Khi Jasmin vừa tung những cảnh đầu tiên trong teaser vào tháng 12 vừa qua, bộ phim này đã gây ấn tượng mạnh tới giới yêu điện ảnh, cũng như cộng đồng LGBT tại Việt Nam.
Thuộc thể loại phim thể nghiệm đương đại, Jasmin của đạo diễn La Zung và ê-kíp của mình đã đem đến những cảm xúc khó tả về chủ đề bình đẳng giới. Là cảm thương hay bế tắc? Là chữa lành hay chìm sâu không lối thoát? Là tình yêu, cảm thông hay kỳ thị, dè bỉu?
Từ trước đến nay, chủ đề này luôn rất khó và gây nhiều tranh cãi của dư luận. Khen ít chê nhiều. Thế nhưng với chất liệu múa đương đại, gần như La Zung và ê-kíp đã có một tác phẩm đáng được ghi nhận, cả về nội dung lẫn hình thức. Harper’s Bazaar đã có một cuộc trò chuyện đầy cởi mở với La Zung về bộ phim cũng như quá trình thực hiện.
HARPER’S BAZAAR: Cơ duyên nào dẫn anh tới một đề tài rất nhạy cảm về giới tính như Jasmin? E rằng, người hiểu thì ít mà đem ra mổ xẻ thì nhiều?
ĐẠO DIỄN LA ZUNG: Thực ra, Jasmin không phải dự án của riêng cá nhân tôi. Ý tưởng gốc và tên dự án Jasmin đến từ Chi Nguyễn, biên đạo của dự án và có sự tham gia của giám đốc nghệ thuật Phương An.
Trước tới nay, tôi thích những thứ thuộc về đương đại và thể nghiệm, do đó khi nghe về bình đẳng giới, đã ngay lập tức đồng ý. Hơn nữa tôi cũng từng xem Chi biểu diễn và rất hâm mộ Chi. Điều này càng cho tôi có động lực vì biết sẽ được hợp tác với những vũ công đương đại rất giỏi.
Còn về chủ đề nhạy cảm này, theo tôi nghĩ con người vốn dĩ khác nhau về vốn sống và tư duy. Vậy có thể nói bất cứ vấn đề nào cũng có thể gây ra tranh luận chính bởi sự khác biệt đó. Chấp nhận sự thật đó nên tôi vốn dĩ không ngại tranh luận. Mọi sự tranh luận đều có khả năng tạo ra sự thúc đẩy và phát triển hơn cho vấn đề được đề cập tới ở tương lai, vậy tại sao người xem không được tranh luận? Hơn nữa, tôi không mong người xem sẽ hiểu, chỉ cần chạm được phần nào cảm xúc của người xem là vui rồi.
HARPER’S BAZAAR: Tại sao lại là Jasmin? Có phải bạn muốn ví từng cơ thể trong bộ phim này như những bông hoa nhài mỏng manh nhưng vô cùng mạnh mẽ?
ĐẠO DIỄN LA ZUNG: Ít ai biết hoa nhài vốn là 1 loài hoa lưỡng tính. Do đó, ê-kíp của tôi tin rằng hình ảnh loài hoa này cũng rất phù hợp để đại diện cho tinh thần bình đẳng giới. Tôi đã chọn cách kể cùng 1 câu chuyện qua 2 góc nhìn: người ngoài cuộc nhìn vào thấy gì và người trong cuộc cảm thấy gì, để người xem có thể cảm nhận nhiều thái cực và tiếp cận chủ đề đa chiều nhất có thể.
HARPER’S BAZAAR: Trong bộ phim này, dường như người ta thấy được sự đau khổ, sự bế tắc cũng như những nỗi niềm quá khắc khoải. Có hẳn cuộc sống của những người LGBT hiện tại là như thế? Anh tiếp cận họ như thế nào để có thể có được những kinh nghiệm sống như vậy, vì theo tôi được biết họ cũng không dễ mở lòng…
ĐẠO DIỄN LA ZUNG: Tôi tin bất kỳ 1 sự tươi đẹp nào cũng cần trải qua sự đau khổ tới cùng cực thì giá trị của sự tươi đẹp đó mới được ghi nhận bền vững. Xã hội khó có thể có được sự tự do nếu không trải qua những cuộc cách mạng vượt qua sự khốn khổ. Và những người thuộc cộng đồng LGBT mà mọi người thấy luôn có sự tích cực, mạnh mẽ, chắc hẳn cũng từng có những phút giây yếu đuối, hoang mang, vào những giây phút đầu tiên khi nhận ra mình không giống như số đông.
HARPER’S BAZAAR: Nhiều ý kiến cho rằng, bộ phim chỉ mới tiếp cận được những người trẻ, mà họ lại là những người dễ cảm thông với cộng đồng LGBT. Cái mà cộng đồng này muốn sự cảm thông theo Bazaar nghĩ là ông bà, cha mẹ và phần đông những người thế hệ trước. Thật sự dự án này có hiệu quả không?
ĐẠO DIỄN LA ZUNG: Ngay từ đầu khi biết đây là 1 dự án social project, tôi đã quyết định không làm cho đám đông. Bởi đám đông chưa trải qua, họ sẽ không hiểu. Một đứa trẻ nếu chưa thò tay vào ổ điện thì dù có nói giật điện đau lắm, nó cũng không hiểu được. Người lớn vốn dĩ cũng vậy thôi. Chúng ta cứ mơ mộng hão huyền khi làm được dự án để mọi người đều hiểu, mình thấy điều đó khá viển vông.
