệt mỏi dường như tan biến khi chúng tôi đặt chân đến đỉnh. Thả mình trong ánh nắng ban mai rực rỡ, đón những cơn gió nhè nhẹ phả vào mặt tôi im lặng ngắm nhìn toàn cảnh trải dài của thành phố xa tít tắp.
Rời khỏi tháp chuông, theo dự tính, chúng tôi sẽ ghé thăm quảng trường Market gần đó và mua vài món quà lưu niệm. Nhưng vì thời gian không cho phép nên cả nhóm phải lập tức đi đến Viện bảo tàng Groeninge, thiên về nghệ thuật vùng Flemish. Nơi đây trưng bày các tác phẩm trong nhiều thời kỳ khác nhau, từ phục hưng, Baroque đến cổ điển. Hầu hết đều được sáng tác từ thế kỷ thứ XV cho đến thế kỷ thứ XIX.
Tôi để ý thấy có nhiều tác phẩm về chủ đề quái vật và ma quỷ, cho thấy vùng đất này chịu ảnh hưởng khá lớn từ văn hóa các nước Bắc Âu. Tại đây, cuối cùng tôi cũng đã có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng những kiệt tác của họa sỹ Jan Van Eyck. Ông yêu quý vùng đất hiền hòa này đến mức đã sống gần cả đời ở đây để vẽ tranh. Rời khỏi viện bảo tàng, cả nhóm đi loanh quanh để kiếm vài món nạp năng lượng. Ai cũng muốn dành bụng cho bữa tối nên chúng tôi quyết định chỉ ăn nhẹ.
Đi xuyên qua các con hẻm khá hẹp bên trong lòng Bruges, tôi thử đưa tay ra là đã có thể chạm vào lớp tường gạch đỏ nhấp nhô, sần sùi của những ngôi nhà cao ngất hai bên hẻm. Nhìn từ bên ngoài, bạn sẽ khó biết cửa hàng có hoạt động không vì lúc nào cửa cũng đóng kín im lìm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, bạn cứ nên mạnh dạn tự động mở cửa bước vào. Thế là, sau một hồi cân đo đong đếm, chúng tôi dừng chân trước một tiệm bán bánh crepe. Phía trên cao cửa tiệm là tấm bảng gỗ đen với những chữ viết màu trắng tinh khá cầu kỳ. Tôi chọn cho mình một chiếc bánh crepe với bơ và mứt táo. Độ mềm dẻo của bột mì, vị béo bùi của bơ, vị chua ngọt dễ chịu của mứt táo làm tôi tỉnh hẳn cơn buồn ngủ đang manh nha trỗi dậy.
Nạp năng lượng xong, nghe lời Tuấn, một thành viên trong đoàn, chúng tôi đi bộ đến tu viện Beguinage, một di sản UNESCO của Bruges. Nhìn từ xa, nữ tu viện cổ kính này trông như một khu quần thể kiến trúc trắng muốt được bao bọc bởi nhiều tán cây to mát, thân thẳng đứng, xen kẽ với vô vàn khóm hoa đủ màu sắc.
Một giờ đi dạo, nghỉ ngơi ở tu viện rộng lớn và tịch mịch như tiếp thêm nguồn năng lượng cho chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến nhà thờ Đức Bà. Từ xa đã thấy thấp thoáng bóng dáng ngọn tháp chuông cao nhất thành phố (122,3m). Không gian tĩnh lặng nhà thờ với những tác phẩm nghệ thuật đẹp đến ngỡ ngàng. Nổi bật nhất là bức tượng Madonna and child nguyên bản của nhà điêu khắc Michelangelo được các thương gia Bruges đưa về đây từ năm 1506 và bục giảng bằng gỗ chạm trổ rất tinh xảo.
Bruges và những điều giản dị
Hôm sau nữa, từ sáng sớm, chúng tôi thuê xe đạp ở trước cửa khách sạn để đến quảng trường Market. Nơi này thuộc khu vực cấm đậu xe nên cả nhóm đành gửi ở ngoài và đi bộ vào bên lòng quảng trường. Ở trung tâm của quảng trường, sừng sững bức tượng hai vị anh hùng dân tộc Jan Breydel và Pieter de Coninck. Đây là hai nhà lãnh đạo nổi tiếng của Bỉ đã tham gia vào cuộc nổi dậy lịch sử năm 1302 của vùng đất Flemish, một trong ba vùng chính của Bỉ, nhằm chống lại sự chiếm đóng của người Pháp.
Sau khi chọn một số vật dụng ưng ý cho buổi cắm trại buổi chiều, thấy vẫn còn dư dả thời gian, chúng tôi bèn ghé qua Choco-Story, viện bảo tàng sô-cô-la nổi tiếng nhất tại Bruges. Tại đây, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu tường tận về sô-cô-la, từ các loại hạt ca cao, dụng cụ thực hiện đến lịch sử thú vị của món ăn ngọt ngào này.
Nếu đặt chỗ trước, bạn còn có thể tham gia lớp thực hiện sô-cô-la do đầu bếp của Choco-Story hướng dẫn. Có lẽ buổi thuyết trình trong viện bảo tàng sô-cô-la quá hấp dẫn nên không hiểu sao vừa bước ra ngoài, chúng tôi như hóa thành những đứa trẻ mê kẹo ngọt. Cứ vài mét đi bộ, cả nhóm lại dán mắt vào một cửa hàng sô-cô-la với đủ mùi vị và kiểu dáng, hít căng lồng ngực mùi hương thơm lừng và quyến rũ đó.
Gần trưa, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình đến vùng ngoại ô của thành phố. Đây là khu vực mới được tu bổ nhưng kiến trúc rất hài hòa với khu phố cổ. Thong thả đạp xe đến khi thấm mệt, chúng tôi dừng lại ở một bãi cỏ xanh mướt, nơi rất nhiều người đang ngồi sưởi nắng và chuẩn bị làm tiệc BBQ. Một nhóm bạn trẻ Bỉ nhiệt tình tiến đến mời chúng tôi tham gia tiệc nướng với họ. Buổi tiệc BBQ đơn giản chỉ có xúc xích và gà nướng vàng óng ánh. Có lẽ hương vị bia Bỉ khá nồng nên chỉ cần một ngụm bia Tripel Karmeliet mua từ quảng trường lúc sáng cũng đủ làm tôi lâng lâng.
Tàn tiệc, nhóm bạn mới quen nháy mắt: “Hãy đạp xe lên phía trước chừng 1km nữa sẽ có bất ngờ thú vị đấy!”. Quả thật, chỉ cần qua một khúc quanh, chúng tôi đã nhận ra điều bất ngờ đó: một loạt cối xay gió màu đỏ được dựng dọc theo bờ kênh. Các cánh quạt khổng lồ vươn cao trên bầu trời xanh ngắt không một gợn mây, bên dưới là thảm cỏ đầy những hoa cúc dại màu vàng rực rỡ tạo ra một khung cảnh thanh bình như trong truyện cổ tích.
Chiều tối, chúng tôi quay về khách sạn, chuẩn bị cho điểm đến tiếp theo, thành phố Antwerp. Thấy hơi nao lòng vì vẫn chưa khám phá hết những góc nhỏ dễ thương của Bruges và chưa đặt chân đến bình nguyên Flanders, nơi đã diễn ra những trận đánh quan trọng trong Thế chiến thứ hai. Tạm biệt Bruges, tạm biệt xứ sở thần tiên với những điều bình yên và giản dị.
CHỌN SÔ-CÔ-LA
Để chọn được loại sô-cô-la Bỉ thượng hạng, bạn cần chú ý những điều sau:
– Bề mặt của sô-cô-la phải mịn màng, bóng bẩy.
– Đặt sô-cô-la trên lưỡi, từ từ cảm nhận hương vị của nó. Nếu đó là sô-cô-la Bỉ thượng hạng, hương vị sẽ càng đậm đà và lưu lại lâu hơn theo thời gian.
– Vị đắng, đậm đà và ngọt ngào của một loại sô-cô-la ngon cần phải dung hòa, bổ trợ mà không lấn át lẫn nhau.
– Sô-cô-la chất lượng kém (thường do có vấn đề ở quá trình lên men) ăn vào có vị đắng giống như cao su hay thuốc lá.
Bài: Đỗ Lê, Abbey H. Ảnh: Shutterstock, Tư liệu
Bazaar Việt Nam