Là 1 người vốn quan tâm tới chủ đề tâm lý và cảm xúc của con người, tôi tập trung vào việc khai thác triệt để nội tâm của các bạn LGBT (thật ra chủ yếu cũng chỉ là những bạn bè thuộc cộng đồng LGBT xung quanh mình và vốn sống của mình thôi) chứ không phải những thông điệp truyền thông mạch lạc sáo rỗng. Bởi chỉ khi nội tâm của những người trong cuộc được bình yên, được chữa lành và họ tự tìm thấy định nghĩa bình đẳng trong họ, xã hội mới thấy và ghi nhận. Có thể khi tất cả chúng ta đều hài lòng với con người thật của ta, với những gì chúng ta đang có, và không đi tìm kiếm sự bình đẳng nữa, thì đó chính là lúc tất cả đều bình đẳng hết chăng?
Tôi hy vọng dự án sẽ là cho các bạn ấy thấy có những người đang nói lên tiếng nói của họ. Thứ duy nhất tôi muốn lan tỏa chính là sự yêu thương. Hãy yêu thương chính bản thân mình, để luôn mạnh mẽ và đẹp nhất như một bông hoa nhài.
HARPER’S BAZAAR: Lý do bạn chọn Tùng và Liêu Hà Trinh trong dự án lần này?
ĐẠO DIỄN LA ZUNG: Nhờ một video vu vơ của mess., composer đầu tiên mình nghĩ tới cho dự án, tôi đã nảy ra ý tưởng kể câu chuyện dưới 2 góc nhìn. Trong đó là góc nhìn tối tăm với phần nhạc khá “dị” dark techno của Tùng và góc nhìn tươi sáng tương phản với những áng thơ của chị Liêu Hà Trinh. Tôi tin Tùng sẽ biến chất giọng vốn đẹp và ấm áp của chị Trinh trở nên trở nên sâu sắc và đay nghiến hơn.
Quả thật là vậy! Giọng đọc của Liêu Hà Trinh thể hiện được góc nhìn thờ ơ, hay dạy bảo, khuyên răn của xã hội để rồi kết thúc rất thơ và đẹp với giọng ca đầy tự sự của Tùng. Tôi nghĩ đó là sự kết hợp không thể hoàn hảo hơn.
HARPER’S BZAAR: Đây không phải là dự án mang tính thương mại, không thấy chiến lược truyền thông sau khi dự án này ra mắt, vậy điều ê-kip mong mỏi là gì? Khi ở thời điểm đại dịch, ai ai cũng đều nghĩ đến việc làm sao ra tiền, còn La Zung vẫn rất “nghệ thuật vị nghệ thuật”, có phải điều này cũng chứng minh cho chất nghệ sỹ của La Zung bấy lâu?
ĐẠO DIỄN LA ZUNG: Tất nhiên, chúng tôi như bao ê-kíp khác, cũng rất mong sản phẩm được lan tỏa tới nhiều người nhất có thể. Đặc biệt ở đây là các bạn thuộc cộng đồng LGBT, để các bạn biết rằng các bạn không đơn độc.
Để chứng minh cho chất nghệ sĩ thì cũng không hẳn, mặc dù là con người thì ai cũng muốn được ghi công, ghi nhận. Sự ghi nhận góp phần thúc đẩy sự nhiệt huyết và động lực làm nghề hơn.
Tuy nhiên, tôi không đặt nặng vấn đề đó lắm. Làm một sản phẩm để giải trí nhưng vụt qua thì không khó, làm 1 thứ để suy ngẫm mới khó. Tôi thích chọn con đường khó, thích được cảm nhận và chia sẻ những khoảng tối của con người, điều mà không mấy ai muốn làm. Nhưng nếu bạn bị ức chế và không được giải tỏa, khả năng phát tâm bệnh hoặc trở thành tội phạm sẽ khá cao. Như vậy không phải cũng là làm xã hội trở nên tươi đẹp hơn hay sao?
HARPER’S BAZAAR: Để kết thúc cuộc trò chuyện này, La Zung thấy hài lòng về tất cả những gì mình làm qua dự án này không? Điều bạn tiếc nuối hay có những dự định tiếp nối đề tài này trong thời gian tới?
ĐẠO DIỄN LA ZUNG: Jasmin là dự án làm tôi tự hào và thấy hạnh phúc nhất khi hoàn tất trong năm đại dịch khó khăn này. Còn được làm nghề, còn được bay bổng cùng những nghệ sĩ tài năng, được cống hiến tư duy nghệ thuật cho xã hội, đó là điều may mắn.
Nếu có điều nuối tiếc, thì tôi tiếc rằng đã quá tập trung làm việc, mà quên mất không cùng mọi người chụp lại tấm hình kỷ niệm chung và ôm mỗi người một cái. Tôi muốn gửi lời yêu thương này tới tất cả mọi người và anh chị em trong ê-kíp đã giúp tôi thực hiện một dự án không thể thành công hơn.
HARPER’S BAZAAR: Cảm ơn La Zung rất nhiều, mong sẽ được thấy các tác phẩm nghệ thuật mới của bạn trong thời gian tới.
TOP 40 PHIM ĐỒNG TÍNH NỮ, PHIM BÁCH HỢP HAY NHẤT MỌI THỜI ĐẠI
NGƯỜI MẪU LGBTQ+ OLIVIA PONTON: HÌNH MẪU GEN Z THÀNH CÔNG VÀ TỰ TIN
HOA HẬU KHÁNH VÂN TUNG BỘ ẢNH DRAG QUEEN DÀNH TẶNG CỘNG ĐỒNG LGBTQ+
Thực hiện: Ngọc Anh. Ảnh: Minh Hoang, Phuong Thanh Nguyen
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam